Nếu tình là dây oan, thì tu là cõi phúc. Nhưng phúc đâu chẳng thấy, chỉ thấy xứ mình đang ầm ĩ chuyện một số các vị tu sĩ buôn chùa, nhậu tiết canh lòng lợn, đi lại với gái mãi dâm, vuốt ve, nịnh bợ những người có chức quyền.
Chuyện không lạ. Đời Trần đã có vị sư nổi tiếng đạo hạnh là Thượng sĩ Thiền sư cũng ăn uống, sinh hoạt như người thường. Thấy vậy, có người hỏi: “Vì sao Đức Phật ăn chay, ngài lại ăn mặn?” Thiền sư trả lời: “Đức Phật là Đức Phật. Còn tôi là tôi.”
Có lẽ vị tu sĩ này chỉ muốn bày tỏ tinh thần độc lập, không a dua, lệ thuộc, bắt chước ai, và cũng không bị ràng buộc bởi những giáo điều. Còn những vị tu sĩ vừa nói trên ắt hẳn cũng chỉ là những người phàm tục như chúng ta, xem chuyện tu hành như một sinh kế, nhiều khi cũng là hàng giả, hàng nhái, hàng thiếu chất lượng v.v… cũng lại chuyện bình thường. Chuyện thời sự nói hoài có khi va chạm, gây hiểu lầm, nên thôi không nói nữa, xin nói chuyện văn chương vậy, nhưng vẫn là chuyện tu là cõi phúc (tình là dây oan).
Tôi nhớ một đoạn văn của Dostoevsky, trong tác phẩm “Anh em nhà Karamazov” như sau:
Trong tu viện, một chủng sinh trẻ tuổi nói với Viện trưởng: “Thưa cha tôn kính, con ở trong tu viện đã lâu, nhưng con chưa bao giờ được gặp Chúa…”
Viện trưởng trả lời: “Vậy con hãy trở về thế gian, sống như một người bình thường xem sao.”
Vâng lời bề trên, người chủng sinh hoàn tục. Anh sống như người bình thường, cũng yêu thương, cũng căm thù, cũng tranh đấu, cũng lấy vợ, có con, cũng vật vã mệt nhoài trong cát bụi…
Một thời gian sau, anh ta ghé về thăm tu viện xưa. Viện trưởng lại hỏi: “Thế nào, con đã gặp Chúa chưa?”
Anh ta trả lời rất hân hoan: “Thưa cha, con đã gặp Ngài!”
Ý nghĩa sâu thẳm của đoạn văn trên đã gợi hứng cho nhà văn Hermann Hess viết nên tác phẩm “Siddhartha”. Cuốn sách này được hai dịch giả Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch từ bản tiếng Anh, do Nhà xuất bản Lá Bối tại Sài Gòn phát hành lần đầu tiên năm 1965 với tựa là Câu Chuyện Dòng Sông, một thời nó là sách gối đầu giường cho tuổi trẻ miền Nam. Các dịch giả Phùng Khánh, Phùng Thăng cẩn trọng nói về sách này:
“Đọc Câu Chuyện Dòng Sông, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời đáng sống và chứa đựng muôn ngàn hương sắc tuyệt vời, mà chúng ta thường bỏ quên và đánh mất giữa đời sống thường nhật. Câu Chuyện Dòng Sông là câu chuyện của mỗi người trong chúng ta; đó cũng là hình ảnh muôn thuở của trần gian và của mộng đời bất tuyệt…
Câu Chuyện Dòng Sông trước hết là một tác phẩm văn học nghệ thuật, cho nên bất cứ một phân tích nào về phương diện tư tưởng đều mang ít nhiều tính chủ quan do người đọc tự gán cho nó. Bởi thế những ai phê phán sách này phỉ báng đạo Phật hay đề cao đạo Phật, đều không đúng chỗ.”
Câu Chuyện Dòng Sông có nhiều tình tiết ly kỳ, tôi chỉ có thể tóm tắt theo cách hiểu sơ sài của mình như thế này:
Siddhartha (trong bản dịch là Tất Đạt), là một chàng thanh niên con nhà quý tộc, nhưng không thỏa mãn với những vàng son lộng lẫy của đời thường, lúc nào cũng ray rứt, buồn chán, và thế là anh quyết định bỏ nhà đi mưu cầu giải thoát, đi tìm ý nghĩa của cuộc đời, cho dù cha mẹ hết sức ngăn cản, nhưng sau cùng họ cũng đành nói trong nước mắt: “Nếu con tìm thấy miền đất nào là nơi hạnh phúc đích thực của đời người, thì hãy quay về đón cha mẹ đến nơi ấy.”
Và thế là anh ra đi, gặp gỡ nhiều các bậc đạo sư, kể cả Đức Phật; anh tu theo đủ mọi cách, luyện được nhiều phép mầu. Có hôm ngồi bên bờ ruộng nhìn đàn cò bay, anh dùng phép hóa thân biến mình thành cò. Con cò cũng bay lả bay la, cũng lặn lội mò cua bắt ốc, cò già đi rồi chết, nhưng khi cò chết rồi anh ta lại thấy mình vẫn là mình ngồi bên bờ ruộng với nỗi buồn còn nguyên. Buồn rầu, anh lại tu theo lối đi lang thang khất thực. Anh đi suốt ngày mới có một người cho một miếng bánh. Chán nản, anh vứt miếng bánh cho con chó gặp giữa đường. Siddhartha quyết định “tự đi tìm chính mình” và nhập vào lại đời sống trần tục.
Theo chỉ dẫn của người dân, anh tìm đến nhà Kamala (Kiều Lan), một kỹ nữ xinh đẹp. Nhìn cái đầu trọc, tấm áo cà sa đầy bụi đường, và nghe anh ngớ ngẩn bày tỏ ý nguyện, Kiều Lan không nín cười được, nhưng thấy anh dễ mến, cô nói rằng để dạy cho anh nghệ thuật tình yêu, thì anh phải đi tìm một công việc làm và quay trở về với các món tặng phẩm. Cô gái nhã nhặn giải thích: “Anh tu hành nhiều năm không hiểu gì về chuyện đời. Đến với những loại người như tôi anh phải ăn mặc lịch sự, chải đầu bóng, xức nước hoa thơm lừng và trong túi phải có nhiều tiền, rất nhiều tiền…”
Anh ta nghĩ thầm, chuyện gì ta còn làm được, sá gì cái chuyện kiếm tiền lặt vặt. Thế rồi anh đến một hãng buôn lớn xin việc làm sau khi hẹn với Kiều Lan là sẽ quay trở lại.
Ông chủ hãng hỏi: “Anh có những khả năng gì?”
Anh đáp: “Tôi biết làm thơ, chờ đợi và nhịn đói.”
Ông chủ hãng: “Làm thơ thì quá tuyệt, chờ đợi là một đức tính. Nhưng còn nhịn đói?”
Anh lại đáp: “Đi khất thực, không ai cho gì thì phải nhịn đói chứ sao!”
Ông chủ hãng thấy gương mặt anh thông minh, nói năng ngộ nghĩnh nên nhận vào thử việc. Ngay trong ngày đầu tiên, anh ta đã chỉ cho ông chủ nhìn ra những điều không hợp lý trong cách tổ chức của hãng buôn và nhiều điều khác nữa. Chủ hãng nghe theo lời anh, ngay sau đó lợi nhuận của hãng tăng lên gấp nhiều lần, rồi xem anh như bạn thân thiết, và trả công cho rất hậu. Thời gian qua, anh đã trở nên giàu có với cái bụng phệ, tập tành ăn chơi cờ bạc, thưởng thức đủ món trong đời, không còn đâu dấu vết của một nhà tu hành gầy gò khổ hạnh với chiếc áo lấm bụi đường. Một ngày nọ, anh ta như sực tỉnh, vẫn thấy phiền não và mệt mỏi, vẫn thấy cuộc đời trống rỗng, không ý nghĩa, rồi nhìn lớp mỡ bụng của mình và mớ tiền bạc tích lũy được, anh ta đau đớn thầm nghĩ: mình lìa bỏ cha mẹ với bao khát vọng ngút trời chỉ để bây giờ trở thành một tay nhà giàu tầm thường thôi sao? Trong lúc tuyệt vọng, anh lại quyết định bỏ đi, rời xa đô hội, và chợt nhớ đến lời hẹn xưa với cô kỹ nữ. Anh bèn diện quần áo đẹp, chải đầu bóng, xức nước hoa, mang tiền bạc đi tìm Kiều Lan. Thoạt đầu, anh tưởng là chuyện đùa vui cho khuây khỏa, nhưng sau đó anh yêu cô thật lòng, rồi sống với nhau như vợ chồng, và có với nhau một đứa con. Anh yêu vợ con lắm và hiểu được rằng người ta vẫn hạnh phúc khi người ta biết thương yêu mà chẳng cần phải vất vả, long đong tìm kiếm. Đó là một trong những chủ đề quan trọng của cuốn sách: người ta có thể học và tích lũy kiến thức, nhưng sự giác ngộ lại đến từ sự trải nghiệm của bản thân.
Ngẫm lại chuyện đời của chính mình, khi còn trẻ, lòng còn hăng hái, tôi gần như bị bội thực với những cái “học” như Phật học, Thần học, Siêu hình học, Triết học v.v… Nhưng khi về già, tôi lại thấy mấy cái “học” ấy nên dành cho những bậc trí giả uyên bác thâm sâu; còn với kẻ phàm tục thường thường như mình thì các món ấy chỉ là chuyện hương hoa cho vui mà thôi, không ích lợi gì mấy cho cuộc truy tìm hạnh phúc thật sự của đời người.
Có hôm tôi nghe được một câu nói thú vị của vị giáo chủ Phật Giáo Tây Tạng: “Tôn giáo của chúng tôi không chùa chiền, kinh sách, triết lý gì, mà chỉ khuyên con người hãy sống tử tế.”
Hãy sống tử tế, nếu nói bằng tiếng Việt thì có bốn từ, nhưng nói bằng tiếng Anh thì chỉ có hai từ: Be kind.
NQT