Menu Close

Đệ nhất phu nhân

Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Nancy Reagan vừa qua đời ngày 6/3 tại Los Angeles, thọ 94 tuổi.

Không như vai trò mờ nhạt của các Hoàng hậu, của vợ những vị quan lại thời phong kiến xưa, các đệ nhất phu nhân thời nay đóng một vai trò tích cực trong các nhiệm kỳ tổng thống hoặc thời hạn cầm quyền của những vị có chức danh. Họ thường được báo chí đề cập hàng ngày, do đó, sơ lược về vai trò của họ cũng là điều nên tìm hiểu.

former first lady eleanor 01

Eleanor RooseveltNGUỒN PREZI.COM

Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ (The First Lady of the United States – FLOTUS) là tước vị không chính thức và theo truyền thống được dành cho bà vợ của tổng thống Mỹ khi tại chức. Nếu vị tổng thống không kết hôn, hoặc người vợ của ông không thể hoặc không muốn hành xử vai trò đệ nhất phu nhân, thì tổng thống thường yêu cầu một người trong số  thân thích hoặc bè bạn làm bà chủ Tòa Bạch cung.

Cách dùng thuật ngữ First Lady – để miêu tả người phối ngẫu hoặc bà chủ nhà của một nhân viên ngành hành pháp – có xuất xứ từ Hoa Kỳ. Trong những ngày đầu khi mới lập quốc, các vị tổng thống phu nhân thường được người ta chào hỏi là “Lady” (phu nhân), “Mrs. President” “Mrs. Presidentress” (bà Tổng thống).  Bà Martha Washington được kêu là “Lady Washington”, cả trước và sau khi chồng làm tổng thống. Thuật ngữ “First Lady” áp dụng cho bà chỉ xuất hiện trong một bài báo của tờ St. Johnsbury năm 1838.

Dolley Madison được  Tổng thống Zachary Taylor đề cập là “First Lady” năm 1849 tại tang lễ của bà. Mary Todd Lincoln và Lucy Webb Hayes được lần lượt xưng tụng là “the First Lady of the Land” trong những năm 1863 và 1877, rồi cách dùng này phổ biến tại Hoa Kỳ vào thập niên 1930. Sau đó cách sử dụng từ ngữ này từ Hoa Kỳ lan ra các nước khác.

Một số phụ nữ không phải là vợ của các tổng thống nhưng đã phục vụ trong vai trò Đệ nhất phu nhân: Martha Jefferson Randolph dưới trào TT Jefferson, Emily Donelson và Sarah Yorke Jackson dưới trào TT Jackson, Mary Elizabeth (Taylor) Bliss dưới thời TT Taylor, Mary Harrison McKee khi  Benjamin Harrison làm tổng thống và sau khi mẹ chết, Harriet Lane dưới thời TT Buchanan.

Các vị đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ hiện còn sống: Rosalynn Carter, Barbara Bush, Hillary Rodham Clinton, và Laura Bush.

Vợ của Phó TT Hoa Kỳ đôi khi được gọi là Second Lady of the United States (Đệ nhị phu nhân HK) nhưng chức danh này ít dùng.

Văn phòng Đệ nhất phu nhân

Đệ nhất phu nhân HK có Văn phòng riêng giúp thực thi các trách vụ làm chủ Tòa Bạch Ốc, đảm trách các sự kiện xã hội và nghi lễ. Văn phòng gồm có Trưởng phòng, thư ký báo chí, thư ký xã hội, trưởng ban cắm bông và trang trí…

Thời trang

Một số đệ nhất phu nhân được chú ý về phong thái ăn mặc. Jacqueline Kennedy chẳng hạn, đã trở thành thần tượng về thời trang toàn cầu. Cách ăn mặc thanh lịch của bà được các nhà sản xuất thời trang và nhiều phụ nữ trẻ bắt chước.

Đệ nhất phu nhân của Nhân Dân (the people’s First Lady)

Đó là danh hiệu dành cho Eleanor Roosevelt (1884-1962) phu nhân của Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Bà được coi là một trong những Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ họat động tích cực nhất, một phụ nữ có những thành tựu vĩ đại trong khả năng và quyền hạn của mình. Trong thời chồng bà làm tổng thống, bắt đầu từ những ngày đen tối của thời Đại suy thoái (1929-1939) và tiếp tục khi thế giới lần nữa có chiến tranh, bà không chỉ hoạt động như một người cố vấn, mà còn là tai là mắt của ông, là người chuyển dịch đây đó khi vì tình trạng thể lý ông không đi được.

Ngay từ đầu bà đã liên lạc thường xuyên với dân chúng Mỹ: Mở những cuộc họp báo hàng tuần dành cho các nữ ký giả (có tới 350 lần). Năm 1934 bà bắt đầu các chương trình truyền thanh, rất phổ biến đến nỗi bà được gọi là “the First Lady of Radio”. Từ 1936 bà viết một cột báo hàng ngày “My Day”, đăng trên các báo khắp cả nước. Những diễn đàn đó cho bà tiếng nói về cuộc sống Mỹ và cho người Mỹ hiểu rõ về vai trò của vị Đệ nhất phu nhân cũng như những mối quan tâm của bà.

Bà lập National Youth Administration giúp sinh viên học sinh hoàn thành chương trình học trước khi đi làm. Bà cũng chú tâm đến các nhóm thiểu số, với tuyên bố rằng quyền làm việc không có ranh giới về màu da.

Bà thường xuất hiện trước công chúng, đi diễn thuyết và tiếp xúc trực tiếp với người dân. Trong Thế chiến II bà đã đi một chuyến hành trình dài cả 23 ngàn mile đến thăm binh sĩ ngoài mặt trận và trong các bệnh viện.

Vị Đệ nhất phu nhân đáng yêu này đã tích cực ủng hộ chính nghĩa tự do và quan tâm đến các vấn đề nhân đạo, được coi là mẫu mực để noi theo cho các vị đệ nhất phu nhân sau này cũng như các nhà chính trị và hoạt động phái nữ.

PN