Nguyễn Thế Vinh trình diễn Guitar
Một cuối tuần chúng tôi đã có dịp gặp gỡ anh Nguyễn Thế Vinh từ Việt Nam sang tại tư gia anh Cang và chị Liên ở Wylie. Hai anh chị là bạn của Thế Vinh hồi còn ở Việt Nam. Đêm ấy ngoài việc biểu diễn guitar và kèn harmonica, người nhạc sĩ một tay độc đáo này cũng đã trình bày về Trung Tâm Hướng Dương dành cho trẻ em mồ côi và khuyết tật do anh sáng lập và điều hành từ năm 2010.
Ðây là lần thứ ba anh sang Mỹ lưu diễn để gây quỹ cho Trung Tâm. Chuyến đi này anh chơi cả thảy bốn show hai show bên Cali và hai show ở Texas (Houston, Austin). Tuy rằng Dallas không có show nào trong lịch trình lần này, nhưng anh đã bỏ thì giờ đáp xe đò từ Houston lên để gặp gỡ anh chị Cang Liên. Hôm sau tôi được hân hạnh lái xe đưa anh trở xuống Houston để kịp cho chương trình “Góp Lá Mùa Xuân” do một hội ái hữu ở Houston tổ chức. Trên đường đi tôi được nghe anh kể nhiều hơn về cuộc đời đầy gian truân của mình, cũng như về Trung Tâm Hướng Dương.
Show” Góp lá mùa xuân” tại Houston,TX
Cha anh mất tích trong một trận đánh ở Kontum vào mùa hè 1974, khi ấy ông là đại đội trưởng Đại Đội 1, Tiểu Đoàn 23, Sư Đoàn 2 Bộ Binh. Năm đó Thế Vinh mới lên bốn. Cho đến nay anh vẫn nuôi hy vọng tìm được hài cốt của cha mình.
Sau 30/4/75 mấy mẹ con anh cùng ông bà Ngoại và mấy cậu dì, cả thảy mười người, được nhà cầm quyền “yêu cầu” bỏ căn nhà ở Phan Thiết để đi kinh tế mới miệt Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận). Thế Vinh lớn lên tại đây. Giữa năm 77 Mẹ anh tự vẫn vì chịu không nổi áp lực của cuộc sống đầy những hằn thù nhỏ nhen đổ trút lên một gia đình “sĩ quan ngụy”, bà bỏ lại bốn anh chị em cho ông bà Ngoại nuôi. Thế Vinh trở thành mồ côi khi mới lên bảy. Để phụ giúp ông bà, anh vừa đi học vừa đi chăn bò.
Năm anh tám tuổi, trong khi đang ngồi trên lưng bò đột nhiên Thế Vinh bị con bò cột dây đi phía sau giật ngược làm anh té gãy tay. Nhà thì nghèo, lại không có phương tiện đi bác sĩ nên cánh tay của anh chỉ được đắp thuốc Nam. Nhưng vì cột quá chặt nên máu không chạy xuống được phần dưới cùi chỏ, làm cho khúc dưới cánh tay phải bị hoại tử, phải đem đi nhà thương Phan Thiết cách đó 65km chữa trị. Tại đây bác sĩ đã quyết định cưa luôn cánh tay phải của anh lên gần tới bả vai để tránh hoại tử lan truyền đi xa.
Bắt đầu năm lớp Tư cậu bé Thế Vinh, vừa mồ côi vừa khuyết tật, phải tập viết lại từ đầu bằng tay trái. Nhưng dù cho bị mất một tay, cậu vẫn tiếp tục phụ ông Ngoại làm rẫy. Năm lên lớp Bảy, Thế Vinh được giao công việc gánh nước và lương thực vào rẫy khoai mì cách nhà bảy cây số. Anh kể lại: “Bốn cây số là đường ruộng, ba cây là cát. Mình đi chân đất, mà cát thì nóng nên cứ phải tìm chỗ có cỏ mà bước lên cho khỏi phồng chân.” Gồng gánh như thế được hai năm thì ông Ngoại anh mất. Cả nhà bỏ làm rẫy và chuyển qua nghề… buôn lậu!
Gọi là buôn lậu nghe cho nó oai, nhưng thật ra vào cái thời ngăn sông cấm chợ đó thì hầu như ai ai cũng phải kiếm cách mua bán những nhu yếu phẩm bị nhà nước kiểm soát. Mới đầu người dì của Thế Vinh buôn phân bón dưới tỉnh đem về bán lại cho nhà nông. Có lần bà bị công an tịch thu bịch phân 25kg. Thế là sạch vốn, cả nhà đói meo. Thế Vinh học nghề buôn lậu từ đấy.
Lên lớp chín anh đổi qua buôn lậu mực khô. Cứ đến cuối tuần anh đi Phan Thiết tìm mua hai ba ký mực khô, bọc lại cẩn thận cho không bốc mùi xong quấn quanh người mang về nhà. Sau khi gói ghém thiệt kỹ, anh giấu mực trong mình rồi ra ga Sông Mao nhảy xe lửa vào Sài Gòn để bán (tất nhiên là đi lậu, không mua vé). Thời đó xe lửa chỉ đi đến ga Bình Triệu là hết. Tại đây anh lại phải trả tiền cho đám anh chị để được chui tường ra khỏi nhà ga mà không bị nhân viên kiểm soát phát hiện. Các chủ thương người Tàu trong Chợ Lớn đã mướn sẵn xích lô ở ga Bình Triệu để đón những người như Thế Vinh, đưa đến chợ Kim Biên để thu mua mực khô. Mùa nào không có mực thì anh đổi qua buôn lậu dầu thông. Cứ vậy mà sống qua hết mấy năm trung học. Anh cũng bắt đầu tự tập đánh đàn trong khoảng thời gian này.
Vì bị cụt tay nên anh không được thi vào trường Y Khoa hay Bách Khoa, mà chỉ được thi vào trường Kinh Tế. Cũng may đó là năm đầu tiên chế độ tuyển chọn vào đại học dựa theo lý lịch ở cấp tỉnh được bãi bỏ, nếu không có lẽ anh cũng chẳng được lên Sài Gòn để đi học. Trong thời gian làm sinh viên anh còn phải đi làm để nuôi mình và đứa em út đang học trung học. Anh đã làm đủ thứ nghề, kể cả vá xe đạp và giữ xe ban đêm.
Tuy mất năm năm mới học xong vì phải đi làm kiếm thêm, nhưng cuối cùng Thế Vinh cũng lấy được mảnh bằng cử nhân Kinh Tế vào năm 1993. Sau khi ra trường và đi làm cho một công ty xây dựng, anh cảm thấy không phù hợp nên bỏ về Bình Dương mở lớp dạy học tư. Từ đó Thế Vinh bắt đầu việc giúp đỡ những học sinh mồ côi và khuyết tật bằng cách trích tiền dạy học của mình ra để hỗ trợ các em. Ý tưởng thành lập một ngôi trường riêng cho trẻ em mồ côi thành hình từ đấy.
Trung Tâm Hướng Dương ở Bình Dương
Vào khoảng năm 2004, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tình cờ được xem Thế Vinh đàn. Ông bèn giới thiệu cho anh đi trình diễn tại các phòng trà ở Sài Gòn. Thế là ngoài việc dạy học anh kiêm thêm nghề chơi nhạc, và nhờ đó quen biết nhiều người và được họ ủng hộ. Một trong những người đó là ông Phi Phạm, một Việt kiều Mỹ làm giám đốc ngân hàng Deutschebank tại Việt Nam. Sau khi biết chuyện, ông Phi đã họp bàn với ban quản trị và đồng ý bảo trợ cho dự án trung tâm Hướng Dương. Ngoài ra, một số thân hữu cũng đã đóng góp khoảng 800 triệu trong thời gian xin giấy phép vào năm 2009. Thêm vào đó, một gia đình phụ huynh khác đã cho anh mượn miếng đất rộng một sào tại Bình Dương trong vòng 15 năm để làm trường. Thế là đến năm 2010 trung tâm Hướng Dương được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động với con số 24 học sinh cấp 3.
Trung tâm có cả thảy 28 phòng, kể cả phòng học và nội trú. Ngoài giờ đi học ở trường phổ thông, các em về lại trung tâm để luyện thêm các môn như Toán Lý Hoá để thi vào đại học. Ngoài ra, các em còn phải phụ giúp trồng rau, nuôi gà v.v. Toàn bộ các bàn tủ ghế giường trong trường đều do các em tự tay đóng lấy, và cũng các em phải lo công việc bảo trì mọi thứ cho trung tâm.
Hằng năm, đích thân Thế Vinh đi đến những vùng miền khác nhau trong nước để tuyển chọn học sinh. Đa số các em là mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc cả hai. Ngoài ra cũng có những em tuy vẫn còn cha mẹ nhưng đã bị bỏ rơi cho ông bà nuôi. Một số em bị khuyết tật như mù, què, v.v. Chính một tay Thế Vinh đã thiết kế những chiếc xe lăn cho các em, dùng các vật liệu cũ anh kiếm mua được ngoài chợ trời.
Hiện nay trung tâm đang bảo lãnh cho 101 em, trong số đó hơn 70 em hiện đang theo học đại học. Các em này được TTHD trợ giúp một số tiền để sống, phần còn lại các em phải đi làm để bù vào. Trong số sinh viên đó có hơn 25 du học sinh, đa số ở Nhật. Các em này ngoài việc đi học còn phải dậy sớm 1, 2 giờ sáng để đi bỏ báo kiếm thêm.
Theo lời anh kể thì chi phí cho mỗi học sinh/sinh viên tính trung bình chừng $1,000 một năm. Do đó ngân sách hàng năm phải có khoảng $100,000. Và để nuôi một em ăn học như vậy từ cấp 3 đến hết đại học mất khoảng bảy năm. Hiện giờ TTHD dự tính sẽ giữ con số học sinh ở mức 100 em trong vòng năm năm tới.
Tác giả và Nguyễn Thế Vinh
Năm năm vừa qua, nhờ sự trợ giúp của ngân hàng Deutschebank mà việc tài chánh không đến nỗi khó khăn. Nhưng từ năm tới trở đi TTHD sẽ không còn được Deutschebank bảo trợ nữa vì có thay đổi trong nhân sự của ngân hàng. Do đó Thế Vinh sẽ phải tìm thêm những nguồn tài trợ khác để bù đắp vào.
Anh cho biết mỗi năm anh bỏ ra khoảng hai tháng để chạy show ở nước ngoài, chủ yếu là Nhật, để gây quỹ cho trường. Một chuyến đi Nhật anh thường diễn khoảng 12 đến 15 chương trình ở nhiều thành phố khác nhau. Anh cũng từng trình diễn ở Đại Hàn, Pháp, Đức, Bỉ, Thuỵ Sĩ, và Hoa Kỳ. Chuyến đi Mỹ kỳ này cũng nhằm vào mục đích đó.
Một góc phòng thực tập vi tính
Trong tương lai, anh hy vọng sẽ tìm được sự hậu thuẫn dài lâu từ các cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Mỹ, Úc và Âu Châu. Quý đồng hương nào muốn biết thêm về Trung Tâm Hướng Dương có thể vào trang web của trung tâm tại địa chỉ
http://www.huongduong.edu.vn/
Riêng tại Dallas trong buổi tối tại tư gia của anh chị Cang Liên này, dù chỉ là một nhóm bạn bè nhỏ cũng đóng góp được gần $900. Mọi người trong buổi tiệc đã xúc động lẫn thán phục ý chí vượt lên khỏi số phận nghiệt ngã của anh; một tâm hồn cao cả trong một thân thể khiếm khuyết. Điều đó giải thích tại sao ngay từ khởi đầu, anh nhận được sự hỗ trợ to lớn của bạn bè và một Việt kiều Mỹ làm giám đốc ngân hàng Deutschebank để mở Trung tâm Hướng Dương giúp học sinh nghèo, khuyết tật.
Các em nữ sinh trước cổng trung tâm Hướng Dương
Ianbui – 2016.03