Giành độc lập từ tay người Anh năm 1971, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) mới bắt đầu giai đoạn tái thiết và phát triển đất nước của mình. Hưởng lợi trong vòng hơn ba thập niên tiếp theo nhờ giá dầu lửa thế giới tăng cao, Dubai và UAE thiết lập được một nền tảng vững vàng cho một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Dù vậy, với trữ lượng giới hạn và giá dầu đang tụt dốc trong những năm qua, giới lãnh đạo Dubai và UAE nói chung đã và đang có những chiến lược và kế sách hữu hiệu để tiếp tục giữ cho đất nước của mình vẫn là một trong những quốc gia Trung Đông tên tuổi và giàu mạnh như hiện nay.
Một công trình đang xây dựng
Kỳ 2
Dubai, tầm nhìn và chiến lược
Vợ chồng Phó Tổng Thống Joe Biden mở màn chuyến công du Trung Đông của mình bằng việc ghé thăm Dubai và thủ phủ Abu Dhabi của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (United Arab Emirates – UAE) một ngày sau khi tôi đến Dubai. Đọc báo chí Anh ngữ địa phương tại khách sạn, thấy hình ảnh giới lãnh đạo UAE đón tiếp vợ chồng Joe Biden trang trọng với những tít lớn, xiển dương mối giao hảo giữa UAE với Hoa Kỳ. Quả thật, giới lãnh đạo UAE quả đã có sự chọn lựa đúng đắn khi chọn Hoa Kỳ làm đồng minh ngay sau khi giành được độc lập và duy trì hơn 40 năm qua. Là một trong những đồng minh thân cận và tín cẩn của Hoa Kỳ tại Trung Đông, UAE duy trì và phát triển mối quan hệ với Hoa Kỳ từ chính trị, ngoại giao, quân sự, đầu tư, mậu dịch đến các vấn đề như y tế, giáo dục, du lịch và môi trường. UAE từng ủng hộ tài chánh và làm căn cứ tiếp liệu cho Hoa Kỳ trong cuộc chiến Vùng Vịnh, hợp tác các biện pháp chế tài với khủng bố rồi tham gia cuộc chiến chống ISIS hiện nay. Chính vì vậy, dù vẫn còn tuân thủ theo nhiều Hồi giáo luật nghiêm ngặt, với xu hướng thân Hoa Kỳ và phương Tây này, Dubai có vẻ phóng khoáng và Tây phương hóa hơn những gì tôi đọc và mường tượng trong đầu trước khi sang.
Dinh Tổng Thống Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất UAE
Cầm thông hành Mỹ và có con nhỏ, chúng tôi được ưu tiên chỉ vào một lối riêng không phải chờ đợi, so với những hàng dài đông nghịt khách đang sắp hàng khác. Để kẹo trên bệ cho khách, người nữ nhân viên quan thuế mang áo choàng và khăn trùm đầu đen không vồn vã cũng chẳng lạnh lùng, chỉ hỏi vỏn vẹn hai câu hỏi trước khi rà sổ thông hành qua máy. “Mấy người? Du lịch hả?”. Thủ tục chỉ vài phút. Nhanh gọn, không có bất cứ thứ khai báo hay kiểm tra gì khác. Sau chuyến bay dài giờ, chỉ việc nho nhỏ như vậy cũng đủ tạo thiện cảm cho du khách phương xa. Những hành xử của các nhân viên tại phi trường rất quan trọng trong việc tạo nên những ấn tượng tốt đầu tiên, nhất là muốn phát triển du lịch. Cả UAE chưa đến 10 triệu dân và riêng Dubai chưa đến 2 triệu mà trong năm qua Dubai đón hơn 14 triệu du khách, con số quả khá cao nếu tính theo tỉ lệ dân số. Dubai đặt tốc độ phát triển du lịch của mình vào khoảng 7-9 % mỗi năm và nhắm đến con số 20 triệu du khách vào năm 2020, tôi tin rằng họ đưa ra những dự báo trong tầm tay.
Khách sạn Atlantis tại đảo cọ nhân tạo
Đi theo đường hướng và định chế phương Tây nên UAE là một liên bang có tổng thống, thủ tướng, hội đồng bộ trưởng…, nhưng nếu xem UAE là một quốc gia quân chủ có lẽ đúng với thể chế chính trị của nó hơn. Dù không chính thức mang danh xưng Quốc Vương, nhưng bảy tiểu quốc thuộc UAE đều do các hoàng tộc nắm quyền kiểu cha truyền con nối và người dân cũng cung kính nhắc đến họ như là một vị vua hơn là các chức vụ Tổng Thống hay Phó TT. Quốc Vương của hai tiểu vương quốc hùng mạnh, giàu có và đông dân là Abu Dhabi và Dubai nắm chức Tổng Thống và Phó TT, còn các Quốc Vương của các tiểu quốc nhỏ còn lại thì tham gia vào Hội Đồng Tối Cao Liên Bang. Không chỉ nắm quyền mà họ và người trong hoàng tộc còn là chủ nhân của những đại tập đoàn, các hệ thống thương mại , khách sạn, kỹ thuật chính yếu của UAE. Hình ảnh của họ treo khắp mọi nơi, trong khu thương mại, khách sạn, gallery nghệ thuật, cũng như nhiều xa lộ, đường sá mang đầy tên của những quốc vương tiền nhiệm hay đương thời này.
Ảnh Quốc Vương Rashid Al-Maktoum tại một phòng tranh nghệ thuật
Năm 2016 này kỷ niệm tròn 10 năm chấp chính của Quốc Vương Dubai – người có cái tên thật dài là Sheikh Mohammed bin Rashid Al-Maktoum, hay ngắn gọn hơn là Sheikh Mohammed,hiện đang là Phó Tổng Thống kiêm Thủ Tướng UAE. Nhắc đến vị quốc vương Dubai này vì ông là kiến trúc sư về những sự thay đổi ngoạn mục của Dubai từ khi chấp chính. Sinh năm 1949, Sheikh Mohammed tốt nghiệp Học Viện Quân Sự Anh, làm thơ và là một tay đua ngựa nhà nghề có hạng. Ở tuổi 66, trông ông có vẻ trẻ hơn so với những người Trung Đông nói chung. Là con thứ của Quốc Vương Sheikh Rashid đã qua đời năm 1990, Sheikh Mohammed trở thành người kế vị từ sau khi anh trai ông qua đời năm 1996. Ảnh hưởng viễn kiến của cha, người từng bảo với các ký giả phương Tây rằng, “Đời ông nội tôi cỡi lạc đà, đời cha tôi cỡi lạc đà, đời tôi thì đi Mercedes, con tôi đi Land Rover, con nó đi Land Rover nhưng cháu nó sẽ lại cỡi lạc đà”, ý ông bảo rằng nguồn dầu lửa rồi sẽ bị cạn kiệt, Dubai sẽ vỡ nợ, quay lại với nghèo đói nếu không có chiến lược và chính sách phát triển khác hơn nguồn tài nguyên trời cho. Bởi vì dù phất lên nhờ dầu lửa nhưng trữ lượng dầu lửa của UAE được dự đoán chỉ còn khai thác khoảng vài chục năm nữa. Nhiều người cho rằng Dubai giàu có nhờ dầu lửa, nhưng thật ra kỹ nghệ dầu lửa của UAE hiện nay chỉ chiếm khoảng hơn 20% GDP, còn lại là các kỹ nghệ và dịch vụ khác.
Bên trong Dubai Mall
Các họa sĩ vẽ trang trí trên vách tường
Nối nghiệp cha và anh trai, Sheikh Mohammed đưa ra kế sách phát triển Dubai thành một tiểu quốc không phụ thuộc dầu lửa trong tương lai. Ông lập khu vực tự do mậu dịch và miễn thuế, cho nước ngoài đầu tư và làm chủ tại Dubai nhưng có cách kiểm soát khá khôn ngoan. Những hãng nước ngoài muốn đầu tư bên ngoài khu vực này phải liên doanh với các hãng hay cá nhân địa phương và chỉ nắm được 49% cổ phần, tức quyền quyết định nằm trong tay của người hay tập đoàn Dubai. Nếu Việt Nam học được bài học này từ Dubai thì có lẽ những công ty và người Trung Quốc đã không lan tràn, ngạo ngược ở khắp các tỉnh thành Việt Nam khi lập những “cứ địa” riêng của mình bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam như hiện nay. Ông khuếch trương kỹ nghệ hàng không, xây và mở rộng các phi trường, đưa phi trường Dubai thành một trong những phi trường đông khách nhất thế giới như chúng tôi đã nhắc trong kỳ báo trước. Ông cho xây dựng những kỳ quan tân thời của thế giới như đảo cọ nhân tạo, xây tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới, xây Dubai Mall lớn nhất thế giới và đặc biệt là khách sạn “bảy sao” Burj Al Arab, được xem là “tháp Eiffel” của Dubai. Sheikh Mohammed muốn biến Dubai thành một trung tâm về kỹ nghệ, tài chánh, thương mại và du lịch của thế giới cho đến đầu thập niên tới qua kế hoạch Vision 2021. Năm 2020 cũng là một cột mốc quan trọng cho Dubai khi đã thắng quyền tổ chức hội chợ thế giới. Không chỉ đang gấp rút chuẩn bị cho Expo 2020 mà Dubai còn đang xây dựng chung nhiều đại công trình khác. Các số liệu cho biết khoảng 20-25% số cần cẩu của thế giới đang hoạt động tại Dubai, nên đi đâu tôi cũng bắt gặp những cần cẩu vươn lên giữa trời cao. Thú thật là khi đọc chỉ riêng về những kỹ thuật xây dựng và bảo dưỡng các cao ốc chọc trời giữa sa mạc hay kỹ thuật lọc nước biển để cung cấp cho cả tiểu quốc này, tôi nghĩ cũng đủ tài liệu cho vài ba bài báo khác. Tất nhiên kỹ thuật và những cái “nhất thế giới” kia là nhờ vào bàn tay của phương Tây nhưng chúng chứng tỏ sự hùng mạnh và giàu có của Dubai, rất khác với cái “nhất thế giới” của những anh chàng ăn đong, vay mượn nhưng hợm mình của những nước nghèo. Kiểu như Việt Nam, mon men dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới, chẳng biết để làm gì và le lói được với ai?
Tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới ngày và đêm
Một ký giả BBC từng tháp tùng Quốc Vương Sheikh Mohammed kể rằng số điện thoại của ông được công bố đại chúng và người dân có thể gọi đến ông mỗi khi có chuyện. Không biết thật hư vì giá tìm được, tôi đã gọi điện cho ông để bày tỏ sự thán phục của mình. Khi xem những thước phim tài liệu về Dubai trước lúc tôi sang đây, thấy người dân có vẻ kính mến ông thật sự. Gần gũi và chăm lo dân sinh với các chương trình phúc lợi và y tế, giáo dục cho người dân của mình, UAE hay Dubai nói riêng đã chẳng bị ảnh hưởng trong cuộc Cách Mạng Mùa Xuân lan tràn tại các nước Ả Rập vài năm trước. Không chỉ vậy, Dubai còn có tham vọng sẽ trở thành quốc gia có chỉ số hạnh phúc nhất thế giới, nên vài tháng trước, ông thành lập một Bộ Hạnh Phúc với hoạt động nhắm vào các mục tiêu như tương lai, tuổi trẻ, hạnh phúc và thăng tiến giáo dục. Một trong những câu nói nổi tiếng của Quốc Vương Sheikh Mohammed về chấp chính là, “Một nhà lãnh đạo giỏi là người biết tạo ra những lớp lãnh đạo khác chứ không phải gom hết về mình”. Thể chế quân chủ, quyền lực thu gom vào tay mình ắt chẳng tránh khỏi độc tài, nhưng hiểu, nói và chăm lo cho dân chúng được như vậy, có lẽ những quốc gia đang phát triển cũng cần một minh vương như vậy.
Nhân viên một tập đoàn tài chính và đầu tư trong thương xá
ĐYT