Menu Close

Nga & nền hòa bình Syria

Ông Vladimir Putin là một lãnh tụ có thói quen thích tạo ra những điều bất ngờ khó đoán trước trên chính trường quốc tế. Hôm Thứ Hai 14/3 tuần qua, một lần nữa, ông Putin lại gây ngạc nhiên sau khi tuyên bố rút một phần quan trọng lực lượng quân sự của Nga tại Syria, chỉ sáu tháng sau khi ông đưa quân vào tham chiến tại đây. Quyết định bất ngờ này đã làm cho chính quyền Obama và có lẽ cả thế giới tỏ ra bối rối không biết ông Putin đang toan tính chuyện gì.

Không quân Nga rút về từ Syria. Ảnh: EPA

 
Và chỉ một ngày sau đó, Thứ Ba 15/3, đúng ngày kỷ niệm 5 năm cuộc chiến tại Syria, một số chiến đấu cơ và phi cơ vận chuyển quân sự đã cất cánh từ căn cứ không quân Hmeimim tại Latakia trên đường trở về Nga. Trong khi đó cuộc hòa đàm về Syria cũng vừa được nhóm lại tại Geneva, Thụy Sĩ. Thông thường, khi những cuộc thương thuyết như trên đang diễn ra, những quốc gia tham dự luôn luôn muốn tiếng nói và ảnh hưởng của mình mạnh hơn trên bàn hội nghị và vì vậy, quyết định rút quân trong lúc này là điều không ai nghĩ có thể xảy ra.

Hòa đàm về Syria cũng vừa được nhóm lại tại Geneva, Thụy Sĩ – nguồn AFP

Theo một số phân tích gia, trong thời gian mấy tháng qua, ông Putin ngày càng tỏ ra thất vọng vì sự cứng đầu ương ngạnh của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, đã không chịu nhường bước tại cuộc hòa đàm. Quyết định rút quân của ông Putin có thể là lý do tạo áp lực buộc al-Assad phải nhượng bộ để hy vọng đạt được giải pháp hòa bình.
Tuy nhiên, ta cần hiểu rõ một số điều quan trọng về quyết định rút bớt quân của ông Putin. Trước hết, Nga không hoàn toàn rút hết lực lượng của họ. Vẫn tiếp tụp duy trì sự có mặt của họ tại căn cứ hải quân Tartus; vẫn còn một số chiến đấu cơ sẽ tiếp tục bay từ căn cứ không quân gần Latakia; khoảng 1,000 cố vấn quân sự và binh lính thuộc lực lượng đặc biệt còn đồn trú tại Syria; và hệ thống phòng không hiện đại S-400 mới vừa được thiết lập trong khu vực tây bắc của Syria cũng sẽ còn được để nguyên. Nếu như cuộc hòa đàm lần này thất bại, như đã từng thất bại trước đây, tình hình chiến sự sẽ leo thang rất nhanh và Nga vẫn có thể mang quân trở lại. Nhưng ngay vào lúc này, chính phủ Nga có thể cắt giảm chi phí cho những hoạt động quân sự của họ tại Syria khoảng $3 triệu mỗi ngày, trong khi vẫn duy trì được ảnh hưởng của họ tại bàn hội nghị.
Thứ đến, về lý do quyết định rút quân, ông Putin tuyên bố lực lượng quân sự của Nga “đã hoàn tất sứ mạng chính yếu của họ tại Syria.” Điều này có nghĩa là việc can thiệp của Nga để nhắm đánh trả và ngăn chặn lực lượng của nhóm khủng bố ISIS và củng cố chế độ độc tài Bashar al-Assad đã  đạt được thành công. Những cuộc không kích với khoảng 9,000 chuyến bay của chiến đấu cơ Nga kể từ Tháng 10 đã làm nghiêng cán cân quân sự về phía chính phủ al-Assad trong thời gian qua. Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoygu, còn khoe rằng lực lượng quân sự Nga đã giúp chính phủ al-Assad lấy lại quyền kiểm soát hơn 400 thị trấn có dân cư và một khu vực lãnh thổ rộng 10,000 cây số vuông.
Syria vừa kỷ niệm đúng 5 năm cuộc chiến tàn khốc đã xảy ra tại đây, kéo theo sự tham dự của một số cường quốc trên thế giới và khích động sự trỗi dậy của những nhóm Hồi giáo cực đoan như tổ chức ISIS, mà ngay lúc ban đầu chỉ là một cuộc biểu tình hòa hoãn đòi hỏi cần có thay đổi chính trị. Cũng thế, những quốc gia gần đó như Libya và Yemen hiện nay vẫn đang bị kẹt trong những cuộc xung đột vũ trang đẫm máu.
Đây là một phần hậu quả của một loạt những cuộc nổi dậy của dân chúng trong khu vực có tên gọi mỹ miều là Mùa xuân Ả Rập. Cuộc cách mạng này khởi đầu với biết bao hy vọng là có thể mang đến một sự thay đổi chính trị cho đời sống của người dân trong khu vực và kết quả là sự hỗn loạn và chiến tranh vượt ra ngoài tầm kiểm soát của quốc tế, trong đó một phần lớn trách nhiệm là do những quốc gia phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ, đã bất nhất và không có một chính sách rõ rệt nào để giải quyết tình hình trong thời gian đầu khi cuộc cách mạng này xảy ra.
Trong một bài báo trên tờ The Atlantic, ký giả Jeffrey Goldberg nhận định: Tổng thống Obama có lần đã từng nói “Tôi không làm điều ngu xuẩn” – ý là trước khi làm một việc gì đó, nếu không nắm được phần thắng hay biết được trước kết quả ra sao thì không nên làm để không phạm lỗi lầm. Theo sự phân tích của các cố vấn, Hoa Kỳ không thể thắng được cuộc chiến ở Syria và do đó Obama đã án binh bất động trong một thời gian khá lâu. Việc án binh bất động này đã để lại những khoảng trống lớn tại Syria và tạo cơ hội cho những nhóm Hồi giáo cực đoan như ISIS trám vào những chỗ trống ấy. Goldberg kết luận: nhiều khi có những việc mình quyết định không làm gì cả vẫn có thể gây ra những lỗi lầm lớn.

Một phụ nữ Syria đi với đứa con của mình qua những tàn tích của Kobani sau khi các chiến binh Hồi giáo Nhà nước đã được đẩy ra khỏi thị trấn đầu năm nay. nguồn rferl.org

Tại những quốc gia khác, ví dụ như Ai Cập, những chế độ độc tài trở lại nắm quyền và trả thù những người dân nổi dậy, khép chặt lại quyền tự do hơn cả trước khi những cuộc biểu tình xảy ra.
Ở tại những quốc gia trên, ngoại trừ Tunisia, những nhóm ôn hòa chiếm ưu thế vào những ngày đầu của cuộc nổi dậy hiện đang bị bịt miệng, bị bỏ tù, bị bách hại hay phải lưu vong, hoặc bởi chính quyền nơi đó đang tìm cách trấn áp họ hoặc bởi những nhóm khủng bố quá khích đã trám vào những khoảng trống tạo ra khi chính quyền của quốc gia đó sụp đổ.
Không nơi đâu mà những hậu quả của thất bại từ Mùa xuân Ả Rập lại to lớn và sự thiệt hại quá cao cho bằng như ở Syria. Khoảng 300,000 người hoặc hơn đã thiệt mạng. Một nửa dân số nước này phải lưu lạc không nhà không cửa. Cuộc khủng hoảng người tị nạn có thể nói là tệ hại nhất từ trước tới nay trên thế giới đã tràn ngập những quốc gia láng giềng và đưa tới một cuộc di dân ồ ạt chưa từng có vào Âu châu.
Bashar al-Assad tiếp tục nắm quyền tại Damascus, nhưng quốc gia này nay chỉ còn là đống vụn đổ nát. Tổ chức ISIS chiếm được một phần khá lớn lãnh thổ Syria và là trọng tâm của các cường quốc trên thế giới đang cố gắng ngăn chặn để thảm họa này không lan ra thêm nữa. Một số nhóm nổi dậy ôn hòa vẫn còn kiểm soát một phần nhỏ lãnh thổ, nhưng phần lãnh thổ này cũng đang ngày một teo nhỏ lại.
Nhìn ở góc độ chính trị, ta có thể nói, trong vụ Syria, ông Putin đã thắng ông Obama và những quốc gia phương Tây thêm một ván cờ nữa, ít ra là ngay trong lúc này. Như những vụ khủng hoảng trước đây – chiếm bán đảo Crimea và gây hấn tại khu vực phía đông Ukraine chẳng hạn – Tòa Bạch Ốc đã gặp nhiều bối rối vì không được chuẩn bị và không nắm rõ mục tiêu và ý đồ của ông Putin. Theo tờ Washington Post, ông Obama đã từng chế nhạo rằng Nga đem quân vào cuộc chiến Syria vào Tháng 9 năm ngoái sẽ chỉ gặp phải sa lầy, cũng như ông đã từng tuyên bố rằng việc sáp nhập Crimea cũng như vụ chiếm đóng vùng Donetsk (Ukraine) sẽ là tự chuốc lấy thất bại. Trong vụ Syria, cho đến nay, ông Putin đã gặt hái được khá nhiều thành công, và những thắng lợi của ông cũng đồng nghĩa là những mất mát quyền lợi của Hoa Kỳ và mục tiêu chính trị của ông Obama ở trong vùng.
Ngoài những mục tiêu đạt được ở Syria, ông Putin đã thành công trong việc tái lập lại vị trí của Nga như một cường quốc tại khu vực Trung Đông. Hoa Kỳ bắt buộc phải nhìn nhận Nga ngang tầm ảnh hưởng với mình trong cuộc thương thuyết ngưng bắn và một vòng đàm phán mới cho hòa bình Syria, cũng như phải chấp nhận một số điều kiện đưa ra từ phía ông Putin – trong đó không bắt buộc ông Assad phải từ chức trong một tương lai gần như đã đòi hỏi trước đây. Gỡ được cái nút thắt bị cô lập ngoại giao của Điện Kremlin sau vụ chiếm đóng Ukraine và tự đưa mình vào vị trí nhân vật chính trong việc định đoạt tương lai dòng người tị nạn Syria sẽ còn tiếp tục đổ vào Âu châu nữa hay không, hình như ông Putin đang có mưu đồ tìm sự ủng hộ của Liên Âu trong việc bãi bỏ lệnh trừng phạt kinh tế lên chính phủ của ông từ mùa hè vừa qua.
Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng thỏa thuận ngưng bắn là cần thiết để cứu trợ cho hàng triệu người dân Syria, trong khi bạo loạn đã giảm bớt và những đoàn xe cứu trợ đã đến được những khu vực bị bao vây cô lập trong nhiều tháng qua. Nhưng sự thiệt hại về nhân mạng do hành động can thiệp của Nga cũng quá cao. Những tổ chức nhân quyền và những quan sát viên độc lập tố cáo Nga là đã cố tình nhắm đánh vào những khu vực bệnh viện cũng như kho chứa thực phẩm, và đã sử dụng bom chùm làm thiệt mạng nhiều trăm nếu không muốn nói nhiều ngàn người dân vô tội. Đến nay, Nga vẫn chưa phải trả bất cứ một giá nào cho những hành động tội ác này.
Việc Nga rút quân khỏi Syria có thật sự tiếp tục nữa hay không vẫn còn là câu hỏi lớn. Mặc dù Nga đã cho đưa về một số phi cơ quân sự và vũ khí, căn cứ hải quân ở Tartus và căn cứ không quân gần Latakia của họ vẫn cho Moscow khả năng đưa quân trở lại, như ông Putin nói trong một cuộc họp báo là chỉ cần mấy giờ đồng hồ, một khi có những hành động quân sự nào chống lại Bashar al-Assad, một khách hàng lâu năm của họ. Hai năm trước, Nga tuyên bố rút quân đang đóng tại những khu vực biên giới với Ukraine, nhưng hóa ra sau đó chỉ là cuộc chuyển quân thông thường không hơn không kém.
Cuộc hòa đàm tại Geneva để giải quyết cuộc chiến ở Syria vẫn đang tiếp diễn. Trong khi các phe tham dự cuộc hòa đàm tiếp tục đối đầu nhau: Iran và Ả Rập Saudi vẫn đang ăn miếng trả miếng; xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm người Kurds ngày càng kịch liệt và chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền al-Assad và các nhóm đối lập sẵn sàng chịu nhượng bộ. Nay Nga bất ngờ tuyên bố rút bớt quân ra khỏi Syria tạo thêm sự nghi ngờ về thiện chí của họ trong việc giải quyết hồ sơ Syria. Hy vọng cho một nền hòa bình tại Syria có thể nói là khá mong manh.

VH