Sống trong thời đại kỹ thuật thông tin nắm quyền quản trị, chỉ cần click mouse là anh Google, chị Facebook, em Twitter, trong tích tắc có thể giúp cõi người ta biết được những điều xa tận chân trời nhưng gần ngay trước mắt. Dù ở sa mạc hoang vu hay trên núi Sinai hay cư ngụ tại vùng Bắc Cực thuộc Đảo Bathurst – Canada, mỗi người đều có thể lãnh hội được từng vấn đề có trong các lãnh vực văn hóa, tôn giáo và tập quán của từng quốc gia đang hiện diện trên hành tinh Trái Đất. Chẳng hạn như trong Tháng Ba này, nền thông tin kỹ thuật vi diệu của khung trời Cyber nhắc nhở nhân loại nhớ đến một thảm họa kép gồm động đất và sóng thần từng xảy ra tại Tohoku, Nhật Bản; một thảm họa đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn cư dân xứ Phù Tang, đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra hai vụ nổ lớn tại nhà máy Fukushima gây ô nhiễm phóng xạ. Đã 05 năm trôi qua kể từ ngày 11 tháng 03 năm 2011, nhưng cho đến bây giờ thị trấn Narah vẫn là vùng đất điêu tàn, chưa được tái thiết.
Tháng Ba không chỉ gợi nhớ thảm họa thiên tai u buồn tại Nhật Bản. Tháng Ba còn mời gọi mọi người cùng chung vui trong Lễ Hội Saint Patrick của dân chúng Ireland. Dĩ nhiên cũng không thể quên Lễ Hội Lathmar Holi truyền thống, đầy sắc màu rực rỡ và bí ẩn của Ấn Độ. Màu xanh vĩnh hằng và cỏ Shamrock ba lá trong ngày lễ Thánh Patrick; hay những gam màu ảo diệu phi thường mà cư dân của làng Nandgaon và thị trấn Barsana ném vào nhau, đều chỉ là biểu tượng của giòng sông tình yêu đang êm đềm trôi chảy giữa trần gian. Có vẻ như cuộc đời đáng yêu và đáng sống. Có vẻ như mỗi một người ở khắp năm châu bốn biển đều sống rất hài hòa, rất vui vẻ, và đều trao tặng nhau Chữ Thương ngọt ngào như câu hát luyến láy âm vang trên sóng nước của những giòng sông quê hương.
Tháng Ba và những điều gợi nhớ này, khiến tôi tự hỏi: Vì cùng chia ngọt sẻ bùi mọi gian nan khốn khó, hay vì cùng cư trú trong sự bình yên an lạc giữa cuộc đời, nên người ta không thể nào quên nhau?
Trong kho tàng văn chương truyền khẩu Việt Nam có những câu ca dao tha thiết như“Đói lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương.” Hay là “Tay bưng dĩa muối chén gừng, gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.” Những câu chữ này và hằng hà sa số những câu chữ khác còn lưu truyền đến tận hôm nay, được dùng để minh chứng cho sự chung thủy của những người từng thề non hẹn biển, từng mong muốn vĩnh kết đồng tâm. Người đời xưa và người đời nay đã dụng công viết ra hàng tỷ tỷ tâm ý, để chỉ nói đến Một Chữ Tình thiên thu không phai. Có ai đó cho rằng những chuyến phiêu lưu trong tình cảm là để học biết yêu thương. Mục đích của tình cảm là giúp tâm hồn người ta trưởng thành, nhưng bản chất của tình cảm vốn hay thay đổi nên “giận thì giận mà thương thì thương” giống như kinh nhật tụng vẫn vọng vang trong tiềm thức, cho dẫu “từng người tình bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ…” * Từ nhận định này, người ta cho rằng tình cảm vốn là một trong số những thách thức lớn lao nhất của cuộc đời. Bởi vì ngay cả khi đã nắm tiền tài danh vọng ở trong tay, người ta vẫn bị hụt hẫng chơi vơi, nếu không thể tìm thấy một nửa kia của đời họ. Người ta lại cho rằng, sự thách thức không có biên giới cũng không có thời gian của tình cảm, ở chừng mực nào đó đã khích lệ bản thân họ đi mãi đi hoài không mỏi mệt, để tìm cho được người giữ chuông vàng đính ước từ tiền kiếp xa xưa. Sau khi đi như ngày tháng không mong đợi, có người chợt nhận ra: Cốt lõi và tinh túy của tình cảm chính là sự quan tâm, là sự trao tặng vô vụ lợi, là hương vị và vẻ đẹp bất biến của trần gian. Để bất cứ ai dù có tìm được người thương, hay mãi mãi đứng ngẩn trông vời chiếc bóng trong khói sương mờ, đều cảm nhận: Chỉ cần vẫn còn cảm giác vui vẻ vì được yêu, hay vẫn còn cảm giác đau khổ vì bị phụ tình, cũng là điều hạnh phúc.
Samuel Johnson từng bảo: Chuyện xấu không xảy ra và đập tan trái tim bạn, không chỉ để bạn phải đau khổ và bỏ cuộc. Chúng xảy ra, đập tan và chấn chỉnh lại con người của bạn ngay từ đầu, để bạn có thể trở thành tất cả những gì bạn mong ước trở thành. Things don’t go wrong and break your heart, so you can become bitter and give up. They happen to break you down and build you up, so you can be all that you were intended to be. Nhiều người không ngần ngại nói: Sự tiêu cực, áp lực và thử thách – tất cả đều là cơ hội để họ vươn lên. Lảng tránh hiểm họa hay chạy trốn thực tế phũ phàng, về lâu dài không an toàn cho bằng nhìn thẳng vào những điều khốn khó đang hiện hữu. Bởi vì cuộc sống hoặc là một cuộc phiêu lưu táo bạo, hoặc chẳng là gì cả. Vì thế có ai đó đã khẳng định: Thất bại trong tình trường không khiến người ta phải chết. Thất bại chính là vị thày đáng kính trọng, giúp từng cá nhân học biết sự phản trắc, sự dối trá có trong lòng kẻ bạc tình. Thất bại không phải là hóa thân của vị chủ tế đến cử hành nghi thức mặc niệm, cũng không phải để lôi ai đó xuống hố thẳm tuyệt vọng, mà chính là để họ học biết những kinh nghiệm vô giá về cuộc đời.
Có vẻ như tâm hồn của người này và tâm hồn của người kia không hề liên kết với nhau vì những điểm hài hòa, hay những điểm chung nào đó. Ngược lại, họ không thể tách rời nhau vì những tổn thương hoặc vô tình hoặc cố ý phải gánh chịu. Sự tổn thương sắc bén như đường gươm chí mạng này đã tạo thành niềm thống hận không bao giờ nguôi, mở đường cho những điều kỳ diệu trong sáng tạo và thực hành, vượt qua sự thần thông có trong huyền thoại. Ở chừng mực nào đó, người ta bị liên kết và không thể nào quên vì những niềm đau làm sao nói hết có trong cõi đời thật mong manh, thật phiêu hốt, thật vô thường. Từ ý niệm này, dường như không có sự tĩnh lặng nào lại không chứa đựng những tiếng kêu bi phẫn; không có sự tha thứ nào lại không có máu và nước mắt rơi rụng trên đường; không có sự chấp nhận nào lại không phải vượt qua những truông dài đau khổ của từng đêm tối tâm hồn. Tất cả những điều này chính là cốt lõi và căn bản đích thực, được cho là không thể nào quên trong cõi người ta.
Tôi từng nghe nói: Chẳng ai vấp phải một ngọn núi lại bị ngã. Chính viên sỏi nhỏ mới là thứ khiến cõi người ta và nữ sĩ Hồ Xuân Hương phải giơ tay với thử trời cao thấp, xoạc cẳng đo xem đất vắn dài. Phải chăng khi có thể đứng lên sau mỗi lần vấp ngã vì những viên sỏi trên đường, chính là lúc bản thân đã vượt qua ngọn núi. Người leo núi giàu kinh nghiệm không sợ hãi khi đứng trước ngọn núi, bởi vì đỉnh cao của núi truyền cảm hứng cho họ. Người thắng cuộc là người bền bỉ không nản lòng trước những vấn nạn, bởi vì những vấn nạn chính là điều thách thức tài năng và sự kiên nhẫn của họ. Những ngọn núi được hóa công tạo ra để bị chinh phục; nghịch cảnh hiện hữu để bị đánh bại; vấn nạn xuất hiện để được giải quyết. Có nghĩa là chinh phục một ngọn núi, vẫn tốt hơn chinh phục hàng ngàn lưng đồi thấp.
Tôi thinh lặng ghi nhận những điều có từ đáy sâu nội ngã trong ngày hai mươi tháng ba – ngày đầu tiên của Tiết Xuân Phân năm 2016 tại thành phố Santa Ana, California, Hoa Kỳ.
HV – 5:15am Chủ Nhật ngày 20 tháng 03 năm 2016
*. Ca khúc “Tình Xa.” Của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.