Nếu như miền Trung cải biên, biến thể hát bội, hát tuồng thành hát đưa linh, hát ông công và nghệ thuật hát bội hát tuồng trở nên gần gũi với dân gian, thuộc về dân gian thì miền Bắc, việc cải biên, chuyển hóa ca trù, hát cung đình thành hát chầu văn trong trong các buổi lễ ốp đồng, hầu đồng cũng làm cho môn nghệ thuật này trở nên gần gũi với dân gian hơn bao giờ hết.
Hầu đồng và nghe hát chầu văn trở thành hoạt động nhộn nhịp và được quan tâm nhất xứ Bắc hiện tại. Trừ Ninh Bình là thủ phủ của các nhà thờ và Ky Tô Giáo, đi từ Thanh Hóa đến Hà Nội, Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hòa Bình, Lai Châu, Cao Bằng… Đi đâu cũng có thể bắt gặp những buổi hầu đồng, hát chầu văn xôm tụ và sôi nổi, vui vẻ!
Một nghệ nhân hát chầu văn ở đền Mẫu
Rộn ràng hầu đồng
Chuyện hầu đồng xứ Bắc hiện nay có thể nói là hấp dẫn hơn bất kỳ chuyện gì khác. Bất kỳ lễ hội nào cũng có phần hầu đồng, hát chầu văn. Ngay cả lễ hội đền Trần, đền Gióng để sau đó ném hoa tre, ném ấn đền Trần ban lộc, nếu trước đó không có lễ hầu đồng thì hoa tre hay ấn cũng chẳng mấy người tin.
Việc các cậu, các cô, các thánh nhập vào xác đồng dự đoán tương lai đất nước, dự đoán số phận từng người và chứng ấn, cho lộc; sau đó ấn và hoa tre đã được chứng, được ban phép sẽ mang ra ném trước cổng đền, người dân giành giật, giẫm đạp lên nhau để tranh chấp ấn, tranh chấp hoa tre, lộc… diễn ra cuồng nhiệt và lộn xộn hết sức.
Bắt đầu từ Mồng Một Tháng Giêng, hoạt động ốp đồng, hầu đồng, hát chầu văn xứ Bắc khởi sự một cách sôi động và sẽ kéo dài cho đến hết Tháng Ba âm lịch để rồi vãn dần, mãi cho đến Tháng Bảy mới mạnh lên lại cho đến Tháng Chạp. Nhưng những tháng từ Tháng Bảy đến Tháng Chạp chỉ có những ‘đồng giàu’, không phong phú và đầy chất giao lưu giữa ‘đồng giàu’ và ‘đồng nghèo’ như Tháng Giêng đến Tháng Ba.
Theo chân một xác đồng ở Hải Phòng, chúng tôi bắt xe lên thị trấn Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn để dự buổi hầu đồng ở một gia đình gần đền Mẫu, Đồng Đăng. Người này rất rành về hoạt động hầu đồng, hát chầu văn trên đất Bắc. Ông tên Trung, có thâm niên hơn mười năm làm xác đồng và uy tín của ông trong giới cũng rất lớn.
Ông Trung cho biết: “Đồng có hai hạng: ‘đồng giàu’ và ‘đồng nghèo’. Đồng giàu thường tốn kém rất cao, những nhà đại gia mới chơi, còn đồng nghèo thì tổ chức ở các nhà nghèo”.
“Đồng giàu thì chi phí cho một buổi hầu đồng thấp nhất cũng một trăm triệu đồng (tương đương $5,000), cao thì vô số kể, có khi lên đến cả tỉ đồng. Và đồng nghèo lúc nào cũng vui hơn đồng giàu. Đương nhiên tới chỗ đồng giàu thì no nê rồi”.
Chùa Vua ở Hà Nội
“Thường thì những nơi tổ chức hầu đồng là chùa chiền, đền miếu, lăng tẩm. Các chùa miền Bắc có riêng một khu để hầu đồng. Nếu không có các khu hầu đồng thì Phật Tử họ ít tới chùa, quanh năm đóng cửa. Và ở các đền nữa. Những nơi này thì quy mô rất lớn, vừa có tư nhân vừa có nhà nước tham gia. Ví dụ như lễ hội đền Trần hay lễ hội ở Phủ Tây Hồ, Đền Gióng, Đền Mẫu ở Đồng Đăng, Lạng Sơn… Tất cả các lễ hội đều do nhà nước tổ chức và hoạt động hầu đồng, hát chầu văn là điểm nhấn”.
“Hoạt động ngồi đồng, hầu đồng và hát chầu văn trở thành nét văn hóa Bắc Bộ rồi. Từ ngày xưa đã có chuyện này. Nhưng trong thập niên 80 bị nhà nước cấm cửa, thời Tổng bí thư Lê Duẩn là thời mà các đền đài miếu mạo bị đập phá nặng nề nhất. Các hoạt động này ngưng từ đó. Mãi cho đến những năm trong thập niên 90 mới được phục hồi và hiện tại thì đó là một hoạt động nhằm thu hút khách du lịch”.
Đồng giàu, đồng nghèo
Nói đến đây, ông Trung tạm biệt chúng tôi để vào bên trong khấn vái nhập xác. Trước khi khấn vái, ông vận chiếc áo lụa có thêu hình rồng phượng bảy màu lòe loẹt, sau đó đội một chiếc mũ có đính các hạt kim cương mã não giả sáng lấp lánh và mang đôi hài theo kiểu vua chúa thời xưa, và tô son trét phấn đầy mặt. Sau đó ông thắp ba nén nhang, đưa cho đệ tử thắp lên bàn thờ và ngồi xếp bằng, miệng lẩm nhẩm (tôi có ghi âm): “Mô hô mô rô mô cô mô bô mô tô bờ hô rô tô. Xi rat a ra ba ha cờ ra man ta. Tu đa lị tu ma lị ma ị ma ị béo phị. Hố vô mớ cá rô đâm gô sàn gỗ đâm gô tô rô đâm gô phẹt ma tông a pô lô. Yết lô đá dô hắt ra đá dô hắt ra á ca ma ha phọm na na bớ na na úi cha qua sân ga! Úi cha bớ na na qua sân ga!”.
Đọc đến đây cả người ông Trung bỗng dưng rung lên bần bật và mắt ông trắng dã. Các đệ tử (ước chừng năm mươi người ngồi chật như nêm trong căn phòng thờ cúng) lạy lấy lạy để. Sau đó họ cùng hát vang: “Mừng ngài về chúng con mừng ngài về. Chúng con chân yếu tay mềm thân thể yếu đuối dựa bóng dựa hơi ngài mà sống. Xin ngài cùng vui vẻ đón nhận sự hầu hạ của chúng con…”. Nhạc chầu văn tấu lên, các cung văn bắt đầu trổ tài, mê mải hát những bài ca ngợi thần thánh.
Trước chùa Trấn Quốc, Hà Nội
Khấn vái xin lộc
Trong lúc ban nhạc chầu văn hát thì xác đồng vừa hát vừa nhảy múa theo bài hát, các đệ tử tha hồ vỗ tay bắt nhịp và mỗi khi xác tang một cái xoạc chân, rướn người thì các đệ tử vỗ tay ầm lên cười như ong vỡ tổ. Vừa múa, xác đồng vừa bẻ trái cây ăn, rồi rót rượu ra đưa cho từng đệ tử bắt uống, hái trái cây nhét vào miệng các đệ tử. Những ai được ‘cậu’, ‘ngài’ mời rượu, nhét chuối thì lấy làm rất hạnh phúc vì như vậy nghĩa là đang được cậu, ngài chiếu cố, sẽ có lộc, sức khỏe dồi dào, làm ăn tốt…
Buổi nhảy múa, ca hát diễn ra từ nửa giờ đến hai giờ đồng hồ. Mãi cho đến khi nào cậu, ngài nói mình mệt quá hoặc phải đi tăng hai thì lúc này các đệ tử mới xin lộc và cậu, ngài cho lộc. Đầu tiên là bưng mâm tiền lẻ hắt lên đầu các đệ tử để họ tranh nhau nhặt hoặc nắm từng vốc tung lên đầu các đệ tử. Hết mâm tiền thì cậu, ngài thăng, xác đồng té ngửa về đằng sau nghe “đụi” một phát. Các đệ tử lạy lấy lạy để… Lúc này, xác đồng mệt đến mức thở không nổi, các đệ tử xúm vào hô hấp, quạt…
Một đệ tử của ông Trung, tên Vinh, còn gọi là đệ tử của cậu tiếp chuyện chúng tôi và cho biết thêm: “Nói về hầu đồng thì nói cả ngày không hết, hai nghệ sĩ Hoài Linh và Xuân Hinh cũng là hai xác đồng, họ hay đến các điểm ốp đồng để nhập xác, cho lộc lắm. Xuân Hinh nhập vào múa đẹp hơn Hoài Linh và cho lộc cũng hay hơn! Thường thì Xuân Hinh hay chơi với đồng nghèo, còn Hoài Linh thì chơi với đồng giàu”.
“Đồng giàu thì nói rồi, nhà giàu tổ chức, chuẩn bị tại gia đình chừng hai chục mâm cỗ thịnh soạn, trong đó chuẩn bị chừng hai trăm đến ba trăm suất quà. Sau đó viết thư mời những đệ tử (của các cô cậu âm binh, thần thánh mà trong giới hầu đồng biết với nhau) đến ngày đó tụ về mà hầu đồng. Và thường thì số khách luôn đông hơn số thư mời!”.
“Lễ hầu đồng diễn ra từ năm hoặc sáu giờ sáng. Xác đồng (thường thì Xuân Hinh, Hoài Linh và một số người có vía hợp với cõi âm, chỉ cần thắp nhang cầu khấn là các cô, cậu, ông, bà nhập vào xác ngay) làm lễ thắp nhang, khấn vái để nhập xác, dặn dò nhiều điều”.
“Sau đó ban nhạc chầu văn nổi nhạc lên và hát, đệ tử vỗ tay theo nhịp. Cô hoặc cậu đồng thì nhảy múa, huơ tay múa chân để làm phép và thỉnh thoảng bốc một nắm tiền thật do chủ nhà chuẩn bị sẵn trong khay, tung lên cao. Các đệ tử tranh nhau nhặt lấy một cách vui vẻ. Màn này được gọi là xin lộc bề trên”.
Đốt vàng mã, còn gọi là hóa vàng sau buổi hầu đồng, hát chầu văn
Tiền lộc đầu năm gồm cả vàng mã và tiền thật
“Còn đồng nghèo thì nhà nghèo tổ chức, chi phí chừng ba chục triệu đồng. Vẫn có các mâm cỗ để khi các đệ tử hầu đồng xong thì cùng ngồi ăn nhưng không thịnh soạn như đồng giàu. Đi đồng giàu các đệ tử góp tiền từ ba trăm ngàn đồng đến năm trăm ngàn đồng, có người cúng vài triệu. Nói chung là chủ nhà và xác đồng có lãi, còn đồng nghèo thì người ta góp vài chục, cao nhất chừng năm trăm ngàn đồng. Chủ nhà ít có lãi, thậm chí lỗ một chút nếu gặp nhiều đệ tử nghèo chỉ góp vài chục”.
“Trong lễ hầu đồng có ban nhạc chầu văn, hát theo phong cách cung đình ngày xưa, cũng có trường hợp kết hợp với nghệ thuật hát xẩm trong buổi hầu đồng nhưng hiếm. Chủ yếu vẫn là hát chầu văn. Và thú vị ở chỗ bài hát cuối cùng thường là bài “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Khi bài này được xướng lên thì hồn xuất khỏi xác và xác đồng ngã lăn đùng ra. Các đệ tử tan hàng, chuẩn bị ăn uống trước khi ra về…”.
Theo quan sát của chúng tôi, các đệ tử hầu đồng tại Đồng Đăng, Lạng Sơn đều là những người giàu có, khấm khá. Trong số những đệ tử có hai người là vợ của cán bộ hải quan cửa khẩu và một bà là vợ của một chỉ huy công an cấp tỉnh. Nhìn chung, hoạt động hầu đồng ở đây được xem là hợp pháp và diễn ra khá tự nhiên, thu hút nhiều giới.
HL