Ở thời điểm hiện tại, khi mới qua tết cổ truyền được một tháng, người dân trong nước đã phải đối mặt với nạn hạn hán được các chuyên gia về khí hậu đánh giá là ‘gần trăm năm qua, chưa bao giờ nghiêm trọng đến thế’.
Sông Vàm Cỏ ở Long An, đang bị nhiễm mặn, các tầu thuyền vỏ sắt hạn chế qua lại
Suốt dải đất hình cong chữ S, từ Lào Cai, Yên Bái tới chót mũi Cà Mau, lửa cháy rừng thi nhau bột phát. Phương tiện chữa cháy vẫn chỉ là những cành cây dập lửa, những can nước chuyền tay nhau tạt chiếu lệ, những đường ống dẫn nước… không có nước để dẫn (!). Trong khi đó nạn phá rừng nguyên sinh ở Quảng Nam vẫn tiếp tục. Hàng ngàn héc ta lúa, cà phê Gia Lai, Đắc Nông, Ban Mê Thuột… khô như rơm. Tệ hơn nữa, hàng triệu gia đình ở 9 tỉnh /12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã phải nấu cơm bằng nước có độ mặn gấp 10 lần cho phép, 1/3 diện tích lúa miền Nam mất trắng. Mặc dù đã được cảnh báo từ lâu về nạn hạn hán ngày một gay gắt, nguy cơ nước biển ngày một lấn sâu vào nội đồng nhưng các ngành các cấp có thẩm quyền vẫn chỉ dừng lại ở những biện pháp không mang tính căn cơ, bền vững. Kết quả, mới vào giữa tháng ba, đã có năm tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Bến Tre phải tuyên bố thiên tai hạn hán toàn tỉnh.
Tháng ba, mùa đốt rẫy làm nương, trùng với mùa nắng hạn, người dân tộc thiểu số ở Tây nguyên đốn cây bán kiếm tiền
Trong chuyến đi ngắn ngày về Tiền Giang, ghé quán cà phê ven quốc lộ 4, thuộc huyện Bến Lức- Long An, kẻ viết bài được nếm ‘cà phê muối’, thứ cà phê từ mấy chục năm nay từng làm khổ vị giác của tín đồ đạo cà phê mỗi khi miệt vườn bước vào mùa khô hạn. Gọi ‘cà phê muối’ có hơi cường điệu, gọi ‘cà phê lợ’ đúng hơn. Cô bạn cùng đi thấy kẻ viết bài rùng mình nhăn mặt khi hớp ngụm cà phê đầu tiên vội cho thêm thìa đường. Bưng ly cà phê ngần ngừ, đổ bỏ thì tiếc mười ngàn đồng, uống thì ngán ngại. Nhìn chung quanh, đồng ruộng nứt chân chim, lúa loe hoe vàng vọt. Trên sông vắng bóng xà lan hút cát. Hỏi thăm chị chủ quán. Chị đáp gọn, ‘Nước sông mặn chằng, vỏ xà lan ngâm nước muối hư hết, chủ nào dám chạy’. Xe qua Mỹ Tho, xuống Cái Bè, so với trước tết, vườn xoài đang đơm bông héo hắt thấy rõ. Trên nét mặt dân địa phương, không còn dư âm Tết nhất. Thay vào đó là sự mệt mỏi và căng thẳng. Ông Tám Sự, một lão nông tri điền xã An Hữu buồn rầu thú nhận: ‘Hồi xưa còn nhìn trời liệu định. Bây giờ mưa nắng thất thường, mùa màng thời tiết sai chạy lung tung, trồng cây gì, nuôi con gì cũng lo thất bại’. Tại các chợ, giá gạo thịt trứng sữa không dao động, chỉ rau là đắt ‘tàn bạo’. Bất kể rau gì, cứ có chữ ‘rau’ là từ vài ngàn đồng một bó ngày thường nhảy lên mười ngàn, hai chục ngàn. Rau muống, rau mồng tơi, rau dền, cải ngọt, rau má, rau lang… cứ thế mà lên ngôi. Đạo tràng Liên Hoa, gồm những đạo hữu lớn tuổi, ăn chay trường, méo mặt than: ‘Cứ tưởng ăn chay là ‘kinh tế’, không ngờ bầu bí, dưa leo, đậu ve, rau cải mắc gần ngang thịt cá’. Bà Nguyễn Thị Nhung, chung cư Tân Bình cũng rầu rĩ vì cảnh nước máy chảy ri rỉ, vàng như nước trà, khi có khi không. Mà để tồn tại, cả nhà bà đã phải: ‘Mỗi sáng vợ chồng con cái mỗi người một thau nước nhỏ. Phần đánh răng rửa mặt. Phần pha trà, cà phê, ngâm mì gói. Nước rửa mặt giữ lại, lấy dội cầu, rửa ly chén. Trưa, tùy nghi di tản, ăn nghỉ, tắm giặt ở xí nghiệp, cơ quan, trường học. Chiều tối về nhà, cắp theo can nước, ‘tham ô’ từ chỗ làm. ‘Chủ tịch nước’ sẽ lấy đó lau nhà. Nước lau nhà đem tưới cây, còn thì để vệ sinh đêm hôm…Nghe nẫu cả ruột!
Trực 24/24 ở những nơi dễ gây hỏa hoạn. Trong ảnh, nhân viên phòng cháy không giấu nổi vẻ mỏi mệt
Cứ đà này, nếu trời không mưa, nhiệt độ tiếp tục cao trên 37, 38 độ, bảo đảm chỉ một tháng nữa, ‘cà phê muối’ sẽ thành ‘muối cà phê’, còn dân miền Tây, miền Đông Nam Bộ trong đó có cả Sài Gòn sẽ…đánh nhau không ai gỡ nổi, chiếu theo tinh thần câu tục ngữ ‘Cơm không rau như đánh nhau không người gỡ’. Mà có gỡ, cũng chẳng biết sống làm sao khi khắp nơi thiên tai hạn hán, mất mùa mỗi ngày một nặng thêm.
Các bà nội trợ Sài Gòn la trời vì giá rau xanh tăng chóng mặt trong mùa nắng hạn
XH