Menu Close

Tiểu luận Đông Dương 1993 – Kỳ 2

Ðể hiểu lối thoát duy nhất, sự tình cờ của lịch sử cũng khiến Mitterrand (quyền bộ trưởng chính phủ năm 1950) đã cảnh giác de Lattre trước ngày lên đường: “La politique vis-à-vis de Bao Dai est maintenant trop engagée pour vous laisser une suffisante liberté d’action. Il y un an ou deux, c’était autre chose. Aujourd´hui trop de choses sont définies et fixées. Il est trop tard pour fonder: la page n’est plus blanche.” [7] (Giải pháp Bảo Đại đã bám rễ quá sâu khiến Đại tướng có đủ tự do hành động. Cách đây một hai năm là chuyện khác. Nhưng hôm nay quá nhiều cam kết cần được tôn trọng. Đã quá trễ để tạo lập một chính sách mới: trang sử không còn trắng nữa). Tướng de Lattre như thế mất hẳn khả năng thương thuyết với Mặt trận Việt Minh, để chỉ còn một lối thoát quân sự duy nhất: chiến thắng.

mitterrand 01

Tổng thống Mitterrand và Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội 1993. NGUỒN POPULARRESISTANCE.ORG

Nhưng một chiến thắng quân sự luôn đòi hỏi giành lại quyền chủ động chiến trường. Sự chủ động đó chỉ có thể đạt được bằng cách gia tăng quân số. Trước tiềm lực yếu kém của mẫu quốc, de Lattre không còn chọn lựa nào khác ngoài việc thành lập quân đội bản xứ, thay thế cho những tiểu đoàn Lê dương và Bắc Phi bỏ nhiệm vụ phòng thủ để kết hợp thành các liên đoàn lưu động… Do đó, diễn văn “Hoàn thành nền độc lập” đọc trước đại diện Trần Văn Hữu, là giải pháp cấp thời, bức thiết, giúp tạo dựng một quân đội bản xứ thân Pháp. Có thể tự trong thâm tâm, de Lattre ao ước thật sự một nền độc lập cho Việt Nam, nhưng định mệnh ngắn ngủi của ông tại Đông Dương không cho phép de Lattre dự phóng một tương lai xa. De Lattre đến Đông Dương để tìm chiến thắng, và đạt được chiến thắng. Vĩnh Yên, Mạo Khê, Mao Trạch, Ninh Bình, Nghĩa Lộ… cũng như Phủ Nho Quan, Phủ Thông Hoá, Phủ Lạng Thương, Thất Khê, Đồng Khê dưới thời Carpentier, de Lattre chỉ viết tiếp trang sử dở dang mà Mitterrand đã cảnh giác: không còn trắng nữa. Sau de Lattre, Salan rồi Narvarre chép tiếp những địa danh khác: Hoà Bình, Nà Sản, Lai Châu, An Khê, Điện Biên Phủ…

o O o

13 tháng 3-1954 sơn pháo Việt Minh từ những sườn núi phía tây các cứ điểm Anne-Marie, Huguette, Francoise, Claudine bắn trực xạ xuống sân bay Điện Biên Phủ, chấm dứt vĩnh viễn khái niệm Đông Dương-Thuộc địa đã được trì kéo suốt 9 năm liền. Việt Nam nhanh chóng rơi vào một cuộc nội chiến mà cường độ khốc liệt chỉ có thể so sánh với quyết tâm chiếm hữu chủ thể quốc gia ở cả hai miền Nam-Bắc. Quốc gia Nam Việt – Quốc gia Bắc Việt. 20 năm nội chiến chấm dứt, nhưng Đông Dương-Thị trường vẫn không được hiểu bởi chính quyền chiến thắng. Đông Dương cho tới mãi tận cuối thập niên 80 vẫn được nhìn một cách truyền thống: là những vùng đất “Nam tiến” hoặc “Tây tiến”. Không được xem là thị trường, nên không có tự do buôn bán và tự do hành đạo.

Cho đến hôm qua, mâu thuẫn giữa Việt Minh và Pháp, hay rộng hơn nữa, một trong những mâu thuẫn giữa Cộng sản Việt Nam và thế giới vẫn là cái nhìn khác biệt về Đông Dương.

Phải đợi đến đầu thập niên 90, khái niệm Đông Dương là một thị trường chung, cho cả Việt Nam lẫn quốc tế, và Việt Nam trước nhất tự bản thân cũng là một thị trường, không “thiêng liêng”, mới được giới lãnh đạo – những người kháng chiến cũ – công nhận. Không ứng xử nữa, như vương triều Nguyễn cách đây 150 năm: Nam tiến, khép kín, và phòng ngự. Việt Nam áp dụng vế đầu của khái niệm Thị trường: “Tự do buôn bán”. Vế sau “Tự do đạo” vẫn còn bị ngăn cấm. (Đạo nên hiểu là học thuật và tư tưởng). Chính vì sự lơ lửng đó, mà chuyến công du chính thức của tổng thống Pháp chịu nhiều chống đối – đặc biệt từ giới chức quân sự và những cựu quân nhân từng tham chiến tại Đông Dương. Trung tướng de Biré, nguyên trung úy tiểu đoàn 2 Nhảy dù Lê dương (2è BEP) kiêm hội trưởng Hội Ái hữu Điện Biên Phủ, phê phán nặng nề trên báo Le Figaro: “A quand la légion d’honneur à Giap? On répète la même erreur que´avec les pays de l’Est: Quand les régimes s’effondrent, on court les secourir!” [8] (Khi nào thì gắn Bảo quốc huân chương cho Giáp? Chúng ta lặp lại lỗi lầm đã làm với các nước Đông Âu, khi chế độ sụp đổ, chúng ta chạy chữa!) Trước một số nguyên tắc, những công kích của tướng de Biré có thể xem là đúng. Tuy nhiên cũng giống Leclerc nửa thế kỷ trước, François Mitterrand trông thấy lịch sử: Việt Nam không thể tách ra khỏi chuyển động của thế giới. Nước Pháp cũng không thể chờ đợi, khi chờ đợi là đánh mất Đông Dương vào tay Nga-Hoa-Mỹ-Nhật. Nhưng “khi nào thì gắn huân chương cho Giáp?” Đó là vấn đề của nguyên tắc mà giới quân nhân muốn được tôn trọng. Câu trả lời có lẽ đối với Mitterrand rất giản dị: Lịch sử không chỉ có quá khứ, mà tiếp nối bằng tương lai, và trong cả hai chiều thời gian ấy nguyên tắc chỉ là chi tiết, như một chi tiết trên một trang sử. Thứ trang sử không còn trắng nữa.

mitterrand 01

Francois Mitterrand đắc cử Tổng Thống

Chắc chắn chính vì trang sử không còn trắng nữa, mà François Mitterrand bày tỏ ước muốn Việt-Pháp cùng mở một trang sử mới. Nhưng sự lạ lùng của lịch sử, khiến chính những điều mà bộ trưởng Mitterrand đã cảnh giác de Lattre năm xưa, tái diễn trở lại với chính ông: “L’Indochine pose des problèmes très difficiles. Vous y remettriez en cause votre réputation. Votre fonction risque d’être extrêmement ingrate.” (Đông Dương đặt ra những vấn đề cực kỳ khó khăn. Danh dự của Đại tướng sẽ bị thử thách và có thể được đền đáp bằng những vô ơn.) Đông Dương hai thế kỷ sau, ở thời điểm chuyến công du của Mitterrand vào tháng 2-1993, vẫn là một thị trường duy nhất còn sót ở Viễn Đông. Nhưng nếu Mitterrand gặp phải những chống đối, mà ông đã lường trước, không ai có thể nghi ngờ thiện chí của nhà lãnh đạo này: giúp Việt Nam trở thành một thị trường ổn định, mỹ mãn, với tất cả những điều kiện cần và đủ: Tự do buôn bán và tự do tư tưởng. Không phải vì thuần túy thương mãi mà các chuyên gia Pháp tháp tùng Mitterrand đến Việt Nam giúp chấn chỉnh lại hình luật. Tuy nhiên, điều khiến Mitterrand bị trách cứ vẫn còn nguyên: Không thể chấn chỉnh Hình luật trong một quốc gia còn tồn tại thể chế độc tài, một khi Ngành Tư pháp không tách rời khỏi Hành pháp. Và “Tự do tư tưởng” là điều không tưởng một khi nguyên lý Mác-Lê được tôn vinh Kinh thánh. Sau hết, thiện chí ít khi đi đôi với mưu đồ. Khi xóa nợ 300 triệu quan cho chính phủ Việt Nam, Pháp đã yêu cầu hưởng quy chế Tối Huệ quốc trong mậu dịch.

o O o

Tháng 2-1993 báo chí xem chuyến viếng thăm Việt Nam của Mitterrand là một biến cố tầm cỡ, vì nhà lãnh đạo tối cao thông báo chuyển động mới của lịch sử Đông Dương: Chương sử đẫm máu cũ, nước Pháp- kẻ cựu thù – đã khép. Nhưng đối với dân Việt, biến cố chưa tầm cỡ vì chương sử mới không thật mới. Dân chúng hiểu rõ, không chút nghi ngờ, là những kẻ chiến thắng Điện Biên hôm qua, sẽ không quan tâm đến Tự do Đạo và Tự do Tư Tưởng của dân Việt. Độc đảng và Thị trường là bận tâm duy nhất. Một Thị trường định hướng.

TV, Paris, ngày 12 tháng 3-1993

Bản giấy in lần đầu trên tạp chí Trăm Con của Trân Sa, Canada, số tháng 4-1993

[7] Aux Frontières de l’´Union Francaise, Tunisie, Indochine, Lettres, F. Mitterrand, Julliard, 1954

[8] Nhật trình Le Figaro số ra ngày 9-2-1993