Umberto Eco – nhà văn, nhà lý thuyết văn học, nhà tư tưởng vừa qua đời ngày 19 tháng Hai, năm 2016. Ông sinh ngày 5 tháng Giêng, năm 1932, tại Alessandria, vùng Piedmont, nước Ý. Ông tốt nghiệp ngành triết học tại viện đại học Turin năm 1954; là giáo sư ký hiệu học tại viện đại học Bologna, đồng thời giữ vô số các chức vụ hàn lâm tại nhiều học viện trên thế giới. Từ năm 1985 đến nay, ông được trao tặng hơn 30 bằng tiến sĩ danh dự từ nhiều viện đại học, trong số đó có Paris (Sorbonne Nouvelle) (1989), Buenos Aires (1994), Santa Clara (1996), Moscow (1998), Berlin (FUB) (1998), Montréal (UQAM) (2000), Jerusalem (2002) và Siena (2002), v.v.
Umberto Eco là tác giả của những tuyển tập tiểu luận lừng lẫy, trong đó có những cuốn đã được dịch sang Anh văn như: Kant and the Platypus, Serendipities, Travels in Hyperreality, và How to Travel with a Salmon. Ông cũng là tác giả của những tiểu thuyết thời danh, tiêu biểu cho văn chương hư cấu hậu hiện đại, như The Name of the Rose, Foucault’s Pendulum, và Baudolino. Tờ New York Times nhận định rằng tác phẩm của Eco “phức tạp, khiêu khích, khôi hài và sâu sắc”, và ông là “một nhà văn của sự duyên dáng và thông tuệ.” Tờ Atlantic Monthly nhận định rằng “Eco kết hợp học thuật hàn lâm với sự yêu thích những nghịch thuyết và một óc khôi hài đầy khoái hoạt, đôi khi đến mức khủng khiếp.” Tờ Los Angeles Times cho rằng ông là “một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất trong thời đại của chúng ta.”
Theo tiểu sử Umberto Eco trên Website tienve.org
Ăn như thế nào khi đi máy bay
Vài năm trước, một chuyến du hành đơn giản bằng máy bay (khứ hồi đến Amsterdam) đã làm tôi đi toong hai cái cà-vạt hiệu Brooks Brothers, hai chiếc áo sơ-mi Burberry, hai chiếc quần Bardelli, một áo khoác bằng vải tuýt mua ở phố Bond, và một áo gi-lê Krizia.
Mọi chuyến bay quốc tế đều quan tâm đến cái nghi thức đáng được ca ngợi về việc phục vụ một bữa ăn. Nhưng, như mọi người đều biết rồi đó, chỗ ngồi thì hẹp, cái khay cũng vậy, và đường bay thì nhiều khi gập ghềnh, dằn xóc. Hơn nữa, các hãng hàng không cung cấp thứ khăn giấy bé tí, nếu bạn đính nó vào cổ áo, thì phần bụng của bạn bày ra, còn nếu bạn trải nó lên đùi, thì ngực bạn lại hở. Thông thường thì người ta sẽ đề nghị rằng nên phục vụ những món thức ăn gọn nhẹ, chứ không nên là các món dễ làm vấy bẩn. Không nhất thiết phải dùng đến những viên thuốc bổ. Có những món gọn nhẹ như là thịt cốt-lết bê rắc vụn bánh mì, thịt nướng, phô-mai, khoai tây chiên, và gà nướng. Những món dễ vấy đổ gồm có món mỳ Ý với nhiều nước sốt cà chua kiểu Mỹ, trái cà dái dê nướng phô-mai, bánh pizza mới nướng lấy thẳng từ lò ra, và món súp nóng hôi hổi đựng trong tô bé xíu không có tay cầm.
Hiện nay, một thực đơn kiểu mẫu trên máy bay gồm có món thịt nấu nhừ gì đó dầm trong nước sốt, những khẩu phần phong phú có cà chua, rau cải được xắt thật đẹp và ướp rượu vang, có cơm, và súp đậu. Đậu là thứ khó nấu số dách – ngay cả với những đầu bếp oách nhất cũng khó lòng nấu được món đậu Hòa-lan hầm thịt – đặc biệt là làm theo phương cách rất kiên quyết của Miss Manners [1], thực khách bị buộc ăn hạt đậu bằng nĩa thay vì bằng cái thìa, là thứ vốn thiết thực hơn nhiều. Đừng bảo với tôi rằng người Tàu thì tệ hơn nhé. Tôi có thể bảo đảm với bạn rằng gắp một hạt đậu bằng đũa thì dễ hơn là xiên nó bằng cái nĩa. Thật là rất nhảm khi bài bác rằng cái nĩa được dùng để gom những hạt đậu chứ không phải để xiên chúng, bởi vì nĩa được thiết kế cho mục đích duy nhất là làm rớt những hạt đậu mà nó giả vờ gom nhặt.
Hơn thế, món đậu trong những chuyến bay chỉ được dọn lên đúng vào lúc có sự nhiễu loạn không khí bên ngoài và viên phi công trưởng bật đèn tín hiệu “vui lòng thắt dây an toàn”. Do sự tính toán phức tạp để có hiệu quả tối ưu như thế này, thì những hạt đậu chỉ có hai lựa chọn: hoặc là chúng lăn xuống vạt trước áo hay rơi trên dây kéo quần của bạn.
BẢO HUÂN
Như những nhà thơ ngụ ngôn đời xưa đã dạy chúng ta, để ngăn một con cáo uống từ một cái ly thì cái ly phải cao và thon nhỏ. Ly trên máy bay thì lùn, bè bè ra, hơi trũng như lòng chảo. Rõ là, theo quy luật vật lý thì thứ chất lỏng nào cho vào đó cũng sẽ đổ, ngay cả khi không có nhiễu loạn không khí bên ngoài. Bánh mì thì không phải là loại bánh mì ổ của Pháp, thứ bánh mà bạn phải xé bằng răng ngay cả khi nó mới ra lò, nhưng lại là loại ổ bánh đặc biệt có thể nướng, thứ bánh mà ngay cái lúc bạn vừa đụng vào thì nó phụt ra đám bột như một cụm mây. Nhờ vào nguyên lý Lavoisier [2] mà thứ bột này biến mất, nó chỉ xuất hiện khi bạn xuống máy bay, bạn sẽ thấy rằng nó đã dồn đống lại dưới mông, đang âm mưu làm ố cái đũng quần của bạn. Món tráng miệng thì có xu hướng là bánh ngọt làm bằng trứng và đường, và mảnh vụn của nó trộn với bánh mì, hay thế nào đi nữa thì nó nhểu qua những ngón tay ngay tức khắc, khi mà miếng khăn giấy đã ướt chèm nhẹp nước sốt cà chua nên không còn dùng được.
Đúng vậy, bạn vẫn còn miếng khăn giấy tẩm nước hoa: nhưng bạn không thể phân biệt được thứ khăn này với những gói đựng muối, tiêu, và đường, và do đó, sau khi bạn đã bỏ đường vào món sa-lát, thì miếng khăn giấy này đã nằm trong tách cà phê, thứ cà phê sôi sùng sục được đựng trong một cái tách làm bằng chất dẫn nhiệt được đổ đầy đến vành miệng, nên nó sẵn sàng tuột khỏi tay để trộn với món nước sốt mà giờ đây đã đông đặc lại quanh lưng bụng của bạn. Trong khoang hạng vé thương gia thì các cô tiếp viên hàng không chế cà phê thẳng vào đùi của bạn, rồi vội vàng xin lỗi bằng Quốc tế ngữ.
Những nhân viên bếp núc của hàng không chắc hẳn được tuyển từ đội ngũ chuyên gia khách sạn, những người chỉ biết đến một loại bình mà thôi, thay vì chế cà phê vào tách thì lại vung vãi tám mươi phần trăm lên khăn trải giường. Nhưng tại sao vậy? Cái giả thuyết rõ ràng nhất là họ muốn tặng cho khách du lịch một ấn tượng về sự sang trọng, và họ đồ rằng ông khách cứ nhớ mãi những phim Hollywood thời xưa, trong những phim đó hoàng đế Nero luôn uống bằng những cái vại to vành làm vung vãi rượu vang lên hàm râu xồm xoàm và áo choàng, hay tấm hình có vị lãnh chúa phong kiến gặm nhồm nhoàm một đùi thịt làm vấy mỡ lên chiếc áo thêu ren, khi ông ta ôm chầm lấy một nàng điếm hạng sang.
Nhưng tại sao trong khoang hạng nhất, nơi có không gian rộng rãi, thì họ lại dọn những món gọn nhẹ, như là trứng cá Nga trên bánh mì lát phết bơ, hay cá hồi xông khói, hay những khoanh tôm hùm với một giọt dầu hay chanh? Có phải có lẽ vì trong những cuốn phim của Luchino Visconti [3], khi những nhà quý tộc Đức Quốc Xã phán “bắn nó đi” thì chúng thảy một trái nho lẻ loi, nhỏ gọn vào mồm?
UE – 1987
bản dịch của Thận Nhiên
Dịch từ bản dịch tiếng Anh của William Weaver “How to Eat in Flight”, trong Umberto Eco, How to Travel with a Salmon (Boston: Mariner Books, First Harvest edition, 1995) tr. 19 – tr. 22)
Chú thích của người dịch:
[1] Miss Manner: là bút danh của Judith Martin (sinh 13 tháng 9 năm 1938). Bà là một nhà báo Mỹ nổi tiếng, chuyên giữ mục tư vấn về phong cách ứng xử.
[2] Antoine-Laurent Lavoisier: nhà bác học người Pháp về lý thuyết nguyên tử.
[3] Luchino Visconti: đạo diễn điện ảnh người Ý, nổi tiếng với các bộ phim như The Leopard (1963) và Death in Venice (1971). Ở đoạn này tác giả có ý chế giễu khi cố tình kết hợp tính cách của những nhân vật quý tộc thời La Mã trong phim của Luchino Visconti với những thành viên đảng Quốc xã Đức thành “những tay quý tộc Quốc xã Đức” (trong bản dịch tiếng Anh là “Nazy aristocrats”).