Hơn 1/3 dân số thế giới sử dụng internet hàng ngày. Riêng ở Hoa Kỳ, tỷ lệ người dùng so với dân số là 87%, còn Việt Nam có tới 44%. Tuy số người sử dụng nhiều như vậy, nhưng một số khá đông chỉ có những khái niệm lờ mờ về mạng lưới toàn cầu này. Họ thường nêu lên câu hỏi: Internet là gì và hoạt động như thế nào? Ai là chủ của Internet và ai trả tiền cho ai để có đất (website) trên internet? Những máy chủ internet nằm ở đâu và kết nối với máy của mình ra sao? Internet truyền đi bằng vô tuyến hay có dây?
Muốn trả lời những câu hỏi này phải đi vào những khái niệm và từ ngữ chuyên môn của ngành tin học. Nhận thấy những lời giải thích về đề tài của Giáo sư Huỳnh Chiếu Đẳng khá dễ hiểu, chúng tôi xin được trích đăng và biên tập đôi chút như sau đây để trả lời cho những câu hỏi nói trên.
1. Internet là gì?
Xin nói một cách nôm na, thật dễ hiểu như sau:
Một số computer nối với nhau trong phạm vi một tòa văn phòng của một hãng được đặt tên là LAN (Local Area Network). Thí dụ như trong nhà thương, những computer của pharmacy, của phòng bác sĩ, của phòng trực, phòng y tá, phòng hành chánh, phòng cứu cấp, phòng tiếp nhận bịnh nhân… của nguyên cái nhà thương đó nối với nhau thì được gọi là một network. Các computer trong LAN chia sẻ tài liệu qua lại cho nhau mà không cần người “lon ton” (còn gọi là tùy phái) như ngày xưa. Hồ sơ bịnh nhân A có mặt khắp mọi computer trong nhà thương (nếu được quyền đọc nó).
Internet thì rộng hơn, toàn cầu, là hệ thống nối hàng trăm ngàn LAN đó vào chung với nhau. Data (dữ liệu) từ computer nầy có thể chuyển cho computer khác hay ngược lại (toàn cầu) nếu chúng được nối vào Internet.
Muốn cho các computer có thể “nói chuyện” với nhau thì người ta phải làm cho chúng có một tiếng nói theo quy luật nào đó. Giả dụ, trong một phòng họp có cả trăm người từ cả trăm quốc gia khác nhau đến dự, mỗi người nói một loại ngôn ngữ khác nhau. Muốn cho họ hiểu nhau thì người ta đặt ra một thứ ngôn ngữ mà ai cũng hiểu được. Internet là một tập hợp hàng nhiều triệu computer nằm khắp mọi quốc gia, những computer nầy nói chuyện với nhau theo một quy luật gọi là protocol.
Mỗi người trong buổi họp phải có một cái tên hay ít ra là cái bảng mang trên ngực cho biết rõ ai là ai. Các computer trong hệ thống cũng vậy, mỗi cái phải có một “address” hay “ID” riêng để chúng biết cái computer nào là cái nào. Các computer nói chuyện với nhau qua “ngôn ngữ”, hay “quy luật” TCP/IP, chữ tắt của Transmission Control Protocol/ Internet Protocol.
Internet là hệ thống lớn nối hàng ngàn network nhỏ lại với nhau. Tức là có hàng nhiều triệu computer trên khắp thế giới nối với nhau để trao đổi data. Đó là nói cho thật dễ hiểu, vì đi vào chi tiết thì rắc rối lắm.
Những computer trong Internet nối với nhau qua dây cable, qua fiber optic, qua sóng radio…
Fiber optic truyền được nhiều data nhất và nhanh nhất. Còn dây điện thoại nhà (2 dây) truyền data chậm nhất. Dây cable coaxial (TV) truyền data nhanh lưng chừng, còn sóng điện từ thì vừa vừa…
Vài hình minh họa cho thấy internet phức tạp cỡ nào.
PN