“Thời gian là con cá da trơn – Time is a slippery fish” là giai điệu trong một ca khúc của nhạc sĩ Sam Robert, và cũng là cảm nhận của ông về thời gian. Nhận xét này cho thấy thời gian thật khó nắm bắt, không dễ định nghĩa. Trong thập niên 1970 thuộc thế kỷ thứ 19, nhà vật lý học người Áo Ludwig Boltzmann nói rằng: Thời gian là sự xáo trộn. Nhưng đến năm 2010, nhà vật lý Sean Carroll lại bảo thời gian là một đống xuôi ngược lộn tùng phèo. Ông còn cho rằng, những tờ giấy xếp ngăn nắp trên bàn, bỗng nhiên bị xào xáo bừa bãi, không khiến người ta ngạc nhiên cho bằng cái đống xuôi ngược lộn tùng phèo này tự nhiên hóa thành những tờ giấy phẳng phiu. Có nghĩa là thật khó hoán chuyển thời gian theo thứ tự. Các nhà khoa học nhận xét, khoảng 13.7 tỷ năm về trước, thời gian được xếp đặt theo một trật tự rất tinh tế. Vũ trụ dưới lăng kính của họ, giống như món đồ chơi được lên dây cót chạy nhảy lung tung trong quá khứ, để rồi cuối cùng chẳng còn gì khi dây cót đứng lại. Thời gian là “thủ phạm” thiên biến vạn biến, gây ra những chuyển động đáng sợ trong cuộc đời. Ngược lại với quan điểm này, nhà bác học Albert Einstein gọi thời gian là chiều thứ tư, tách biệt với không gian vốn có ba chiều cao-dài-rộng trong vũ trụ
Phải chăng vì tương lai là những điều chưa xảy ra, không rõ ràng, nên người ta chẳng biết làm cách nào nghĩ về khoảnh khắc chưa hiện hữu. Hay thời gian và không gian chỉ là khái niệm nhằm diễn tả một góc độ khác nhau về hai đặc tính của sự vật, đó là tính chất sóng và tính chất hạt. Hiểu theo nghĩa này, thời gian biểu đạt sự tuần hoàn, tính chất sóng cưu mang chu kỳ của sự chuyển động. Còn không gian diễn tả tính chất hạt – một sự chiếm dụng vị trí, và khoảng cách giữa các hạt
Có vẻ như không thể định nghĩa thời gian theo quy luật hay lập trình nào đó, bởi vì dưới quan điểm của nhà vật lý Julian Barbour, bước tiến lớn tiếp theo trong Vật Lý Học, có thể là sự kết thúc của thời gian. Trong tác phẩm “The End OF Time – Sự Kết Thúc Của Thời Gian,” Julian Barbour nhận xét: Sự thống nhất của thuyết tương đối rộng, và cơ học lượng tử có thể đặt dấu chấm hết cho thời gian..! Cõi người ta phải tỉnh táo nhận biết, thời gian không còn tồn tại. Nhiều người sẽ bác bỏ khái niệm thời gian không tồn tại, vì coi đây là điều vô lý. Nhưng cho dẫu không thể phủ nhận quyền năng tối thượng của thời gian, thì phải chăng thời gian vẫn không thật sự giống hệt như những gì cõi người ta thường hình dung. Cuối cùng sẽ đến lúc nhân loại chợt “ngộ” ra rằng, Trái Đất dường như là một mặt phẳng. Hiện tượng này rất khác, chẳng cần đến hai chữ “thời gian” để diễn tả. Bởi vì điều được cho là hiện tượng nói trên, không xuất hiện trước mắt mọi người, cũng không ai có thể gọi tên hay nhận dạng.
Thế giới sẽ đi đâu về đâu nếu không còn khái niệm thời gian. Cõi người ta sẽ không đột nhiên thấy hương thời gian thanh thanh, màu thời gian tím ngát * ngừng trôi. Ngược lại chính nguyên lý mới của khái niệm không có thời gian, sẽ giải thích lý do tại sao tôi và chúng ta lại cảm thấy thời gian không dừng lại. Đến một lúc nào đó cho dẫu ở thiên đường hay trần gian, cho dẫu thế giới vật chất không ngừng chuyển động, cõi người ta vẫn đối diện với hư không, chỉ có sự tĩnh lặng ngự trị. Như vậy “quan niệm” của tôi hay của ai đó sẽ đóng vai trò gì, khi thời gian đã mệnh chung, khi thời gian trở thành điều không tưởng.
Một câu hỏi được đặt ra: Có nền văn hóa nào không có khái niệm về thời gian hay không? Theo đúng nghĩa đen, tùy theo nhận thức và cảm quan riêng, cái bay không đợi cái trôi của thời gian mà tôi cảm nhận hay ai đó cảm nhận – không hề giống nhau. Cũng như quan niệm buổi sáng khiến bóng tối cô đơn, hay chiều xuống mây vương, hoàng hôn khép nửa chân trời mờ xa, chỉ dấy lên trong đáy sâu nội ngã của tôi. Riêng lòng của anh của chị hay của một đệ tam nhân nào đó, không hề nghĩ về thời gian giống hệt như tôi. Chúng ta có thể nhanh chóng nhận ra sự khác biệt này, và sẽ thấy: Nếu đặt những chiếc đồng hồ vô cùng chính xác tại mỗi một tầng lầu của tòa nhà chọc trời, những chiếc đồng hồ ở các tầng thấp sẽ xê dịch chậm hơn, so với những chiếc đồng hồ ở tầng cao nhất. Theo National Geographic Society, sự khác biệt này có từ số phút cho đến phần tỷ của giây. Chính vì thế quan niệm về thời gian, còn có thể tạo ra những khác biệt lớn hơn nữa.
Có nơi nào chẳng biết hai chữ “thời gian” hay không? Xin thưa Bộ Lạc Amondawa ở Amazon có quan niệm riêng về thời gian. Họ không cưu mang khái niệm về một sự kiện đã thuộc về quá khứ, hay sẽ đến trong tương lai xa. Họ không có từ ngữ chỉ “Thời Gian,” cũng không có những từ ngữ chỉ đơn vị của thời gian, như “Ngày,” “Tháng” hay “Năm.” Trả lời phỏng vấn của Đài BBC năm 2011, ông Chris Sinha – Giáo Sư Tâm Lý Ngôn Ngữ thuộc Đại Học Portsmouth, Anh Quốc – cho biết: Ông không nói Amondawa là một “bộ tộc không có thời gian,” hay “nằm ngoài thời gian.” Bởi vì người Amondawa giống như tất cả những bộ tộc khác, có thể nói về các sự kiện và trình tự của các sự kiện. Nhưng điều khác lạ – đó là Giáo Sư Chris Sinha không thể khẳng định: Cách tính thời gian của người Amondawa là một khái niệm độc lập, đối với những sự kiện đang diễn ra. Bởi vì họ không miêu tả thời gian, khi một sự kiện nào đó hiện hữu.
Nhà ngôn ngữ học Benjamin Lee Whorf [1897-1941] – một người rất ủng hộ thuyết thời gian tương đối. Trong tác phẩm “Khoa Học Và Ngôn Ngữ – Science And Linguistics,” ông viết rằng: Ngôn ngữ của người Mỹ Bản Địa Hopi có thể xem là “ngôn ngữ vô thời gian, không phân biệt giữa hiện tại, quá khứ và tương lai của sự kiện.” Nhận định của ông Benjamin Lee Whorf sau đó đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận. Tuy nhiên nhiều nhà ngôn ngữ học đồng ý rằng: Khi thẩm định thời gian, ngôn ngữ của người Hopi có hơi khác lạ, so với những ngôn ngữ khác. Tiếng Trung Quốc không phân chia hiện tại, quá khứ và tương lai. Nhưng họ có những từ ngữ để chỉ thời gian, như “trước” và “sau.” Các nhà ngôn ngữ học phân tích điều này để xem xét: Liệu ngôn ngữ của một người, có thể hiện bố cục tư duy minh bạch và khúc chiết của họ hay không.
Ông J.S. Mbiti, – triết gia 82 tuổi người Kenya – từng tranh luận: Sự hiểu biết của người Châu Phi về thời gian, đã có tác động tiêu cực tới sự phát triển của lục địa này. Ông nói rằng: Trong tư duy truyền thống của người Châu Phi, không có khái niệm lịch sử “tiến” tới đỉnh cao ở tương lai …. Nên người Châu Phi không có “niềm tin vào tiến trình,” không có bất cứ ý tưởng nào về sự phát triển hoạt động của con người, cũng không hề nghĩ đến những thành tựu đi từ thấp đến cao. Họ không có kế hoạch cho tương lai, cũng không mơ mộng viển vông.
Ông J.S. Mbiti cho biết: Người Châu Phi có thể hiểu được sự thay đổi của mùa, và những sự kiện vốn không thể trốn tránh. Nhưng tư duy về kế hoạch dài hạn, hoặc ý tưởng hướng tới tương lai xa hơn, không hề tồn tại trong tâm trí của họ. Nhà triết học này nói thêm rằng: Ýtưởng của ông chưa hoàn thiện, cần phân tích rạch ròi hơn nữa. Nhưng ông gợi ý rằng: Giúp người Châu Phi hiểu khác đi về khái niệm tương lai, có thể giúp lục địa này thăng tiến.
Tôi viết về “Thời Gian” đúng vào Good Friday – Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày kỷ niệm Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su vác thập tự đi suốt mười bốn chặng đường lên Núi Golgotha, hay còn gọi là Núi Sọ. Nghi thức này được thực hiện trước khi bước vào Lễ Phục Sinh, một Thánh lễ quan trọng nhất của các tín đồ Thiên Chúa Giáo. Bên cạnh những nghi thức tôn giáo đặc biệt, Lễ Phục Sinh còn là dịp để mọi người gửi tặng nhau những món quà xinh đẹp đầy truyền thống. Chẳng hạn như những quả trứng được trang trí công phu và tuyệt đẹp; những cô chú thỏ Bunny ngộ nghĩnh, dễ thương; những bữa ăn đặc biệt có thịt jambon thơm ngon. Ước mong từng câu chữ của tôi cũng sẽ là món quà tinh thần, hóa hiện thành lời nguyện chúc vạn vật trong cõi người ta được tái sinh, như nước từ bên phải đền thờ chảy ra trong mùa hồng ân, cho dẫu Trái Đất này còn hay mất thời gian.
HV – 3:15am Thứ Sáu ngày 25 tháng 03 năm 2016