Menu Close

Búa gõ vô đầu

Tôi hồi âm cho một người tôi chưa hề gặp, không biết là gái hay trai, không biết chút gì về người đó ngoài một số bài viết trên Da Màu và phản hồi của người đó về bài nói của tôi tại chương trình hội thảo Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam hồi tháng 12, 2014. Bài viết của tôi có nhan đề, “Bốn Mươi Năm Sau Khi Văn Học Miền Nam Thất Thủ: Thế Hệ Hậu Chiến Khước Từ Thân Phận Mồ Côi.” Nhưng tôi viết hồi âm như viết cho một người rất thân quen tự thuở nào. Gọi là gì bây giờ? Gọi là bạn vậy. 3:33 sáng 28.12.2014, tôi nối Tình Mồ Côi từ Quận Cam qua Berlin, từ miền Nam ra miền Bắc:
Xin mến chào, và chân thành cảm ơn những câu hỏi mẫn cảm và tâm tình bao dung của Lưu Thuỷ Hương (xin phép viết tắt là LTH trong phần còn lại).
LTH đề nghị tôi tạo một bàn tròn cho văn sĩ ‘nhân dân.’ Ý kiến tuyệt vời. Chính LTH đã làm điều này, với bức thư của bạn, trên mảnh đất Da Màu. Và như đã trả lời cho Black Racoon, “Tôi tin là nếu có một tác giả khác viết về đề tài từ một góc nhìn khác, Black Racoon cũng sẽ cảm thông vì ông vốn là một người đọc đầy thiện chí.” Nên tôi rất mong có những tác giả khác viết về đề tài này qua những góc nhìn khác. Rất cảm kích những trao đổi từ mọi phía.
Tư tưởng tự do không thuộc về một nền văn học nào, mà thuộc về nhân loại. “Câu hỏi bạc triệu” của LTH –  tự nó đã là câu trả lời. Nhà văn Mai Thảo nói đến hành trình chung về miền đất tự do của nhân loại (xin xem trích dẫn trong bài) trên hoàn cầu mênh mông. Trên mảnh đất miền Nam, hành trình này – dù có bị gián đoạn – chắc chắn có sự nối tiếp.
Xin nói thêm về hai chữ ‘tôi’ và ‘chúng tôi’ ở trong bài. Trước hết, dù tin vào sức mạnh của cộng thể và những cuộc đấu tranh đại chúng, tôi không nghĩ là bất cứ ai có thể đại diện cho một ai khác. Vì vậy, trong phần 2, tôi nói về kinh nghiệm cá nhân, như một cách hướng tới những điểm chung của những người sinh sau cuộc chiến. Một cách định vị, để tìm một lối vào con đường vạn nẻo. Tôi của sáng hôm nay đã khác với tôi của chiều nay, nên không có một ‘tôi’ và lại càng không có một ‘chúng tôi.’ Chính qua bức thư của mình, LTH đã đưa ra một tiếng nói khác của ‘chúng tôi.’ Xin cho ‘tôi’ và cả ‘chúng tôi’ được nghe thêm.
Tôi nghĩ, nếu có một ai phát minh ra được máy ghi suy nghĩ của con người, thì đó sẽ là phát minh kỳ vĩ nhất. Suy nghĩ đi nhanh hơn vận tốc ánh sáng. Những gì chúng ta ghi lại được và tặng cho nhau (đối với tôi, viết là một hành động trao tặng, dù “…bọn bị hút sạch máu chẳng còn chút hơi thở mà vẫn xì ra được tiếng chửi thề.” LTH, “cõi lang thang,” Da Màu) chỉ là hữu hạn từ cõi vô hạn. Nên, viết là một cách chống chọi lại cái giới hạn – và ngay cả bế tắc – của chữ nghĩa. Những suy nghĩ đi từ não, truyền qua tay, vọng lên bàn phím, biến thành chữ trên màn hình đã trải qua mấy lượt đầu thai. Những điều thật sự muốn nói không bao giờ nằm hết trong những kết hợp trập trùng của 24 chữ cái.
-“Văn chương chẳng phải vì kết cuộc, văn chương chỉ đặt ra vấn đề.” (LTH, “cõi lang thang,” Da Màu).
– Người anh/chị/em (tới giờ, tôi vẫn không biết LTH bao nhiêu tuổi và gái hay trai) mồ côi của tôi, Lưu Thủy Hương, đã hồi âm, với tấm lòng rộng mở, ôm lấy dòng văn học miền Nam và thiết tha với một tương lai phía trước:
– Chị Trang Đài mến, cảm ơn trả lời của chị. Từ mấy ngày nay, tôi cứ bâng khuâng vì chữ “tuyệt đối” trong phần phản hồi của mình. “Nhưng bản thân tôi (tuyệt đối) chẳng biết gì về dòng văn học này.” Trên đời này, quả thật chẳng có gì là tuyệt đối, mà cái phản hồi đó tôi viết hơi nhanh (góp ý nhỏ thôi mà). Không ngờ vài giờ sau, nó nằm nghiêm túc trên trang chính, làm tôi suýt lên cơn đau tim.
Nghĩ cho kỹ, còn có một con đường khác đưa tôi và bạn bè đến với dòng VHMN, rất sớm. Đó là con đường âm nhạc. Văn chương thì đốt được, còn âm nhạc thì đốt không cháy. Bất kỳ học sinh trung học hay sinh viên nào thời đó cũng đều biết đến thơ Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư… qua những bản nhạc Áo lụa Hà Đông, Thà như giọt mưa, Ngày xưa Hoàng Thị… Đó là dòng nhạc cấm. Nhưng vì cấm mà nó càng trở nên quyến rũ và đam mê dữ dội. Tôi vẫn còn nhớ đến nao lòng, những đêm tuổi mười tám cùng bạn bè ôm đàn ngồi hát trên sân thượng cư xá sinh viên:
Đưa em về dưới mưa
Nói năng chi cũng thừa
Như mưa đời phất phơ
Chắc ta gần nhau chưa
Dưới bầu trời thênh thang, bạn bè tôi hát cho nhau nghe, hát rất nhỏ, hát bằng một cảm xúc khao khát yêu đương và một cảm xúc gần như là khao khát tự do. Tôi chỉ dám nói “gần như” thôi, vì thuở đó chỉ biết nói như con vẹt: “Không có gì quý hơn…” nhưng xa hơn cái không có gì đó là cái gì gì thì chẳng đứa nào nghĩ tới. Và, dù là sinh viên thời bao cấp đầu óc hỗn độn chuyện cơm áo, mắm muối, thi cử, tôi và bạn bè cũng có chút thắc mắc: những bản nhạc hiền lành đó có gì mà bị cấm, những nhà thơ trong quá khứ đó là ai, chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ.
Quá khứ???
Không ai có thể duy trì quá khứ để đưa nó quay ngược trở về hiện tại. Quá khứ tự duy trì chính nó, một cách tự động – và mang một quyền lực vô biên. Sau gần 40 năm tích cực bài trừ dòng văn học đối lập, trên quê hương VN hiện nay, ước chừng có hơn 60 triệu đồng bào và chiến sĩ ta thuộc thơ Nguyễn Tất Nhiên.
Chiều xưa có ngọn trúc đào
Mùa thu lá rụng bay vào sân em
Chị Trang Đài mến. Vài ý nhỏ tâm sự cùng chị. Nhất định còn có những con đường tự nhiên khác nữa, từ đó mà thế hệ hậu chiến (hai miền Nam Bắc) đến với VHMN. Tôi cũng như chị, hy vọng vào những trao đổi khác. Và tôi cũng hy vọng rằng, ở một điểm dừng trong hiện tại, những thảo luận về quá khứ sẽ mở ra một con đường hướng về tương lai.
Đến đây thì cuộc truy nhận con nhà Mồ Côi của chúng tôi được sự chiếu cố và tham gia của Nam Bình:
Một số văn nghệ sĩ Miền Bắc, họ bảo cái họ có bây giờ ảnh hưởng nhiều từ văn học nghệ thuật Miền Nam. Một thực tế mà ít ai dám công khai trên văn đàn, chỉ trong trà dư tửu hậu. Hai gương mặt nổi trội Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Trọng Tạo lớn lên ở Miền Bắc đã từng ở Huế và báo sông Hương cũng không ngoại lệ.
Tôi đồng ý với Nam Bình. Không ai có thể ‘trói’ hay ‘cấm vận’ văn chương được. Một bài thơ hay tự nó có cách để đến với người đọc. Tôi tiếp lời:
Cám ơn Nam Bình đã tiết lộ bí mật miền Bắc 🙂 cho chúng tôi. Văn chương như dòng nước – có khi chảy ngầm dưới lòng đất – nhưng luôn làm cho cuộc sống được sung mãn trên mặt đất. Và càng cấm thì người ta càng theo, càng tìm, nhất là khi nó hay. VHMN là một phần của văn học Việt Nam, nghĩa là một phần thân thể của một nền văn học nối dài từ văn học truyền khẩu cho đến văn học thành văn. Không ai có thể tách VHMN ra khỏi dân tộc Việt Nam, dù ở Nam hay ở Bắc.
Tôi vừa sinh mổ (chỉ 3 tuần trước ngày hội thảo), nên vẫn còn đang ‘bị’ bác sĩ cho dưỡng bệnh, nên có một cảm nghiệm về những nối kết liên mạch của văn chương qua tâm tình của một người được làm mẹ lần thứ tư. Tôi muốn hỏi LTH, rằng khi bạn ‘choáng váng như bị gõ búa vô đầu’ – thì bạn có cảm thấy mồ côi không? Hay nó là một cú chết để được sống, một nhận thức rung rinh não để thấy được rõ hơn – nếu không nói là được thấy với nhãn quan khác? Tôi ở Việt Nam đã biết mình ‘mồ côi’ văn học, qua Mỹ cũng thấy bị gõ búa như bạn, khi lần đầu lạc vào dòng chảy cuồn cuộn của VHMN, và dù chưa biết bơi, vẫn không sợ mình bị chìm. Như đứa bé mới chào đời, dù chưa biết tự lo cho mình, nhưng chỉ nhờ sữa mẹ mà vẫn lớn ào ào. Tôi đã nuôi con nhiều năm, mà vẫn choáng ngợp với sự thật là một đứa bé có thể lớn khôn trong suốt năm đầu (hoặc lâu hơn) chỉ nhờ sữa mẹ. Nền VHMN cũng cho tôi sự choáng ngợp tuyệt vời ấy.

TGT