Menu Close

Cây mận trước nhà

Có những cái cây làm bạn với ta từ thời thơ ấu và suốt đời ta vẫn nhớ nó, tìm về với nó mỗi khi có dịp. Đó có thể là cây khế, cây ổi, cây trứng cá… Kẻ viết những dòng này cũng có một: cây bàng. Và còn nhiều người nữa. Sau đây là cây mận của nhà văn Trần Hoài Thư.
Ngày trở về của một người tù cải tạo. Chào mừng người về có cây mận trước nhà trổ bông. Bông trắng rụng trên sân, trên tóc. Tóc tôi trắng, tóc má tôi trắng. Thằng con tôi ngỡ ngàng nhìn bố…
Vâng, quê hương là chùm khế ngọt/cho con trèo hái mỗi ngày… Tôi không có cây khế để con tôi trèo hái, nhưng có cây mận để còn chờ mỗi mùa bông mận nở cho một nỗi rạo rực ngây ngất lạ kỳ. Những cuống bông như những sợi chỉ, rơi xuống, rơi xuống, như mưa đan…để rồi sau đó ít lâu là những chùm trái mận bắt đầu sum suê treo trên cành. Chúng đến như một quy luật tất nhiên của thiên nhiên cho dù lịch sử quá khắc nghiệt đi nữa. Chúng là cái gì kết nối con người với đất đai, gia đình thân thiết.
Nhưng bây giờ gốc mận xưa đã không còn nữa. Con tôi cũng không bao giờ nghĩ về những mùa bông mận rải tấm thảm trắng trên sân nhà như tôi… Vì vậy, tôi ước ao có một nơi để tôi trở về mà khóc sau hơn mấy mươi năm biệt tích, nhưng mà có chỗ nào để tôi khóc đây…?

 

Thắm Nguyễn

Ngày tôi vào tù con tôi một tuổi
Ngày tôi ra tù con tôi lên năm
Khi tôi trở về, đứng ngoài cửa ngõ
Mừng tôi trở về cây mận trổ bông

Tôi bước vào sân, bông rơi trên tóc
Con tôi nhìn tôi, ngơ ngác, kêu ông
Cả nhà sụt sùi, má tôi bảo cháu
Ba cháu đây mà, cháu nhận ba không

Thì tôi đã về, bốn năm phù du
Thì tôi đã về, má ôm tôi khóc
Cây mận trước nhà đầy bông nở trắng
Trắng thêm mái đầu tóc mẹ tóc con

Bông mận cứ bay, sợi li ti bay
Rớt trên tóc tôi, rớt trên tóc má
Tôi nhìn bên kia, nhà ai chủ lạ
Tôi nhìn ra đường, đường đã đổi tên

May mà nơi này còn gốc hoa niên
Bám chặt quê nhà trong ngày đen tối
Trần Hoài Thư đã mất cây mận hồi xưa. Kẻ này cũng đã mất cây bàng. Ôi những mất mát trong đời. Thôi thì chỉ có cách lâu lâu nhớ lại để tự an ủi mình rằng đã có một tuổi thơ êm đềm hạnh phúc.

NS