Menu Close

Ai mua quốc tịch hông?

Câu chuyện du lịch biển bằng tàu cruise đã kết thúc nhưng dư âm còn đọng lại không phải các thú vui chơi mà là chuyện người ta có thể mua quốc tịch để trở thành công dân của nhiều xứ đảo trên vùng biển Caribbean này. Tôi không ngạc nhiên về chuyện mua bán quốc tịch. Có tiền nhiều, thật nhiều bạn có thể mua đủ thứ trong thế giới tưởng chừng khó khăn trong chính sách quản lý công dân của các đảo quốc vùng Caribbean và cả nhiều nước ở châu Âu, châu Úc và châu Mỹ.

 

St. Kitt & Nevis thoát nghèo nhờ chương trình đầu tư mua quyền công dân – Nguồn: bloomberg.com

Hôm ngồi uống cà phê với hai vợ chồng già người Mỹ trên con tàu cruise, chúng tôi nói nhiều chuyện về vùng biển Caribbean. Câu chuyện đang nói về cuộc sống trên các hòn đảo từng là thuộc địa của Anh, Pháp, Tây Ban Nha, thì đột nhiên ông chồng hỏi tôi người quốc tịch nước nào (có lẽ ông lầm tôi là người Trung Quốc) và có chán quốc tịch của mình không. Chán là sao? Tôi hỏi lại để hiểu hơn hàm ý ông muốn nói. Ông kể rằng, ông biết rõ một người mang quốc tịch Philippines nhưng người ấy cứ khăng khăng bảo mình là người châu Á mà không khẳng định rõ ràng mình là người Philippines.

Passport của nước Dominica cấp cho một người sinh trưởng tại Trung Quốc – Nguồn: Passportinvestment

Ý ông muốn nói có một số người muốn chối bỏ nguồn gốc quốc tịch của mình vì lý do nào đó, nên ông dùng từ “chán”. Chán thì bỏ, đi tìm một quốc tịch mới nếu có điều kiện. Chuyện của ông làm tôi nghĩ đến người Trung Quốc giàu có hiện đang đi tìm cho mình một quốc tịch khác trên các vùng đảo Caribbean, châu Mỹ, châu Âu và cả châu Phi. Nó trở thành câu chuyện thời sự khi Trung Quốc đang o bế và hào phóng giúp đỡ nhiều đảo quốc Caribbean qua danh nghĩa hợp tác kinh tế nhằm biến sân sau của nước Mỹ thành thị trường của mình. Người Trung Quốc có mặt khắp ngõ ngách thế giới, ở nước giàu và cả nước nghèo, trước tiên để làm ăn và cuối cùng là họ tự hào rằng, trên trái đất này, đâu đâu cũng có người Trung Quốc.
Ông nói tờ New York Times có bài viết, chỉ cần có 100,000 đô la thì có ngay một quốc tịch mới trên đất nước Dominica. Gia đình có bốn người thì số tiền mua quốc tịch chỉ tăng lên gấp đôi. Điều kiện dễ dàng, thời gian giải quyết trong vòng hai tháng. Trung Quốc dựng nên China Town ngay trong thủ đô Santo Domingo và chính phủ nước này nhận những món quà mua chuộc xây dựng trường học, bệnh viện, sân vận động của chính phủ Trung Quốc gọi là tài trợ cho một nước có kinh tế thấp. Ông bảo, không biết thấp như thế nào nhưng nhiều lần ông đi du lịch đến Dominica thấy cuộc sống của đảo quốc này khá tốt. Người dân có thu nhập trên đầu người không thua gì người Trung Quốc, tức trên 7,000 USD/năm. Một sự tương trợ khập khiễng chỉ là cái cớ để Trung Quốc nắm được những hợp đồng kinh tế lớn.

Tập Cận Bình tiếp phái đoàn chính phủ đảo quốc Jamaica trong chương trình tài trợ xây dựng một số công trình cho Jamaica – Nguồn: ChinaEmbassy

Chuyện ông biết chỉ là một phần nhỏ trong mảng mua bán quốc tịch thuộc chính sách bành trướng kinh tế của Trung Quốc (mà chắc tôi nghĩ ông không thích người Trung Quốc) nhưng ông không trả lời khi tôi hỏi ông về vấn đề này. Mới đây, tôi đọc bản tin của Reuters về vụ bà Julia Vivi Wang bị tòa án liên bang ở Manhattan, New York khởi tố vì tội hối lộ một số tiền để mua chức danh ngoại giao của đảo quốc Antigua và Barbuda cho người chồng quá cố và những doanh gia Trung Quốc khác. Vụ này có liên quan đến John Ashe cựu đại sứ Antigua và Barbuda tại Liên Hiệp Quốc khi đó đang giữ chức chủ tịch Đại Hội Đồng. Dây mơ rễ má chuyện đút lót dính tới cựu phó đại sứ nước Cộng hòa Dominica tại Liên Hiệp Quốc là ông Francis Lorenzo. Ông này đã khai rằng Wang và chồng bà ta muốn các vị trí ngoại giao vì chúng có thể giúp họ kiếm tiền bằng cách dàn xếp các thương vụ mua bán hoặc giúp người khác kiếm quốc tịch đầu tư vào một quốc gia khác. Doanh nhân tỷ phú Macau Ng Lap Seng, Chủ tịch Tập đoàn Sun Kian Ip, là thành viên Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc và có chân trong Ủy ban Phát triển kinh tế Macau. Ng Lap Seng có hộ chiếu của 3 nước khác nhau gồm Trung Quốc, Bồ Đào Nha và CH Dominica cũng dính vào vụ này.
Chuyện mua quan bán chức đã trở thành truyền thống xa xưa của nhiều quốc gia không riêng gì Trung Quốc nhưng mối quan tâm ngày nay là chuyện mua bán quốc tịch dưới nhiều hình thức mà người ta gọi là đầu tư khởi đầu từ một dự án Immigrant Investor Program (IIP) trên đảo quốc nhỏ bé St. Kitts & Nevis ở vùng biển Caribbean từ năm 1994. Chương trình di dân đầu tư của đảo quốc này thực thi trong hoàn cảnh đảo quốc sống bằng ngành mía đường làm ăn thua lỗ dẫn đến khủng hoảng tài chánh. Dự án IIP phát triển nhanh chóng nhờ ưu thế không yêu cầu người mua quốc tịch phải đến định cư trên một hòn đảo bé xíu buồn tẻ giữa biển khơi, mà người muốn có quốc tịch St. Kitt & Nevis có thể thực hiện bằng hai cách: Một là đầu tư vào bất động sản của chính phủ. Hai là đóng góp vào tổ chức cải cách ngành mía đường tại đây. Đóng góp không phải đầu tư có lợi theo kiểu cổ phần. Thế nhưng, chương trình này hấp dẫn nhiều người, trong đó các nhà đầu tư đã chi 2 tỷ USD để mua tấm quốc tịch của đảo quốc nhỏ bé này nhưng lại có sức mạnh đi lại 132 quốc gia trên toàn cầu mà không cần thị thực. Phần lớn doanh nhân mua quốc tịch này là ai? Hai phần ba là người Trung Quốc, phần khác còn lại không nhỏ là người Trung Đông.

Bà Julia Vivi Wang (phải) bị tòa án liên bang ở Manhattan, New York khởi tố vì tội hối lộ một số tiền để mua chức danh ngoại giao của đảo quốc Antigua và Barbuda – Ảnh: AP

Chính sự dễ dãi của chương trình đầu tư mua quốc tịch khiến cho đảo quốc St. Kitt & Nevis khôi phục kinh tế và tăng trưởng GDP lên gấp ba lần trong vòng mười năm. Điều này khiến mô hình IIP nổi tiếng khắp thế giới. Nhiều nước vùng Caribbean và châu Âu học theo cách làm này. Đảo Grenada, Antigua và Barbuda, Trinidad Tobago, Bahamas, Jamaica thực hiện chương trình “mua bán quốc tịch” có nhiều kết quả tốt thay đổi tình hình cho cuộc khủng hoảng kinh tế. Các nước châu Âu như Cyprus, Albania, Croatia, Montenegro, Slovenia, Malta đã nhờ luật sư Christian Kalin người Thụy Sĩ, cha đẻ của chương trình IIP tư vấn thành lập những chính sách thu hút đầu tư qua hình thức biến quyền công dân thành hàng hóa. Tuy thế, chương trình IIP đang vấp phải nhiều phản ứng. Nó có thể trở thành công cụ giúp cho người đầu tư trốn thuế dễ dàng và dung túng tội phạm rửa tiền cũng như các hoạt động kinh tài trợ giúp cho quân khủng bố. Bộ Tài chính Mỹ từng cảnh báo đảo quốc St. Kitt & Nevis cấp passport cho những công dân Iran mà Hoa Kỳ đang trừng phạt thương mại. Canada cũng không ngoại lệ khi thay đổi luật mới bắt buộc công dân mang quốc tịch St. Kitt & Nevis phải có thị thực mới cho nhập cảnh.
Tuy vậy giá quốc tịch của các quốc gia châu Âu không rẻ chút nào. Quốc tịch Malta có giá 850,000 đô la. Điều thuận lợi là ai mang quốc tịch Malta được dễ dàng cư trú ở các nước khác trong Liên minh châu Âu. Nước Áo là quốc gia cho phép đầu tư để có cơ hội nhập tịch với chi phí đầu tư cao nhất lên đến 10 triệu đô la. Hồng Kông thuộc về Trung Quốc. Nhưng một nước hai chế độ vẫn hấp dẫn hàng chục ngàn người bỏ ra 1.3 triệu USD đầu tư để được hưởng quyền cư trú mà thời gian ràng buộc chỉ cần ba năm một lần đến Hồng Kông. Singapore có thuế thu nhập cá nhân thấp nhất châu Á, khó khăn hơn trong chính sách đầu tư được hưởng quyền công dân, đòi hỏi người đầu tư một số tiền rất lớn. Úc chỉ cần 4.7 triệu đô la Mỹ đầu tư vào trái phiếu chính phủ hoặc các dự án cơ sở hạ tầng của các công ty tư nhân là có quyền thường trú và cứ theo luật định nộp đơn xin vào quốc tịch.

Nhà bình luận chính trị nổi tiếng của đài ABC Brian Ross công bố những bài điều tra về chương trình EB-5 đầu tư định cư của chính phủ Mỹ – Nguồn: ABC

Còn các nước Bắc Mỹ thì sao? Canada đã chấm dứt chính sách định cư qua diện đầu tư nhưng tỉnh Quebec vẫn tiếp tục cho phép. Để vào Quebec dễ dàng hơn, các nhà giàu Trung Quốc chọn Hồng Kông làm trạm trung gian sau khi có được sổ thông hành công dân Hồng Kông bên hông Đại lục. Theo thống kê của đài CNBC, người giàu Trung Quốc vào Mỹ theo chương trình đầu tư EB-5 trong những năm gần đây khá đông, tuy nhiên để có một thẻ xanh chính thức không phải dễ dàng. Chương trình này hấp dẫn không chỉ có người Trung Quốc mà cả người Trung Đông nhất là Iran nộp đơn rất đông. EB-5 có hai dạng trực tiếp và gián tiếp. Dạng trực tiếp, nhà đầu tư phải thành lập cơ sở kinh doanh và phải tạo 10 việc làm toàn thời gian trong hai năm liên tiếp cho thường trú nhân hoặc công dân Mỹ với số tiền đầu tư 1 triệu USD. Dạng gián tiếp, chỉ cần 500,000 USD bỏ tiền vào các dự án thuộc khu vực chính phủ khuyến khích đầu tư. Số vốn này được hoàn lại 100% sau 5 năm. Điều này có nghĩa là cho nhà nước mượn vốn không có lãi. Sau 5 năm, lỡ tiền đầu tư thua lỗ đành mất trắng. Nhưng việc mất số tiền đó không phải là vấn đề mà việc di chuyển nhà cửa, làm ăn hay con cái đang học hành dang dở tại Mỹ mới là vấn đề nan giải. Tuy có những rủi ro, chương trình EB-5 vẫn hấp dẫn các nhà giàu thế giới vào Mỹ đầu tư để được định cư chính thức tìm cho mình cái vỏ bọc an toàn khi trở thành công dân.
Nhà bình luận chính trị nổi tiếng của đài ABC Brian Ross công bố nhiều bài điều tra, phản bác chương trình EB-5 có nhiều sơ hở, ủng hộ cho bọn tội phạm, gián điệp và khủng bố mua được con đường vào Mỹ. Có bán thì có mua và các lời quảng cáo tràn đầy các website của các nước có chương trình đầu tư định cư trên khắp thế giới. Ai… mua quốc tịch… hông.

TN