Thời buổi gạo châu củi quế, ông bà ta ví von hạt gạo đắt như hạt ngọc, thanh củi quý như khúc quế để chỉ thời giá đắt đỏ, và thức ăn vật dụng cái chi cũng quý báu quá chừng.
Lúa gạo trở nên khan hiếm nên có giá, và những quốc gia nghèo nên khốn khổ, họ đối diện với cái đói trước mắt. Người dân không đủ ăn nên kéo nhau biểu tình mắng mỏ chính phủ ăn hại bất tài, không lo đủ cho người dân no ấm.
Nhật Bản và Nam Hàn đã bắt đầu nhập cảng các giống bắp ngô được biến hóa từ phòng thí nghiệm để chế tạo nước ngọt, món ăn vặt và các thực phẩm khác. Trước đây, để tránh tiếng là dùng nguyên liệu “nhân tạo”, các hãng chế tạo thực phẩm chỉ mua các loại bắp ngô trồng theo kiểu “thông thường”, hạt giống lấy từ những cây bắp “mẹ”. Nhưng giá cả của loại bắp thông thường kia đã tăng gấp đôi rồi gấp ba trong vòng hai năm vừa qua nên người ta khó thể “kén chọn” như trước.
Nghiên cứu cây trồng tại phòng thí nghiệm – nguồn agric.wa.gov.au
Tại Hoa Kỳ, những nông trại lúa mì cũng ngần ngại trước việc gieo trồng loại hạt giống biến hóa từ phòng thí nghiệm vì sợ không xuất cảng được sang Âu Châu. Nhưng khi lúa mì lên giá, thì các nông trại này bắt đầu nghĩ đến việc gia tăng hoa màu qua các loại giống nhân tạo.
Tại Âu Châu, nơi những thứ hạt giống lai tạo trong phòng thí nghiệm, hay “genetically modified crop” bị gọi là thực phẩm “quái thai” (Frankenfood, theo chữ “Frankenstein” một hình nhân dị dạng), người ta bắt đầu đổi ý. Các nông trại chăn nuôi đang kêu la ỏm tỏi về việc thiếu thức ăn để nuôi heo bò, và chẳng bao lâu nữa thị trường Âu Châu sẽ không có thịt để bán cho người tiêu thụ. Thế là những tay buôn bán vội vàng thúc đẩy chính phủ của họ, mau mau nhập cảng các loại thức ăn, thiên tạo hay nhân tạo cũng phải mua!
Tại Anh, Hiệp Hội Thịt Bò (the National Beef Association), đại diện cho nghiệp đoàn nuôi bò, kêu gọi chính phủ của họ ngừng cấm đoán ngay việc nhập cảng hạt giống lai tạo từ phòng thí nghiệm. Họ nói rằng cả thế giới đang lên cơn sốt thực phẩm, người đói không đủ thức ăn, trâu bò không đủ thức ăn, hạt giống nào cũng được!
Ông Neil Parish, Chủ Tịch hội đồng Nông Nghiệp của Nghị Viện Âu Châu, cũng đồng ý, khi giá thực phẩm lên cao thế này thì dân Âu Châu sẽ “thực tế” hơn về loại thực phẩm lai tạo từ phòng thí nghiệm, trái tim họ có thể nằm ở bên trái, nhưng túi tiền thì nằm ở bên phải!
Hai phần ba người dân Hoa Kỳ không biết rằng hầu hết những gì họ ăn hàng ngày có chứa thành phần biến đổi gen. nguồn gmo-awareness.com
Dân Âu Châu, những người theo khuynh hướng “thiên nhiên” không thích sự thay đổi, chế biến của con người, thì lo ngại rằng các giống cây kể trên chưa được tìm hiểu kỹ càng, và chúng có thể hại cho sức khỏe cũng như môi sinh?!
Hạt giống “nhân tạo” là cái chi mà người ta e dè và cộng đồng Âu Châu cấm đoán? Trước hết, trong thiên nhiên việc “lai tạo” (cross-polination) xảy ra hàng ngày nhờ chim muông, gió và côn trùng. Ong bướm đem phấn hoa từ cây này sang cây khác; cây cỏ thụ phấn và tự biến đổi, do đó hoa màu cũng biến đổi theo. Trong phòng thí nghiệm, người ta dùng các di thể từ sinh vật này cấy vào cây cỏ để “lai tạo” một giống cây có nhiều sức đề kháng hơn, không bị nhiễm trùng và khó tiêu diệt bởi thuốc trừ cỏ.
Qua phương pháp “gene splicing” để cấy di thể, người ta đã cấy được những giống cây như canola, bắp, cô tông và đậu nành. Người ta đang tìm cách lai tạo các giống cây có thể sinh sống trong các vùng đất khô cằn ít nước, cần ít phân bón. Nói chung là một giống cây dễ trồng “cứng cỏi” và sản xuất nhiều hoa màu hơn.
Có thể rằng trước những áp lực về nạn đói xảy ra khắp nơi, nhất là những cuộc biểu tình, bạo động bắt nguồn từ việc thực phẩm lên giá tại Cameroon, Egypt, Haiti và Thái Lan, người ta sẽ phải “nhìn” lại và thẩm định lại sự dè dặt về hạt giống lai tạo từ phòng thí nghiệm. Việc lên giá của thực phẩm là do nhiều yếu tố, thực phẩm như bắp ngô được chuyển sang làm nhiên liệu, giá xăng dầu lên cao khiến việc chuyên chở thực phẩm đến nơi tiêu thụ tốn kém hơn, hạn hán xảy ra nên mất mùa tại nhiều nơi kể cả Úc, một trong những quốc gia sản xuất nông sản.
Khi các phản ứng “dè dặt” kia thuận lợi hơn, Hoa Kỳ có thể sẽ xuất cảng được nhiều hơn những sản phẩm nông nghiệp trong thể loại này. Hoa Kỳ xuất cảng 50% các loại thực phẩm kể trên. Những thực phẩm như bắp ngô, đậu nành và canola đến từ Argentina, Brazil và Canada. Hoa Lục đang sửa soạn gieo trồng một loại lúa gạo có sức đề kháng côn trùng.
Á Châu hầu như đã thay đổi cái nhìn về thực phẩm biến chế từ phòng thí nghiệm, và Âu Châu thì đang dùng dằng. Pháp vẫn cấm việc trồng tỉa giống bắp ngô lai tạo từ phòng thí nghiệm, có nghĩa là hổng ăn bắp “nhân tạo”. Đức vừa ban hành một đạo luật cho phép để nhãn hiệu “G.M. free”, “genetically modified free”, thực phẩm này không dính dáng chi đến việc lai tạo từ phòng thí nghiệm, hay nói một cách khác, thực phẩm do việc trồng tỉa tự nhiên. Nghĩa là ông Tây bà Đầm lựa chọn thực phẩm giùm dân và cấm dân chúng ăn thứ thực phẩm “nhân tạo” kia. Đức thì lịch sự hơn, để người tiêu thụ tự do lựa chọn, chỉ bắt nhà sản xuất phải đề nhãn hiệu rõ ràng.
Còn Hoa Kỳ? Người ta ăn uống những thực phẩm lai tạo từ phòng thí nghiệm từ lâu lắm rồi, chẳng ai thắc mắc gì cả. Nông trại Hoa Kỳ trồng trọt, thu hái và xuất cảng những món thực phẩm này, mỗi ngày một nhiều hơn, nhất là khi các hạt giống được sử dụng trong việc chế tạo nhiên liệu để dùng như xăng dầu.
TLL