Như hai người tiền nhiệm là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, từ khi trở thành lãnh tụ số một của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình được nắm giữ những chức vụ quan trọng nhất: Tổng bí thư đảng, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch nước của nước Tàu. Nhưng ngoài ba chức vụ trên, Tập Cận Bình còn thâu tóm một loạt những chức vụ khác mà những người tiền nhiệm không có, như chủ tịch một ủy ban do ông lập ra để lãnh đạo “cuộc cải tổ toàn diện”, và một cơ quan khác cũng do chính ông thành lập để giám sát các cơ quan an ninh của quốc gia. Có thể nói Tập Cận Bình là nhân vật lãnh đạo của Trung Quốc có nhiều quyền hành nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.
Poster Tập Cận Bình được bày bán tại Thượng Hải vào ngày 26 tháng ba năm 2016 – nguồn time.com
Các lãnh tụ Trung Quốc trước đó vẫn đi theo một thông lệ bất thành văn là nhà lãnh đạo đương nhiệm vẫn thường phải chịu một phần ảnh hưởng từ vị lãnh đạo tiền nhiệm. Như ông Hồ Cẩm Đào, trong khi lãnh đạo đất nước vẫn phải núp dưới bóng của người tiền nhiệm là Giang Trạch Dân; ông Giang Trạch Dân, trong khi nắm quyền, phải chịu cúi mình trước Đặng Tiểu Bình; thậm chí ngay Đặng Tiểu Bình sau khi nắm quyền trở lại vẫn tỏ ra luôn cẩn thận và tế nhị chỉ vì sợ làm những đảng viên lão thành nổi giận. Nhưng với Tập Cận Bình hiện nay, giống như Mao, lại không tỏ ra mấy quan tâm về chuyện này.
Ông Vương Kỳ Sơn đuổi theo ông Tập Cận Bình khi kết thúc phiên khai mạc Hội nghị ngày 3/3/2016. Ảnh: news.ifeng.com
Kể từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã lần lượt tiêu diệt những đối thủ chính trị nặng ký qua chiến dịch bài trừ tham nhũng thường được biết dưới cái tên là “đả hổ đập ruồi” với những tên tuổi nổi bật như Bạc Hy Lai, cựu bí thư đảng bộ Trùng Khánh, và Chu Vĩnh Khang, cựu chủ nhiệm Ủy ban Chính trị – Pháp luật trung ương, giám sát tất cả các lực lượng an ninh và các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những làn sóng chống đối trong và ngoài đảng, ngấm ngầm hay công khai, vẫn thường xuyên xuất hiện và đó là chuyện thường tình trong một chế độ độc tài khi các đối thủ tranh giành quyền lợi với nhau. Nhưng trong mấy tuần qua, với hai bài báo bỗng nhiên xuất hiện trên hệ thống truyền thông nhà nước đã trở thành một hiện tượng hy hữu và được báo chí phương Tây chú ý, một phần vì sự việc này xảy ra chỉ trước hội nghị thường niên của quốc hội Trung Quốc.
Trước hết là một bài viết được đăng trên một tờ báo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan đầu não của chiến dịch bài trừ tham nhũng do cánh tay mặt của Tập Cận Bình là Vương Kỳ Sơn lãnh đạo, với tựa đề “Một ngàn người vâng dạ không bằng một kẻ sĩ nói thật”. Bài báo được viết theo lối ngụ ngôn truyền thống Trung Hoa để chỉ trích những kẻ đang cầm quyền, và trong trường hợp này, bài báo kể lại câu chuyện của Đường Thái Tông là một anh quân nhờ biết lắng nghe lời can gián của những trung thần. Bài báo kêu gọi cần có thêm tranh luận và tự do phát biểu hơn vào lúc họ Tập đang ra sức siết chặt cả hai điều này. Bài báo viết: “Quyền nói lên ý kiến một cách công khai vẫn thường quyết định sự trỗi dậy và suy tàn của các triều đại. Chúng ta không nên lo sợ người dân nói lên những điều sai trái; chúng ta chỉ nên sợ nếu người dân không nói điều gì cả.”
Lá thư ngỏ, đăng trên một trang mạng của nhà nước yêu cầu Tập Cận Bình từ chức – nguồn chinachange.org
Bài báo thứ nhì, được viết dưới dạng lá thư ngỏ, đăng trên một trang mạng của nhà nước và sau đó loan truyền rộng rãi. Lá thư được mở đầu bằng “Kính chào đồng chí Tập Cận Bình. Chúng tôi là những đảng viên trung kiên của Đảng Cộng sản.” Bài báo kể ra những việc làm sai trái của họ Tập kể từ khi nắm quyền và khuyên Tập nên từ chức. Bài báo nhắc đến việc Tập Cận Bình đã phá bỏ hệ thống lãnh đạo tập thể của đảng; thâu tóm quá nhiều quyền hành cho riêng cá nhân; cố tình gạt thủ tướng Lý Khắc Cường ra ngoài; gây ra những xáo trộn trong thị trường nhà đất; bóp méo vai trò của truyền thông; và âm thầm khuyến khích việc tôn sùng cá nhân.
Theo nhận định của truyền thông quốc tế, cả hai bài báo có thể có nguồn gốc từ những nhân vật cao cấp nhất của giới kinh doanh hoặc truyền thông, nhưng cũng có thể là từ ngay bên trong nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và qua đó cho thế giới thấy được một làn sóng bất mãn ngày càng lớn mạnh chống lại những toan tính thâu tóm quyền hành về trung ương của họ Tập và đàn áp những tiếng nói bất đồng ở cả trong và ngoài đảng.
Không ai nghĩ rằng sự xuất hiện công khai của hai bài báo trên có thể lật đổ được Tập Cận Bình hay thậm chí có thể khiến ông ta phải thay đổi chính sách cai trị hiện nay. Nhưng nó sẽ khiến họ Tập phải bận tâm lo lắng về chính trị nội bộ trong nước và tiếp tục tránh né không dám quyết tâm thi hành cuộc cải tổ đầy khó khăn và cấp bách để vực dậy nền kinh tế đang có những dấu hiệu èo uột của Trung Quốc. Cũng có thể họ Tập sẽ tiếp tục chính sách cai trị theo đường lối quốc gia cực đoan hơn để mị dân và tìm sự ủng hộ của các thành phần bảo thủ trong đảng.
Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) bị “kết tội” chống đảng – nguồn money.cnn.com
Trong mấy tháng qua, Tập Cận Bình đã chỉ thị cho siết chặt quyền tự do hơn nữa, cấm tất cả giới chức trong đảng không được bàn luận những điều không hay về chính sách của nhà nước và bắt các cơ quan truyền thông quốc doanh phải được kiểm soát nghiêm ngặt hơn nữa.
Nhưng thay vì phải im tiếng, dư luận lại nổi lên làn sóng chống đối công khai hơn bao giờ hết.
Tài khoản trên trang mạng cá nhân của nhà tỷ phú bất động sản Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) mới đây đã bị đóng sau khi ông này lên tiếng chỉ trích việc Tập Cận Bình siết chặt kiểm soát truyền thông trong nước. Những ngày sau đó, Nhậm đã phải đối đầu với sự chỉ trích mạnh mẽ từ đảng nhưng ông cũng nhận được rất nhiều ủng hộ từ số đông khác.
Một giáo sư tại Trường Đảng Trung ương lên tiếng cảnh cáo việc đàn áp những ý kiến bất đồng chỉ đưa đến những tai hại cho đảng; tạp chí tài chính uy tín Tài Kinh (Caixin), qua trang mạng của họ, đã lên tiếng phản đối tình trạng thiếu tự do phát biểu; và một nhân viên cao cấp của Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, đã cho đăng một lá thư vạch trần những cuộc thanh trừng của Tập Cận Bình mấy năm qua, so sánh nó với thời Cách mạng Văn hoá của Mao Trạch Đông, lá thư đã được phát tán rộng rãi.
Đảng Cộng sản Trung Quốc từ lâu vẫn luôn hãnh diện là có khả năng kiểm soát những tiếng nói trong đảng và nhất trí trong lãnh đạo. Những tiếng nói công khai phản đối gần đây cho thấy có sự rạn nứt nghiêm trọng của hệ thống lãnh đạo do chiến dịch đề cao cá nhân và chính sách tập trung quyền lực vào trong tay của họ Tập.
Poster các nhà lãnh đạo bày bán trên một đường phố tỉnh Sơn Tây Bắc của Trung Quốc – ảnh AP
Làn sóng chống đối hiện nay cũng cho thấy sự ủng hộ mô hình một quốc gia độc tài cởi mở về kinh tế nhưng kiểm soát chặt chẽ về chính trị từ thời Đặng Tiểu Bình đến nay không còn hợp thời nữa. Chính sách của Tập Cận Bình mấy năm qua càng ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn hệ thống chính trị, nhưng sự mở rộng tự do kinh tế lại bị đứng khựng lại.
Một số người lạc quan về tương lai Trung Quốc vẫn cho rằng Tập Cận Bình tin tưởng là thời cơ chưa chín muồi cho một cuộc cải tổ sâu rộng cho đến khi họ Tập dọn sạch đảng. Trong quan điểm này, thời điểm đó là sau đại hội đảng vào năm tới. Nhưng nhiều phân tích gia lại cho rằng, tại hội nghị này, họ Tập sẽ đưa thêm những tay chân thân tín vào những chức vụ quan trọng. Có nhiều lý do để tin rằng ông ta sẽ tiếp tục chậm chạp trong việc cải tổ và những tiếng nói đối lập sẽ bị bao vây. Hiếm có khi nào có một sự thay đổi chính sách đột ngột sau khi một lãnh tụ đã nắm quyền trong nhiều năm.
Theo nhận định của tờ The Economist, sự lãnh đạo của Tập Cận Bình có được thành công hay không không chỉ tùy thuộc vào kết quả đạt được mà còn ở chính sách mà ông ta đang theo đuổi. Nhìn từ quan điểm toàn diện thì không thấy ông ta sẽ thành công. Tờ báo cũng cho rằng dường như Tập Cận Bình chỉ chú trọng là làm sao cho đảng mạnh lên và củng cố quyền lực cho riêng mình chứ không mấy quan tâm về giàu mạnh kinh tế và một xã hội cởi mở như đa số người dân trong nước thèm khát.
VH