Menu Close

Mặt khác của thế vận hội

Một cách lý tưởng, Olympic là cuộc lễ hội thể thao toàn cầu. Nhưng năm nay, nhà tổ chức Rio de Janeiro đang gặp vô vàn rối ren dù ngày mở màn Thế Vận Hội chỉ còn chừng 4 tháng. Xứ Brazil đang là tâm điểm của dịch bệnh liên quan đến virus Zika đã khiến bao nhiêu du khách khiếp hãi gây ra vô số vụ hủy bỏ chuyến bay.

 

Thủ Tướng Shinzo Abe (phải) và phái đoàn Nhật ăn mừng Tokyo được trao quyền tổ chức Olympic 2020. Ảnh AP

Thêm vào chuyện kinh tế quốc gia suy thoái nặng nhất trong vòng 1/4 thế kỷ  khiến dấy lên nhiều quan ngại liệu Brazil có sẵn sàng để đón nhận Olympic. Nhưng nguy cơ lớn nhất có lẽ là biến động chánh trường từ các vụ tai tiếng tham nhũng. Dân tình đang xôn xao dữ dội trước các tin tức quanh vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành tư pháp xứ này. Bên công tố viện và các thám tử của tổng nha cảnh sát Brazil đang mở cuộc điều tra mệnh danh là Operation Car Wash (tạm dịch Chiến Dịch Rửa Xe) dính líu trên 300 chánh khách và 24 đảng phái khác nhau, với những cáo buộc nhận tiền hối lộ bất chánh tổng cộng lên đến gần $3 tỉ Mỹ kim để phân chia các dự án xây cất Olympic. Thậm chí hằng triệu người dân Brazil hơn một lần xuống đường biểu tình đòi bãi nhiệm cả đương kim nữ Tổng Thống Dilma Rousseff. Những rối ren này gợi nhắc lại, đằng sau những huy chương lấp lánh, Olympic còn có nhiều bề trái khó chịu.

Cựu Tổng Thống Brazil, Luiz Inácio Lula da Silva (trái) và cầu vương Pelé (phải) ăn mừng Rio de Janeiro được trao quyền tổ chức Olympic 2016. Ảnh AP Photo / Charles Dharapak

Mỗi 4 năm, người ta dễ nhận ra những hấp lực đặc biệt của Thế Vận Hội. Làn sóng du khách ngoại quốc ào ạt bơm tiền vào dịch vụ du lịch, mua sắm, nhà hàng, khách sạn… Các công trình phục vụ Olympic thúc đẩy đầu tư hạ tầng cơ sở. Về lâu dài, hệ thống giao thông cải thiện cắt giảm kẹt xe cũng như giúp thương mại địa phương hoạt động hiệu quả hơn. Được tổ chức Thế Vận Hội là 1 vinh dự lớn, nâng uy tín nước nhà. Sự tiếp đón hằng trăm ngàn du khách, cả giới lực sĩ lẫn khán giả mộ điệu thể thao, cũng là cơ hội ngàn vàng để quốc gia tổ chức trình diễn những nét văn hóa độc đáo của họ. Nhưng mặt khác Olympic tốn kém rất lớn. Nhà tổ chức cần xây dựng nhiều vận động trường, cơ sở thể thao, lắp đặt dụng cụ máy móc cần thiết cho các lực sĩ tranh tài, và cũng phải có các bước chuẩn bị tương tự để tiếp nhận, chăm sóc du khách thể thao trong thời gian họ lưu ngụ dự khán các cuộc tranh hùng Thế Vận Hội. Chi phí xây cất lẫn điều hành Olympic ngày càng gia tăng, và thường là cao hơn mức dự trù ban đầu. Đây là gánh nặng tài chánh không nhỏ. Thành phố Montreal của Canada mãi đến năm 2006 mới trả dứt số tiền $2.7 tỉ nợ nần từ lần tổ chức Olympic 1976. Thế Vận Hội Athens 2004 (Hy Lạp) dự trù chỉ cần $1.6 tỉ nhưng tốn kém thực tế là $16 tỉ. Beijing Games năm 2008 bên Tàu chi phí trên $42 tỉ. Thế Vận Hội lần sau cùng, London 2012 (Anh Quốc), được tổ chức hiệu quả hơn, cắt giảm tốn kém xuống $20 tỉ, nhưng cũng còn cao hơn trù liệu ban đầu của nhà tổ chức đến 4 lần.

Sân “Tổ Chim” ở Bắc Kinh. Ảnh http://3.bp.blogspot.com/

Một trong những đòi hỏi gắt gao nhất của Olympic là các vận động trường hào nhoáng tân kỳ. Tuy nhiên, xưa nay các vận động trường thường không mang lại hiệu quả thương mại cao. Đây là một trong những nguyên do chánh khiến các vận động trường thường được tài trợ không ít thì nhiều bằng ngân sách công – ngay cả tại chính Hoa Kỳ với nền kinh tế tư nhân bá chủ. Những công trình xây cất vận động trường thường tốn kém hằng trăm triệu Mỹ kim, chiếm dụng hằng chục mẫu đất giàu giá trị ở các thành phố lớn kéo dài nhiều thập kỷ. Sau khi kết thúc Olympic, thành phố phải tìm cách sử dụng hiệu quả các cơ sở này. Thực tế cho thấy các công trình Olympic mặc dù đồ sộ nhưng chỉ được dùng trong thời gian rất ngắn, chỉ hơn 2 tuần lễ, rồi sau đó không còn cơ hội tái sử dụng hết công dụng của chúng. Có rất nhiều cơ sở thể thao, vận động trường, sau thời điểm huy hoàng Thế Vận Hội, hầu như bị bỏ hoang. Tai tiếng bậc nhất có thể là sân “Tổ Chim”  Bird’s Nest ở Bắc Kinh. Trên mạng máy tính toàn cầu Internet có vô số hình ảnh các vận động trường từng xây dựng cho riêng Olympic ngày nay hoang phế tiêu điều cỏ dại. Với những cơ sở thể thao may mắn hơn, thảng hoặc còn được trưng dụng, thì công việc tu sửa, bảo trì chúng lại mất thêm hằng chục triệu Mỹ kim mỗi năm. Vận động trường, nhất là xây để dùng cho Olympic, vì vậy dễ bị xem là các đầu tư mang tính rủi ro cao, bòn rút túi tiền người thọ thuế nhiều hơn là giá trị chúng mang lại. Xét trên phương diện tài chánh, nhất là với những thành phố chú trọng thị trường tự do và hiệu quả kinh tế, thì mô hình Olympic không mấy hấp dẫn.

Hồ bơi tại Olympic Village phía bắc Athens ngày nay. Ảnh Yannis Behrakis / Reuters

Mỗi thành phố tổ chức Olympic tốn kém khác nhau tùy dân số, mãnh lực của nền kinh tế, số cơ sở thể thao sẵn có, phương thức điều hành, v.v… Các thành phố càng nhỏ, càng nghèo, thì gánh nặng tổ chức Olympic càng lớn. Nhưng tất cả có một mẫu số chung là hầu hết các công trình phục vụ Olympic chỉ được tận dụng tối đa trong hơn 2 tuần lễ diễn ra Thế Vận Hội. Trước và giữa kỳ Olympic, tỉ lệ thất nghiệp giảm vì thành phố tổ chức cũng tạo ra nhiều việc làm (xây cất, điều hành, dịch vụ…) nhưng chỉ mang tính tạm thời vì ngay sau khi bế mạc TVH, các công việc này hầu hết đội nón ra đi, và tỉ lệ thất nghiệp nhích lên trở lại. Ngay chính kỹ nghệ du lịch cũng có thể bị liên lụy vì vào thời điểm diễn ra Olympic các dịch vụ du lịch không dính tới TVH dễ bị… mất khách. Giữa kỳ TVH London 2012, các cung điện Hoàng Gia Anh Quốc và những viện bảo tàng vắng ngắt như chùa bà đanh mặc dù thường khi tấp nập du khách. Olympic với các biện pháp an ninh nghiêm ngặt cũng có thể gây trở ngại ít nhiều cho các công ty, hãng xưởng, cơ sở thương mại, và kể cả cư dân địa phương: bị hạn chế đi lại; nhiều khu vực thình lình trở thành… cấm địa; đời sống riêng tư bị xáo trộn; có người phải tạm thời dời đi chỗ khác; có khi chánh quyền thành phố áp lực khổ chủ tư nhân bán đất… Và chung cuộc thì, như thường thấy, nhiều quốc gia và thành phố tổ chức Olympic phải gánh các món nợ tài chánh khổng lồ sau khi kết thúc Olympic. Không ít thành phố sau đó phải tăng thuế nhằm tài trợ cuộc hồi phục kinh tế. Tốn kém $16 tỉ tổ chức Olympic 2004 tại thành phố Athens góp vào món nợ quốc gia khổng lồ của Hy Lạp, không lâu sau đó đã đẩy xứ này vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng đến nỗi cả Âu Châu phải hợp lực giải cứu.

Làng Thế Vận Hội Moscow 1980 về sau được cấp phát cho công nhân viên nhà nước dưới thời Sô viết. Ảnh www.today.com

Trở lại với Brazil, trong thập niên đầu của thế kỷ 21, kinh tế xứ này tăng trưởng trung bình mỗi năm 5%, và đến 2012, Brazil qua mặt Anh Quốc, trở thành nền kinh tế phồn thịnh hàng thứ 6 trên thế giới. Thời kỳ vàng son này được đánh dấu với năm 2009, khi thành phố Rio de Janeiro và Brazil được trao quyền tổ chức Olympic 2016. Tính đến ngày TVH 2016 khai mạc vào 5/8/2016 thì chiến dịch chạy đua giành quyền tổ chức TVH, rồi thời gian xây cất, chuẩn bị, đã trải qua gần cả thập niên. Nỗ lực chạy đua giành Olympic cũng hút nhiều thời gian và nhân lực chánh quyền. Không chỉ Rio de Janeiro mà nhiều thành phố muốn có Olympic thường phải chi tiêu hằng chục triệu Mỹ kim trong giai đoạn tranh cử. Thành phố Chicago (tiểu bang Illinois) của Hoa Kỳ đã tốn kém đến $100 triệu tranh cử nhưng đành chào thua về tay Rio de Janeiro. Thành phố Tokyo của Nhật sẽ tổ chức Olympic 2020 sau khi đánh bại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và Madrid (Tây Ban Nha). Tháng 9/2015, ủy ban Olympic Hoa Kỳ USOC đã chọn thành phố Los Angeles đại diện Hiệp Chủng Quốc chạy đua tranh quyền tổ chức TVH Mùa Hè 2024 với các đối thủ Rome (Ý), Paris (Pháp), và Budapest (Hungary). Mùa hè 2017, ủy ban Olympic quốc tế IOC sẽ nhóm họp tại Lima xứ Peru để quyết định chung cuộc. Đến thời điểm 2024 là đã một thế hệ trôi qua kể từ lần cuối có một kỳ TVH Mùa Hè tổ chức tại Hoa Kỳ (lần chót Atlanta 1996). Cách nào đó, cũng có thể ví Olympic như một đám cưới, mang lại cho người ta niềm vui hạnh phúc, nhưng thường chẳng làm ai giàu có lên, ngược lại có thể tốn kém đáng kể, nhất là với người nghèo.

TTD