Dầu ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba
Garland- Trong tinh thần uống nước nhớ nguồn, đại lễ Giỗ tổ Hùng Vương và kỷ niệm Hai Bà Trưng đã được tổ chức trọng thể tại trụ sở Cộng đồng người Việt quốc gia Dallas trưa ngày Chủ Nhật 10 tháng 4 năm 2016.
Buổi lễ do cộng đồng Dallas phối hợp với Hội cựu học sinh Trưng Vương DFW và Hội Cao Niên Dallas với sự tham dự của các vị đại diện tôn giáo, nhiều đại diện các hội đoàn quân dân, các cơ quan truyền thông báo chí, và đồng hương.
Chủ tịch cộng đồng Dallas, ông Phạm Quang Hậu đã khai mạc buổi lễ.
Tiếp theo, ông Trần Hùng lên đọc lược sử Vua Hùng là người khai sinh ra nước Việt Nam ngày nay, qua 18 đời vua Hùng kéo dài 2,622 năm, đến năm Hùng Vương thứ 18 tức Hùng Duệ (408-258 trước công nguyên) là chấm dứt. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kinh Dương Vương tức Lộc Tục hay Hùng Vương Thứ Nhất năm 2879 trước công nguyên là người đã thu phục khoảng 15 bộ lạc trên vùng đất là nơi hội tụ các dòng sông Hồng, sông Lô, sông Đà làm nên một cộng đồng lớn, gọi là nước Văn Lang tức Việt Nam ngày nay, kinh đô đóng tại Phong Châu với khoảng 1 triệu dân. Suốt chiều dài dựng nước, các Vua Hùng đã khai khẩn đất đai, đoàn kết các bộ lạc, xây dựng nền văn minh lúa nước, từ đồ đá lên thời đại đồ gốm đồ đồng, kiện toàn việc trị quốc, chia nước ra thành 15 bộ do các Lạc Tướng trực tiếp chỉ huy, bình minh của dân tộc ta đã được phát triển rực rỡ qua 18 đời Vua Hùng.
Sau đó, bà Đỗ Thị Như Tuyết lên đọc lược sử Hai Bà Trưng, tức Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em quê ở Châu Phong là con gái của Lạc Tướng ở Mê Linh. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách cũng là con Lạc Tướng bị Thái Thú Tô Định giết. Thù chồng nợ nước, bà cùng em là Trưng Nhị nổi dậy vào tháng 2 năm 40 đánh quân Đông Hán, trong vòng 3 năm chiếm được 65 thành trì, chiến công rực rỡ nhất là hạ thành Liên Lâu. Tô Định phải bỏ chạy về Nam Hải. Hai Bà lên ngôi vua xưng là Trưng Nữ Vương, đóng đô tại Mê Linh tức Hà Nội ngày nay, có thể nói Hai Bà là hai vị anh thư đầu tiên của dân tộc ta giết giặc cứu quê hương. Sau đó nhà Đông Hán sai tướng Mã Viện sang đánh nước ta, Hai Bà chống không lại phải lui về xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội và trầm mình tuẫn tiết tại sông Hát để không rơi vào tay giặc.
Chương trình tiếp theo với nghi thức tế lễ cổ truyền. Tiếp đến, đại diện các hội đoàn và đồng hương lên niệm hương trước bàn thờ. Sau đó, phần hai của chương trình là văn nghệ được bắt đầu với nhạc cảnh “Trưng Nữ Vương”, nhạc cảnh “Tình Bắc Duyên Nam”, các màn múa kiếm, và các bài hát yêu nước, chương trình chấm dứt với phần thọ lộc Tổ, sau đó đại diện các hội đoàn họp bàn về việc tổ chức Ngày Quốc Hận 30 tháng 4 sắp đến.
Quan khách tham dự
Tế lễ cổ truyền
Chào quốc kỳ
PT