Menu Close

Hai nhà văn

Italo Calvino (1923-1985) là một trong những khuôn mặt quan trọng nhất của văn chương hậu hiện đại. Ông là tác giả của 21 tiểu thuyết, 4 tập luận văn, và chủ biên rất nhiều công trình văn học quan trọng.

ITALO CALVINO

Bắt đầu xuất bản từ năm 1947, ông đã đoạt nhiều giải thưởng và vinh dự lớn như sau: Viareggio Prize, 1957; Bagutta Prize, 1959; Veillon Prize, 1963; Premio Feltrinelli per la Narrative, 1972; viện sĩ danh dự của American Academy and Institute of Arts and Letters (Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật và Văn Chương Hoa Kỳ), 1975; Oesterreichiches Staatspreis fuer Europaeische Literatur, 1976; American Library Association’s Notable Book List for 1980; Grande Aigle d’Or du Festival du Livre de Nice (France), 1982; tiến sĩ danh dự của Mt. Holyoke College, 1984; và giải Premio Riccione (Italy), 1984. (Theo tiểu sử Italo Calvono trên website Tiền Vệ). Dưới đây là trích đoạn trong chương 8 của cuốn “If on a Winter’s Night a Traveler”.

Thận Nhiên

Hai nhà văn

Có hai nhà văn nọ, cùng sống trong hai căn nhà gỗ nằm trên hai sườn núi đối diện nhau ở một thung lũng, họ thay phiên dò xét nhau. Một người có thói quen viết vào buổi sáng, người kia thì viết vào buổi chiều. Trong mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều, tay nhà văn nào không viết thì dùng ống nhòm quan sát khi người kia đang viết. Một tay viết rất dễ dàng, có khả năng sản xuất ào ào hàng loạt; trái lại, tay kia thì viết rất khó khăn, trăn trở [1].  Tay nhà văn đẻ khó quan sát tay nhà văn mắn đẻ lấp đầy trang bằng những dòng chữ tương tự nhau, bản thảo tuôn ra rào rào thành một đống trang ngăn nắp gọn gàng. Chẳng mấy chốc, cuốn sách sẽ được hoàn thành: chắc chắn nó sẽ là một cuốn best-seller – tay nhà văn đẻ khó nghĩ vậy với một chút khinh thị nhưng pha lẫn lòng đố kỵ. Gã cho rằng làm nhà văn mắn đẻ thì chẳng hay ho gì hơn một tay thợ lành nghề, chỉ có khả năng làm ra những cuốn sách được-làm-bằng-máy, hạp với khẩu vị của công chúng; nhưng gã không thể đè nén cái cảm giác đố kỵ ghê gớm với ông kia – kẻ trải bày tâm tư của mình với niềm tự tin chắc rụi như vậy. Nó không chỉ là sự đố kỵ, mà còn là lòng ngưỡng mộ, đúng vậy, lòng ngưỡng mộ chân thành: trong cái cách mà ông kia trút hết tâm huyết vào việc viết lách thì chắc chắn nó có cái tố chất phóng khoáng, cái niềm tin vào sự tương tác, trong việc trao truyền cho người khác những gì mà họ mong đợi ở ông, mà không tạo ra những vấn đề nội tâm dằn vặt cho chính mình. Tay nhà văn đẻ khó sẵn sàng đánh đổi bất cứ thứ gì gã có để có thể viết được giống như tay nhà văn mắn đẻ; gã muốn lấy ông làm gương để noi theo; khao khát lớn nhất của gã là trở thành như ông.

Một lúc sau, tay nhà văn mắn đẻ quan sát tay nhà văn đẻ khó ngồi ở bàn làm việc, gặm móng tay, gãi đầu gãi tai, xé tan tành những trang mới viết, đứng dậy đi xuống bếp pha ly cà phê, rồi pha tách trà, rồi một tách trà hoa cúc, rồi đọc một bài thơ của Hölderlin (mà rõ ràng là Hölderlin thì hoàn toàn chẳng dính dáng con mẹ gì với những gì gã đang viết), sao chép lại một trang đã được viết rồi gạch bỏ tất cả các dòng, rồi gọi điện thoại cho tiệm giặt ủi (mặc dù đã được chủ tiệm hẹn rằng bộ đồ màu xanh không thể xong trước hôm Thứ Năm), rồi viết xuống vài ghi chú lăng nhăng không ích lợi gì lúc này nhưng có lẽ sẽ có ích về sau, rồi mở bách khoa toàn thư để tra xem Tasmania [1] là gì (mặc dù rõ ràng là trong những thứ gã đang viết không có liên quan gì đến Tasmania), xé bỏ hai trang, mở máy nghe một đĩa nhạc của Ravel [3]. Tay nhà văn mắn đẻ chẳng hề thích những tác phẩm của tay nhà văn đẻ khó; đọc chúng, ông luôn cảm thấy như thể mình sắp sửa hiểu được, nắm bắt được mấu chốt của vấn đề, nhưng rồi nó vượt quá tầm hiểu biết của ông, và ông bị bỏ rơi lại với một cảm giác bất an, giày vò. Nhưng bây giờ, khi ông đang theo dõi gã viết, ông cảm thấy gã đang phải vật lộn với một điều gì kỳ bí, bất định, một mớ rối nùi, một con đường được đào xới để dẫn đến một nơi chốn không ai biết; có những lúc ông thấy dường như gã đang bước đi trên một sợi dây căng trên khoảng không, và lòng ông tràn ngập sự ngưỡng mộ. Nó không chỉ là ngưỡng mộ, mà còn là sự đố kỵ; bởi vì ông cảm thấy cái viết của mình hạn chế quá, hời hợt quá, so với những thứ mà tay nhà văn đẻ khó đang tìm kiếm.

Trên sân thượng của căn nhà gỗ nằm ở đáy thung lũng có một phụ nữ trẻ đang nằm phơi nắng và đọc một cuốn sách. Hai nhà văn cùng dùng ống nhòm quan sát cô. “Trông kìa, cô ấy say mê chưa kìa! Cô ấy nín thở kìa! Cô ấy háo hức lật trang sách kìa!”, tay nhà văn đẻ khó nghĩ thầm. “Hẳn là cô ấy đang đọc một cuốn sách có sức hấp dẫn tuyệt vời, như các tác phẩm của tay nhà văn best-seller kia rồi!” “Xem kìa, cô ấy ngây ngất chưa kìa! Trông như thể trạng thái hóa thân trong lúc thiền định vậy, như thể cô ấy đang giác ngộ một sự thật bí ẩn vậy!”, tay nhà văn mắn đẻ tự nhủ. “Hẳn là cô ấy đang đọc một cuốn sách đầy ẩn nghĩa sâu thẳm, như các tác phẩm của tay nhà văn đầy thao thức, trăn trở kia rồi!”

Khát vọng lớn nhất của tay nhà văn khó đẻ là sáng tác các tác phẩm được đọc say mê như người phụ nữ trẻ đang đọc. Gã bắt đầu viết một cuốn sách theo cách mà gã nghĩ rằng tay nhà văn mắn đẻ sẽ viết. Cùng lúc đó, mơ ước lớn nhất của tay nhà văn mắn đẻ là sáng tác các tác phẩm được đọc ngây ngất như người phụ nữ trẻ đang đọc. Ông bắt đầu viết một cuốn sách theo cách mà ông nghĩ rằng tay nhà văn đẻ khó sẽ viết.

Thoạt đầu, một tay nhà văn tìm đến với cô gái, rồi ngay sau đó tới phiên tay kia. Cả hai nhà văn đều nói với cô rằng họ muốn mời cô đọc bản thảo của cuốn sách mà mỗi người vừa viết xong. Cô gái vui vẻ nhận hai bản thảo. Sau vài ngày, cô mời cả hai nhà văn cùng lúc đến nhà chơi. Trước sự ngạc nhiên ghê gớm của họ, cô nói, “Hai vị bày trò đùa quái gở gì thế này? Sao hai vị lại bắt tôi đọc hai bản sao y chang như nhau của cùng một cuốn sách!”

 

HOÀNG TƯỜNG

IC

Thận Nhiên dịch

Dịch từ bản tiếng Anh “If on a Winter’s Night a Traveler” của William Weaver, nhà xuất bản Harcourt Brave Jovanovich, 1982, chương 8, tr. 172 -175.