Menu Close

Bao nhiêu việc cùng lúc?

Mỗi ngày một nhiều các vật dụng được chế tạo để giúp con người có thể làm được nhiều việc hơn, nghĩa là tận dụng các giây phút của một ngày.

Chỉ cần theo dõi tiến trình của một vật dụng phổ thông như chiếc điện thoại là ta có một khái niệm khá rõ. Bắt đầu là chiếc điện thoại gắn ở nơi nhất định trong nhà, nghĩa là trong cuộc điện đàm, ta chỉ có thể ở yên một chỗ và làm mỗi một công việc là nói chuyện, chuyện ngắn chuyện dài tùy hỷ. Kế đến là việc ra đời của loại điện thoại không dây nhợ, ta có thể cầm cái điện thoại mà đi quanh, vừa rửa chén, vừa xào rau… vừa nói chuyện, tức là làm hai công việc cùng lúc.

bao-nhieu-viec-cung-luc
Tương tự như chiếc điện thoại không dây là chiếc điện thoại di động, ta có thể làm hai ba việc cùng lúc. Và chiếc điện thoại di động kia còn đảm đang, tần tảo bằng mấy con người bạn ạ! Cũng chiếc điện thoại nhỏ xíu ấy ta có thể dùng như máy ảnh, như một cái máy điện toán cỡ nhỏ để gửi và nhận điện thư, gửi tín hiệu, bay lượn trên mạng ảo, nghe nhạc… nghĩa là đủ mọi thứ việc mà không cần phải khuân vác bằng ấy thứ vật dụng bên mình! Dĩ nhiên khi chụp ảnh thì ta không thể nói chuyện bằng chiếc điện thoại di động, cũng như khi gửi điện thư thì hết chụp ảnh. Nghĩa là vật dụng nhỏ xíu kia tài ba lắm, có thể làm nhiều việc lắm, nhưng chỉ làm mỗi lần một việc mà thôi. Vật dụng thì đa mang, đa đoan như thế và hầu như công việc nào cũng tạm gọi là hoàn hảo, nhưng còn con người thì sao?

Bây giờ là lúc ta cần tự hỏi khi làm hai việc cùng lúc như vừa xào rau vừa nói chuyện qua điện thoại thì công việc có trôi chảy, có hoàn mỹ không? Được cả hai việc hay hỏng cả hai hoặc được một việc hỏng một việc? Chi tiết hơn, rõ ràng hơn là món rau xào kia có ngon miệng không? Và câu chuyện qua điện thoại có trôi chảy không? Hay giữa những tiếng dầu mỡ xèo xèo trong chảo ta có những câu nói đứt quãng, không đầu đuôi? Nghĩa là lúc ấy trong tâm trí, não bộ nhận những tín hiệu từ mắt nhìn những cọng rau trong chảo, khói bốc lên và não bộ gửi ra những mệnh lệnh như dùng đũa mà đảo những sợi rau cho đều, nêm nếm gia vị cho vừa miệng… và bỏ qua những tín hiệu từ thính giác? Nôm na là ta “phe lờ” người đang nói cái chi đó ở đầu dây bên kia trong một khoảnh khắc thời gian?!

Các chuyên gia về khoa học thần kinh đã khảo sát các hiện tượng “làm nhiều việc” (multitasking) cùng lúc, điển hình là công trình của Giáo Sư Earl Miller tại Viện Kỹ Thuật Massachusetts (MIT). Phần trước của não bộ (prefrontal cortex) con người chiếm 1/3 toàn bộ vỏ não trong khi ở các động vật khác, tỷ lệ này thấp hơn rất xa: prefrontal cortex của chó mèo khoảng 4-5% và khỉ khoảng 15%. Prefrontal cortex là nơi xuất phát khả năng phân tích & quyết định, phần não bộ này giúp con người chia công việc và chọn lựa việc nào làm trước, việc nào làm sau và lý do tại sao, công việc phân tích và quyết định này được gọi là “executive control”.

Vào tuổi già, phần não bộ kể trên sẽ giảm khối lượng, chưa rõ vì con người không sử dụng nữa hay vì các tế bào không còn tăng trưởng?

Theo Tiến Sĩ Miller, phần prefrontal cortex càng phát triển, loài động vật kia càng uyển chuyển, càng dễ thích nghi với môi trường sống hơn và giúp chúng làm nhiều việc hơn. Con vật cũng như con người. Tuy nhiên, ta chỉ có thể làm vài công việc cùng lúc nếu các công việc kia quen thuộc và không đòi hỏi sự suy tính của đầu óc. Như việc ca hát một bài quen thuộc trong lúc chà hàm răng (giả). Khi phải làm hai ba việc phức tạp cùng lúc, não bộ thu nhận tín hiệu rất chậm và có khuynh hướng loại bỏ những tín hiệu phức tạp hơn. Cuộc thử nghiệm dùng điện cực để ghi nhận hoạt động của não bộ cho thấy khi nhìn một màn ảnh có quá nhiều hình thể màu sắc, não bộ chỉ thu nhận một hoặc hai hình ảnh mà thôi. Nghĩa là tâm trí con người chỉ thực sự chú trọng đến 1-2 điều cùng lúc, và bỏ qua những chi tiết khác.

Một giáo sư khác, ông David E. Meyer, Tiến Sĩ Tâm Lý tại Đại Học Michigan và những người cộng sự cho rằng với tất cả mọi công việc, khi phải xoay qua xoay lại giữa hai công việc, người ta sẽ tốn khá nhiều thời giờ để hoàn tất cả hai việc, nhiều thời giờ hơn so với khi làm từng việc một. Họ khảo sát một số người tình nguyện, các sinh viên giải các phương trình toán học và xếp loại các vật thể hình kỷ hà rồi kết luận rằng não bộ không thể làm hai việc phức tạp cùng lúc.

Bác Sĩ Tâm Thần, ông Edward M. Hallowell, viết nguyên cả quyển sách “CrazyBusy: Overstretched, Overbooked, and About to Snap” để bàn thảo về việc con người bận rộn làm hai ba thứ việc cùng lúc, hay “multitasking”. Người ta cảm thấy “dễ chịu” hơn khi cố gắng làm hai ba việc cùng lúc vì có ảo tưởng rằng mình đắc lực hay đa năng đa hiệu! Thực sự là ta “tự ru ngủ”! Khi vừa nói chuyện (qua điện thoại) vừa trả lời điện thư thì trong cuộc điện đàm kia sẽ có lúc ta không còn theo dõi câu chuyện nữa. Và dường như người bên kia đầu dây cũng nhận thấy sự “lo ra” nhưng không nói đến mà thôi. Theo ông này, ta sẽ “mất” hiệu năng khi làm hai ba việc cùng lúc, ngay cả những việc tầm thường như nói chuyện và viết điện thư. Câu chuyện mất mạch lạc, nhạt nhẽo, hoặc lá thư sẽ không diễn tả chính xác điều ta muốn trình bày, hoặc cả hai hậu quả!

Đọc đến đây thì Dế Mèn nhớ lần đi lạc, đang lái xe ra bưu điện thì điện thoại reo, và phe ta bận rộn nói chuyện. Chỉ được một quãng ngắn thì nhận ra mình lạc lối, đang trên con đường về nhà thay vì ra bưu điện. Và bây giờ thì Dế Mèn hiểu tại sao lâu lâu nói chuyện với bạn bè thì có người la lên úi úi, tui lạc đường mất rồi!

Nói chung, các chuyên gia về não bộ, về tâm thần đã khuyến dụ hãy thử làm một việc mà thôi, làm xong hãy làm việc khác và hứa hẹn rằng công việc sẽ hiệu quả hơn. Lần sau nói chuyện với ai, Dế Mèn sẽ thử ngồi yên một chỗ, chú tâm vào câu chuyện, biết đâu sẽ nghe rõ hơn những điều họ muốn nói kể cả những điều định nói nhưng ngần ngại?!

TLL