Menu Close

Chợ “bon chen”

Nhắc tới công ty Pou Yuen  thì người ta nghĩ ngay đến cái công ty có số lượng công nhân “phản động” nhiều nhất. Vì công ty này mỗi năm đều được lên báo vài lần bởi công nhân đình công tập thể.

cho-bon-chen8
Rất ít người biết Pou Yuen là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành da giầy Việt Nam. Năm 2011, doanh thu của PouYuen vượt hơn 16,700 tỷ đồng (~800 triệu USD) và lãi sau thuế 220 tỷ đồng. Số lao động VN mà Pou Yuen sử dụng lên đến 80,000-90,000 người. Pou Yuen là thành viên của Tập đoàn Pou Chen – đại gia giày dép hàng đầu ở Đài Loan và là một trong những nhà sản xuất giầy dép lớn nhất thế giới.

cho-bon-chen7Lặt sạch, rửa sơ, xếp hàng lên dĩa và tấm bạt. 1 tụ năm ngàn.

Tại Việt Nam, Pou Chen có 4 công ty thành viên do Yue Yuen Industrial Holdings quản lý, hiện tại đây là nhà sản xuất giầy thể thao lớn nhất thế giới. Trong đó có 3 công ty lớn là Pou Chen VN (xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai), Pou Yuen VN (Khu công nghiệp Pou Yuen, Phường Tân Tạo, Q. Bình Tân, Sài Gòn) và Pou Sung VN (Khu công nghiệp Bàu Xéo, Huyện Trảng Bom, Đồng Nai) với tổng vốn gần 180 triệu USD. Tổng trị giá tài sản của các công ty này vào khoảng 430 triệu USD, trong đó hơn một nửa (240 triệu USD) là giá trị quyền sử dụng đất. Tổng diện tích của ba nhà máy tại Đồng Nai và  Sài Gòn  là  300ha.

cho-bon-chen6Mại dzô đê, tất cả 5 ngàn một tụ.

Đó là với “người ngoài”. Còn công ty Pou Yuen trong cách gọi của mọi công nhân và người dân lân cận là cái công ty “bon chen” to to có cái chợ “bon chen” cũng to to gần đó. Chiều có việc đi ngang qua, bà con rất bực mình vì đường đông chật. Lớp công nhân ra về, lớp người buôn kẻ bán. Nhưng không thể phủ nhận công lao của cái chợ này, nó giúp ích rất nhiều cho sức khỏe của công nhân vì sau hơn 8 tiếng làm việc cật lực, đến việc vệ sinh cũng phải hạn chế thì họ không còn hơi sức nào đi xa hơn để mua thức ăn nữa.

cho-bon-chen5Cá, mực, tôm mỗi dĩa 10k.

Chợ bon chen, đó là một cái chợ chồm hổm tự phát trong một con đường nhỏ song song với hướng cổng ra của công ty. Sở dĩ nhiều người gọi chợ chạy vì chợ này rất ngộ, dù đã được “chánh quyền” cho bán từ lâu, hàng ngày vẫn có người thu tiền rác, tiền vệ sinh, tiền giữ xe nhưng mỗi chiều lại có  xe của “trật tự đô thị phường” chạy một vòng rà soát, thì mạnh ai nấy chạy, cả khách cả người bán. Ai chạy không kịp sẽ bị tịch thu hàng hóa, cân bọng, ai chạy kịp thì bày ra bán tiếp như cũ.  Một cô tiểu thương tên Duyên chia sẻ: “Phải chi họ tịch thu… người thì đỡ biết mấy, chứ tịch thu đồ miết như vậy sống bằng gì?”

cho-bon-chen4Bánh nếp chiên, 5k một cái.

Đa số bà con tiểu thương ở đây đều là dân tha phương, không đủ tiền thuê sạp trong chợ to nên đành mướn mỗi người một chỗ nhỏ ở vỉa hè nơi đây buôn bán; vốn cũng không nhiều lại dễ bị ế vì khách hàng chính là công nhân cty Pou Yuen và những bà con địa phương. Người địa phương thì quá nhiều sự lựa chọn, bây chừ nhà ai cũng có xe máy, trong khu vực thì chợ và siêu thị khá nhiều, cộng với nỗi khổ chen lấn khi  đi chợ này nên ai cũng ngại. Nhà ngoại tôi cũng gần khu vực này nhưng hình như mỗi tháng chỉ tạt ngang mua một ít hành tiêu tỏi ớt là cùng. Còn công nhân họ chỉ “giàu” những ngày đầu có lương, sau đó họ chi tiêu khá dè sẻn nên doanh thu của các người buôn bán ở đây cũng ít đi nhiều.

cho-bon-chen2Tiền trao cháo múc.

Nhưng không sao, cái khó ló cái khôn, bà con tiểu thương “phát minh” ra cách bán khá đặc biệt; người ta có giầy dép đồng giá, quần áo đồng giá, chợ chúng tôi có rau củ đồng giá, thịt cá đồng giá. Mỗi thứ rau củ được cân đo đong đếm rồi xếp đẹp mắt lên dĩa, để ngay ngắn lên tấm bạt nỉ rất đẹp mắt với giá 5000vnd một dĩa, cá tôm mực được làm sạch hoặc còn sống, cũng được cân đo đong đếm xếp vào dĩa để lên cái mâm sạch sẽ với giá từ 10k đến 15k.

cho-bon-chen3Bắp nấu không có pin, 10k 4 trái.

Chị Ngân tâm sự: “Từ ngày bán kiểu này thì thấy hàng dễ “đi” hơn, khách cũng đông hơn, khi trật tự đô thị tới cũng dễ chạy hơn. Nhiều chợ bắt chước bán kiểu này lắm! Nhưng mà cũng phải lựa đồ kỹ hơn, đẹp hơn chớ người ta thấy dĩa nào đồ xấu là bỏ lại liền, lỗ liền vì cuối ngày bán lỗ họ cũng không ưng, có khi phải bỏ hết. Bán kiểu này phải biết bù qua sớt lại, như món này giá cao mình bỏ nhiều hơn một chút cho no mắt rồi món nào rẻ bày gọn lại để bù giá, cũng phải khéo lắm chứ không khéo thì cũng cạp đất mà ăn!”

cho-bon-chen1Công nhân bắt đầu về

Tuy là chợ tự phát nhưng bà con mỗi người đều có ý thức, rác được thu dọn, lề đường được quét sạch sẽ trước khi họ dọn đi, mặc dầu mỗi ngày ngoài tiền thuê chỗ mỗi người đều đóng 20k tiền vệ sinh. Khi được hỏi về thực phẩm có bảo đảm không, bà con rất nhiệt tình chỉ dẫn: “Cà rốt còn thân dính vô củ như vầy là của Đà Lạt chứ không phải Trung Quốc đâu, đồ ở đây bán cho cả ngàn người mà, chết hết rồi bán cho ai nữa! Lên báo đài họ cứ nói đi chợ dơ dáy, không bảo đảm, không sạch này kia. Cô nghĩ xem, ở siêu thị có cá đồng còn quẫy đuôi như này không, ở siêu thị có rau tươi vầy không, có người nào bán hàng tươi như tôi không…!” Tôi chỉ biết gật lia lịa: “Chị lanh quá!”

cho-bon-chenChợ bắt đầu đông

Nói chứ buôn bán, từ cao cấp đến buôn gánh bán bưng đều có nhiều loại người. Xấu tốt lẫn lộn, ở đâu đây vẫn còn vô số người làm tốt công việc của mình bằng cái tâm trong sáng. Họ còn lòng tin tại sao chúng ta không?

4 giờ rưỡi chiều, công nhân bắt đầu tan sở. Chợ bắt đầu đông, tiếng nói rộn ràng, “bon chen” chứ hổng có bon chen… “Lúc đầu nếu không có một ai đó nghĩ ra cách bán dĩa như thế này, chắc chợ ni cũng dẹp rồi, cô à!”

cho-bon-chen9Giờ cao điểm.

Nhà tôi ở kế siêu thị, cạnh bên là một cái chợ bự, nhưng lâu lâu, chiều chiều không việc gì làm cũng thích lấy xe chạy lại đây. Gửi ở bãi giữ xe rồi loanh quanh đây đó tìm món ăn vặt, lâu lâu lại khám phá ra những chuyện rất thú vị. Như hai ông bà già hàng rau có tiếng hay cãi lộn, nghe đồn cãi suốt mấy chục năm nay. Như chuyện cô hoa hậu chợ đi lấy chồng nước ngoài sau gần cả năm có một anh Tây ngày nào cũng lại mua mấy dĩa dưa leo, chanh, cà. Như chuyện bà con hoang mang vụ ông tổng bí thơ Đinh La Thăng đòi dẹp tiệm những gánh hàng rong, chợ tự phát để làm khu tập trung, chỉ dành cho người có hộ khẩu tại địa bàn. Như chuyện Minh Béo phạm tội ở VN chả sao, bày đặt qua Mỹ cũng phạm tội mà bị bắt. Như hôm nay, chuyện về một hành trình, có một chú cá lóc khi được đổ xuống mâm chuẩn bị được hóa kiếp, lên dĩa thì đã bỏ trốn. Chú nhảy xuống đường và trườn rất nhanh. Ánh mắt cực kỳ cảnh giác. Nhưng thật tiếc, chú đã được bàn tay chuyên cầm kéo của cô chủ bắt lại, hành hình. Và bây giờ chú đã trong bụng tôi. Kết thúc thật có hậu, phải không?

DU