Với khoảng bốn triệu dân và nối liền giữa Trung và Nam Mỹ, Panama thường được biết đến qua con kinh đào Panama, nơi mở ngõ cho tàu bè thế giới thông thương xuyên giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Với giới tài chính thế giới, Panama còn được biết và sử dụng như một nơi mà các tập đoàn hay cá nhân giàu có lập các công ty bình phong với mục đích trốn thuế hay các tổ chức tội phạm rửa tiền. Như một cơn địa chấn xuyên lục địa, “Hồ sơ Panama” (Panama Papers) – tên gọi của vụ rò rỉ hàng chục triệu tài liệu mật liên quan đến các tài khoản, công ty của chính khách, giới tài phiệt cùng nhiều tên tuổi nổi tiếng thế giới đặt tại Panama, đang trở thành một cơn sốt tại nhiều quốc gia. Tại sao là Panama?
Một ngày đầu năm 2015, một email gởi tới tờ Suddeutsche Zeitung với dòng chữ ngắn gọn, “Hello, Đây là John Doe. Có muốn dữ liệu không?”. Tất nhiên cái tên John Doe rất thông dụng kia chỉ là một tên giả của một người giấu mặt nào đó. Và cũng có lý do để người này tung tin cho tờ nhật báo lớn của Đức này, khi nó từng có những phóng sự điều tra về việc gởi tiền hay đầu tư tại nước ngoài nhằm tránh thuế. Người này không đòi hỏi được trả tiền mà chỉ muốn tiết lộ những bí mật làm thế giới trong sạch hơn, với điều kiện là các cuộc trao đổi không trực diện mà chỉ qua điện thư được mã hóa. Những gì mà tờ nhật báo này nhận được vượt ngoài sự tưởng tượng của nó: Hàng chục triệu hồ sơ tài chính mật các thân chủ của hãng luật nổi tiếng Mossack Fonseca tại Panama, một hãng nổi tiếng chuyên lập các công ty bình phong cho giới giàu có để cất giấu hay đầu tư tiền bạc của mình tại nước ngoài trong vòng bốn mươi năm qua.
Tòa nhà nơi văn phòng công ty luật Mossack Fonseca đặt trụ sở Eduardo Grimaldo / AFP / Getty Images
Biết tự mình không kham nổi số dữ liệu này, cũng như sẽ đụng chạm đến nhiều siêu quyền lực của thế giới, Suddeutsche Zeitung chuyển đến cho Nghiệp Đoàn Các Ký Giả Điều Tra Quốc Tế (ICIJ) cũng như chia sẻ tài liệu này với những tờ báo lớn như BBC, Washington Post, Time… để cùng tiếp sức. Cho đến nay đã có khoảng 400 ký giả chuyên về phóng sự điều tra vấn đề tài chính, thuế vụ của khoảng 100 cơ quan truyền thông tại 80 quốc gia đã cùng vào cuộc. Việc từ chức của Thủ Tướng Iceland, sự giận dữ của Putin và việc Trung Cộng nghiêm cấm những tin tức về hồ sơ Panama này vì có sự dính líu của gia đình vợ của Tập Cận Bình sau khi hồ sơ được công bố tuần trước, chỉ là bước khởi đầu. Giới truyền thông tin rằng, trong tương lai sẽ còn những mờ ám tài chính của nhiều chính khách hay các nhân vật nổi tiếng khắp thế giới và sẽ lần lượt được công bố. Còn ở đây, hãy tìm hiểu tại sao là Panama, một quốc gia tí hon tại Trung Mỹ trở thành bến cảng trú ẩn cho giới giàu có giấu hay rửa tiền?
Trước khi nói đến các chính sách và luật lệ tài chính dễ dàng của Panama thì người ta cũng biết rằng, đã từ lâu Panama đã là nơi mà kỹ nghệ du thuyền và thương thuyền thế giới sử dụng nó để thành lập hãng đứng tên chủ quyền các con tàu, cho dù chủ nhân thật sự của chúng từ khắp nơi trên thế giới. Chỉ trong năm qua, khoảng ba phần tư thuyền bè trên thế giới đã đăng quyền sở hữu thuộc các công ty Panama và theo cùng số liệu thì tổng số thương thuyền treo cờ Panama hiện nay nhiều hơn số thương thuyền của cả Hoa Kỳ và Trung Cộng cộng lại. Những người đã từng du ngoạn bằng du thuyền và nếu có dịp để ý thì ắt đã nhận thấy rằng, đoàn du thuyền của hãng Carnival quen thuộc hay vài hãng khác phần lớn đều treo cờ Panama hay Bahama, nơi những du thuyền này được đăng chủ quyền. Nói khác đi, cho dù những hãng du thuyền này sở hữu bởi những tập đoàn của Mỹ, Châu Âu hay bất cứ quốc gia nào khác, thì trên giấy tờ, chúng thuộc về những quốc gia treo hay sơn cờ trên du thuyền. Tại sao những du thuyền của Carnival lại treo cờ Panama, dù nó là một công ty của Mỹ có đại bản doanh tại Miami và một quốc gia tí hon như Panama lại có một hạm đội du thuyền lớn nhất thế giới, trên mặt giấy tờ và pháp lý?
Những con tàu mang cờ Panama – nguồn pancanalships.com
Luật hàng hải của Panama và việc đăng chủ quyền tàu bè dễ dàng so với các quốc gia sở tại cùng với việc được miễn thuế là lý do chính mà nhiều tập đoàn du thuyền và thương thuyền đã đăng chủ quyền tàu của mình với Panama. Thêm vào đó, luật lệ lao động, an toàn hàng hải, an toàn và bảo vệ nhân viên hay khách hàng cũng không bị nhiều ràng buộc và nghiêm ngặt như tại Mỹ hay các quốc gia phương Tây. Một số cuộc điều tra cho thấy những nhân công nước ngoài phục vụ trên các du thuyền này làm việc 12-13 tiếng mỗi ngày và chỉ nhận được khoảng trên dưới hai đô la mỗi giờ, thu nhập phần lớn tùy vào sự hào phóng của du khách. Những nhân công này bị trả lương rẻ mạt, không được bảo vệ theo luật lao động của Hoa Kỳ vì các du thuyền không phải của Mỹ. Ở đây cũng có thể mở ngoặc để nói thêm, khi du lịch trên những du thuyền mà trên giấy tờ không thuộc về Mỹ thì các vấn đề pháp lý, thủ tục hành chánh sẽ rất khác biệt một khi có những trục trặc hay tai nạn bất ngờ xảy ra cho du khách, so với các phương tiện di chuyển khác mà du khách Mỹ vẫn thường sử dụng. Đó là những lý do mà những hãng như Carnival biến đoàn du thuyền của mình trở thành du thuyền Panama.
Nhắc đến việc đăng bạ chủ quyền tàu bè tại Panama, tưởng cũng nên nhắc sơ qua kinh đào Panama, một kỳ quan của thế giới tân thời do con người tạo nên và góp phần đưa Panama trở thành một quốc gia quan trọng về giao thương hàng hải tại vùng biển Caribbean. Đầu thế kỷ 20, trong mục đích rút ngắn thời gian thông thương đường hàng hải, cũng như để Hải Quân Hoa Kỳ có thể tiếp ứng nhanh chóng giữa hai vùng biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã mua lại vùng đất nhượng quyền từ chính phủ Panama để xây dựng và điều hành kinh đào Panama cho đến tận năm 1999 mới trao trả hoàn toàn cho chính phủ Panama. Chính con kinh đào này đã giúp đưa tên tuổi Panama đến gần với thế giới hơn, không chỉ với việc đăng chủ quyền tàu bè mà cả với việc thành lập các hãng, ngân hàng nước ngoài, các quỹ đầu tư, sang nhượng… để hoạt động đâu đó khắp thế giới.
Nhờ tính bảo mật và những định chế tài chính riêng biệt, các ngân hàng Thụy Sĩ từ xưa nay thường được biết đến như là quốc gia mà giới giàu có và nổi tiếng, kể cả những tổ chức tội phạm dùng làm nơi cất giữ tiền bạc của mình. Nhưng kể từ sau vụ khủng bố 911, trước áp lực của Hoa Kỳ, các ngân hàng Thụy Sĩ đã phải hợp tác với nhà chức trách các quốc gia trong quá trình điều tra các tổ chức khủng bố và tội phạm. Tất nhiên không phải chỉ có Panama là hầm trú ẩn tài chính duy nhất và dù không nổi tiếng như Thụy Sĩ, Panama với một hệ thống ngân hàng mạnh nhất vùng Trung Nam Mỹ và cũng có những hoạt động tương tự các ngân hàng Thụy Sĩ đã ít nhiều thu hút thêm nhiều thân chủ. Những tập đoàn hay cá nhân dùng Panama để lập các công ty bình phong có hoạt động đâu đó ở nước ngoài mà không phải đóng thuế thương mại, thuế lợi tức, thuế thừa kế, sang nhượng cùng nhiều loại thuế thông thường khác tại Panama. Hàng loạt các điều luật của Panama được áp dụng nhằm bảo mật các hoạt động và sổ sách tài chính của các công ty và cá nhân này, tên tuổi của chủ nhân các công ty cổ phần phần hóa hay các tài khoản ngân hàng cũng không cần được phải công bố, hay đúng hơn là bị cấm tiết lộ, ngoại trừ có liên quan đến vấn đề tội phạm và bị trát tòa. Panama cho phép các hãng và cá nhân chuyển tiền không giới hạn ra vào Panama mà không cần phải báo cáo. Mặt khác, Panama cũng không có những thỏa ước thuế vụ với các quốc gia khác nên chẳng cần phải cung cấp thông tin thuế vụ của công dân các nước này, cho dù họ có tài khoản hay lập công ty tại đây. Tất cả những định chế tài chính dễ dàng, bí mật và không cần kiểm soát này, cộng thêm việc ổn định về chính trị và kinh tế Panama đã giúp cho giới quyền lực, tham nhũng hay giàu có của thế giới tận dụng vì nó giúp họ bảo vệ và giữ được bí mật nguồn tài sản của mình, cũng như tránh thuế trong các phi vụ đầu tư hay làm ăn.
Với người Việt, Hồ Sơ Panama không chỉ là câu chuyện thời sự thế giới, mà còn là một mối quan tâm lớn hơn với câu hỏi, liệu những nhân vật đã hay đang cầm quyền nào tại Việt Nam có thành lập những công ty bình phong hay mở các tài khoản ngân hàng tại Panama? Theo bản đồ điện tử của CartoDB được mô hình hóa theo dữ liệu của Nghiệp Đoàn Ký Giả Điều Tra Quốc Tế để kê ra con số các hãng và cá nhân tại mỗi quốc gia trên thế giới nằm trong hồ sơ Panama này, thì Việt Nam có bảy công ty, bốn thân chủ, tám người (nhóm) thừa kế và 92 cổ đông liên quan đến vụ che giấu tài chính này. Họ gồm những ai, tài sản bao nhiêu và rửa tiền tại đâu? Câu trả lời cuối cùng ắt sẽ rõ ràng hơn một khi toàn bộ hồ sơ dữ liệu này được công bố và mở rộng cho đại chúng được truy cập. Dù điều này chẳng phải là sự bất ngờ hay gây ngạc nhiên.
ĐYT