Ai là người được thừa hưởng tiền trong tài khoản chung? Trong vụ án Stauffer v. Henderson, tòa án tối cao của Texas đã đưa ra một quyết định nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôn ngữ chính xác của giấy tờ luật pháp mà có thể chỉ có luật sư biết sử dụng, nhưng ý kiến phản biện cho là tòa đã giải quyết vấn đề một cách quá máy móc mà quên đi sự hợp lý thông thường. Dù bị chỉ trích, vụ án này đã trở thành luật pháp hiện hành liên quan đến quyền thừa hưởng tài khoản chung
Trong vụ án Stauffer v. Henderson, bà Marian mở một ngân khoản (account) chung với người chị, bà Mary, ở nhà băng Interstate Savings and Loan Association. Tất cả tiền gửi vào ngân hàng đều từ bà Marian. Khi hai bà đến mở ngân khoản chung, nhà băng có cung cấp cho hai bà một giấy thỏa thuận (agreement) giữa hai bà để họ cùng ký tên. Phần quan trọng nhất của giấy thỏa thuận đó ghi như sau:
“We agree and declare that all funds now or hereafter deposited in this account are and shall be our joint property… and that upon the death of either of us any balance in said account or any part thereof may be withdrawn by, or upon the order of the survivor. It is especially agreed that withdrawal of funds by the survivor shall be binding upon us and upon our heirs, next of kin, legatees, assigns, and personal representatives… any such payment or delivery or a receipt or acquittance signed by any one of the undersigned shall be a valid and sufficient release and discharge of said Association.”
Tạm dịch là:
“Chúng tôi thỏa thuận và tuyên bố rằng tất cả tiền hiện tại và sau này gửi vào tài khoản này là và sẽ là tài sản chung của chúng tôi… và khi một trong hai chúng tôi qua đời bất cứ số tiền còn lại trong tài khoản này hoặc bất cứ phần nào của nó có thể được rút ra bởi, hoặc dưới chỉ thị của người còn sống. Đặc biệt là chúng tôi thỏa thuận rằng việc rút tiền do người còn sống sẽ được tuân theo bởi chúng tôi cũng như những người thừa kế của chúng tôi, họ hàng ruột thịt, người thừa tự, người ủy nhiệm, và người đại diện riêng… bất cứ việc trả tiền hay phân phát hay thu nhận hay trang trải nào ký tên bởi một trong hai người ký tên dưới đây sẽ có hiệu lực và đủ để miễn trừ và hủy bỏ trách nhiệm của Association (liên hội) nói trên.”
Khi Marian chết, bà Mary đã rút hết số tiền còn lại trong ngân khoản chung này. Chồng bà Marian, người được giao trách nhiệm là người thi hành di chúc (executor) trong tờ di chúc của bà Marian, lập tức kiện bà Mary. Ông ta tranh cãi rằng số tiền trong ngân khoản chung của bà Marian và bà Mary là tài sản chung (community property) của hai vợ chồng ông, do đó một nửa số tiền đó ông có chủ quyền và một nửa còn lại thuộc về di sản của vợ ông mà sẽ được phân chia theo ý nguyện trong tờ di chúc của bà Marian. Phía bà Mary trả lời rằng bà có trọn quyền sở hữu số tiền trong ngân khoản chung này đúng như tờ giấy thỏa thuận mà cả hai chị em bà đã ký khi mở ngân khoản chung. Tòa sơ thẩm xử cho chồng bà Marian thắng và tòa kháng cáo cũng như tòa án tối cao của Texas cũng đồng ý với quyết định này. Lý luận tòa đưa ra như sau:
Luật pháp từ xưa không mặn mà lắm với quyền thừa hưởng của người còn sống chỉ vì cùng đứng tên chung một tài sản nào đó. Do đó đa số các pháp quyền ở Hoa Kỳ đã hủy bỏ nó. Chính Texas năm 1848 đã đưa ra bộ luật nêu ra vấn đề hai người trở lên đứng tên chung tài sản không có nghĩa là người còn sống được hưởng trọn tài sản khi một người qua đời mà phần tài sản của người chết sẽ được hưởng bởi những người thừa kế của người chết. Loại bỏ quyền thừa hưởng của người còn sống trong tài sản chung là cần thiết, nhưng luật pháp cũng không cấm những người đứng tên chung tài sản cùng nhau thỏa thuận cho người còn sống được quyền thừa hưởng. Năm 1955, luật di chúc mới đưa ra rằng dù người còn sống không được đương nhiên thừa hưởng tài sản cùng đứng tên chung chỉ vì lý do là họ đứng tên chung, nhưng nếu giữa các người cùng đứng tên có một thỏa thuận viết ra rõ ràng rằng người còn sống được quyền thừa hưởng thì tòa sẽ công nhận thỏa thuận đó.
Dù luật di chúc đã được thay đổi nhiều lần nhưng những yếu tố cơ bản liên quan đến quyền thừa kế tài sản đứng tên chung vẫn luôn hữu hiệu. Tuy nhiên ngôn ngữ chính xác tòa đòi hỏi thường không được thông hiểu rõ ràng bởi người thường, ngay cả những người trong giới tài chính, thương mại. Thường thì nhà băng chỉ đưa ra giấy tờ cho những người mở tài khoản chung ký để nếu cần nhà băng giao tiền cho một trong hai người cùng đứng tên mà không phải chịu trách nhiệm. Nhưng giấy nhà băng cung cấp lại không hề đề cập đến chủ quyền của tài khoản chung khi một trong hai người qua đời. Năm 1987, luật di chúc lại tiếp tục được cải tổ và đưa ra đề nghị rằng nếu thỏa thuận giữa những người đứng tên chung tài sản được viết ra như sau: “On the death of one party to a joint account, all sums in the account on the date of the death vest in and belong to the surviving party as his or her separate property and estate.” (Tạm dịch: “Khi một người đứng tên chung tài khoản mất, tất cả tổng số tiền trong tài khoản ngày người kia mất thuộc về tài sản riêng và di sản của người còn sống.” Không những luật pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thỏa thuận trên giấy tờ của những người đứng tên chung tài sản mà tòa còn đưa ra ngôn ngữ cụ thể mà tòa muốn giấy thỏa thuận giữa đôi bên phải dùng. Lý do đó cả 3 tòa án xử vụ Stauffer v. Henderson đều dựa vào ngôn ngữ của tờ thỏa thuận mà bà Marian và Mary ký và quyết định rằng bà Mary thua kiện vì tờ thỏa thuận chỉ cho phép bà Mary rút tiền nhưng không hề giao chủ quyền số tiền đó cho bà Mary. Một trong các quan tòa của tòa án tối cao phản biện lại quyết định của đại đa số quan tòa và đưa ra dẫn chứng rằng bà Marian đã dụng ý cho bà Mary chủ quyền khi bà Marian mất vì trong thỏa thuận đó bắt buộc những người có quyền thừa kế phải tuân theo và tôn trọng thỏa thuận giữ hai bà. Đồng thời ông đưa ra chi tiết rằng ông chồng kiện bà Mary là ông chồng sau mà bà Marian không tin tưởng lắm, và trong di chúc của bà Marian, bà Mary là người được thừa hưởng tất cả những tài sản còn lại chứ không phải là ông chồng bà Marian. Nhưng vì lòng tham, ông chồng bà Marian đã đứng ra kiện để mong được hưởng một nửa số tiền trong nhà băng này viện lý do đó là tài sản chung của ông và bà Marian. Trong trường hợp này, chúng ta nên trách luật pháp phức tạp, quan tòa làm việc máy móc hay lòng tham của chồng bà Marian?
LS AT