Menu Close

Los “Stones” en Habana!

Kết thúc bài nói chuyện lịch sử của mình trước công chúng Cuba vào một ngày Thứ Ba trong một tuần cuối Tháng Ba, Tổng Thống Obama đã không quên xổ một câu thành ngữ bằng tiếng Tây Ban Nha, như để kích động quần chúng: “Si se puede!” (xi-xê pu-e-đê), nghĩa đen là “Việc gì cũng có thể!”

los-stones-en-habana6

Đây là khẩu hiệu của Hiệp Hội Nông Dân Đoàn Kết (United Farm Workers) do lãnh tụ Cesar Chavez (1927-1993) khởi xướng vào thập niên 1960 để tranh đấu cho quyền lợi người nông dân — phần đông gốc Mễ, làm thuê cho các chủ nông trại ở Mỹ. Năm 2008, khi ra ứng cử tổng thống ông Obama đã mượn câu nói này và đổi nó thành “Yes, we can!” để dùng làm khẩu hiệu tranh cử.

los-stones-en-habanaÔng bố cõng cô con gái trên vai trong đêm nhạc ngoài trời với gần nửa triệu người xem

“Si se puede!”

Thật vậy, với thời gian việc gì cũng có thể xảy ra. Một ông Tổng thống Hoa Kỳ (da đen!) công du một nước cộng sản (thù địch hơn nửa thế kỷ!) diễn thuyết trước chủ tịch nước (và được trực tiếp truyền hình cho toàn dân!) Đã vậy, ông ta còn thách thức thanh niên Cuba hãy đứng lên:

“Có người nghĩ rằng tôi đến đây để kêu gọi người dân đập đổ một cái gì đó. Nhưng sự thật là tôi chỉ muốn kêu gọi thanh-niên Cuba hãy vực nhau dậy để xây-dựng một cái gì đó.”

Đúng là y như chuyện giả tưởng.

los-stones-en-habana1Fidel Castro khánh thành tượng John Lennon – Havana, 12/2000

Rồi chỉ vài ngày sau đó một ban nhạc rock lừng danh thế giới (cùng thời với The Beatles!) đáp xuống phi trường José Marti. Họ sẽ diễn một đêm cho dân Cuba coi chơi (miễn phí!) để kết thúc tour châu Mỹ La Tinh, tuy rằng ban đầu Havana không hề có trong lịch diễn.

Không nhầm lẫn gì được khi người dân xứ XHCN Cuba nhìn thấy bức ảnh quen thuộc của nhà “kách-mệnh Che Guevarra” trên đường phố Havana với chiếc lưỡi đỏ lè của Mick Jagger và bọn phản động The Rolling Stones. Đúng là “Si se puede!”

Tưởng cũng nên nhắc lại, khi Fidel Castro lên cầm quyền Cuba vào năm 1959, ông ta đã cho cấm các loại nhạc “đồi truỵ, phản cách mạng” như … Elvis Presley! Tuy nhiên, thiên hạ vẫn tiếp tục nghe lén và các dĩa nhạc vẫn được lưu hành khá dễ dàng. Cho đến khi ban Beatles chinh phục được nước Mỹ (và cả thế giới) vào năm 1964 thì Fidel ra lệnh cấm hoàn toàn nhạc rock’n’roll của Mỹ (mặc dù Beatles xuất xứ từ nước Anh). Ban Rolling Stones, ra đời ở Anh năm 1962, cũng bị vạ lây theo từ đó.

los-stones-en-habana4Bích chương in hình Che Guevara với chiếc “Lưỡi Mick”

Nhưng vì âm nhạc không có biên giới nên trong những năm “ngăn sông cấm chợ” đó thanh niên Cuba vẫn lén lút chuyền tay nhau các dĩa nhựa được nhập lậu. Họ mở nhạc trong nhà (vặn thật nhỏ) để nghe Beatles, Stones, Doors, Hendrix v.v. Một số nhạc sĩ gan lì còn dám chơi cả nhạc rock trong các quán xá để sau đó bị bắt đi “cải tạo”. Nhiều người sau khi ra tù đã vượt biển sang Mỹ. Số còn lại phải đổi nghề để tránh bị công an theo dõi.

Trong bài diễn văn tại Nhà Hát Lớn của Cuba ông Obama đã mở đầu như sau: “Havana cách Florida chỉ có 90 dặm. Thế nhưng chúng ta đã phải đi qua một chặng đường quá dài để đến đây, phải vượt qua biết bao nhiêu rào cản của lịch sử, của hy sinh và ly biệt.”

Quả thật là như vậy. Nhưng đời sống là một dòng chảy không ngừng, và việc gì cũng có thể xảy ra. “Si se puede!”

los-stones-en-habana2”Si se puede!” Tổng Thống Obama phát biểu tại Nhà Hát Lớn, Havana

Tại vận động trường thành phố mang tên Ciudad Deportiva, thủ lĩnh Mick Jagger nói với khán giả bằng tiếng Tây Ban Nha: “Tôi biết khi xưa rất khó để các bạn nghe nhạc của chúng tôi. Vậy mà giờ đây chúng tôi đang hiện diện trên mảnh đất yêu kiều của các bạn. Tôi nghĩ thời gian có thể thay đổi mọi thứ, có phải vậy không?”

Trong tiếng hò reo ầm ĩ của gần nửa triệu người trong sân — và khoảng nửa triệu khác tụ tập bên ngoài, Mick Jagger (72 tuổi), Keith Richard (72), Charlie Watts (74) và Ronnie Wood (68) đã chơi hết mình gần hai tiếng đồng hồ. Câu thành ngữ “càng già càng dẻo càng dai” dùng để tả mấy lão trượng này quả không sai. Trong số 18 bài nhạc đêm đó, hầu hết là các bản top hit quen thuộc với nhiều người như “Jumping Jack Flash”, “Only Rock and Roll”, “Paint It Black”, “Honky Tonk Women”, “Brown Sugar”, “Wild Horses”, “Miss You”, “Angie”…

Chỉ mới có mấy ngày sau mà ta có thể tìm thấy trên Youtube vô số video clip được khán giả thâu lại bằng điện thoại. Mặc dù hệ thống internet ở Cuba rất thô sơ, và số người có smartphone còn rất ít, nhưng nhờ sự mở cửa gần đây mà khách du lịch ngày càng nhiều. Một số không ít đã viếng thăm Havana vào dịp này để vừa du ngoạn vừa được coi nhạc miễn phí. Mỗi khi một bài nhạc quen thuộc nào trổi lên là ta có thể thấy hàng ngàn chiếc điện thoại được giơ lên theo. Cảnh tượng ấy không khác gì một rock show ở Âu Châu hay Mỹ. Nhưng đặc biệt là không có cảnh chen lấn hay xô đẩy. Mọi người trông rất thoải mái, vui vẻ. Ai cũng biết họ đang tham dự một sự kiện âm nhạc vô tiền khoáng hậu  được cả thế giới chú ý đến. So với con số phóng viên nước ngoài đến tường thuật thì lực lượng cảnh sát bảo vệ an ninh không hơn là bao.

los-stones-en-habana3Một người dân Cuba mặc áo in hình Obama và cờ Mỹ đi trên đường phố

Một luật sư hảo tâm người Curacao tên Gregory Elias đã bỏ ra 7 triệu USD đài thọ cho chương trình này. Ban nhạc Rolling Stones tuy không lấy một đồng thù lao nhưng lúc đầu cũng gặp rắc rối khi Đức Giáo Hoàng Francis gửi thư riêng yêu cầu họ tránh chơi nhạc vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Ông Elias phải trả lời khéo rằng đây là một việc làm thuần tuý vì nghệ thuật và cho người dân Cuba, hoàn toàn không dính dáng đến tôn giáo hay chính trị. Hơn nữa, mọi việc đã được chuẩn bị từ trước, họ không thể nào thay đổi vào giờ chót.

Về mặt chính trị, thật ra từ những năm 2000 ông Fidel Castro đã bắt đầu có thay đổi trong suy nghĩ về nhạc rock, nhất là về ban nhạc The Beatles và John Lennon. Ông ta cho rằng lời nhạc của Lennon mang nhiều âm hưởng cách mạng, kêu gọi một thế giới đại đồng không phân biệt giai cấp hay tôn giáo. Castro nói ông cũng là một “dreamer”, giống như John Lennon trong bài “Imagine” (You may say I’m a dreamer, but I’m not the only one – Bạn có thể gọi tôi là kẻ mơ mộng, không thực tế, nhưng tôi không phải là người duy nhất như thế). Thậm chí nhân dịp giỗ 20 năm của Lennon (12/2000) Castro còn cho đúc tượng, đặt tại một công viên mang tên John Lennon, rồi đích thân đến khánh thành.

los-stones-en-habana5Khán giả giương hình “Lưỡi Mick” với cờ Cuba trước khán đài

“Si se puede!”

Việc Cuba tái lập bang giao với Mỹ, cho phép các ban nhạc nước ngoài đến trình diễn trong những năm gần đây cũng là hệ quả tất yếu của bánh xe thời gian. Trong đêm nhạc hôm ấy, ấn tượng nhất có lẽ là màn Encore sau khi phần trình diễn chính đã kết thúc và tất cả ban nhạc đã lui vào hậu trường. Sau vài phút, ca đoàn Entrevoces của Cuba bất ngờ xuất hiện trên sân khấu và cất tiếng hát – một điệp khúc quen thuộc mà fan nào cũng rành:

“You can’t always get what you want,
You can’t always get what you want,
But if you try sometimes,
You just might find
You get what you need.”

(Không phải lúc nào ta muốn gì cũng sẽ được nấy. Nhưng nếu ta cố gắng, đôi khi ta sẽ tìm thấy những gì ta cần)

Nghe như những thiên thần đang mang một thông điệp đầy hy vọng đến cho người dân Cuba sau bao năm dài u tối, bắt đầu mùa Phục-sinh. Bạn hãy cố gắng lên, chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Chương trình kết thúc với bài “Satisfaction” (Thỏa Mãn) tràn đầy nhựa sống. Tất cả mọi người, kể cả ban nhạc, ra về trong niềm hân hoan mãn nguyện. Một vị khán giả 66 tuổi nói với phóng viên, “Giờ thì tôi chết được rồi!”

-ianbui – 2016.03