Một trong những chỉ trích chánh nhắm vào công việc tổ chức Thế Vận Hội (TVH) là tốn kém quá lớn. Ngoài chuyện tiếp nhận, chăm sóc du khách thể thao, người ta còn phải xây dựng nhiều vận động trường, cơ sở thể thao, lắp đặt dụng cụ máy móc cần thiết cho các lực sĩ tranh tài.
Đòi hỏi gắt gao nhưng các công trình Olympic đồ sộ chỉ được dùng trong thời gian rất ngắn, khoảng hơn 2 tuần lễ, rồi sau đó hầu như bị bỏ hoang, hoặc nếu được trưng dụng, lại phải mất thêm hằng chục triệu Mỹ kim mỗi năm để tu sửa, bảo trì. Olympic cũng thường chỉ tạo ra công ăn việc làm mang tính tạm thời trong các ngành xây cất, điều hành, dịch vụ… mà hầu hết bị mất sau ngày TVH bế mạc, và tỉ lệ thất nghiệp tại địa phương lại nhích lên trở lại. Hai bài học thất bại lớn là Montreal và Athens. Mãi đến năm 2006 thành phố Montreal của Canada mới trả dứt số nợ $2.7 tỉ từ lần tổ chức Olympic 1976. Và tốn kém $16 tỉ tổ chức Olympic 2004 tại thành phố Athens chất nặng thêm món nợ quốc gia khổng lồ của Hy Lạp, để không lâu sau đó đã góp phần đẩy xứ này vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng đến nỗi cả Âu Châu phải hợp lực giải cứu. Dù sao, khảo sát thị trường cũng xác nhận các quốc gia từng tổ chức Olympic đều gia tăng giao dịch thương mại, thậm chí các nước chạy đua tranh quyền tổ chức TVH nhưng thua cũng được lợi tương tự. Thực tế không ít lần cho thấy tổ chức Olympic là màn ra mắt mỹ mãn cho các nền kinh tế đang trỗi dậy, như trường hợp nước Nhật với Olympic Tokyo 1964 hay nước Đức với Olympic Munich 1972. Và đặc biệt nhất có thể là nước Tây Ban Nha với Olympic Barcelona 1992.
Peter Ueberroth, kiến trúc sư của Olympic LA 1984. Ảnh Time Magazine
Đây là kỳ TVH lần thứ 25 với khẩu hiệu “Amics Per Sempre” trong phương ngữ Catalan, có nghĩa là “Friends Forever” trong Anh ngữ (tạm dịch mãi mãi là bạn). Olympic Barcelona 1992 diễn ra từ 25/7 đến 9/8 cùng năm, thu hút 169 quốc gia và vùng lãnh thổ gởi 9,356 lực sĩ tranh tài. Có nhiều dấu chỉ báo hiệu thành công từ rất sớm. Barcelona 1992 là kỳ Olympic đầu tiên không hề bị ảnh hưởng các vụ tẩy chay kể từ 1972 (các quốc gia Phi Châu từng dọa tẩy chay Olympic Munich 1972; 22 nước Phi Châu, Đài Loan, và Trung cộng tẩy chay Olympic Montreal 1976; Hoa Kỳ và Tây Phương tẩy chay Olympic Moscow 1980; Nga sô và khối cộng sản tẩy chay Olympic Los Angeles 1984; và Bắc Hàn tẩy chay Olympic Seoul 1988). Hoàn toàn ngược lại, Olympic Barcelona 1992 đón nhận nhiều tin vui: Nam Phi được trở lại cầu trường thế giới sau 32 năm bị cấm cửa vì chánh sách kỳ thị chủng tộc Apartheid; sau khi hợp nhất năm 1990, nước Đức gởi một phái đoàn duy nhất đến TVH; và vài quốc gia nhỏ vùng Baltic như Estonia, Latvia, Lithuania gởi những đoàn lực sĩ riêng biệt sau khi Nga sô tan rã năm 1991, trong khi các nước cựu chư hầu Soviet đồng ý cùng tham dự dưới tên “Unified Team”. Thế Vận Hội 1992 còn hoàn toàn lột xác Barcelona, và được kể như một sự kiện hệ trọng bậc nhất trong lịch sử vùng này. Olympic đặt Barcelona lên bản đồ thế giới, đánh thức niềm kiêu hãnh của dân chúng vùng Catalan, và khai hoa nở nhụy kỹ nghệ du lịch. Mặc dù Tây Ban Nha còn suy thoái kinh tế đến giữa thập niên 1990, riêng Barcelona vẫn thăng hoa nhờ Olympic. Chánh quyền thành phố tận dụng TVH để áp dụng nhiều kế sách tái thiết lớn, có ảnh hưởng đến tận ngày nay. Nhiều tỉ Mỹ kim đầu tư vào hạ tầng cơ sở biến Barcelona từ một đô thị đìu hiu trở thành một thành phố biển diễm lệ bên bờ Địa Trung Hải. Chỉ trong 8 năm chuẩn bị cho Olympic, Barcelona đã xây cất nhiều công trình mà như bình thường có thể phải mất ít nhất 50 năm: hằng loạt cơ sở thể thao hiện đại; nhiều khách sạn được tân trang hoặc xây mới; hệ thống cống rãnh mới; các tuyến đường xa lộ vòng quanh thành phố nhằm giảm kẹt xe; nhiều trung tâm thương mại mới ra mắt; phi trường El Prat được tái thiết và nới rộng; cảng Barcelona mới tinh v.v… Các đầu tư này cải thiện bộ mặt thành phố, khiến giá cả địa ốc tăng vọt, và trở thành tâm điểm thu hút du khách. Năm 1991, phi trường Barcelona chỉ đón nhận chưa đến 3 triệu hành khách, nhưng ngày nay, con số này là trên 20 triệu hằng năm. Trước khi tổ chức Olympic, kỹ nghệ du lịch chiếm không tới 2% tổng sản lượng địa phương, ngày nay mỗi năm du lịch góp chừng 13% vào kinh tế toàn vùng. Barcelona trở thành một trong những thành phố thu hút du khách nhiều nhất Âu Châu, sánh vai cùng Paris bên Pháp, London bên Anh, hay Rome bên Ý… Tỉ lệ thất nghiệp tại Barcelona xuống mức thấp nhất khoảng 60 ngàn người vào năm 1992, và ngày nay ước đoán các cơ sở thể thao tạo thêm 20,000 công ăn việc làm ổn định. Olympic Barcelona 1992 cũng giúp đưa Tây Ban Nha trở thành cường quốc thể thao. Các cơ sở thể thao và trung tâm huấn luyện được xây từ thời TVH 1992 là nơi ươm mầm các thế hệ lực sĩ thượng hạng, về sau này chinh phục cả thế giới trong các trò chơi đá banh, banh rổ, quần vợt, đua xe đạp, v.v…
Lễ khai mạc Olympic 1992 tại Barcelona. Ảnh www.ajc.com
Một kỳ TVH khác cũng thường được khen ngợi là Los Angeles 1984. Đây là khuôn mẫu cổ điển về tổ chức TVH mà nhiều nơi về sau này bắt chước. Sau thất bại Montreal 1976, thế giới Phương Tây khá chán ngán Olympic. Chỉ có 2 thành phố LA và New York xin đảm nhận Olympic 1984. Chính thành công tài chánh của Los Angeles 1984, thu lời vượt $230 triệu, đã lấy lại uy tín cho Olympic, trở lại là hấp lực đối với nhiều thành phố Tây Phương. Đến nay LA 1984 vẫn là kỳ TVH có lợi nhuận cao nhất. Một trong những yếu tố góp vào thành công chung là bản quyền TV cho đài ABC độc quyền trị giá $225 triệu ứng trước cho nhà tổ chức. Các hợp đồng tài trợ và gây quỹ tư nhân nhiều kỷ lục, mang về đủ tài chánh trang trải mà không cần nhờ cậy đến ngân sách công. Chỉ có 2 vận động trường mới tinh dành riêng cho TVH Los Angeles 1984 là Olympic Velodrome và Olympic Swim Stadium, mà phần lớn chi phí xây dựng do 7-Eleven và McDonald’s gánh vác. Nhà tổ chức giữ tốn kém tài chánh ở mức tối thiểu bằng cách tu sửa và tân trang các vận động trường sẵn có như Dodger Stadium, LA Sports Arena, hay các cơ sở thể thao của Đại Học UCLA. Lễ khai mạc và các cuộc tranh tài điền kinh diễn ra tại sân Coliseum được xây từ thời 1932. Làng đại học xây cất cho giới lực sĩ Olympic về sau trở thành ký túc xá cho các trường đại học trong vùng. Một phần lớn lợi nhuận tổ chức Olympic LA 1984 sau này được dùng để xây thêm cơ sở thể thao và trang trải chi phí cho nhiều giải đấu khác. Trên 3 thập niên sau TVH, ngày nay ước lượng có trên 3 triệu trẻ em và hơn 1,000 tổ chức lớn nhỏ quanh vùng Nam California được hưởng lợi. Olympic LA 1984 còn có một nét đặc sắc riêng với các cuộc hội hè nghệ thuật mệnh danh là “Los Angeles Olympic Arts Festival” suốt 10 tuần lễ, kéo dài từ trước khi TVH khai diễn đến tận ngày bế mạc. Thống kê có trên 400 cuộc trình diễn múa hát lớn nhỏ diễn ra trên gần 150 địa điểm khác nhau cả trong nhà lẫn ngoài trời, phô diễn nét văn hóa đặc sắc khắp 5 châu 4 biển. Kiến trúc sư của Olympic LA 1984 là doanh gia Peter Ueberroth được tạp chí Time chọn là Nhân Vật Trong Năm Man of the Year. Về sau, nhờ uy tín này, ông Ueberroth trở thành người đứng đầu Ủy Ban TVH Hoa Kỳ USOC đến 2008. Thành công của TVH Los Angeles 1984 có thể cũng ảnh hưởng không nhỏ đến con số 75% cư dân LA ủng hộ thành phố tranh quyền tổ chức Olympic 2024. Nếu Los Angeles được chọn, sự kiện này sẽ đánh dấu 40 năm kỷ niệm LA 1984, thời điểm rực sáng của thành phố thiên thần.
Biển người ráp hình quốc kỳ các quốc gia dự Olympic 1984 tại Los Angeles. Ảnh Suzette Valle
Ngoài Barcelona 1992 và Los Angeles 1984, còn có Sydney 2000 và London 2012 cũng đạt những thành công nhất định. Trường hợp thành phố Sydney, sau Olympic 2000, mỗi năm đã đón lượng du khách tăng 11% và góp vào nền kinh tế nước Úc 5%. Sydney Olympic Park ngày nay trở thành trung tâm thương mại, giải trí, thể thao trọng yếu, mỗi năm thu hút hằng trăm tổ chức tư nhân khắp thế giới, mở ra hằng ngàn sự kiện thu hút hằng chục triệu du khách, kiến tạo 12,000 công ăn việc làm ổn định cho cư dân thành phố, và mang về trên $1 tỉ Úc kim cho nền kinh tế New South Wales. Nhà tổ chức Olympic London 2012 thì đặc biệt được khen ngợi về phương pháp điều hành hiệu quả. Nếu năm 2008, Bắc Kinh tổ chức Olympic tốn kém trên $42 tỉ, thì đến London 2012 đã cắt giảm xuống chỉ còn $20 tỉ. Tự thân London đã là một trong những thành phố tân tiến nhất thế giới, nhưng vùng East London một thời khá nhếch nhác. Nhờ có Olympic và quyết định chiến lược của nhà tổ chức, xây phần lớn các cơ sở thể thao mới tại đây, mà vùng này bất ngờ khởi sắc. Vận động trường Olympic Stadium, tên chánh thức là Queen Elizabeth Olympic Park, nay là sân nhà của đội đá banh West Ham United thuộc giải English Premier League. Nhiều cơ sở thể thao Olympic, như làng Olympic, trở thành các khu chung cư khang trang. Trường hợp London 2012 mới gần đây, vẫn còn khá sớm để kết luận, nhưng cũng đã hé lộ không ít tín hiệu khả quan.
Lễ khai mạc TVH LA 1984. Ảnh grantland.com
TTD