Bà chè xanh nói rằng “Từng có một Hà Nội như thế” và bà đã “cất cái Hà Nội của mình” trong ấm chè xanh.
Kỳ 1
Chè xanh là thức quà mỗi sáng không thể thiếu của người miền Bắc. Bởi nếu như nghề trồng cà phê trên đất phương Nam phát triển rất sớm, từ thời kỳ Pháp thuộc, thì nghề trồng chè trên đất Bắc cũng vậy, rừng cọ đồi chè đã hình thành từ những năm đầu người Pháp đặt chân đến miền Bắc. Cái thú uống chè thì lại có sớm từ trước đó. Và nói cho cùng thì cà phê khó để trở thành cái thức uống phổ quát trên đất Bắc. Những bát nước màu vàng sánh như mật ong mới lấy hay màu vàng đậm hổ phách được chiết từ nụ vối, đọt chè Thái Nguyên, có nồng độ caphein (caffeine) rất cao. Nồng độ caphein trong một ly cà phê chỉ bằng 1/3 trong ly chè xanh cùng thể tích. Và chè xanh luôn đi với khói thuốc lào thì mới hạp gu. Có người tỉ mẩn so sánh rằng một ngao thuốc lào đậm nặng có hàm lượng nicotine gấp bảy lần điếu xì-gà La Habana và gấp 21 lần điếu Dunhill xanh.
Quán chè xanh bên phố Hàng Thau, Hà Nội
Bàn về thuốc lào và chè xanh ở Hà Nội thì có vô số chuyện. Bởi trong mỗi ly chè xanh của mỗi bà chè xanh đều mang dáng dấp, hình hài của cuộc đời, riêng và chung.
Cái riêng nằm ở số phận của bà chè xanh và cái chung trong từng trang lịch sử lướt qua cuộc đời của bà. Vô hình trung, bà chè xanh lại trở thành một sử gia của đời thường, của vỉa hè. Những câu chuyện đời mang đậm mùi chè xanh và khói thuốc lào, được nhìn qua lăng kính của một người không đến nỗi nghiệt ngã nếu nói về công việc và phẩm hạnh. Câu chuyện của bà chè xanh đậm nỗi thống khổ của người lao động, nó phản ánh chân dung của xã hội một thời, mà rất chân thực vì không bị sức ép tư lợi như của bọn viết sử thuê.
Tình cờ, tôi đã gặp một bà chè xanh như vậy bên vỉa hè phố Hàng Thau, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Một quán nước chè xanh dã chiến, vài chiếc ghế nhựa, ghế đẩu gỗ, một ấm phích nước vối nóng, một ấm tích nước chè xanh, một điếu cày, một ấm nước đun sôi…
Tài sản và sự nghiệp của người đàn bà tầm trên 65 tuổi chỉ có vậy. Theo lời bà, thì bà từng làm nhân viên nhà nước, có chồng làm ngành thuế vụ. Hai vợ chồng họ từng học xong đại học ở Liên Xô, nhưng thực tế cơm áo thời kinh tế tập trung bao cấp nhanh chóng làm cho họ sợ hãi, hết muốn làm việc. Cả hai vợ chồng bà đều nghỉ việc theo đợt tinh giảm biên chế. Người chồng qua đời, một mình bà Cúc với hàng chè xanh tạm bợ nuôi con ăn học. Cuộc đời sống nhờ, ở tạm bợ trên căn gác xép của gia đình người em chồng suốt hơn ba mươi năm đã cho bà nhiều điều thấm thía.
Điếu cày biến tấu theo lối dân gian
Cuộc trò chuyện với bà bán chè xanh trên vỉa hè sẽ đưa độc giả đến với một Hà Nội không có phở mắng cháo chửi, không có văng tục bất thình lình sau nụ cười, và cũng không có sự dửng dưng, lạnh lùng trước những đồng loại thống khổ đang chịu rét, chịu lạnh để kêu gào công lý. Một Hà Nội thâm trầm với thanh âm sấu rụng ven đường, với nồng nàn hương hoa sữa, thoang thoảng hương bưởi hương nhài và… một Hà Nội của luyến tiếc về “một ngày giải phóng”. Sở dĩ nói về một Hà Nội luyến tiếc về “một ngày giải phóng” là bởi cho đến thời điểm hiện tại, những người Hà Nội sắp đến tuổi cổ lai hy, hay ngay cả những người Hà Nội trẻ hôm nay, vẫn chưa tìm thấy hai chữ “giải phóng” mà dòng tộc của họ đã đánh đổi nhiều thế hệ để có được nó.
Hỷ Long (HL): Thưa, bà vui lòng cho biết bà bán nước chè xanh ở đây đã bao nhiêu năm?
Bà Cúc chè xanh (BCCX): Tôi bán ở đây đã được hơn hai mươi năm. Nhưng nếu nói về nghề chè xanh thì gia đình tôi đã có bốn đời bán nước chè xanh thuốc lào. Và hình như mỗi thời đại, mỗi triều đại, đều có dấu ấn riêng trong bát nước chè xanh.
HL: Bà đang nói mỗi thời đại và mỗi triều đại? Bà có thể nói rõ hơn về khái niệm triều đại trong bát nước chè xanh?
BCCX: Cái này là tôi đúc kết từ chuyện kể của ông bà cha mẹ, và cả của tôi. Nghĩa là mỗi thời đại có một đặc trưng riêng mà cái đặc trưng đó lại hiện ra rất rõ trong hàng nước chè xanh thuốc lào. Ví dụ, như thời phong kiến là thời của mảnh đất cắm dùi, thời Pháp thuộc là thời của đường lá cây xanh, và thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa là thời của ô dù.
Bên bờ hồ Gươm, Hà Nội
HL: Bà có thể nói rõ hơn về thời mảnh đất cắm dùi, thời đường lá cây xanh, và thời của ô dù?
BCCX: À, đơn giản thế này, hàng chè xanh thời phong kiến luôn gắn với gốc đa, sân đình. Và không phải ai muốn đến gốc đa, sân đình để bán chè xanh thì cũng được. Phải là gia đình có người làm quan, họ hàng với quan hoặc gia đình tiết hạnh khả phong; nghĩa là có chồng, chồng chết ở vậy thờ chồng nuôi con hoặc nuôi bố mẹ chồng, nhà vua ban cho danh hiệu ‘tiết hạnh khả phong’. Những gia đình này được ưu tiên đến cắm dùi ở sân đình hoặc gốc đa đầu làng để bán chè xanh. Nói gì thì nói, một bà bán chè xanh phải có danh dự, phải có phẩm hạnh mới được bán, mới là gương mặt tiêu biểu của làng xã khi người ta bước vào làng thì bắt gặp ngay. Mấy chữ ‘mảnh đất cắm dùi’ cũng xuất phát từ chỗ cắm một cái dùi có ngạnh xuống đất để gác cái điếu cày khi bán nước chè xanh. Đến thời Pháp thuộc thì quan niệm tiết hạnh khả phong hay con nhà quan không còn quan trọng nữa, người bán chè xanh cũng đa dạng hơn. Cứ ai nấu được nồi nước chè ngon, kiếm được một chỗ dưới gốc cây xà cừ hay cây sấu, cây đa để ngồi bán là được. Vậy nên người ta gọi thời đó là thời của đường lá cây xanh. Thời đó rất tự do và lãng mạn, hàng chè xanh mọc ra khắp nơi và cái thú uống chè xanh, thuốc lào không còn giới hạn trong giới quan lại, kẻ có tiền như thời phong kiến, mà hầu hết người lao động đều có thể nhấm nháp thưởng thức bát chè xanh, hút điếu thuốc lào. Bởi thời Pháp thuộc, cây chè được phát triển mạnh trên xứ Bắc. Rồi đến thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa, thời của ô dù trên cả nghĩa bóng và nghĩa đen, nhất là thời bây giờ. Về nghĩa đen, gần đây người ta chặt sạch cây xanh, hàng chè xanh phải dùng ô, dùng dù che nắng để ngồi bán. Về nghĩa bóng, nếu không có ô dù che chở thì bán chè xanh cũng gặp lắm khổ nạn! (cười).
Những thức quà kèm theo khi bán nước chè xanh, chè nụ vối và thuốc lào
HL: Bán chè xanh gặp khổ nạn gì thưa Bà?
BCCX: Thì, nếu mình là dân thường, phải bán chè xanh lưu động. Ví dụ bữa nào dân phòng, công an khu vực họ kiểm tra bất ngờ, họ không đánh đập gì mình, mà họ chỉ tịch thu mấy cái ghế vì để trên vỉa hè làm chật vỉa hè. Như vậy coi như vốn liếng cả một tuần bán chè xanh đi toi, vì mấy cái ghế đẩu đối với chúng tôi là cả một gia tài. Ngược lại, có cái dù làm cán bộ che chở cho mình thì không bị mất ghế. Đó là chưa nói đến chuyện mình đang bán ngon lành, đắt khách, bỗng dưng có một mợ, một bà nào đó bất ngờ thất nghiệp, vì mất việc ở cơ quan chuyển sang bán chè xanh. Như vậy cách gì thì mợ hay bà đó cũng dựa vào các mối quan hệ cũ, cho dân phòng xua mình đi chỗ khác. Chuyện đời có một ngàn lẻ một nỗi buồn để mà kể. Nhưng dù sao thì cũng vui, bởi nỗi buồn luôn làm cho người ta trưởng thành hơn. Nó cũng giống như giấc mơ về giải phóng, đó là một giấc mơ buồn. Mà cũng nhờ nỗi buồn này làm cho người Hà Nội trở nên khôn khéo hơn hoặc ma mãnh hơn. Chuyện này rất dễ nhìn thấy ở các cơ quan nhà nước.
Mời xem kỳ 2 trong số tới