Menu Close

Tránh ngộ độc thực phẩm

Cảm giác “khó chịu” trong bụng và phải đi đến phòng vệ sinh gần nhất là một trong những trường hợp “khẩn cấp” mà không ít người trong chúng ta từng gặp phải. Nguyên nhân chủ yếu là từ thực phẩm. Sau đây là vài cách giúp tránh bị ngộ độc thực phẩm:

1. Không nên để thức ăn ở bên ngoài

Thực phẩm để lâu ở nhiệt độ bình thường trong phòng, cho dù ở nhà, trong nhà hàng buffet hay bữa tiệc…, đều có thể là nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn từ bào tử sinh ra có tên là Clostridium perfringens – một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngộ độc thực phẩm ở Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có 1 vi khuẩn khác, Bacillus, có khả năng gia tăng và sản sinh ra độc tố ở nhiệt độ bình thường trong phòng, được thấy trong cơm, soup, nước sốt và đồ ăn dư thừa. Do đó, đừng quên để thực phẩm cũng như thức ăn dư vào trong tủ lạnh.

2. Thận trọng với thịt gia cầm sống

Ít nhất phân nửa thịt gà sống có chứa số lượng lớn vi khuẩn Campylobacter và đây cũng là nhóm vi khuẩn chính gây ra những ca nhiễm độc thực phẩm ở các nước phát triển. Những loại gia cầm khác như vịt hoặc gà tây cũng nhiễm vi khuẩn nói trên, nên phải thận trọng cũng như đối với gà. Nguyên nhân chính của ngộ độc thực phẩm là do bất cẩn trong việc rã đá hoặc chuẩn bị thịt trước khi nấu.

3. Nguy hiểm của thịt băm

Các chuyên gia về thực phẩm khuyên tránh xa các loại bánh mì kẹp thịt băm (hamburger) nếu nghi ngờ cách nấu nướng, vì các loại thịt được xay bằng máy và trộn lẫn nhau sẽ làm vi khuẩn từ mặt ngoài vào sâu trong thịt. Khi thịt băm trộn lẫn và đem nướng trên lò với nhiệt độ khó kiểm tra thì không bảo đảm thịt chín cả ngoài lẫn trong. Do đó, nếu bạn là người “chuộng” hamburger thì phải chắc là thịt được nướng chín hoàn toàn.

4. Nhớ rửa trái cây

Theo thống kê của Trung Tâm Quản Lý Bệnh Dịch năm 2013, 46% các ca bệnh liên quan đến thực phẩm là do trái cây, rau củ và các loại hạt. 22% trong số đó là từ các loại rau vì những vi khuẩn như E.coli có thể sống trong tế bào lá cây. Có nhiều loại vi khuẩn bám trên lớp vỏ ngoài trái cây, do đó cần phải rửa sạch trước khi ăn, cho dù chúng có vỏ dầy như cam hoặc dưa hấu. Nhiều người rửa táo nhưng nghĩ rằng không cần rửa các loại dưa; tuy vậy, khi cắt hoặc gọt vỏ thì vi khuẩn có thể xâm nhập vào trong nếu không rửa trước.

5. Hâm nóng thức ăn thừa đúng cách

Chỉ hâm nóng thức ăn thôi có thể dẫn đến ngộ độc thức ăn vì các bào tử của vi khuẩn vẫn sống và phát triển thành vi khuẩn khi để cơm ở nhiệt độ trong phòng. Do đó, cơm phải được hấp (steam) thật nóng để diệt các vi khuẩn mới.

Áp dụng cách này đối với tất cả các thức ăn được hâm nóng, nhưng không nên giữ thức ăn thừa lâu hơn 3-4 ngày.

NGUỒN VIETBAO.VN