Menu Close

Miệt dưới!

Thưa cách đây cũng hơn nửa thế kỷ, tức lâu lắm rồi, là thời tui mới lớn, đất nước đang hồi chiến tranh ác liệt! Ai mà không lo nghĩ đời mình sẽ ra sao ngày sau?

hưa cách đây cũng hơn nửa thế kỷ, tức lâu lắm rồi, là thời tui mới lớn, đất nước đang hồi chiến tranh ác liệt! Ai mà không lo nghĩ đời mình sẽ ra sao ngày sau?

Đi hỏi Tía tui: “Đời con rồi sẽ ra sao Tía?” Tía không biết, chỉ nói: “Hơi sức đâu mà lo! Cái gì xảy ra thì nó sẽ xảy ra!”

(Tiếng Tây là: “Que Sera, Sera!” Còn tiếng Anh là: “What will be, will be!”) Tới đâu hay tới đó!

Má tui, cũng như những người phụ nữ chân quê khác, tin dị đoan, nên đi coi bói. Tốn hết hai trăm đồng có in hình Dinh Độc Lập! Thầy bói xem tướng tui coi bộ phèn quá, phán rằng: “Số thằng ‘cu’ nầy lớn lên sẽ tha phương cầu thực!”

Má tui vội xùy ra tờ năm trăm, có in hình Đức Trần Hưng Đạo, nhờ Thầy cải số cho thằng nhỏ dùm, tui đội ơn! Thầy bói lắc đầu từ chối. Số nó vậy rồi. Cải số cho nó là bần đạo cãi lại ông Trời. Đâu có được! Má tui về khóc quá xá. Tui thì không. Nhứt định không đi đâu hết ráo. Một tấc không đi một ly không rời mà. Con ở nhà với Má hè, thì tha phương cầu thực cái nỗi gì. Má nấu cơm cho con ăn mỗi ngày; con chỉ có việc cà nhỏng đi chơi thì cần gì phải tha phương cầu thực chớ?

Thiệt hổng ai dè mình mất miền Nam năm 75. Giờ ngẫm lại thấy ông thầy bói nầy đúng là Quỷ cốc tiên sinh. Bói ngay chóc!  Đưa tờ năm trăm nhờ cải số cho tui mà ổng nhứt định hổng chịu làm. Phải ổng gặc, chắc tui không phải tha hương, còn kẹt lại trong nước chắc tui đã tới số lâu rồi…

Cũng như bà con mình, tui bèo dạt hoa trôi ra biển cả. Tới đảo, tui cứ nhớ cái bắt tay của Mỹ với dân Việt mình, hồi xưa có in hình bàn tay lông lá nầy trên tạp chí Thế giới Tự do! Nên tui tính chạy theo bàn tay lông lá đó. Chờ hoài gần mục đảo, cả năm chớ ít ỏi gì mà không thấy phái đoàn bàn tay lông lá Mỹ kêu réo phỏng vấn gì hết trơn nên tui đâm ra giận lẫy. Trời xui đất khiến phái đoàn Úc tới. Anh bạn chung trại tị nạn, xưa là Giáo sư Sử Địa, nên có biết chút đỉnh về nước Úc Đại Lợi nầy bèn quyết định OK… đi! Ảnh nói rằng Úc đất rộng người thưa, cũng như điền chủ miền Tây, lục tỉnh quê mình, đất cò bay thẳng cánh mà lại ít con… nên sướng! Tui cũng ‘xu hướng’ theo, đi Úc!

Xưa mình đã tin thầy bói rồi giờ sao không tin thầy giáo chớ?

Ôi thời gian như bóng câu cửa sổ. Thoáng vậy mà đã mấy chục năm! Từ một thanh niên ốm đói, lòi xương sườn và hai cái lỗ tai, tui trở thành một lão niên, lấy bụng ở đời, mập ú ù thù lu như Úc vậy!

Có ai cắc cớ hỏi là tui ở Úc đã lâu, đã tuyên thệ trung thành với Nữ Hoàng tuốt bên Anh, vậy tui có biết gì về nước Úc hông?

Biết chút đỉnh thôi; nhưng chưa chắc là trúng… Thôi thì thấy sao nói vậy người ơi chớ tui hổng dám quơ đũa cả nắm, cái gì cũng biết hết ráo như em yêu của tui đâu nhe, thưa bà con!

Thưa Úc so với nước già khú đế, có tới 4000 năm văn hiến, như nước ta thì nó là con nít miệng còn hôi sữa, chỉ mới sanh ra năm 1901. Ôi đất thì mênh mông tới hơn 7 triệu rưỡi cây số vuông. Mà dân số chỉ có 24 triệu người. Và người Úc là một dân tộc vốn sợ ma. Cứ xúm chùm nhum lại, ở những thủ phủ lớn như Sydney và Melbourne. Còn vùng hoang mạc thì nhường lại cho đám Kangaroo (Chuột túi), với đám Emu (Đà điểu), là hai loại thú được đưa lên làm quốc huy nên tui gọi là quốc thú! (Cũng như Việt Nam mình giờ có quốc sư gì gì đó thế thôi!). Nước Úc nầy đều là dân di cư hết ráo. Từ con Kangaroo đã lội tới đây khoảng 15 triệu năm trước. Còn thổ dân chỉ có 40 ngàn năm thôi mà cũng đến cái đảo khổng lồ nầy từ những vùng thuộc Đông Nam Á như tui với bà con mình. Còn Úc thời hiện đại thì đa phần là người Anh bị mẫu quốc bắt đi đày vì phạm mấy cái tội lặt vặt như ăn trộm, ăn cắp.

Nên có chuyện Úc cười Úc như vầy: Một chú ‘Pom’, tức người Anh, từ mẫu quốc,vừa mới xuống phi trường Sydney. Qua cổng quan thuế Úc, chú em trình thông hành ra để đóng dấu. Viên chức bảo vệ biên giới Úc hỏi: “Ông định ở Úc bao lâu?” “Một tuần!”

“Đến làm gì?” “À chuyện mần ăn buôn bán mà!”

“Ông có giấy tờ gì về chứng minh mình đã từng phạm tội hình sự như ăn trộm, ăn cắp gì không?”

Thương gia người Anh ngạc nhiên hỏi lại cho rõ: “Tui nghĩ rằng thời buổi nầy chúng ta đâu cần mấy thứ đó nữa rồi chớ!”

Thưa thiên hạ nói rằng Úc chánh tông là dân khoái chơi hơn khoái làm và có cái chân hơi bị ngứa nên đi hoài hè… (Ít bao giờ chịu trụ hình một chỗ tới già tới chết như người Việt của mình!)

Nên: có một ông Úc tên Johnny bấy lâu nay sống bon chen ở thành thị chán quá bởi những cảnh đua tranh bèn quyết định thay đổi cả đời mình bằng cách dời về vùng hoang mạc mà Úc gọi là: “Outback!” Không điện, không điện thoại, e mail hay công ty gì ráo… Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ mà người khôn người đến chốn lao xao.

Về nơi hoang vắng chỉ đọc sách, nghe chim muông ca hót bấy nay rồi cũng chán vì cả tháng không một bóng người qua lại. Một hôm ra trước sân thì thấy một đám khói bụi mù trời di chuyển nhanh như lốc về phía mình làm Johnny cũng rất ngạc nhiên. Đám bụi dừng lại thì có một cánh tay từ trong chiếc xe Holden cũ nát giơ ra.

“Ê chào ông bạn mới! Tui là láng giềng của bồ, cách đây ba chục cây số. Xin chào mừng bạn hiền đã đến vùng nầy!”

“Nghe nói dân thành phố mấy bồ khoái nhậu và chơi xì ke, ma túy, tui sẽ kiếm mấy thứ đó cho bồ!”

“Kể cả việc tù tì ti tú tí tức là giải quyết nhu cầu sinh lý nữa! Chắc vắng bấy lâu cũng thèm lắm hả?”

Nghe vậy khoái quá, Johnny bèn hỏi ông bạn hàng xóm sa mạc mới quen của mình rằng: “Vậy mấy giờ tui tới? Và phải ăn mặc như thế nào đây?”

Thì anh hàng xóm, cách ba chục cây số, cười hè hè: “Sao cũng được… Vì chỉ có mình tui với bồ thôi mà!”

Thưa làm bạn với Úc chỉ có vài điều kiện nhỏ nho nhỏ thôi. Khoái uống beer nè! Khoái đi câu cá nè! Và khoái xem đá banh cà na kiểu Úc, mà tụi nó gọi là ‘footy!’ là không lo nó sẽ chơi đểu mình đâu! Nó luôn luôn tìm cách bảo vệ mình, mà nó gọi là ‘mate’, tức bồ tèo, trước cái móng vuốt của con sư tử nhà mình!

Nên có chuyện vầy: Amelia một đêm không về nhà.Johnny hỏi: “Em đi đâu vậy?” “Em ngủ ở nhà bạn em.”

Hơi nghi Amelia đi tù ti với đứa nào đó, Johnny bèn gọi 10 đứa bạn thân nhứt của em. Kết quả là không có đứa nào nói gặp mặt Amelia hết!

Tuần sau, Johnny một đêm không về nhà. Amelia hỏi: “Anh đi đâu vậy?”

“À anh lại nhà bạn anh nhậu chơi. Có chút đỉnh rượu nên anh không dám lái xe sợ mất bằng, đành ngủ luôn ở đó!” Amelia nghi Johnny vác thằng Tèo, đi tù ti với đứa nào đó, Amelia bèn gọi điện thoại kiểm tra 10 đứa bạn thân nhứt của Johnny. Thì tám đứa xác nhận là Johnny có ngủ ở nhà nó đêm đó. Còn hai đứa lại đoan chắc rằng Johnny vẫn còn đang nằm ngáy pho pho ở đây nha!

Thưa đối với Úc, cả nam lẫn nữ, beer là beer đạo (như trà đạo của Nhựt Bổn vậy)! Trong đầu của Úc bao giờ cũng chỉ có beer và beer; không có cái gì khác hơn hết ráo.

Nên có chuyện vầy: Tàu bị chìm lúc đi câu, mang theo hết mấy thùng beer lạnh, Johnny và Tony nhảy xuống thuyền cứu sinh trôi dạt trên biển, chờ người đến cứu. Bỗng vớt được một cái chai hơi rỉ sét có đề chữ đã mờ, đang trôi nổi bềnh bồng. Không đọc được, Johnny bèn lấy tay cọ vào cho rõ. Thì có ông thần hiện ra.

“Ta là ông thần Beer bị nhốt trong chai nầy đã lâu. Đa tạ tấm thạnh tình của hai ngươi đã giải thoát ta. Ta sẽ cho hai ngươi một điều ước!”

Johnny ước cả đại dương nầy nước biển biến thành beer!

“Được!” Xong ông thần Beer biến mất!

Cả hai nhoài người ra khỏi xuồng, lè lưỡi ra liếm thử xong, rồi reo lên:

“Thiệt là quá đã. Toàn là beer! Thực sự là beer!”

Đánh chén một hồi, Tony mới hỏi: “Giờ mắc ‘tè’ quá mình ‘tè’ ở đâu đây cha nội?!” “Thì ‘tè’ đại ở trong xuồng nầy đi!”

Sướng vậy, nên Úc đặt ra cái chuyện tiếu lâm để ca tụng cái đất nước nầy mà ông bà cố tổ của tụi nó mấy trăm năm trước bị lưu đày đến đây khổ… để bây giờ nó sướng như ở trên trời! Gọi đất nước nầy là phúc địa, là ‘lucky country!’ Là Miệt dưới!… Miệt dưới là sướng hè!

“Định viết một cuốn sách về những giáo đường nổi tiếng nhứt trên thế giới, nên một chú Sam mua vé để bay đi xuyên suốt Hoa Kỳ từ Nam tới Bắc. Ngày đầu tiên vào một cái nhà thờ ở Orlando để chụp hình, chú Sam thấy trên tường có mắc cái điện thoại bằng vàng ròng có đề chữ: một cú gọi giá 10 ngàn đô!

Tò mò, chú Sam hỏi vị linh mục cai quản nhà thờ cái điện thoại nầy để làm gì?

Cha xứ đáp điện thoại nầy nối trực tiếp tới Thiên đường! Với 10 ngàn đô Mỹ chú Sam có thể nói đàm đạo với Thượng Đế! Và khắp xứ Mỹ đâu đâu cũng thế!

Sau cùng chú Sam đến nước Úc! Vào trong những giáo đường ở Sydney hay Melbourne, chú Sam cũng thấy cái điện thoại bằng vàng treo trên tường nhưng giá gọi chỉ có 40 xu. Đem thắc mắc nầy hỏi một linh mục người Úc cai quản nhà thờ. Tại sao bên Mỹ gọi Thiên đường nói chuyện với ông Trời mắc quá, tới 10 ngàn đô. Còn ở Úc nầy chỉ tốn 40 xu?

Cha xứ người Úc thủng thẳng trả lời: “À bên Mỹ đó là cú gọi viễn liên, rất xa, nên tốn tiền nhiều… Còn Úc nầy đây gọi Thiên đường để nói chuyện với ông Trời… chỉ là cú gọi địa phương thôi!”

BẢO HUÂN

DXT – melbourne