Tiếng gõ cửa lộc cộc giữa đêm khuya vắng lặng nhưng cũng phải mất một hồi lâu mới bứt tôi khỏi giấc ngủ, nhoài ra khỏi giường mà mò ra phòng ngoài. Dụi dụi đôi mắt, ngáp ngáp vài cái cho đã, tôi mới nhè giọng:
– Ai vậy ?
– Hoa nè Long, mở cửa cho tui vô đi!
Tôi lật đật bật cái then, kéo xoạch cánh cửa, Hoa từ trong quầng sáng đèn đỏ quạch ngoài hiên, nhảy đụi một cái vô phòng. Nhỏ ướt đẫm như chuột lột từ đầu đến chân, nhìn tôi cười cái nụ cười chào toét miệng cố hữu. Trông Hoa vừa thảm hại vừa tiếu tiếu thế nào. Tôi muốn quát con nhỏ một tiếng nhưng sợ mấy người trọ phòng kế bên thức giấc nên chỉ buông khẽ:
– Em đi đâu giờ này mà mình mẩy chèm nhẹp vầy hả?
– Suỵt, trời mưa quá chừng, Hoa quên đem áo mưa, Long cho tui mượn bộ đồ đi.
– Khỉ gió, mưa đâu mà mưa . . .
Thắm Nguyễn
Tôi ló đầu nhìn lên mảnh trời đêm qua khoảng trống giữa hai làn mái tôn của hai dãy phòng trọ. Trời đen thẳm, lác đác vài vì sao. Nhưng đúng là có trận mưa hồi hôm.
– Vậy sao không về phòng em lấy đồ mặc mà qua đây mượn . . .
Cũng cái tật tôi, nói vậy rồi lại chợt nhớ là phòng con nhỏ, người ta lấy lại cho người khác thuê mất rồi. Nhìn mái tóc ướt đẫm nước mưa rồi lướt xuống bờ mi chớp chớp trên hai đốm mắt đen ngơ ngơ chờ đợi, tôi lại mềm lòng, nắm tay Hoa kéo vào trong.
– Thôi vô lấy cái khăn bông lau cho ráo, đợi anh kiếm bộ đồ nào chật chật cho mặc, kẻo lại trúng gió.
Hoa cười hì, líu ríu theo tôi. Lục mãi dưới đáy cái lồng quần áo, tôi cũng kiếm được chiếc áo trắng ngả vàng cùng cái quần thun thể dục, liệng lên giường.
– Lau người cho khô, rồi mặc đỡ cái này, anh đi xuống bếp nấu cho tô mì.
– Dạ, xếp. Hì, Long mà nấu mì là hết sẩy.
– Khỉ gió . . .
Thật ra mỗi phòng trọ có một cái bệ nhỏ khoảng bốn tấc rưỡi, dài tám tấc, đủ cho một bếp ga mini và chỗ bày biện nguyên liệu nấu nướng, nhưng kẹt là tối nay tôi không còn gì để nấu, mà lục đục một hồi đánh thức bà con nhà trọ lại phiền, nên thôi tôi đi thẳng xuống gian bếp chung, mượn chị Ba 2 gói mì. Chị Ba cũng dân ở trọ nhưng kiêm luôn việc quản lý và giữ vệ sinh vòng ngoài cho khu trọ. Chị thường để trong gian bếp mấy món lặt vặt như mì gói nước mắm bột ngọt cho cả khu xài đỡ khi cần. Ai mượn mì gói thì nhớ trả lại, hoặc gửi tiền cho chị nếu nhớ. Còn mắm muối thì khỏi, chị cho, mà hễ chị nhớ thì còn, chứ mà quên thì cả tháng cũng không có miếng bột ngọt nào.
Loay hoay một hồi, tôi cũng bê được hai tô mì nghi ngút về phòng. Gọi Hoa vài tiếng không đáp, tôi đá nhẹ cửa rồi khẽ khàng đặt hai tô mì xuống bàn. Trong phòng, Hoa nằm vắt ngang giường trong bộ quần áo của tôi, trông buồn cười nhưng cũng xinh đáo để. Đôi mi rợp đen của em bất động, hai cánh mũi khe khẽ phập phồng. Nhỏ ngủ nhanh như sáo. Tôi nhẹ bước đến giường ngồi xuống, lấy tay gỡ những cọng tóc ướt vương trên má nhạt. Biết làm gì hơn ngoài ngắm em.
Tôi hơn Hoa 2 tuổi, cùng quê. Tôi xóm trong, em xóm ngoài. Vì hoàn cảnh gia đình sa sút, tôi học trễ rồi vô cùng lớp với em. Tại vậy mà nhỏ không bao giờ gọi tôi là anh xưng em, cứ tui với Long như hai đứa bạn học. Mặc, tôi cứ gọi em ngọt xớt và coi nhỏ như đứa em để chăm lo hết mực. Còn nữa, tôi rắp lòng đeo đuổi một ngày Hoa phải gọi tôi bằng một tiếng… ANH.
Hoa đẹp, Hoa biết, xóm làng ai cũng biết, một vẻ đẹp đồng nội trong trẻo. Mà em lại ngoan nữa. Nhưng em không hiền, em muốn nổi tiếng. Sẵn có giọng hát trong veo cao vút, em tập tành ca cổ ca nhạc trữ tình, rồi thời thế đổi thay, nhạc ngoại, nhạc truyền hình, youtube tràn ngập nên em muốn chuyển sang pop rock, R&B cho nó văn minh. Hoa rất có chí, em quyết tâm rèn luyện và đậu vô được khoa thanh nhạc Nhạc viện thành phố. Tôi còn nhớ năm lớp 12, giấc mơ của em làm tôi xấc bấc xang bang. Lẽ ra tôi định nộp đơn vô trường đại học An giang cho gần nhà để chăm sóc phụ ba tôi mảnh vườn miếng ruộng. Nhưng nghe Hoa đâm đơn lên học thành phố nên tôi phải cặm cụi bài vở muốn điên để đậu cho được Cao Thắng ngành công nghệ ô tô trên Sài Gòn. Ở cùng làng quê mà mỗi ngày tôi còn kiếm cớ để gặp huống hồ để em vỗ cánh lên thị thành xa lắc làm sao chịu nổi.
Đi học xa nhà, hai anh em mướn hai căn phòng chung khu trọ mé Gò Vấp. Từ đó, chiều chiều sáng sáng, tôi lại chở em trên chiếc xe đạp. Kiếm chuyện làm thêm, rồi xin phụ việc ở một xưởng sửa xe, tôi sắm xế xịn để đưa em đi học. Cái tam giác, khu nhà trọ – đường Nguyễn Du – đường Huỳnh Thúc Kháng ngày ngày như lộ trình ru giấc mơ hạnh phúc êm đềm của tôi. Đẹp vậy, nhưng mà… Có lẽ đến giờ vẫn chỉ là mơ.
Hoa mở bừng mắt, nhìn trân lên trần ván ép võng dộp thâm đen.
– Chết, mấy giờ rồi Long?
– Gì? Chi vậy?
– Lẹ, bữa nay mình phải đi shop.
– Hả? Sao lại shopping. . .
Hoa đưa mắt nhìn tôi như trách:
– Bữa nay anh Thái trình diễn độc tấu, mình phải mặc đồ lịch sự.
-…
Tôi muốn đáp lại nhưng chỉ ngậm họng.
Thái, kẻ tội đồ, ít ra trong mắt tôi. Hắn đã chọc vỡ vụn giấc mơ thơ dại của tôi. Hắn vốn không tồn tại trong suốt khoảng đời thơ mộng nhất của tôi. Tôi đã cẩn thận làm vệ tinh xoay quanh em để bắn phá bất cứ mảnh thiên thạch nào toan hút theo lực hấp dẫn từ em. Thế nhưng cái tài nghệ kỹ thuật của tôi không đủ tinh tế để lách vào thế giới âm nhạc của em, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi không thể quanh quẩn bên em phía bên kia cánh cổng Nhạc viện. Tôi không thể trò chuyện hàng giờ với em về âm nhạc để mê hoặc em. Thế cho nên mới có một thằng nhóc thần đồng âm nhạc đã chiếm lấy trái tim em. Tên Thái này lớn hơn em một tuổi, nghĩa là còn nhỏ hơn tôi, nhưng đã tốt nghiệp cử nhân violon và đang vừa học nâng cao vừa tham gia giảng dạy. Chỉ đôi lần trò chuyện trong thư viện hoặc căn tin mà hắn đã mở toạc một chân trời mới cho em. Hoa bỏ hết những sở thích âm nhạc cũ để theo đuổi opera, thính phòng, một thứ gì đó cao sang mà tôi không thể nào hiểu nổi, nói chi là ưa thích. Và điều đau đớn nhất là lúc nào Hoa cũng gọi hắn một tiếng ANH mà tôi hằng ao ước. Bắt bẻ nhỏ thì nhỏ bảo vì người ta là thầy, mình gọi tên sao được.
– Bữa nay, anh Thái độc tấu với dàn nhạc ở cung hòa nhạc mới khánh thành gần nhà ga metro trung tâm. Một đêm hòa nhạc với bao nhiêu là quan khách đặc biệt, Hoa phải sắm một bộ đồ thiệt lịch sự.
– Chuyện đó mắc mớ gì tới anh.
– Ai sẽ chở tui đi shop – ánh mắt Hoa nhìn tôi chòng chọc, rồi đổ sang tinh quái – Với lại…
Hoa búng tay từ đâu phất lên một mảnh giấy cứng in chữ mờ trang nhã.
– Vé mời dành cho hai người, Hoa không thể đi một mình, kỳ chết.
– Cái gì, em đừng nói . . .
– Còn gì nữa, Long phải mặc vét, để Hoa khoác cánh tay bước vô khán phòng cho giống người ta.
Tôi tính phát lên cái mỏ con nhỏ, nhưng nhìn ánh mắt Hoa vừa chèo kéo, vừa nũng nịu, tôi lại thấy con bé Hoa thuở trước hay đòi tôi dẫn đi chơi ngoài ruộng kiếm trứng cá đẻ đồng. Thế là thôi.
– Đi đâu, mấy giờ, không học à.
– Lãng nhách, bữa nay Thứ Bảy mà.
– À.
Thôi… vậy.
Hai đứa vi vu trên những con đường thời trang ở khu trung tâm. Cái cảm giác có người mình thương ngồi sau lưng khiến tôi quên hết những bực dọc ban nãy. Tôi đưa Hoa đến những cửa hàng hai đứa thường vào, nhưng lựa mãi mà Hoa không vừa ý cái nào. Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn.
– Chỉ là một buổi ca nhạc mà em làm gì lựa cơm kén cá dữ vậy?
– Long nói sai rồi, đây là đêm hòa nhạc của một cung hòa nhạc mới cắt băng khánh thành, tầm cỡ nó khác.
– Xì, em tưởng em đi lên thảm đỏ hả?
– Ý Hoa không phải vậy, nhưng mà… nó gần như vậy đó. Mình không thể khác mọi người.
– Vậy đừng có bê anh vô đó, anh đâu phải diễn viên nghệ sĩ.
– Đã nói, ai đi cũng có cặp. Long này. Mượn một chút mà.
Mượn!!! Ừ, tôi chợt nhận ra mình chưa là gì của nhỏ cả, tại sao tôi lại có quyền bắt bẻ. Nhỏ chỉ mượn tôi thôi mà. Dĩ nhiên là Hoa không bắt, và tôi cũng không bị buộc. Nhưng mà em mượn, sao tôi lại từ chối, mà đây chỉ là mượn một cánh tay để khoác. Tôi cho em cả cuộc đời còn được nữa là.
Chung quy cũng chỉ tại tên Thái, vô tình vì làm vệ tinh cho em mà tôi phải xoay vòng quanh hắn. Một cảm giác gớm ghiếc nổi dậy. Tôi phải làm gì đây?
Cuối cùng rồi tôi và em cũng sắm được những bộ đồ vía sang trọng ngoại nhập. Tôi không biết cách nào mà em có tiền mua được chúng. Em ngồi xúng xính sau xe tôi trong làn vải mịn màu tím. Tại sao là màu tím, màu tử địa. Nhưng nó đẹp, và em toát lên vẻ sang trọng ngỡ ngàng, vất đâu cái nét trong trẻo ngày thường. Dĩ nhiên là tôi cũng đỏm dáng như một tên gangster trong những phim mafia của Ý. Ha ha, thôi kệ, miễn ngồi gần em đêm nay, dẫu có vật vờ trong tiếng nhạc ma mị của lũ quý tộc cũng cam.
Xe chúng tôi lướt qua những chiếc cầu trên cao lung linh ánh đèn Sài Gòn, phía xa là cung hòa nhạc trung tâm mới xây tỏa những cánh sen hồng nhạt trong đêm, có thể sánh với tòa nhà Opera Sydney về quy mô. Từ đây qua đó, muôn vàn những chiếc cầu đan nhau xen kẽ, bên dưới là nhà cửa, là người ngợm, cả kẻ hiểu hòa nhạc lẫn người chẳng hề biết nó là cái quái quỷ gì. Và tận đáy là những con sông đen ngòm.
Sông. Đen. Ngòm… Bất chợt đôi vai tôi lồng lên, tăng tốc vọt ga như bay qua những chiếc cầu. Những ánh đèn đường vun vút rớt lại phía sau.
– Long làm gì vậy? Long chạy đâu vậy? – Tiếng Hoa thất thanh.
Tôi mặc kệ, tôi giả điếc. Xe cứ lao đi như tên bắn. Này là Trung Lương. Này là Bến Lức. Kia là Cầu Mỹ Thuận. Qua Sa Đéc. Qua Vàm Cống. Tiếng gió thổi váy tím của Hoa bay phần phật lẫn tiếng nức nở rồi thút thít của em. Tôi biết tôi tàn nhẫn, tôi xé toạc giấc mộng em đêm nay. Nhưng tôi vô tình một đêm nay hay em vô tình cả quãng đời ta quen biết. Tôi căm ghét Thái nhưng tôi không thể làm gì hắn được. Tôi không thể ghét em nhưng tôi đang buộc chặt được em trong tốc độ khủng khiếp của xe tôi, chiếc xe mà tôi đan mộng mỗi ngày bên em, em biết không. Mặt tôi như rát buốt với tốc độ gió khủng khiếp, thần kinh tôi như tê dại, nước mắt tôi chợt chảy tràn.
Chừng xe dừng lại, tôi mới nhớ là Hoa đã nín khóc tự bao giờ. Em dáo dác nhìn quanh rồi hỏi:
– Đây là đâu quen quá, nhưng mà tui nhận không ra. Sao Long chở tui tới chỗ này?
Tôi quay ngoắt nhìn nhỏ, ánh mắt tôi hẳn lóe ra những tia độc ác sao đó mà Hoa khẽ rùng mình lấy tay che. Tôi bước xuống, chống xe cái cạch rồi lôi em vào một ngôi nhà. Hoa vùng tay nhưng không thoát khỏi nắm tay kềm chặt của tôi. Cánh tay chắc nịch vặn bù lon đinh tán, thay vì cho em mượn khoác bước vào cung hòa nhạc thì lại đang gồng cứng thúc em vào nhà. Tôi hung hãn kéo em đến chiếc bàn thờ đèn hột gà leo lét đặt ở một góc nhà.
– Long? Sao lại dẫn tui tới bàn thờ người ta. Long điên rồi. Đưa tui về Sài Gòn liền đi! – Giọng Hoa thảm thiết.
Tôi chịu không thấu phải ngửa mặt nuốt nước mắt đau đớn. Rồi tôi chầm chậm rút chùm roi dâu sau lưng quần ra quất Hoa túi bụi.
– Em nhìn lên bức ảnh trên bàn thờ đi, xem hình ai trên đó.
Một khoảng lặng nặng trịch nơi lồng ngực tôi trước khi Hoa rú lên ai oán. Em trợn sọc mắt, lùi dần, tóc xõa tung ra, áo tím nát tươm. Em toan vùng chạy, tôi bặm môi rấn tới, vung roi dâu tới tấp. Liền đó, thể phách em vỡ ra nghìn mảnh và tan biến. Còn lại mình tôi gục ngã trước bàn thờ.
Tôi giật bắn người tỉnh giấc, mồ hôi thấm đẫm như thể vừa tập gym, trên tay vẫn nắm chặt mớ dây dâu cứa đỏ. Ánh ban mai le lói xuyên qua cửa sổ nhỏ phía đầu giường. Tôi nằm đó giương mắt tìm quanh căn phòng nhòa nhạt.
o O o
Người ta nói kẻ chết oan ức trong tiếc nuối thì không hay mình chết nên cứ váng vất trần gian không nơi nương tựa. Đêm nào, tôi cũng thấy Hoa về trong bộ đồ sũng nước. Không mê tín dị đoan nhưng rồi không ngủ được nên cuối cùng tôi cũng phải nghe lời chú Tư cùng khu trọ. Ông nội của chú vốn là thầy pháp ngày xưa, chú chỉ cho tôi cúng kiếng rồi lận chùm roi vong giã nát sau lưng quần. Chỉ có như vậy thì em mới biết mình đã mất đặng đầu thai kiếp khác.
Ngày Thái và cô bạn gái trúng học bổng du học bên châu Âu làm lễ cưới trước khi lên đường, Hoa như điên dại, em đi lơ ngơ trên phố rồi leo lên thành cầu bay lượn xuống dòng nước đen ngòm tàn độc. Một ngày rất hiếm hoi em không ngồi xe tôi.
À mà hiện giờ, nhà ga metro còn chưa xây xong, nói chi đến cung hòa nhạc.
K – 2015