Menu Close

Nhìn lại sử Việt – từ tiền sử đến tự chủ

“Từ Tiền Sử Đến Tự Chủ” quyển thứ nhất trong bộ sách  “Nhìn Lại Sử Việt” gồm năm quyển biên khảo công phu về Lịch Sử Việt Nam của Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng, giúp độc giả hiểu rằng: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam vốn thuộc về đất đai của người Việt suốt thời Hùng Vương. Khi đô hộ Việt Nam, người Hán chỉ chiếm được hai quận Giao Chỉ  và Cửu Chân, còn Nhật Nam ở trong tình trạng không có ai quản trị. Vì vậy người Nhật Nam theo văn hóa Ấn Độ, dần dần tách ra thành lập quốc gia Lâm Ấp. Trong phần giới thiệu “Từ Tiền Sử Đến Tự Chủ,” nhà xuất bản Cành Nam viết:

“Đã hơn Tám Mươi Năm trôi qua kể từ ngày Lệ Thần Trần Trọng Kim, lúc bấy giờ còn là một nhà giáo trẻ, hoàn tất và tung ra cuốn Việt Nam Sử Lược của ông. Trong một thời gian dài, cuốn này được xem như một cuốn thông-sử đáng tin cậy nhất, được in đi in lại rất nhiều lần, nhất là ở Miền Nam rồi ở hải ngoại, và giờ đây còn được in lại và bày bán khá rộng rãi ngay ở trong nước. Những ưu điểm của cuốn Việt Nam Sử Lược đã rõ: Viết trong khi đất nước ta còn thuộc một ngoại bang, tác giả vẫn không ngần ngại đem tên chính thức của quốc gia chúng ta dùng làm tên chính thức cho cuốn sách. Viết dưới thời Khải Định, một ông vua nhà Nguyễn, tác giả vẫn không ngần ngại xem nhà Tây Sơn là một triều đại chính thống của Việt Nam, mặc dầu dưới con mắt sử gia nhà Nguyễn, nhà Tây Sơn bị coi là một “ngụy quyền.” Viết trong buổi giao thời giữa chữ Nho và chữ Quốc Ngữ, Tiếng Việt của cuốn sách thật trong sáng, lại còn chú thêm chữ Hán bên các tên đất, tên người, tên sách được nêu ra trong tác phẩm (đây là một đặc điểm có thể xem như ưu điểm so với nhiều sách sau này). Tóm lại, Trần Trọng Kim đã tỏ ra can trường, cẩn trọng, không thiên vị, đáng làm gương sáng cho những ai muốn đi vào con đường đầy hiểm hóc này… Nỗ lực của tác giả Lê Mạnh Hùng (Tiến Sĩ Sử Học Viện Đại Học Luân Đôn) nhằm viết nên bộ thông sử Việt Nam nhiều tập (mà đây là tập đầu, từ khai nguyên đến thời tự chủ), tổng hợp tất cả những tìm tòi của sử học Việt Nam trong gần 100 năm qua, do đó phải xem là một việc làm cần được ủng hộ và khuyến khích. Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, do đó, rất hãnh diện được tác giả tín nhiệm để cho chúng tôi đứng tên xem như đây là một bộ sử do Tổ Hợp đỡ đầu…”

nhin-lai-su-viet“Từ Tiền Sử Đến Tự Chủ” do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ phát hành năm 2011, dày 278 trang,  có 8 chương, mỗi chương cưu mang nhiều nội dung khác lạ về khảo cổ học, về sử liệu Trung Quốc, về sử liệu Việt Nam, sử liệu của các nước khác. Tất cả những tài liệu được sử dụng trong tác phẩm, chỉ với mục đích duy nhất là trình bày nguồn gốc dân tộc Việt Nam dựa trên thần thoại, cũng như ghi lại toàn cảnh xã hội thời Vua Hùng, thời An Dương Vương, truyền thuyết về chiếc vuốt rùa và cây nỏ thần. “Khi nhà khảo cổ học người Thụy Điển tên là Olov Janse khám phá ra nền văn minh Đông Sơn, những cuộc khai quật tiếp theo sau đó, đặc biệt là trong những năm của thập niên từ 1960 tới cuối thập niên 80, đã phát hiện rất nhiều bằng chứng về một nền văn minh tập trung trong khu vực sông Hồng và sông Mã, kéo dài hàng ngàn năm từ thời đại đồ đá giữa (mesolithic) qua thời kỳ đồ đá mới (neolithic), cho đến hết thời đại đồng thau (bronze age), và sang đến thời đại đồ sắt mới hết.” [Trang 17]
Tiến Sĩ Sử Học Lê Mạnh Hùng tốt nghiệp Viện Đại Học Luân Đôn, có bằng Cao Học Kỹ Sư MIT về ngành đóng tàu biển. Khi trở về Việt Nam, ông làm việc tại Bộ Kinh Tế, học chữ Hán trong thời gian bị đi học tập cải tạo. Ra hải ngoại, ông đi theo ngành truyền thông ở Úc, Anh Quốc, làm việc tại đài BBC, và Đài Á Châu Tự Do. Hiện nay ông đã về hưu, dành toàn bộ thời gian vào việc viết sử.

Sử gia Trần Trọng Kim xem tác phẩm “Việt Nam Sử Lược” của ông chỉ là bộ áo vải mặc tạm, chờ bộ áo lụa của các nhà viết sử đến sau. “Nhìn Lại Sử Việt – Từ Tiền Sử Đến Tự Chủ”  ở chừng mực nào đó đúng là bộ áo lụa khoác lên Trang Sử Việt Nam, giúp độc giả nhận biết từng biến cố xảy ra trong mỗi một vương triều đã trôi xa trôi khuất vào quá khứ.

HNP – 5:42am Thứ Hai ngày 11 tháng 04 năm 2016