Champagne là tên gọi của một vùng đất trồng nho tại Pháp, những chùm nho trái nhỏ xíu, nhỏ bằng đầu ngón tay út của Dế Mèn, vỏ xanh mà người địa phương hái đem về ủ rượu, tạo thành món thức uống sủi bọt lẫy lừng khắp thế giới từ mấy trăm năm nay. Tuy nhiên, Âu Châu là một lục địa lâu đời, người địa phương cha truyền con nối đặt tên cho những nơi mình sinh sống; khi rời đất tổ, họ mang theo gốc rễ và đặt tên cho những thôn làng mới từa tựa như thế. Như ta, mang linh hồn Saigon sang Hoa Kỳ và gọi tên thành phố mẹ ở đất mới.
Và vì thế khi nhìn bản đồ, ta thấy những cái tên tương tự ở nhiều vùng đất khác nhau. Champagne cũng là tên một thôn làng nhỏ híu gần hồ Neuchâtel, trong Canton Vaud, vùng đất nói tiếng Pháp của Thụy Sĩ. Làng Champagne rộng khoảng 4 cây số vuông và có 800 cư dân (theo thống kê năm 2011). Sách vở ghi chép tên làng Champagne ngày 15, tháng Hai năm 885 trong một văn kiện mang tên Vua Charles (còn có biệt danh là “the Fat”) và vị đầu mục. Nghĩa là thôn làng này có mặt trên bản đồ cả ngàn năm nay.
Theo truyền thống, những sản phẩm thường mang tên địa phương nơi sản xuất như một sự hãnh diện, từ thức ăn uống đến vải vóc, đại khái là những cái hay cái đẹp, cái đặc biệt được người ta kết nối với gốc rễ của mình.
Loại rượu sủi bọt sản xuất tại Champagne, Pháp, được chính phủ Pháp và các nhà cất rượu ra sức bảo vệ, họ giữ được danh hiệu “champagne” như một A.O.C hay “Appellation d’Origine Contrôlée” hay một thứ nhãn hiệu chứng nhận phẩm chất và xuất xứ của một sản phẩm Pháp. Ngay từ năm 1974, người Pháp đã tranh cãi khá nhiều và khá ồn ào với những nhà sản xuất rượu sủi bọt khác về tên gọi “champagne”. Nhưng ông Tây bà Đầm nói thế nào thì nói, mỏi mồm mà thế giới cứ phe lờ, mặc tình sản xuất rượu và đặt tên theo ý muốn. Mãi đến khi cộng đồng Âu Châu thành lập, các hiệp thương buôn bán được ký kết giữa các quốc gia thành viên, Pháp mới bắt đầu giữ được tên “champagne” cho các chai rượu sủi bọt buôn bán trong cộng đồng Âu Châu. Dĩ nhiên là các nhà sản xuất rượu sủi bọt từ Nga, từ Ukraine, từ Hoa Kỳ thì cứ cười cười mặc kệ ông Tây bà Đầm đứng gào, họ vẫn cứ thản nhiên buôn bán vì cái nhãn hiệu A.O.C kia chẳng ăn nhậu chi đến họ.
Nhưng còn cái thôn làng Champagne tại Thụy Sĩ nhỏ híu kia thì sao? Họ có thể phe lờ hay không? Họ vẫn cứ làm ăn buôn bán theo truyền thống, nghĩa là các tấm bánh ngọt sản xuất tại đấy vẫn mang tên “de Champagne” cho đến bây giờ. Năm nọ, dân làng Champagne đã uất ức ủi sập cái bảng tên của làng trong một cuộc biểu tình phản đối, họ dính cả lá cờ tam tài và cả một chai rượu Champagne của Tây vào cái bảng tên kia mà mắng mỏ!
Champagne ở Thụy Sĩ. – nguồn AFP
Sao tự nhiên người Thụy Sĩ lịch sự có tiếng lại nổi đóa như thế? Bạn ạ, chuyện như thế này. Năm 1998, Thụy Sĩ ký một hiệp thương với cộng đồng Âu Châu (Thụy Sĩ tí teo nhưng giàu có nhất định đứng một mình, hổng chịu tham gia như một quốc gia thành viên của EU). Hiệp thương này cho phép Swissair, hãng hàng không của Thụy Sĩ được sử dụng các phi trường tại những thành phố trong cộng đồng Âu Châu. Cái bánh ít “phi trường” kia trao đi, thì Thụy Sĩ phải bù cái “bánh quy”. Và cái bánh quy trao lại là sự đồng ý công nhận A.O.C của champagne! Nghĩa là các sản phẩm sản xuất tại Thụy Sĩ không được dùng tên “Champagne” nữa, từ bánh đến rượu. Khi tên “Champagne” bị cấm, rượu sủi bọt sản xuất tại thôn làng này hầu như không bán được nữa, mãi lực tuột dốc đến 70%!
Tiếc quá, cái hiệp thương gây tai hại cho những người dân làng Champagne của Thụy Sĩ, được ký kết sớm 3 năm. Năm 2001, Swissair phá sản, hậu thân của hãng hàng không này là Swiss International Airlines, của Lufthansa (Đức), bây giờ bay lượn phây phây. Nếu Swissair… phá sản sớm hơn chút xíu, hẳn dân làng Champagne kia đâu có phải bứt tóc bứt tai thế này? Ai mà biết đâu, bạn nhỉ?
Về phía mấy ông Tây, họ phân trần, biết bao nhiêu là tên tại sao không dùng cứ phải “cầm nhầm” tên “Champagne” của tui vậy? Chẳng là cái tên kia có chút hơi hám của “danh”, của “giá”. Champagne là loại rượu đắt tiền hơn so với các loại rượu khác, những buổi lễ lạt, tiệc tùng ăn mừng mà không có champagne nổ lốp bốp thì coi bộ hổng vui, nên người ta bấm bụng xài champagne, rượu có ngon hay không thì chưa biết! Hầu như món chi dính dáng đến chữ “champagne” là người ta có thể định giá bán cao hơn những món hàng tương tự cùng loại. Chẳng hạn như một chai nước lạnh, bỏ nhãn hiệu “Champagne” và Harrods đòi giá 20 Mỹ kim một chai cho đến khi chính phủ Pháp can thiệp với Hoàng Gia Anh qua luật thương mại quốc tế Harrods mới ngừng việc tiếm danh kia!
Ông Tây bà Đầm không chỉ dứt khoát với người “ngoài” mà họ cũng dứt khoát với người trong nhà. Yves Saint Laurent, một nhà thiết kế thời trang của Pháp, muốn dùng tên “Champagne” cho một loại nước hoa mới, người Champagne cũng lắc đầu quầy quậy, và nhất định một hai đưa những người tiếm danh, cầm nhầm, mượn đỡ kia ra ba tòa quan lớn mà kiện đến cùng.
Dân làng Champagne Thụy Sĩ cũng chịu chung số phận hẩm hiu, mất luôn cái tên gốc rễ vì năm 2005, người Pháp thưa kiện tại tòa án quốc tế, và thắng kiện. Án tòa ra lệnh bắt buộc họ phải chấm dứt việc sử dụng cái tên “Champagne” không thì sẽ bị phạt vạ nặng nề!
Như thế, cái tên dính liền với cái “danh” (dự) và “danh” (giá) chăng? Vậy thì khi người nào đó bảo rằng sá chi một cái tên, thì ta hãy phản đối kịch liệt, bạn nhé? Riêng với quý bà quý cô, anh chàng nào muốn trao tặng phe ta cái tên họ, dĩ nhiên là ta cần nín thở vài giây để ngẫm nghĩ xem cái tên họ kia có thích hợp với mình hay không, phải không bạn?
TLL