Nói “làm ăn” nghe không “đại gia” chút nào nhưng lại là câu chuyện thời sự được khá nhiều người giàu trên thế giới quan tâm. Chương trình đầu tư định cư tại Mỹ được Quốc hội chấp thuận từ năm 1990, gọi tắt là EB-5 với mục đích kích thích phát triển kinh tế bằng vốn của cá nhân người nước ngoài đầu tư trực tiếp, tức cá nhân người đầu tư làm chủ công ty mới hoặc mua lại một công ty nào đó để điều hành trực tiếp với số vốn 1 triệu đô. Năm 1993, chương trình đầu tư gián tiếp được khai triển, với số tiền đầu tư nửa triệu đô, cá nhân không làm chủ mà xem như phần đóng góp vốn đầu tư do công ty nào đó điều hành trong khu vực được nhà nước chỉ định với mục đích gia tăng phát triển kinh tế và việc làm tại khu vực đó.

Đi Mỹ… làm ăn
Mấy ngày nay, ông Phát ở Arlington lo dọn dẹp nhà cửa phòng ốc để đón tiếp cô cháu từ Sài Gòn sang chơi một tuần do được phần thưởng của công ty tư vấn đầu tư định cư đài thọ. Cô cháu ông Phát đi trong đoàn gồm mấy chục người được Bộ Di trú chấp thuận đơn I-526 đầu tư dạng gián tiếp vào các vùng kinh tế chỉ định, cụ thể tại City of Dallas. Ông Phát rất vui về chuyện đứa cháu cưng của ông trong tương lai sẽ định cư tại Arlington, ông còn bàn với cả nhà đưa cô cháu về gia đình ông cư ngụ thời gian đầu. Ông vui mừng trò chuyện với bạn bè: “Chỉ cần nửa triệu đô làm ăn, lại được định cư ở Mỹ cho cả gia đình có con cái dưới 21 tuổi thì quá sướng. Nhỏ cháu ở Sài Gòn làm ăn rất phát đạt vì trong gia đình ông anh tôi người nào cũng có máu kinh doanh. Còn tôi thì có máu trâu nên gần ba mươi năm nay vẫn cứ đi cày đều đặn mỗi ngày”.

Mấy người bạn ông Phát nghe chương trình đầu tư EB-5 từ lâu nhưng mới nghe ông Phát nói vùng chỉ định đầu tư ở ngay sát nhà mình. Thành phố Dallas, vành đai công nghiệp xa lộ 820 ở Fort Worth. Thế nhưng, nhiều người vẫn hiểu lầm là chỉ cần có số vốn nửa triệu đô thì có thể đi Mỹ đầu tư dễ dàng. Có ông nói, vậy thì mở tiệm Nail, kiếm mười người làm việc, nghề này dễ làm ăn có thu nhập nhiều, không bao giờ lỗ. Để tui bàn với mấy đứa cháu bán nhà, mượn vốn bà con bạn bè qua đây mua mấy tiệm Nail làm giàu mà lại được thẻ xanh định cư, rồi vô quốc tịch trở thành công dân Mỹ.
Ông Phát phản bác, đâu dễ như mấy ông nghĩ. Dễ như vậy người ở Việt Nam bay qua đây như ruồi. Cho tới giờ phút này, tôi chỉ biết có mình đứa cháu cùng mấy chục người được chấp thuận đơn xin đầu tư, công ty tư vấn đài thọ sang Mỹ tìm hiểu các dự án. Đi chơi thôi rồi về chờ phỏng vấn cấp visa. Chuyện phỏng vấn xem xét lại hồ sơ mới là quan trọng, mặc dù những giấy tờ đòi hỏi thu nhập cá nhân, nguồn gốc số tiền đầu tư đều được chứng minh rõ ràng với Sở Di trú. Một người bạn ông Phát tỏ ra rành rẽ: “Đơn I-526 được chấp thuận, có nghĩa là giấy tờ chứng minh nguồn gốc số tiền đầu tư được rõ ràng, hợp pháp. Nếu có vấn đề hay cần chứng minh bổ sung thì Sở Di trú đã bác đơn hay yêu cầu bổ sung rồi. Sau khi chờ chấp thuận khoảng 18 tháng, đương đơn nộp tiếp I-485 xin thẻ xanh và DS-260 xin visa, hồ sơ sẽ chuyển về Lãnh sự quán để phỏng vấn đương đơn. Còn chuyện đầu tư nghề Nail cũng hấp dẫn đấy. Với một triệu đô thành lập công ty, mở một salon to đùng, mướn không chỉ mười nhân viên mà mấy chục người thợ nail vào làm việc”.
Một ông bạn khác của ông Phát góp ý: “Làm như ở Sài Gòn có được một triệu đô dễ lắm à. Thấy người ta làm ăn như vậy mà không phải vậy. Muốn đầu tư một triệu ít ra trong túi tài sản phải có mười lần như thế. Nhưng mà thực tế cho thấy, mười người bỏ vốn đầu tư làm ăn có đến chín người thất bại. Thằng con tôi kể nghe đồn thổi có công ty bán trà sữa trân châu, thức ăn nhanh nào đó của Mỹ mở nhượng quyền thương hiệu, đầu tư dạng EB-5 thành công lắm. Mấy người Trung Quốc khoái buôn bán nhào vô như thiêu thân. Nhưng theo tôi, đầu tư kiểu gián tiếp nhẹ hơn, góp vốn cho công ty Mỹ làm ăn, sau năm năm lấy lại vốn mà quyền lợi cũng như người tự làm chủ đầu tư trực tiếp. Chỉ có điều tiền mình bỏ ra nhưng giỏi lắm chỉ xem được báo cáo tài chánh lời lỗ mỗi năm một lần thì chẳng có cảm giác chút nào. Tuy nhiên, có được cái thẻ xanh tạm thời, lo chuyện ăn ở, đi làm kiếm sống, con cái học hành cũng chưa bớt nỗi lo. Lỡ công ty làm ăn thua lỗ, tiền mòn mất theo thời gian, trong khi xin thẻ xanh chính thức, lại đòi hỏi phải có giấy tờ chứng minh, số vốn của mình sinh lợi. Có nghĩa là công ty đầu tư vùng chỉ định thành công, thì đương đơn được thẻ xanh chính thức, còn thất bại thì cái thẻ xanh của mình cũng bị treo lơ lửng hoặc bị từ chối”.
Thực ra, từ cuối năm 2010, mấy công ty tư vấn đầu tư định cư ở Mỹ bắt đầu mở chi nhánh tại Việt Nam, tổ chức nhiều cuộc hội thảo lãnh vực đầu tư, có công ty mời cả các nhân vật chính trị quan trọng tại các tiểu bang về thuyết trình giải thích chương trình EB-5 nhưng nhiều người tham gia đầu tư không đáp ứng được việc chứng minh nguồn gốc tài chính. Hơn nữa, những năm đó số lượng visa EB-5 cấp không nhiều mà số người nộp đơn khắp cả thế giới, cho nên việc sàng lọc tư cách pháp nhân rất chặt chẽ. Hiện nay số visa cấp mỗi năm lên đến 10,000 nên cơ hội dành cho các nhà đầu tư ở Việt Nam cao hơn. Năm 2015 số visa cấp cho các nhà đầu tư từ Việt Nam lên đến 280 người, trong khi cách đây năm bảy năm, con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nước Mỹ thu nạp người có “tài”
Tất nhiên, đó là chính sách để phát triển quốc gia không chỉ bằng nội lực kinh tế, nhân lực trong nước mà còn bằng ngoại lực từ các quốc gia trên thế giới. Người có tài năng, có kiến thức kỹ thuật chuyên môn cao đến Mỹ theo hình thức làm việc; người có tiền, nói cách khác là người giàu đến Mỹ làm ăn góp phần đưa số người triệu phú tăng cao hơn nữa, lại tạo thêm việc làm cho nhân công bản xứ. Theo Nicholas Colucci, Trưởng phòng Chương trình đầu tư di dân của Sở Di Trú Hoa Kỳ, đến thời điểm cuối năm tài chánh 2012 đã có gần 9 tỉ USD đầu tư trực tiếp mang lại hơn 35,000 công việc. Con số visa EB-5 cho đến 2014 còn chờ giải quyết 12,453 visa với số vốn đầu tư 6.2 tỉ USD. Và sẽ tăng cao giải quyết theo đúng số lượng cấp visa trong quý hai năm 2016.

Theo thống kê từ Sở Di trú, năm 2015 có 9,764 visa EB-5 được cấp trong đó Trung Quốc có 8,157 chiếm 83.5%, Việt Nam có số visa cao thứ hai 280 chiếm 2.87%, Đài Loan hạng ba với 139 visa, Nam Hàn 116 và hạng năm là Ấn Độ với 111 visa. Số visa còn lại cấp cho Mexico, Venezuela và nhiều nước khác ở châu Phi và Trung Đông, trong khi trước đây những nước cuối bảng này có số visa cũng khá cao sau Nam Hàn. Trung Quốc năm nào cũng chiếm nhiều visa EB-5 đáng kể nhờ số triệu phú muốn thoát ly sang nước ngoài làm ăn. Cũng theo Bộ Di trú năm 2016 sẽ có 9,940 EB-5 được cấp trên toàn thế giới thông qua các Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở nước ngoài, trong đó có khoảng 70% visa dành cho đầu tư trực tiếp, phần còn lại dành cho visa đầu tư gián tiếp thuộc 821 vùng kinh tế chỉ định của chính phủ. Số lượng visa EB-5 thay đổi mỗi năm dành cho các quốc gia, tuy nhiên Trung Quốc những năm gần đây đều đạt được con số visa cao nhất, bởi đây là đất nước có số triệu phú nhiều nhất thế giới.
Một tờ báo Trung Quốc đưa ra con số trong năm 2015, có 9,000 triệu phú Trung Quốc (tương đương 1% số triệu phú của cả nước) ra nước ngoài lập nghiệp. Con số này cao hơn nhiều nếu so với 6,000 triệu phú người Ý ra nước ngoài, 4,000 Ấn Độ và 3,000 người Hy Lạp rời khỏi nước ra nước ngoài làm ăn vì kinh tế trong nước bất ổn. Triệu phú rời bỏ quê hương là một tín hiệu xấu cho kinh tế địa phương của quốc gia, do nhiều người giàu là chủ doanh nghiệp, đóng góp lượng lớn lao động và nộp thuế kinh doanh khá nhiều. Nhưng bài báo nhận định việc mất đi 1% triệu phú Trung Quốc không đáng lo ngại vì nước này sản sinh triệu phú còn nhiều hơn để mất. Một khi chuẩn mực sống được nâng cao, người giàu sẽ lại quay về, bởi họ có thuận lợi được quyền mang song tịch”.

Không chỉ nước Mỹ thiết lập chương trình đầu tư định cư với mục đích kích thích phát triển kinh tế, Úc, Canada và Israel là những nơi đón nhận người giàu đến lập nghiệp cũng rất tích cực. Tuy nhiên, đối với người giàu Việt Nam, đến Mỹ là nơi được kỳ vọng nhất, một phần họ có thân nhân bạn bè, một phần ở Mỹ dễ dàng làm ăn hơn vì thị trường lớn. Tuy thế, không ít đương đơn từ Việt Nam bị từ chối cao do không chứng minh rõ ràng nguồn gốc tài sản bằng các chứng từ do Sở Di trú đòi hỏi. Những chứng từ thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp hay mua bán cổ phiếu, thừa kế, bán bất động sản cần phải truy được nguồn gốc. Mặt khác những giấy tờ đầu tư rất phức tạp, do đó một số công ty luật tại Mỹ mở rộng liên kết với các công ty tư vấn từ nước ngoài về Việt Nam hay Trung Quốc để thực hiện giấy tờ đầu tư định cư cho được dễ dàng. Ngoài vốn, đương đơn phải trả các chi phí liên quan như việc thiết kế dự án, chi phí pháp lý và chi phí dịch vụ.
Mặc dầu chương trình đầu tư di dân EB-5 thu hút rất nhiều người giàu có trên thế giới đến Mỹ làm ăn, tạo điều kiện thuận lợi trở thành công dân Mỹ. Nhưng để có được thẻ xanh chính thức sau hai năm mang thẻ xanh tạm, đương đơn phải nộp I-829 với các chứng từ làm ăn sinh lợi. Theo thống kê của Sở Di trú trong những năm qua việc người đầu tư có được thẻ xanh chính thức chỉ chiếm 25%, phần còn lại không trưng đủ chứng từ làm ăn thành công trên đất Mỹ.
TN