Menu Close

Tranh giành nguồn nước

Khoảng 1.5 tỷ người trên thế giới thiếu nước dùng trong sinh hoạt và hàng trăm triệu nông dân sống ở những khu vực hạ nguồn các dòng sông trên quả địa cầu phải gánh chịu nạn thiếu nước tưới. Mùa màng thất bát, khô hạn, đất đai nhiễm mặn kéo theo giảm năng suất lương thực nông nghiệp sẽ làm kinh tế bất ổn, con người thiếu đói. Chúng ta cùng điểm qua một số vùng thiếu nước do con người xây đập để trữ nguồn nước có lợi cho nước mình nhưng gây thiệt hại lớn lao cho các nước ở cuối nguồn.

tranh-gianh-nguon-nuoc1
Công trường nắn dòng sông Loei, chuyển dòng Mekong đổ vào đồng bằng Bắc Thái Lan mỗi năm 2 tỷ mét khối nước – Nguồn: Wiki

Trong bài “Thiên đường đã mất” trên báo Trẻ số vừa qua cho thấy một phần nhỏ của thế giới tại khu vực Trung Đông đang nỗ lực tái thiết khu đầm lầy rộng 20,000 cây số vuông trên vùng đất khô cằn của đất nước Iraq một phần do Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng hàng chục con đập ngăn nước đã khiến dòng sông Tigre và Euphrate đổi dòng với mục đích kinh tế. Thêm vào đó, dưới thời Saddam Hussein tiếp tục hủy hoại tài nguyên nguồn nước nuôi sống dân vùng đầm lầy hàng ngàn năm qua với mục đích chính trị.

tranh-gianh-nguon-nuoc2
Đập Xiaowan trên sông Lan Thương ở thượng nguồn Mekong của Trung Quốc có tường chắn nước cao 292 mét – Nguồn: Largedamchina

Nước, cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, luôn là vấn đề nóng bỏng ở các hội nghị về nước ngọt tại Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia có chung sông, hồ. Cuộc tranh giành nguồn nước không khoan nhượng đang càng ngày xảy ra nhiều xung đột căng thẳng. Năm mươi năm qua đã có hơn 500 đợt xung đột do tranh chấp nguồn nước, trong đó có 27 cuộc phải dùng đến vũ trang để giải quyết.

Trên các châu lục hiện có khoảng 260 lưu vực sông hồ có nguồn nước chung một dòng sông đang trở thành những khu vực nhen nhúm tranh chấp hay bùng phát mạnh mẽ. Nguyên do chính yếu là sự gia tăng dân số, buộc các nước phải tận dụng tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nước không thể thiếu cho đời sống nông nghiệp do đó công nghiệp thủy điện đã gia tăng hàng trăm đập ngăn nước với quy mô xây dựng lớn, điều này đã gây thiệt hại cho các nước có chung nguồn sông hồ, không chỉ xảy ra những thập kỷ gần đây mà đã có từ thế kỷ 19 tại châu Âu.

Sông Rhine có chiều dài khiêm tốn khoảng 1,300 km bắt nguồn từ hồ Tomasee trên dãy Alps từ Thụy Sĩ chảy qua Đức, Pháp và cuối cùng đổ vào Hà Lan, từng xảy ra những cuộc tranh chấp. Tuy nhiên nguồn nước các nước có chung dòng sông được giải quyết một cách êm đẹp, mang lại lợi ích chung khi các nước có kế hoạch phân chia và hỗ trợ điều tiết lượng nước khi cần thiết. Trên con sông này hiện có tất cả 11 đập tích nước phòng ngừa khô hạn do thời tiết và 12 nhà máy thủy điện cung cấp điện năng cho các thành phố dọc theo dòng sông.

tranh-gianh-nguon-nuoc
Đập thủy điện Srisailam lớn thứ 3 ở Ấn Độ – Nguồn: Wiki

Hồi đầu thập niên 90, Slovakia có kế hoạch xây dựng nhà máy thủy điện Gabcikovo, cho nên có ý định chia dòng sông Danube bằng cách đào một con sông để lấy nguồn nước. Hungary đã phản ứng ngay lập tức và đưa đơn kiện lên Tòa án Quốc tế La Haye đòi Slovakia hủy bỏ dự án. Cuộc tranh chấp kéo dài qua các cuộc họp cấp cao của các bộ trưởng năng lượng và môi trường cho đến nay vẫn chưa giải quyết một cách thỏa đáng cho các nước có chung một dòng sông.

Tại châu Mỹ, Mỹ và Mexico có chung dòng sông Rio Grande, một con sông xuất phát từ  phía Nam Colorado chảy qua New Mexico, Texas và nước Mexico. Đây là con sông lớn thứ năm trên nước Mỹ, tuy vậy Rio Grande được ít người biết đến vẫn xảy ra nhiều cuộc biểu tình tranh chấp ở cuối nguồn. Người Mỹ khai thác tối đa dòng sông này cho vùng nông nghiệp luôn đối mặt với nạn khô hạn tại phía Nam Texas. Đập nước Elephant Butte khổng lồ được dựng lên ở New Mexico, dẫn nước tích trữ vào một hồ rất lớn. Chính phủ Mexico phản đối dữ dội do hạ nguồn thường xuyên thiếu nước tưới cho vùng nông nghiệp rộng lớn giáp biên giới phía Nam với Mỹ. Mặc dầu vậy, những cuộc tranh chấp nguồn nước ở châu Âu và Bắc Mỹ đã được dàn xếp bằng các quy định chung giữa các nước có liên quan. Trong khi đó, cuộc tranh chấp kéo dài ở những nước vùng Nam Mỹ lúc nào cũng sôi động, thậm chí có lúc manh nha thành cuộc xung đột vũ trang.

Tổng Thống Bolivia Evo Morales mới đây cho biết nước này đã quyết định kiện Chile ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) liên quan đến một tranh chấp thanh toán về nguồn nước ngọt của sông Silala bắt nguồn từ nước này. Theo thỏa thuận, con sông Silala sẽ cung cấp nước ngọt cho các thành phố phía Bắc Chile, đổi lại Chile phải thanh toán một số tiền chia sẻ cho những công trình xây dựng tu bổ đập dùng để nắn dòng nước qua lãnh thổ Chile trong suốt 100 năm qua.

tranh-gianh-nguon-nuoc3
Đập Renaissance lớn nhất châu Phi ở Ethiopia sẽ khánh thành vào năm 2017 với vốn đầu tư 4.2 tỷ USD – Nguồn: Renaissancedam

Nhưng những điểm “nóng” nhất trong tranh chấp nguồn nước là tại Châu Phi và Châu Á. Tại Châu Âu, đến thời điểm này các cuộc tranh chấp nguồn nước cơ bản đã được giải quyết và các bên đã thống nhất được với nhau các nguyên tắc bảo đảm lợi ích cho các bên có chung dòng sông. Tại Châu Mỹ (cả Bắc và Nam Mỹ) cũng đã có các cuộc xung đột vì nước xảy ra nhưng không nhiều. Căng thẳng nhất là tại hai lục địa đông dân nhất hành tinh, chính xác hơn là tại những khu vực khô hạn của 2 châu lục là châu Phi và châu Á – căng thẳng đã đến mức xung đột có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Các nhà nghiên cứu môi trường phân tích đến năm 2040, sẽ có bốn mươi phần trăm dân số thế giới sống tại các khu vực sẽ thiếu nước trầm trọng. Nguồn nước ngầm, nước sông sẽ là vấn đề sinh tử cho khoảng 3 tỉ con người.

Ngay từ thời cổ đại, sông Nile là tuyến đường thủy huyết mạch của Ai Cập. Con sông này chảy qua 9 nước vùng Đông Phi. Điều này đã khiến Ai Cập lúc nào cũng nơm nớp lo sợ các nước ở thượng nguồn, nhất là Ethiopia và Sudan có những dự án xây đập chặn nguồn nước, thì Ai Cập sẽ khốn đốn ở cuối nguồn. Riêng những đợt lũ hàng năm để lại cho đồng bằng ở Ai Cập lớp phù sa dày và màu mỡ rất hữu ích cho sản xuất nông nghiệp. Nguồn nước sông còn sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày của hàng chục triệu người dân thị thành trong khi diện tích còn lại là sa mạc. Nhu cầu nước là vấn đề đối mặt hàng đầu với tốc độ tăng dân số không riêng tại Ai Cập mà cả các quốc gia ở Đông Phi. Và điều này đã khiến đập thủy điện Renaissance lớn nhất châu Phi sắp khánh thành của Ethiopia vào năm 2017 trở thành vấn đề nóng của khu vực, đe dọa nguồn nước hạ nguồn của Sudan và Ai Cập.

tranh-gianh-nguon-nuoc4
Đập chứa nước khổng lồ Elephant Butte trên sông Rio Grande ở New Mexico từng làm dân Mexico phản đối – Nguồn: Riograndedam

Dòng Senegal trên nước Senegal chảy qua Mauritania cũng nằm trong tình trạng căng thẳng liên tục khi Senegal đưa ra các dự án thủy điện chặn dòng tích nước. Mauritania ở hạ nguồn phản đối kịch liệt đe dọa chiến tranh. Vùng Nam Phi suýt trở thành chiến trường tranh giành nhau nguồn nước nếu không có các cơ quan quốc tế dàn xếp ổn thỏa. Botswana và Namibia có chung dòng Okavango nhưng Namibia đưa ra kế hoạch nắn dòng chảy ngược của nhánh sông chính để cung cấp nước tưới cho vùng khô hạn phía Tây.

Các nước ở châu Á cũng không ngoại lệ cho vấn đề sử dụng chung một nguồn nước. Ấn Độ và Bangladesh chung dòng sông Hằng cũng đang nhất cử nhất động dòm ngó nhau với những dự án khai thác dòng sông. Dòng Mekong hiện đang là vấn đề nóng bỏng cho hàng loạt các dự án đập thủy điện trên con sông mà người Trung Quốc gọi là Lan Thương Giang. Xuất phát từ Tây Tạng, sông Mekong chảy qua Vân Nam (Trung Quốc), Lào, Myanmar, Campuchia, Thái Lan và cuối cùng đổ vào miền Nam Việt Nam. Từ năm 1957 đã có Ủy ban sông Mekong, giải quyết những vấn đề sử dụng chung nguồn nước. Nhưng đầu thập niên 90 thì bắt đầu có những vụ tranh chấp cần giải quyết cho các nước chung một dòng sông. 1995 Ủy hội sông Mekong ra đời với sự tham dự của bốn nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trong khi Trung Quốc là nước kiểm soát dòng chảy vùng thượng nguồn lại từ chối tham gia vì những lợi ích xây dựng những đập thủy điện lớn trên dòng Mekong. Riêng Trung Quốc đến thời điểm hiện nay đã có đến 12 đập lớn trên dòng sông này. Lào, Thái Lan, Campuchia cũng xây đập khiến lưu lượng nước chảy về hạ nguồn giảm mạnh. Tình trạng hạn hán, xâm thực nước mặn xảy ra trong Tháng Ba vừa qua tại đồng bằng sông Cửu Long là kết quả thu được lợi ích từ thủy điện của các nước trên thượng nguồn, nhất là Trung Quốc cho rằng có toàn quyền xây dựng bất cứ thứ gì trên sông Mekong ở phần lãnh thổ nước mình.

Cuộc tranh giành nguồn nước trên dòng sông này vẫn chưa giải quyết được rốt ráo, Thái Lan đang chuyển dòng sông Loei – một nhánh của sông Mekong. Việc chuyển dòng này sẽ gây tác hại lớn khi nước xả từ thượng nguồn đã luôn ở mức báo động, nay lại phải chịu mất đi khoảng 2 tỷ mét khối nước mỗi năm cho vùng đồng bằng phía Bắc Thái Lan trù phú, còn đồng bằng Nam bộ Việt Nam sẽ tiếp tục gánh chịu thiệt hại vì nạn hạn hán và xâm thực nước mặn trong tương lai không xa.

NL – Theo The Large Dams