Menu Close

Tiếng trống thu không và tiếng còi tàu

“Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.” * Trong buổi chiều quê “êm ả như ru,” trong khung cảnh “phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn,” tiếng trống thu không thiết tha vang lên, như đánh thức cảm giác bâng khuâng, mơ hồ, man mác, hiện hữu trong cõi người ta và vạn vật. Dường như tiếng trống cũng mang nỗi bâng khuâng, nên trong chiều quê tĩnh lặng đã vang xa hơn, lay động lòng người nhiều hơn. Tiếng trống thu không vang lên, xui giục ngòi bút tài hoa của Thạch Lam viết về cuộc đời của những con người nhỏ bé. Trong không gian mơ hồ diệu vợi ấy, mọi thứ hiện hữu thật lặng lẽ. Âm thanh dường như cố nhỏ lại, màu sắc nhòe đi, hoạt động của con người cũng thật khẽ khàng. Chừng như chỉ một mình Thạch Lam mới có thể nghe được nhịp sống của cuộc đời, nhè nhẹ lướt đi trong sự tĩnh lặng. Ông nghe được cả tiếng rì rào của đất đai, hơi thở của cây cỏ và nỗi bâng khuâng của lòng người, do tiếng trống thu không kia khơi dậy. Ông còn cảm nhận được “tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng theo gió nhẹ đưa vào,” cho đến tiếng “muỗi bắt đầu vo ve…” Từng âm thanh nhẹ và mỏng như thoảng qua trong gió ấy, tạo nên cảm giác yên tĩnh của chiều quê, phản ánh sự tinh tế ngọt ngào của cảm xúc. Cảnh vật nhòe đi theo nỗi bâng khuâng khi “dãy tre làng trước mặt đã đen lại,” “cửa hàng hơi tối,” “chợ đã vãn từ lâu,” “người về hết và tiếng ồn ào cũng mất…”

Giữa tranh tối tranh sáng của chiều tàn, nhân vật chính xuất hiện cùng nỗi bâng khuâng mênh mông như trời rộng sông dài, mà chỉ có trái tim giàu tình cảm của Thạch Lam mới hiểu được: “Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị. Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.” Tác giả chọn“giờ khắc của ngày tàn” để miêu tả cuộc đời của những con người bé nhỏ nơi phố huyện, lẩn khuất sau bóng thị thành. Thế giới của họ càng buồn bã hơn, khi đêm tối mênh mông bao trùm cảnh vật. Nhưng đây chưa phải là bóng đêm đáng sợ, như nhiều người lầm tưởng. Ngược lại, bóng đêm xuất hiện thật nên thơ và dịu dàng “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát.” Một đêm phố huyện “trẻ con tập họp nhau ở thềm hè, tiếng cười nói vui vẻ.” Một đêm phố huyện với  “vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là trên mặt đất hay leo vào cành cây. An và Liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà, và con vịt theo sau ông Thần Nông. Vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy bí mật và xa lạ và làm mỏi trí nghĩ, nên chỉ một lát hai chị em lại chúi nhìn về mặt đất, về quầng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí. Về phía huyện, một chấm lửa khác nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối, mất đi, rồi lại hiện ra…”

Hình như đêm tối mênh mông luôn che chở, luôn mang lại cho lòng người cảm giác bình an. “Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng…” Phải chăng đây là giòng chữ miêu tả hay nhất về đêm miền quê bình dị, thân thiết, trong văn học Việt Nam. Cũng như phải hết lòng gắn bó với quê hương nhiều lắm, tác giả mới có thể cảm nhận sâu sắc, và tha thiết đến như vậy.

Trong bóng đêm lặng lẽ ấy, từng cảnh đời của những con người bé nhỏ lần lượt hiện ra. Như hình ảnh hai chị em Liên-An trong gian hàng tạp hóa , như mẹ con chị Tí ngày ngày mò cua bắt ốc, như vợ chồng bác xẩm góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bần bật trong yên lặng. Rồi bác phở Siêu, bà cụ Thi hơi lãng đãng điên điên…Ngần ấy con người, ngần ấy cuộc đời kết thành phố huyện.“Chừng ấy con người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng, cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ.” Tiếng trống thu không ngân vang, đánh động tâm hồn Thạch Lam. Ông không chỉ miêu tả, mà còn sáng tạo tiếng nói rất riêng cho từng định mệnh của những cuộc đời khuất lấp và lầm lũi kia. Chính từ thiên tài sáng tạo phi thường của Thạch Lam, văn chương không chỉ là câu chữ, không chỉ là chấm phẩy, không chỉ là sự vật; mà còn là tiếng nói của con người về cuộc đời, về vũ trụ.

Thế giới của những con người bé nhỏ như đang chìm dần vào bóng tối. Trong thế giới này, ngọn đèn trên gánh phở của bác Siêu chỉ là “một chấm lửa nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối.” Ánh đèn trong cửa hàng của chị em Liên thì “thưa thớt, từng hột sáng lọt qua phên nứa.” Nếu cánh cửa nhà ai hé mở, cũng chỉ để lọt ra “một khe ánh sáng…” Để rồi những chấm lửa nhỏ, hột sáng, hay khe ánh sáng này hết sức mong manh phiêu hốt, khi “tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa.” Bóng tối dày đặc đến độ có khả năng cản âm thanh lại, khiến  cho “trống cầm canh ở huyện đánh tung lên một tiếng ngắn, khô khan, không vang động ra, rồi chìm ngay vào bóng tối.”  Ngay tiếng cười khanh khách của bà cụ Thi hơi điên cũng “nhỏ dần đi… Đêm trong phố huyện tịch mịch, đầy bóng tối.”

Cuộc đời của những con người nhỏ bé trong phố huyện tịch mịch đầy bóng tối, hệt như những chiếc đèn con, chỉ chiếu sáng vùng đất nhỏ. Trong không gian thăm thẳm đầy bóng đêm âm u ấy, Thạch Lam vẫn nhìn thấy khát vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Hình ảnh đoàn tàu mang một thứ ánh sáng khác lạ đi qua phố huyện, trở thành biểu tượng cho niềm hy vọng của những người như chị em Liên. Họ muốn đóng cửa hàng, “để ra ngoài ngồi trên chiếc chõng ngắm nhìn phong cảnh ngoài phố.” Họ cố thức đợi chuyến tàu đêm dừng lại nơi phố huyện mấy phút, không phải để mong bán được hàng, mà chỉ vì muốn nhìn chuyến tàu mang một thế giới “khác hẳn các vầng sáng của ngọn đèn chị Tí, và ánh sáng lửa của bác Siêu…” Cả phố huyện tỉnh thức khi nghe tiếng còi tàu. Hình như ai cũng mong đợi chuyến tàu, một hoạt động cuối cùng của đêm khuya.

Đoàn tàu đi qua. Phố huyện lại tĩnh lặng. Chị em Liên-An đã ngủ. Nhưng chẳng hiểu sao tiếng còi tàu vẫn vang vọng, hòa nhập vào tiếng trống thu không lúc gọi chiều về. Đây không chỉ là tiếng vọng của âm thanh, mà còn là tiếng vọng của tâm hồn. Chuyến tàu đêm đi qua phố huyện, gợi nhớ cánh buồm đỏ thắm trong câu chuyện “Scarlet Sails” của Alexandre Grin. Hai hình ảnh khác nhau, nhưng niềm hy vọng là một. Mỗi người tùy theo cảm nhận riêng, vẫn chờ đợi tiếng trống thu không và tiếng còi tàu của đời họ, như những người phố huyện ngày xưa.

HV – 3:15am Thứ Hai ngày 18 tháng 04 năm 2016
*. Những chữ in nghiêng trích từ truyện ngắn “Hai Đứa Trẻ” của Thạch Lam.