Menu Close

NFL draft 2016 & thể thao đại học

Trong 3 ngày cuối tuần này, từ 28 đến 30 tháng 4/2016, khán giả hâm mộ thể thao tại Hoa Kỳ sẽ chứng kiến nhiều giờ trình chiếu liên tục một chương trình đặc biệt gọi là “NFL Draft” trên 2 đài TV thể thao chánh ESPN và NFL Network.

2016-nfl-draft2Đây là kỳ chiêu mộ cầu thủ đại học thường niên của giải National Football League. Năm nay, NFL Draft 2016 diễn ra tại hí viện Auditorium Theatre ở thành phố Chicago tiểu bang Illinois. Sau 7 vòng chiêu mộ, các đội banh bầu dục NFL sẽ chánh thức chọn 253 cầu thủ sinh viên lên chơi banh nhà nghề từ mùa banh tới. Trong số 32 đội banh, Los Angeles Rams hiện đang được chú ý đặc biệt vì nắm phiếu chọn lựa đầu tiên First Overall Draft Pick. Đội này vừa dọn nhà về Los Angeles, muốn gây chú ý lẫn lấy lòng khán giả LA, nên có thể sẽ chọn một ngôi sao thủ lãnh là chủ công Jared Goff của đội California Golden Bears (Đại Học University of California – Berkeley) hoặc chủ công Carson Wentz của đội Bison (Đại Học North Dakota State University).

2016-nfl-draft
Chủ công Quarterback của ĐH UC Berkeley, Jared Goff (21 tuổi), có thể sắp được đội Los Angeles Rams chiêu mộ với phiếu chọn lựa đầu tiên First Overall Draft Pick tại kỳ NFL Draft 2016, bảo đảm bản hợp đồng tối thiểu $25 triệu. Ảnh www.sfgate.com

Sự kiện NFL Draft gợi nhắc mối gắn kết độc đáo giữa thể thao nhà nghề và thể thao đại học tại Hoa Kỳ. Các cuộc tranh tài sinh viên thể thao khởi sự được thiết lập quy củ từ khoảng giữa thế kỷ 19. Tổ chức thể thao sinh viên đầu tiên là một câu lạc bộ đua thuyền của Đại Học Yale University thành lập năm 1843. Riêng trong trò chơi banh bầu dục thì đến năm 1872 có giải đấu liên trường tiên khởi giữa 3 viện Đại Học danh tiếng Harvard-Yale-Princeton. Ngày nay, thể thao đại học tại Hoa Kỳ chẳng những phổ biến mà còn rất nổi tiếng tại các vùng địa phương lẫn trên tầm mức quốc gia. Mỗi năm, có chừng 400,000 lực sĩ sinh viên nam nữ ghi danh tranh tài. Các cuộc thư hùng thể thao sinh viên do nhiều hệ thống khác nhau tổ chức, từ cấp độ liên trường đại học lên tới tầm mức quốc gia. Khuôn khổ tranh tài thể thao đại học lớn nhất là National Collegiate Athletic Association, viết tắt NCAA (tạm dịch hiệp hội thể thao sinh viên quốc gia). Mỗi trường đại học hiện có trung bình 20 chương trình/câu lạc bộ/đội thể thao. Không ít trường đại học lớn có đủ sân banh bầu dục với khoảng 70,000 chỗ ngồi lẫn sân banh rổ với chừng 20,000 chỗ ngồi. Phần lớn các chương trình thể thao đại học Hoa Kỳ có truyền thống lâu đời, là niềm hãnh diện sâu xa cho giới cựu sinh viên. Và chính họ cũng thường xuyên đóng góp hiện kim yểm trợ trường cũ.Trong khi đó, trên thế giới truyền thống thể thao của trường mình ít được giới cựu sinh viên coi trọng và yểm trợ tài chánh dĩ nhiên cũng khiêm tốn hơn nhiều bậc. Thể thao đại học còn là một kỹ nghệ khổng lồ. Có hằng ngàn công ăn việc làm được tạo ra quanh kỹ nghệ thể thao đại học, bao gồm giới huấn luyện viên, trọng tài, y sĩ thể thao, chuyên viên dịch vụ, v.v… Thêm vào đó, tiền bán vé, vật dụng, kỷ vật, và nhất là các hợp đồng truyền thông cùng góp tài lực. Hầu hết các trường đại học có ngân sách thể thao hằng năm từ $30 triệu đến $60 triệu. Có vài cá biệt, thí dụ như chương trình thể thao của Đại Học University of Texas – Austin trị giá trên $133 triệu mỗi năm theo ước lượng của tạp chí Forbes.com. Năm 2010, 2 hệ thống tranh tài thể thao sinh viên trọng yếu là Southeastern Conference (SEC) và Big Ten một bên đạt lợi nhuận trên $1 tỉ và bên còn lại lời $905 triệu.

2016-nfl-draft5
Cảnh một trận banh bầu dục giữa đội Trojans (ĐH Southern California University) và đội Eagles (ĐH Boston College). Ảnh Kirby Lee-USA TODAY Sports
2016-nfl-draft3
Một trận banh chuyền của làng sinh viên nữ Hoa Kỳ. Ảnh http://springfieldcollegepride.com/
2016-nfl-draft4
Khán giả nữ sinh viên. Ảnh www.youniversitytv.com

Trên thực tế, thể thao đại học không chỉ có tại Hoa Kỳ. Nhật Bổn có tổ chức tranh tài thể thao sinh viên thường xuyên từ thời Tiền Thế Chiến II. Nhiều nơi tại New Zealand có những đội thể thao sinh viên thậm chí tranh tài chung với các đội thể thao nhà nghề. Thể thao đại học tại Úc ít được truyền thông chú ý, trong khi tại Canada lại được ưa chuộng. Nhưng tất cả đều có điểm chung là thể thao đại học không phải là nơi ươm mầm nhân tài thể thao cho quốc gia. Ở nhiều nước, nhất là tại Âu Châu, các tổ chức hoặc câu lạc bộ thể thao nhà nghề chiêu mộ lực sĩ tí hon từ thơ ấu, mất nhiều năm trui rèn trong các học viện thể thao riêng, rồi đến lúc các bé trưởng thành sẽ được ký hợp đồng nhà nghề. Cũng thường thấy các chánh phủ tài trợ cho hoạt động thể thao nhằm đào luyện nhân tài, trong đó có những chương trình thể thao đại học, nhưng ngân sách khá tượng trưng, không ổn định. Nhân vật đứng đầu các nỗ lực này thường có chân trong nội các. Thí dụ Việt Nam ngày nay hay Brazil, nước tổ chức World Cup 2014 và Olympic 2016 sắp tới đây, đều có chức danh “Bộ Trưởng Thể Thao”. Hoa Kỳ lại không hề có “Bộ Trưởng Thể Thao”. Ngay từ buổi đầu sơ khai, thể thao đại học vận hành không khác tổ chức thương mại. Các trường đại học thiết lập, điều hành và tài trợ các chương trình thể thao hoàn toàn độc lập, nhưng tại Hoa Kỳ tuyệt đại đa số tài năng trưởng thành từ thể thao học đường. Có rất ít trường hợp lực sĩ thể thao nhà nghề không từng chơi thể thao qua đủ các bậc mẫu giáo, tiểu học, trung học, lẫn đại học. Khi  lên đến đại học, giới lực sĩ sinh viên Hoa Kỳ vẫn không được trả lương nhằm duy trì tính chất thể thao “tài tử”. Bù lại, họ được nhận các học bổng thể thao, trị giá khác biệt tùy mỗi trường đại học, nhưng thường là những biệt đãi đáng kể. Hiện đang có kỳ thủ Lê Quang Liêm người Việt, 25 tuổi, xếp hạng #36 thế giới, được trao học bổng thể thao 4 năm trị giá khoảng $140,000 để theo học và chơi cờ tại Đại Học Webster University ở tiểu bang Missouri.

2016-nfl-draft1
Kỳ thủ sinh viên Lê Quang Liêm, thủ quân đội cờ trường ĐH Webster University (tiểu bang Missouri). Ảnh chessdailynews.com

Nếu các học bổng thể thao hậu hỉ là hấp lực khiến không ít lực sĩ thượng thặng trên khắp thế giới muốn sang Hoa Kỳ vừa thi triển tài năng thể thao vừa dùi mài kinh sử, thì sự kiện NFL Draft 2016 vào cuối tuần này một lần nữa sẽ cho thấy thể thao đại học Hoa Kỳ chính là lò huấn luyện tài năng lớn nhất cho kỹ nghệ thể thao nhà nghề quốc gia. Hệ thống ươm mầm nhân tài thể thao này là điều không xứ sở nào khác trên thế giới có được.

2016-nfl-draft7
Chân sút nữ Mia Hamm, đội banh nữ Tar Heels, ĐH University of North Carolina – Chapel Hill, tuyển thủ quốc gia Mỹ, ghi 158 bàn thắng, 2 cúp vô địch thế giới (1991, 1999). Ảnh www.collegiatewomensportsawards.com
2016-nfl-draft6
Nữ kình ngư Missy Franklin (21 tuổi, trái) chưa tốt nghiệp ĐH University of California – Berkeley, nhưng đã là một trong vài lực sĩ sinh viên thành công nhất – cả nam lẫn nữ. 5 huy chương (4 vàng 1 bạc) tại kỳ Olympic 2012; 11 huy chương vàng tại giải vô địch thế giới 2015 – Ảnhwww.hercampus.com

TTD