Menu Close

Argentina, đừng khóc

Chuyến công du của ông Tổng thống Huê Kỳ [và thê tử cồng kềnh] đến một số quốc gia châu Mỹ La Tinh đánh dấu việc chấm dứt chiến tranh lạnh và cũng là bước tiến cho việc giao thương buôn bán giữa con cháu chú Sam và hàng xóm láng giềng, Cuba. Tiếc thay chuyến công du ấy bị lu mờ bởi những cuộc thảm sát do quân khủng bố nổ bom từ Âu sang Á vì truyền thông báo chí bận rộn đưa tin về chuyện giết người!

Đi xa hơn chút nữa, ông Obama đến thăm Argentina. Trong khi bá tánh, mấy người săm soi để ý, khen lao chuyện Cuba thì họ lại dè bỉu khó chịu về chuyến đi Argentina gặp gỡ vị Tổng thống tân cử Mauricio Macri. Tại sao bá tánh không vui với chuyến công du đến Argentina? Chẳng mấy ai để tâm hoặc phàn nàn về chuyến thăm viếng của dân quèn nhưng chuyến đi của vị Tổng thống thì tất nhiên có các dấu hiệu về chính trị, ngoại giao và cả thương mại. Báo chí hẳn tẩn mẩn mổ xẻ từng câu nói trong bài diễn văn, từng cử chỉ, hai vị nguyên thủ bắt tay có chặt không, miệng cười nhe răng mà mắt có cười hay không… Và người ta càm ràm dữ dội, cư dân Argentina kéo nhau xuống đường đòi thả nhà đối kháng, Milagro Sala.

argentina-dung-khoc
Tổng Thống Obama gặp Tổng Thống tân cử Mauricio Macri – nguồn dailysignal.com

Chuyện chi khiến truyền thông báo chí càm ràm? Chuyện ông Macri độc tài, vị Tổng thống mới keng vừa lên ngôi chưa lâu của Angentina đã thẳng tay đàn áp những người đối kháng, điển hình là bà Sala.

Bà Sala là thành viên trong một tổ chức xã hội, trợ giúp dân cùng khổ qua việc cung cấp chỗ ở, tìm việc làm và dạy nghề. Riêng bà Sala, từ Tháng Giêng vừa qua, đã bị bắt vì dẫn đầu cuộc biểu tình của một nghiệp đoàn, đòi thêm lương. Bà Sala bị cáo buộc thâm lạm công quỹ nhưng cuộc điều tra chưa kết thúc, nghĩa là chỉ bị cáo buộc mà chưa có bằng chứng đầy đủ. Lẽ ra trong thời gian điều tra, bà ấy phải được tự do thay vì bị cầm tù như hiện nay!

Việc giam giữ bà Sala đã khiến người thế giới động lòng, lên tiếng can thiệp, từ Giáo Hoàng Francis đến Liên Hiệp Quốc và cả tổ chức Amnesty International. Nhưng Huê Kỳ lại lên tiếng cám ơn ông Macri về “sự đóng góp bảo vệ nhân quyền”!

Chuyện Huê Kỳ tham vàng phụ ngãi là chuyện xưa như trái đất, năm chưa xa xưa lắm đã trợ giúp nhà vua độc tài đàn áp dân chúng thì ngày nay cũng in như thế. Năm 1976, khi quân đội Argentina lật đổ chính phủ dân sự để lên cầm quyền thì họ rêu rao rằng chính quyền mới cần áp dụng biện pháp mạnh để chấm dứt “khủng bố ”! Và chính Ngoại Trưởng Kissinger đã bỏ nhỏ rằng nếu cần dọn dẹp thì dọn cho lẹ [kẻo quốc hội Huê Kỳ mới sẽ cúp viện trợ về tội chính phủ Argentina vi phạm nhân quyền!]

Cuộc đàn áp kéo dài từ năm 1976 đến năm 1983, được ghi chép trong lịch sử thế giới là “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” (Dirty War).

Suốt nhiều năm, các tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Argentina đã tìm cách “mở” hồ sơ tội ác này từ thư khố ngoại giao và tình báo của Huê Kỳ, hy vọng rằng sẽ tìm ra manh mối, ai phạm những tội ác nào, số người bị thủ tiêu là những ai, thân xác vùi chôn nơi đâu… Ngay cả chính phủ Argentina ngày nay cũng nhiều lần xin tài liệu nhưng chưa được thỏa đáng. Năm 2002, Hoa Kỳ giải mã khoảng 4,700 hồ sơ về Dirty War của bộ Ngoại Giao. Các tài liệu này đã giúp nhà cầm quyền Argentina đưa ra tòa các tội phạm dù phần lớn vẫn còn thiếu sót.

Giải mã các hồ sơ quan trọng hơn cũng đưa ra ánh sáng tội lỗi của người Huê Kỳ. Những lầm lỡ sâu đậm về ngoại giao khiến người dân Huê Kỳ xấu hổ về hoạt động của chính phủ mình tại quốc gia lân bang qua các hoạt động trợ giúp nhà cầm quyền đàn áp dân chúng.

Năm nay, 2016, đúng 40 năm sau ngày quân đội chiếm chính quyền tại Argentina; trong chuyến công du tuần qua, trước đài Kỷ Niệm ghi nhớ nạn nhân, Parque de la Memoria, ông Obama đã nhìn nhận sự thất bại trong chính sách ngoại giao của Huê Kỳ. Ông ấy cũng nói lời ân hận về việc người Huê Kỳ trợ giúp chính phủ địa phương đàn áp, thủ tiêu kẻ đối kháng. “Người Huê Kỳ sẽ phải kiểm nghiệm lại chính sách ngoại giao đương thời và trong quá khứ để lịch sử đen tối ấy không lặp lại…”

Parque de la Memoria có bức tường đá xám khắc tên tuổi 20,000 người tử vong và khoảng 10,000 chỗ trống dành cho những người mất dấu, chưa tìm ra tông tích. Trước bức tường đá ấy, ông Obama hứa hẹn sẽ giải mã các hồ sơ mật khác để tìm kiếm những người mất tích và cũng để ghi chép lại các tội ác.

Chuyến công du của ông Obama ồn ào là thế, từ việc phát biểu lời ân hận đến cử chỉ thả hoa hồng xuống sông để chiêu niệm nạn nhân bị thảm sát nhưng mục đích chính vẫn là việc giao thương buôn bán với Argentina.

Bắt tay với chính phủ đương thời để làm ăn cũng có nghĩa là Huê Kỳ nhắm mắt bỏ qua chuyện vi phạm nhân quyền của quốc gia này? Ông Macri đã bắt đầu một chính sách không mấy dân chủ, dưới bảng hiệu “an ninh”, “tự do kinh tế” và diệt trừ ma túy”, nội các của ông ấy đã cho phép quân đội thẳng tay bắn hạ phi cơ dân sự nếu tình nghi tội buôn bán ma túy (giết trước, điều tra sau?!). Nói giản dị là ngay sau khi cầm quyền, ông Macri đã đảo ngược luật pháp, sau những năm chịu thể chế độc tài, luật pháp Argentina nghiêm cấm việc quân đội “xía vào” việc nội an! Chưa hết, tòa án Argentina lại ký án lệnh cho phép cảnh sát xét giấy tờ cư dân bất kể có lý do hay không… Tạm hiểu là dù chính phủ Macri là một chính phủ dân cử nhưng lại hành xử tựa như thể chế quân chủ, quyền hành nằm trọn trong tay nhà cầm quyền!

Tình hình chính trị tại Argentina rối beng là thế, sinh hoạt kinh tế không kém phần ủ ê. Hàng hóa sản phẩm địa phương ế thiu ế chảy, giá hạ thấp nên người dân đói kém. Nội các Macri lại cắt các chương trình xã hội, tiết giảm số công chức để tiết kiệm, bắt bớ người phản kháng để đất nước ấy có bộ mặt thanh bình hầu mời gọi quốc tế đầu tư.

Tình hình Argentina đang u ám, dân tình bất an như thế nên chuyến đi của ông Obama với những cử chỉ lời nói ân hận về chuyện cũ nhưng lại nhìn nhận chính phủ độc tài khiến bá tánh nghi ngại và đặt câu hỏi. Chính sách ngoại giao của Huê Kỳ bao gồm cái chi? Chống vi phạm nhân quyền hay ủng hộ? Chỉ muốn buôn bán làm ăn và chính phủ nào chịu buôn bán thì ủng hộ? Hẳn là cấm vận chẳng ăn thua chi nên ta khuân hàng hóa vào buôn bán rầm rộ, dân tình sinh sống thoải mái thì chính phủ khó lòng đè đầu đàn áp? Mạnh vì gạo bạo vì tiền, ảnh hưởng kinh tế mạnh mẽ hơn ảnh hưởng của súng đạn?

Ôi chao, don’t cry for me, Argentina?

TLL