4 giờ sáng ngày 12 tháng 4 năm 1861, những phát súng đại bác đầu tiên của quân đội các tiểu bang phía Nam (Confederate) rót vào thành đồn Sumter ở S. Carolina do Quân Chính Phủ Liên Bang (Union) trú đóng đã khởi đầu cuộc nội chiến kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sau khi Abraham Lincoln đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 1860, chế độ nô lệ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. 11 tiểu bang ở miền Nam Hoa Kỳ do quyền lợi kinh tế thu hoạch phần lớn trên các cánh đồng bông gòn nhờ sức lao động của người nô lệ da đen đã tuyên bố ly khai khỏi Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và lập ra Liên minh miền Nam; 25 tiểu bang còn lại ủng hộ chính phủ Liên bang miền Bắc. Cuộc nội chiến không cân sức giữa hơn 2 triệu binh sĩ miền Bắc và hơn 1 triệu binh lính miền Nam tưởng chừng sẽ quyết định trong vòng vài tuần lễ, đã kéo dài đến 4 năm. Cuộc nội chiến tương tàn anh em tưởng chỉ xảy ra ở các tiểu bang phía Nam, vậy mà lan rộng tới miền Đông Bắc, miền Tây và cả trên Đại Tây Dương. Cuộc chiến kết thúc với sự đầu hàng của Đại tướng Robert E. Lee tổng chi huy phe miền Nam ở ngôi nhà của Wilmer McLean trong làng Appomattox ở Virginia sau khi phe miền Nam liên tiếp bị thua trận, bao vây và tổn thất nặng nề. Hôm ấy là Thứ Hai ngày 10 Tháng Tư năm 1865. Tướng Grant trong bộ quân phục màu xanh còn lấm bùn lầy chiến trường, trong khi tướng Lee gọn gàng nghiêm chỉnh quân phục cùng kiếm và khăn quàng. Những điều kiện cho cuộc đầu hàng được đưa ra: tất cả các sĩ quan và binh sĩ được tha bổng, họ sẽ được trở về quê quán cùng với tài sản cá nhân (quan trọng lúc ấy là ngựa, để dùng cho việc cày bừa trong mùa vụ tới) các sĩ quan được giữ lại khí giới và những binh sĩ miền Nam được san sẻ thức ăn… Tướng Grant ngừng ban nhạc đang chơi khúc thắng lợi và nói: “Chiến tranh đã chấm dứt. Những người lính miền Nam này là con của tổ quốc chúng ta.” Tin tức được lan truyền nhanh chóng theo các bức điện tín và vó ngựa quân bưu. Chuông nhà thờ đổ vang khắp xóm làng. Người dân Mỹ ở hai phía chiến tuyến và khắp nơi vui cười, tay bắt mặt mừng. Chính phủ quyết định chọn đồn Sumter nơi 4 năm trước bắt đầu cuộc nội chiến để làm lễ kỷ niệm vào Thứ Sáu ngày 14 tháng 4 năm 1865.
Cùng ngày hôm ấy ở Washington, John Booth một diễn viên, người nhiệt thành ủng hộ phe miền Nam, luôn chống lại chính sách giải phóng nô lệ và tin rằng cuộc nội chiến chưa thể chấm dứt, đã đến nhà hát lớn Ford’s với kế hoạch ám sát Tổng Thống. Dư âm của cuộc chiến thắng làm mọi binh sĩ bảo vệ nhà hát lơi lỏng. Booth sau khi làm 2 ly rượu brandy thì đi vào nhà hát lớn. Anh ta đợi cho tiếng cười của khán giả ồ lên cao thì lẻn vào ban công khu dành riêng cho Tổng Thống và gia đình. Cận vệ duy nhất đã đi uống một ly ở quầy bar trong giờ nghỉ giữa vở kịch. Tay trái cầm dao ngắn, tay phải cầm khẩu súng ngắn Derringer, Booth bắn vào đầu Abraham Lincoln, viên đạn đi xuyên qua não và vào hố mắt phải. Anh ta đâm sĩ quan Rathbone cùng ngồi chung với Tổng Thống rồi trèo qua ban công tụt xuống sàn diễn, gãy chân trái khi giày vướng vào khăn màn trang trí. Dù vậy Booth vẫn chạy thoát sau khi hét lớn: “Sic semper tyrannis”. “Dành như thế cho bạo chúa.” Theo tiếng Latin. (Một vài nhân chứng lại nghe rằng: “Tôi đã làm được rồi! Miền Nam đã được trả thù.”) Tổng Thống Lincoln được mang vào nhà trọ ở kế cận rạp hát. Dáng ông cao gầy phải nằm vắt nghiêng trên chiếc giường sắt. Máu vẫn tuôn ra từ đầu và hơi thở yếu ớt. 7 giờ 22 phút sáng 15 tháng 4 năm 1865 ông mất ở tuổi 56. Trong túi áo choàng của ông có 2 đôi kính đeo, 1 con dao bỏ túi, khăn mùi-soa và 5 đồng đô la tiền miền Nam cùng 9 kẹp giấy.
12 ngày sau kỵ binh của liên quân bao vây một nông trại trồng thuốc lá ở Virginia, kết thúc cuộc truy tìm thủ phạm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ với 10 ngàn người tham gia. Booth không chịu đầu hàng như đồng bọn và bị bắn vào cổ sau khi chạy ra khỏi nông trại bị đốt cháy. Viên đạn làm tê liệt cơ thể và Booth yêu cầu được nâng hai tay của mình lên tận mắt, anh ta thì thào những lời cuối cùng: “Vô tích sự (bàn tay này)… Xin nói cho mẹ tôi rằng tôi chết cho tổ quốc.” Năm ấy Booth 26 tuổi.
Cũng trong thời gian ấy, linh cữu cố Tổng Thống Abraham Lincoln được đoàn tàu lửa đặc biệt chở về Springfield, Illinois từ Washington D.C. Hành trình tang lễ kéo dài 1,654 dặm hết 3 tuần lễ, băng qua 180 thành phố, qua 7 tiểu bang. Ở mỗi tiểu bang thi thể Abraham Lincoln được tẩm liệm và cử hành, hằng triệu người dân đến tiễn đưa vị Tổng Thống vĩ đại này. Tất nhiên có cả hàng ngàn người da đen được trả tự do và cả binh lính ở 2 miền Nam-Bắc, những người đã từng là cựu thù của nhau trên mảnh đất này ngày hôm qua. Xuất thân từ gia đình nghèo, tự học để trở thành luật sư sau đó lên làm Tổng Thống, Abraham Lincoln đã xóa bỏ được chế độ nô lệ, đó là nguyên nhân gây ra cuộc nội chiến. Ông thành công trong nỗ lực lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng hiến pháp, quân sự, và đạo đức. Chấm dứt cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ, duy trì chính quyền Liên bang, đồng thời chấm dứt chế độ nô lệ, và hiện đại hóa nền kinh tế, tài chính của đất nước.
3.5 triệu người tham gia nội chiến, 623 ngàn người chết (con số bằng tổng các cuộc chiến mà nước Mỹ tham gia cộng lại) trong số đó chỉ có hơn 30% là do súng đạn chiến trường, phần lớn thiệt mạng do nhiễm trùng và bệnh tật vì phương tiện y tế nghèo nàn thời ấy. Năm 1866 ngân sách của tiểu bang Mississippi phải dành hết 1/5 cho trang thiết bị chân tay giả của thương phế binh. Cô thư ký, giáo viên kiêm y tá Clara Barton, người được gọi là “thiên thần của cuộc nội chiến” đã dành hết thời gian trên các bãi chiến trường để chăm sóc cho các thương binh hai miền, sau chiến tranh bà đã tham gia chôn cất các tử sĩ và thành lập Hội Chữ Thập Đỏ. Vị Tổng Thống liên quân miền Nam Jefferson Davis thua chạy về phía Nam Texas và bị liên quân phía Bắc bắt giữ ngày 10 tháng 5, 1885. Ông được đưa về giam lỏng ở Virginia. Ông không bị truy tố tội phản quốc và ông cũng không muốn xin ân xá. Sau 2 năm ông được thả về nhà, sống với một quả phụ giàu có và dành thời gian viết cuốn hồi ký: “The rise and fall of the Confederate”. Ông chết ở tuổi 81, trong tim còn theo đuổi sự chính nghĩa cho riêng mình và quân đội miền Nam. Hiram Revels là Thượng nghị sĩ da đen đầu tiên vào ghế quốc hội thế chỗ của Jefferson Davis. Cựu phó Tổng thống miền Nam Alexander Stephens bị tù ngắn ngủi và được bầu vào ghế đại biểu quốc hội của Georgia như thể ông chưa bao giờ bị xem là người của phe chiến bại. Đại tướng kiêu hùng của miền Nam Robert E. Lee già cỗi và hao mòn sau cuộc chiến; hè 1865 một công ty bảo hiểm muốn trả ông 50 ngàn đô để mượn tên ông, ông từ chối, sau đó ông nhận lời làm hiệu trưởng cho trường Wasington College với mức lương 1,500 đô một năm, ông mất năm 1870. Riêng Đại tướng chiến thắng Ulysses Grant của liên quân miền Bắc thì những đức tính kiên nghị, quyết đoán, trong sạch và cứng nhắc cần thiết trong chiến tranh đã bỏ rơi vai trò chính trị của ông khi trở lại chính trường trong thời bình. Sau 2 nhiệm kỳ Tổng Thống thứ 18 của Mỹ ông rời Tòa Bạch Ốc sau những thất bại cải tổ kinh tế và những vụ tham nhũng tai tiếng trong nội các. Sau khi thất cử cho nhiệm kỳ thứ ba, Grant bị phá sản vì đầu tư thất bại và bị bệnh ung thư cổ họng. Ông dành thời gian cuối đời viết hồi ký. Sách nổi tiếng trong giới quân đội, sử gia và bình luận gia, bán ½ triệu bản hơn 1 tuần sau khi ông mất Tháng 7 năm 1885.
Ngày Chiến sĩ trận vong diễn ra vào ngày 5 tháng 5 năm 1868, ba năm sau cuộc nội chiến kết thúc. Ở các nghĩa trang, mộ của tử sĩ hai miền được chăm sóc và dâng hoa. Ở Gettysburg, Pennsylvania nhiều năm sau đó vẫn tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm, ở đó các cựu chiến binh với hai màu áo xanh và xám, của Yankees và Confederates đã gặp nhau hàn huyên chuyện cũ, mãi mãi không phai trong ký ức một thời huynh đệ tương tàn. Cuộc chiến đó không có kẻ thắng người thua, cuộc chiến đó chỉ gói trọn trong 2 chữ “tự do”. Vì sau cuộc chiến đó nước Mỹ trở nên một quốc gia duy nhất toàn vẹn, một Hiệp Chủng Quốc hùng mạnh nhất thế giới. Và cũng nhân bản nhất. Bởi sau cuộc chiến không có trại tập trung cải tạo, không có chế độ kỳ thị lý lịch, không có chiếm đoạt tài sản và không có sự thù hằn đố kỵ nhỏ nhoi ở cả hai phía thắng – bại.
SB