Menu Close

Iqbal Alimohamed – Ân nhân của thuyền nhân Việt Nam

Theo số liệu từ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (United Nations High Commissioner for Refugees – UNHCR), từ sau năm 1975 đã có khoảng 840 ngàn người tị nạn Việt Nam vượt thoát đến các trại tị nạn Đông Nam Á và Hồng Kông. Khoảng 100 ngàn người bị trả về Việt Nam vì đến sau ngày thông báo đóng cửa các trại và bị rớt thanh lọc, những người tị nạn còn lại đã được định cư sang Hoa Kỳ, Canada và khắp thế giới nhờ sự dàn xếp và giúp đỡ từ Cao Ủy cùng những người đại diện của tổ chức này. Trong một dịp tình cờ, tác giả Phạm Việt – một thụ nhân Viện Đại Học Đà Lạt đã gặp được ông Iqbal Alimohamed, là người đại diện cao cấp nhất của Cao Ủy tại khu vực Đông Nam Á, từng chịu trách nhiệm chính về các vấn đề thuyền nhân và người tị nạn Việt Nam lúc bấy giờ. Từ thủ phủ Ottawa của Canada, với bút hiệu Phạm Thiên Mạc, tác  giả đã gởi cho chuyên mục bài viết về cuộc gặp gỡ thú vị đầy bất ngờ này và chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến độc giả trên số báo 30 Tháng Tư năm nay. Bài viết do chuyên mục đặt tựa và sưu khảo thêm một số thông tin liên quan.

iqbal-alimohamed1

Từ ngày đứa cháu nội đích tôn chập chững biết đi, chiều nào tôi cũng bế “cu Zach” ra công viên bên cạnh hồ Dows Lake tập đi trên bãi cỏ. Cộng đồng người Việt Nam tại Ottawa gọi đây là hồ “Ðô”, phát âm theo lối nửa tiếng Việt, nửa tiếng Pháp. Bên cạnh hồ Ðô là vườn hoa uất kim hương nổi tiếng của thành phố mà mỗi bông hoa tullip hằng năm đều mang chút dấu ấn có nguồn gốc từ thời Đệ Nhị Thế Chiến. Năm 1945, công chúa Juliana của xứ Hòa Lan đã gởi tặng dân chúng Ottawa 100,000 búp hoa tullips để tỏ lòng tri ngộ với thành phố đã là nơi cho hoàng gia Hòa Lan tá túc khi lưu vong trong khoảng thời gian “Âu châu khói lửa” và cũng để ghi ơn quân đội Canada đã đóng góp trong việc giải phóng Hòa Lan khỏi tay của Ðức quốc xã.  Ðến nay, hàng năm hội hoa uất kim hương bên hồ Ðô vẫn là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng 300,000 bông hoa tullips đủ màu sắc.

iqbal-alimohamed2
Trại tị nạn Kai Tak, Hong Kong – nguồn flickr.com

Hôm đó, một ông già khác cũng dắt đứa cháu trai đi chơi lững thững trên cùng bãi cỏ. Ông già cũng là dân Á châu, da ngăm đen như người Ấn, người Hồi và nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Ông bảo đang sinh sống ở Thụy Sĩ nhưng sang Ottawa thăm gia đình con gái và nhất là đứa cháu ngoại. Khi biết tôi là người gốc Việt, ông già tỏ ra thích thú và giải thích rằng ông cũng là dân nhập tịch Canada, làm trong ngành ngoại giao và từng làm đại diện cho Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đặt văn phòng tại Mã Lai (Regional Representative of the United Nations High Commissioner for Refugees – UNHCR) và chính ông là người đã chịu trách nhiệm trực tiếp lo toan cho thuyền nhân Việt Nam lúc bấy giờ ở Ðông Nam Á. Là nhân viên cao cấp nhất của UNHCR có mặt ở hiện trường, ông là người trực tiếp liên lạc, thương lượng với chính phủ địa phương các quốc gia Ðông Nam Á, cũng như với Bộ Di Trú của các quốc gia Tây phương mà sẽ đón nhận những thuyền nhân Việt Nam và cho họ một quê hương mới. Nghe cách ông già nói rất bình thản về LHQ và vai trò của mình, tôi biết ngay là đang nghe một người có thẩm quyền và lòng nhân ái.

– Ông cũng là thuyền nhân lúc bấy giờ ? Ông già hỏi.

– Không, tôi cũng đi bằng tàu nhưng ngay năm 75, lúc đó chưa có danh từ “thuyền nhân”.

– Nếu vậy thì ông không có kinh nghiệm với địa danh lừng tiếng Pulau Bidong. Lúc đó hòn đảo một cây số vuông này không có đến cả những điều kiện căn bản thô sơ nhất, giếng nước cũng không đủ, chúng tôi phải thu xếp dùng tàu chở nước ngọt vào đảo cho thuyền nhân. Có hàng trăm thứ chuyện phải làm với số nhân viên ít ỏi, phải làm việc với nhiều cấp chính quyền và nhiều quốc gia khác nhau. Cái trớ trêu là tôi có nhiều quyền hạn nhưng lại ít phương tiện.

iqbal-alimohamed
Lấy nước tại trại Pulau Bidong

Ông bảo tôi, lúc đó quả thật rất khó khăn nhưng cuối cùng thì nó lại là trọng trách được hoàn tất trọn vẹn nhất trong sự nghiệp ngoại giao lâu năm của ông.

– À! Tên ông là gì ? Ông già chợt hỏi.

– Trong tiếng Việt, Việt Nam là hai từ rời nhau, chữ đầu tiên “Việt” là tên của tôi.

–  Ah! Có nghĩa gì không?

– Có! Việt Nam có thể được hiểu như là người tộc Việt (Thường) ở phương Nam của sông Dương Tử; thế nhưng cũng có thể hiểu “Việt” là một động từ, có nghĩa là tiến về phía trước, “go forward”, “Nam” là danh từ, có nghĩa là phương Nam (South). Có người hiểu từ kép Việt Nam như là một nhắc nhớ về sự di dân của tộc Việt về phương Nam, xa khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Hoa và lập thành quốc gia riêng, độc lập như ngày nay như vậy.

– Ha! Bây giờ tôi mới nghe nói.

– Thế còn, thưa ông già, dám hỏi ông “người đâu quê quán là chi?”

– Tên tôi là Iqbal Alimohamed, cũng người nhập tịch Canada như ông thôi. Vì công việc ngoại giao, tôi sống khắp thế giới. Tôi có ba con, con gái út hành nghề luật sư ở Ottawa này, con trai thứ là một cấp quản trị ngân hàng tại Vancouver và con trai lớn nhất của tôi…

iqbal-alimohamed4
Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễn tại trại tỵ nạn Galang

Ông già ngập ngừng, buồn bã, rồi tiếp:

– Khi đang sắp sửa hoàn tất luận án tiến sĩ Toán ở Đại Học Pennsylvania thì bị bắn chết bởi năm thiếu niên cướp cạn. Sau khi cướp một số tiền lẻ, chúng bắn chết con trai tôi không vì một lý do nào cả…

Tôi loạng choạng như người bước hụt. Câu chuyện lý thú đầy nhân ái của ông già đột nhiên chuyển một bước ngoặt vô cùng ảm đạm. Từ một con người cao cả giúp người tị nạn Việt Nam ở nơi khổ cực nhất, ông biến thành nạn nhân vô cớ ở một nơi sung sướng giàu sang nhất.

iqbal-alimohamed5
Thuyền nhân Việt Nam trên đất Malaysia – nguồn davidburnett.com

Như nhận ra được sự ngỡ ngàng của tôi, già Igbal nói lảng sang chuyện khác, hỏi tôi linh tinh về những chuyện thời sự Canada mà ông không còn nắm vững vì đi xa đã lâu.

Rồi cuối cùng tôi cũng phải từ biệt vì “baby Zach” đã đến giờ ăn tối. Tôi bắt tay già Igbal thật chặt hẹn dịp sau ông sang thăm cháu ngoại biết đâu sẽ gặp lại. Về đến nhà, tôi “google” ngay và tìm thấy những mẩu tin đúng y chang như những câu chuyện già Igbal đã kể cho tôi lúc chiều. Khi ấy, tôi mới chợt nhớ ra, hơi ân hận đã không nói đủ những lời cám ơn đến già Iqbal Alimohamed, thay mặt cho hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam đang sống hạnh phúc rải rác khắp nơi trên thế giới hiện nay.

PTM – Ottawa, Canada

Đôi Nét về Iqbal Alimohamed

iqbal-alimohamed3

Iqbal Alimohamed, người Canada gốc Pakistan và sống tại Geneva, Thụy Sĩ là một quản trị cấp cao của một số đại tập đoàn tài chính và ngân hàng, trước khi trở thành một Giám Đốc đặc trách vấn đề người tị nạn thuộc Cao Ủy Tị Nạn LHQ từ năm 1974-1992. Ông từng làm việc tại tổng hành dinh Cao Ủy tại Geneva và là đại diện khu vực của Cao Ủy đặt tại các quốc gia Malaysia, Nhật Bản, Úc Châu và Sudan. Ông cũng từng tham gia vào ủy ban cố vấn các vấn đề đối ngoại của Canada, và hiện nay vẫn còn tiếp tục viết báo về các vấn đề đối ngoại và di dân. Trước làn sóng ồ ạt của thuyền nhân Việt Nam vào thập niên 70-80, sang làm việc tại văn phòng Cao Ủy đặt tại Malaysia, là quốc gia tạm dung đón nhận đông đảo thuyền nhân Việt Nam nhất, với tổng cộng khoảng 255 ngàn thuyền nhân đã ở các trại tạm dung trong suốt thời gian các trại hoạt động, Iqbal Alimohamed là viên chức quyền hành và trực tiếp can dự việc dàn xếp, sắp đặt giúp đỡ cho các thuyền nhân Việt Nam tại các trại tị nạn, cũng như là người quyết định và chịu trách nhiệm chính trong việc giúp những thuyền nhân Việt Nam được định cư đến các quốc gia thứ ba. Có thể xem Iqbal Alimohamed là một trong nhiều ân nhân thầm lặng của những thuyền nhân Việt Nam ngày nào. Hồi tháng Ba năm nay, trong bài viết “Giải quyết vấn đề cơn khủng hoảng tị nạn tại Châu Âu” trên  tờ báo Counter Current nhằm bày tỏ việc ủng hộ sự giúp đỡ cho người tị nạn hiện nay, ông đã chứng minh việc thế giới giúp đỡ làn sóng người thuyền nhân Việt Nam từ cuối thập niên 70 là một thành công và quyết định đúng đắn, khi người tị nạn gốc Việt ngày nào đang góp phần vào việc xây dựng sự phồn thịnh cho các quốc gia đã cưu mang mình. Đinh Yên Thảo