Menu Close

Phỏng vấn 30 tháng 4

Cổ Ngư 

Sinh 1963 và định cư tại Pháp từ 1988, Cổ Ngư là bút hiệu của Nguyễn Linh Quang, đã viết nhiều ca khúc, thơ, truyện ngắn, tùy bút và dịch thuật. Trở về làm việc tại Sàigòn từ tháng 11-2004, Cổ Ngư đang sống hành trình quay về đất Mẹ. “Trung tính” là đặc điểm trong cách xây dựng nhân vật truyện ngắn của Cổ Ngư.

Co-Ngu
Cổ Ngư

 

Trần Vũ: Là một người làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc bên ngoài tổ quốc, anh nghĩ gì về dấu mốc 30-04-1975?

Cổ Ngư: “Ðại thắng mùa xuân” là cách nói, cách nhìn của những người Việt đã hoàn thành một nhiệm vụ lịch sử. “Tháng 4 đen” là sự thừa nhận của những người Việt không được phép chiến đấu, phải bất lực bó tay trước các âm mưu và tham vọng mang tính cách quốc tế. Và tiếp sau cái mốc lịch sử đó là những biến động dữ dội lên toàn dân, trong đó, có tôi.

 

Trần Vũ: Theo anh, một người trưởng thành trong Nam, chiến thắng quân sự này đem đến gì cho miền Nam?

Cổ Ngư: Năm 1975, tôi mới 12 tuổi. 30 năm sau, tôi vẫn còn nhớ rất rõ khoảng thời gian 1975-1980, với tất cả những đau buồn, lo âu, mất mát của một ký ức tuổi thơ: đại gia đình ly tán, tiểu gia đình ly tán, nguy cơ phải rời thành phố đi kinh tế mới, nhiều bữa cơm độn, không được vào đại học vì lý do lý lịch… Nhiều người Sài Gòn đã bỏ đi, rất nhiều người miền Nam đã bỏ đi trong giai đoạn này. Thuộc lòng nhiều bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nên đôi khi, tôi đã nghĩ vớ vẩn: thay vì hân hoan ‘Nối vòng tay lớn’, nếu biết trước những gì sẽ xảy ra sau ngày 30-04-1975 cho miền Nam, có thể Trịnh Công Sơn đã hát Gia tài của mẹ trên đài phát thanh để chào đón những người anh em miền Bắc. Chiến dịch mùa xuân 1975 của người Việt miền Bắc đã thống nhất đất nước, chấm dứt cuộc chiến tranh ý thức hệ – huynh đệ tương tàn hơn hai mươi năm, tạo điều kiện để Việt Nam không còn phải phí phạm xương máu, để toàn dân có thể dồn sức dồn chí vào việc kiến thiết và xây dựng lại cả hai miền từ những hoang tàn đổ nát. Ðáng tiếc, cơ hội ngàn năm một thuở ấy đã bị bỏ lỡ. Việt Nam 30 năm hậu chiến không thể nào so sánh được với một nước Nhật hay một nước Ðức bại trận đã gắng sức lột xác vươn mình, dù những thành quả về nhiều mặt những năm gần đây chứng tỏ: Việt Nam đang tìm cách vượt qua những chậm trễ của chính mình.

Như tôi đã nói ở trên, sau biến cố 30-04-75, rất nhiều người miền Nam đã rời bỏ quê hương, bằng đường biển, đường bộ, đường hàng không, để rồi phân tán ra khắp nơi trên thế giới. Ðó là một cái rủi, đồng thời cũng là một cái may cho họ. Dù phải trả một cái giá quá đắt, nhưng khoảng một triệu người Việt thế hệ đầu tiên và con cái họ, trong 30 năm, đã tạo được một vị thế kinh tế-chính trị-văn hoá-xã hội quan trọng trên những xứ sở tạm dung, nay đã trở thành tổ quốc thứ hai của họ. Ðó cũng chính là nguồn tiềm năng to lớn của dân tộc, đất nước Việt. Cũng cần nói thêm, Sài Gòn hôm nay thực sự là một thủ đô kinh tế của Việt Nam, khi so sánh với Hà Nội, thủ đô chính trị của cả nước.

 

Trần Vũ: Hôm nay, trở về Sài Gòn sống và làm việc, nơi anh đã tự nguyện ra đi năm 1988, tâm trạng anh ra sao? Và vì sao anh ra đi khi ấy?

Cổ Ngư: Từ 1988 đến nay, tôi đã có dịp quay về Việt Nam vài lần, nhưng đây là lần đầu tiên, sống và làm việc liên tiếp nhiều tháng tại Sài Gòn. Vì không hề có một sự ‘‘cắt đứt’’ với gia đình, bạn bè còn ở lại, nên chuyến ÐI này, thực sự là một cuộc TRỞ VỀ (không biết tôi đang dùng ý, dùng từ của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn hay Du Tử Lê đây?) Trong chuyến đi trước, tôi đã có dịp ghi lại một phần tâm trạng của mình trong truyện ngắn ‘‘Trưa nắng rực’’: người ở lại và người ra đi, theo thời gian, đều thay đổi và biến thiên theo hai nhánh của một parabol, có nghĩa là càng lúc càng xa cách, càng trở nên khó hiểu đối với nhau, dù đó chính là người thân, bạn bè cũ. Rất nhiều “Việt kiều”, sau vài tuần lễ về thăm xứ sở, mang tâm trạng của một kẻ đứng bên lề, xa lạ và không hòa nhập được vào cuộc sống thường nhật của Việt Nam. Trong chuyến đi này, sau hơn ba tháng, tôi nghĩ mình đã bắt cùng được nhịp thở của người chung quanh, cùng lo nghĩ, «bức xúc» như họ trước các vấn đề của cuộc sống: chuyện giáo dục – y tế, ô nhiễm đô thị, tham ô, lãng phí, tệ nạn xã hội, Tiger Cup và Liên đoàn bóng đá Việt Nam, dịch cúm gia cầm, ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công và sát hại, vấn đề tôn giáo và đất đai của người Thượng Tây Nguyên… Tôi cũng hiểu được niềm hãnh diện và ước mơ của người bản địa khi cùng họ viếng thăm những khu đô thị mới, theo khá sát sự quy hoạch và thiết kế đô thị hiện đại, khi ghé vào những cao ốc vừa xây dựng xong, với đầy đủ siêu thị, văn phòng làm việc, nhà hàng, nơi giải trí… theo tiêu chuẩn quốc tế, khi bàn luận với họ về những công trình, kế hoạch của năm, mười năm sắp đến. Sau gần hai tháng sống ở Sài Gòn, gặp lại một thằng bạn thời trung học, nó vỗ vai tôi và nói: ‘‘Bây giờ tao mới thật sự nhận ra mày’’.

Năm 1988, Việt Nam bắt đầu dọ dẫm bước vào thời kỳ ‘‘mở cửa kinh tế’’. Gia đình tôi vẫn bị xếp vào loại ‘‘công dân hạng hai’’. Bố tôi đi học tập cải tạo về, được lưu dụng trong các bệnh viện, nhưng thỉnh thoảng vẫn phải ‘‘trình diện’’ tại Ủy ban nhân dân phường. Anh em tôi không có hy vọng vào đại học. Tuy vậy, khi cùng cả gia đình đi Pháp, tôi vẫn luôn mong muốn sẽ có dịp quay về làm việc ở Việt Nam, vì những biến động của một giai đoạn lịch sử rồi cũng qua đi, chỉ có người dân, đất nước là sẽ mãi trường tồn.

 

Trần Vũ: Xin anh giải thích rõ hơn: Vì sao gia đình anh di cư vào Nam năm 1954 rồi tiếp tục chối từ Thống Nhất năm 1975? Đã có bao giờ anh suy nghĩ về quyết định quan trọng này của song thân và anh đã đồng ý hay không với chọn lựa ấy?

Cổ Ngư: Năm 1954, mẹ tôi hãy còn ít tuổi và cùng toàn gia đình di cư vào Nam theo quyết định của ông ngoại. Bố tôi và các bác bên nội khi ấy đã là sinh viên, có người tham gia vào Ðội Quyết Tử của thanh niên Hà Nội khi quân Pháp tái chiếm thủ đô, đã sống nhiều năm trong vùng kháng chiến trước khi về thành rồi vào Nam. Việc đánh giá sự lựa chọn của họ đúng hay sai, hợp lý hay không, tùy vào hệ quy chiếu, vào quan điểm chính trị của người đứng từ bên ngoài nhìn vào. Nhưng, theo chỗ tôi được biết, cả bên nội lẫn bên ngoại, không ai tỏ ra tiếc nuối miền Bắc sau khi đã vào Nam sinh sống, nhất là khi họ nhận được những tin tức không mấy lạc quan của người thân, quen còn ở lại.

 

Từ trái: Thụy Khuê, Cổ Ngư (hàng trước), Hồng Minh, Trần Vũ (hàng sau) - nguồn phannguyenartist.blogspot.com
Từ trái: Thụy Khuê, Cổ Ngư (hàng trước), Hồng Minh, Trần Vũ (hàng sau) – nguồn phannguyenartist.blogspot.com

Trần Vũ: Là công dân Cộng Hòa Pháp, anh có sự so sánh nào giữa hai thể chế Cộng hòa và Xã hội chủ nghĩa?

Cổ Ngư: Tôi nhớ, có lần nghe bố nói: Pháp đúng là một nước Xã hội chủ nghĩa, an sinh xã hội tốt, người già, người bệnh, người nghèo được quan tâm đúng mức, trẻ em bắt buộc phải đến trường và việc học hoàn toàn miễn phí từ nhà trẻ đến cuối cấp đại học. Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay đã thực hiện được những điều nêu trên hay chưa? Cùng có chữ Cộng Hòa trong tên nước, nhưng thể chế của CHXHCNVN và Cộng Hòa Pháp khác nhau rất xa, cả về mặt tư pháp, lập pháp lẫn hành pháp. Việc người công dân tham gia ứng cử và bầu cử đã có từ lâu ở cả hai nước, nhưng việc họ có tin tưởng vào giá trị lá phiếu mình cầm trên tay hay không lại là chuyện khác.

 

Trần Vũ: Trong thơ, văn của anh, thân phận người Việt xa xứ hiện ra rõ nét với những hoài niệm về tuổi thơ, quá khứ. Phải chăng sống xa quê hương nên kỷ niệm có một chỗ đứng đặc biệt, không thôi ám ảnh?

Cổ Ngư: Ðối với tôi, ngày hôm qua, đã là kỷ niệm. Vì vậy, hoài tưởng về tuổi thơ, quê hương… chỉ chiếm một phần trong các chủ đề sáng tác. Những suy ngẫm nội tại, những rung động của bản thân về cuộc sống, thế giới bao quanh, có lẽ, được thể hiện rõ nét nhất qua các bài thơ. Ngược lại, nhân vật trong những truyện ngắn của tôi thuộc nhiều lứa tuổi, phái tính, quốc tịch, tầng lớp xã hội khác nhau. Một ông già bán tạp hóa người Maroc lưu lạc xứ người không thể có hành động và suy nghĩ như một sinh viên Việt ngoài ba mươi, sống xa quê hương. Có nhiều nhân vật được xây dựng một cách ‘trung tính’, người đọc, với khả năng tưởng tượng phong phú, có thể gán một cái ‘mác’ nào đó cho nhân vật: hoặc đàn ông, hoặc đàn bà, thậm chí, con mèo, con chó; hoặc chỉ đơn giản là người Việt Nam, hay phổ quát hơn, là công dân của địa cầu cuối thế kỷ hai mươi, đầu thế kỷ hai mươi mốt. Và tại sao một số người đọc cứ phải lấy tập quán, tính, thói của người Việt Nam ra làm tiêu chuẩn để đánh giá nhân vật, khi nhân vật ấy được người viết cố ý không cấp cho căn cước?

 

Trần Vũ: Thuộc thế hệ nhà văn khởi viết ở ngoài nước, sau thế hệ của Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác… và đặc biệt đang tiếp cận thực tế ngay tại Việt Nam, anh nhận xét gì về xã hội cùng lối sống của thanh niên bây giờ? Theo dõi văn học trong nước, anh thấy các tác phẩm đương thời đã phản ảnh được đời sống cùng tâm tư của giới trẻ?

Cổ Ngư: Sống ở Việt Nam đến năm hai mươi lăm tuổi, mười hai năm trước-75 và mười ba năm sau-75, tôi tự nghĩ mình đã có tạm đủ lưng vốn để suy xét về nhiều vấn đề, mà không ngả theo ảnh hưởng của phe này hay nhóm nọ. Thêm mười lăm năm thực sự trưởng thành trên đất Pháp, nơi quyền tự do tư tưởng được tuyệt đối tôn trọng, tôi hiểu mình hơn trong việc đi tìm sự thăng bằng cho cuộc sống… Qua nhận xét chủ quan của tôi, những người trong lứa tuổi 30-40 tại Việt Nam muốn nói, muốn viết về những điều họ cảm nhận trực tiếp được từ cuộc sống hừng hực ở chung quanh, hay về những ám ảnh đè nặng muốn vượt qua, muốn xé toang, đập vụn, nhưng, họ lại không đại diện cho lớp thanh niên thành thị hiện nay, đang say đắm những ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc, Ðài Loan, Hương Cảng trong nhiều bộ phim truyền hình tình cảm lãng mạn ướt át kiểu Quỳnh Dao, hoặc đang mê mẩn với những ngôi sao ca nhạc quốc nội mang tên quốc ngoại, trình bày các ca khúc nghe-rồi-để-quên. Những con người sống bằng nội tâm bị nhận chìm mất tăm tích trong cơn sóng cuồng của chủ nghĩa thực dụng, chuộng bề ngoài hào nhoáng, hình thức và thời thượng. Các sáng tác hôi hổi tim óc của họ không được đón nhận một cách công bằng, hoặc vì trái với chính sách và chủ trương ‘mở cửa’, hoặc vì những suy tư và cảm xúc của họ cũng chẳng thích ứng được với thị hiếu của đám đông.

 

Trần Vũ: Đọc một số truyện dịch của anh, chẳng hạn Thống Muội của Florence Dugas, văn rất mạnh mẽ, bạo liệt, chuyện tình dục được phô bày trước thanh thiên bạch nhật với đầy rẫy ngôn từ như lằn roi quất. Gần đây, nhiều truyện ngắn Việt Nam và truyện dịch thế giới cũng mang xu hướng này. Có phải đang là một trào lưu? Được biết, ngoài Thống Muội của Florence Dugas, anh còn tham dự biên tập Búa Đe của Christine Falkenland, Cục Cưng Thượng Hải của Vệ Tuệ qua bản dịch của Mạch Nha, vì sao anh quyết định giới thiệu những tác phẩm văn chương khá táo bạo này với độc giả VN?

Cổ Ngư: Chuyện phòng the, hình như lúc nào cũng rất cũ và rất mới. Bài viết của tác giả Thế Uyên về vấn đề tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975 đã phần nào nói lên điều đó. Nhìn ra văn chương thế giới, từ Anais Nin của thập niên 30 thế kỷ trước, Sade thời Cách Mạng Pháp, Kim Bình Mai, Kama Sutra hoặc những bản viết, tranh, tượng còn sót lại của nền văn minh Hy Lạp-La Mã, mới thấy nhiều điều cấm kỵ của người Việt nói riêng và người ‘‘văn minh, hiện đại’’ toàn thế giới nói chung đã được miêu tả tỉ mỉ, sinh động từ cả ngàn năm nay: khổ dâm, bạo dâm, cuồng dâm, loạn ẩm, đồng tính, song tính, ấu dâm…, đó là không kể đến những ‘kỹ thuật phòng the’ mà mẹ truyền lại cho con gái, cha dạy bảo con trai từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, khi quyết định dịch các trích đoạn tác phẩm đã nêu, tôi và Mạch Nha không nghĩ đến ‘xu hướng’ hay ‘trào lưu’ gì cả, mà chỉ mong giới thiệu đến độc giả VN những phong cách viết của các ngòi bút trẻ ngoại quốc: Florence Dugas tại Pháp, Christine Falkenland ở Thụy Ðiển, Vệ Tuệ bên Hoa Lục. Họ có những điểm chung: phái nữ và viết mạnh tay về dục tính. Nhưng bên dưới những trang viết nóng bỏng, ngập ngụa xác thịt, lại là những thông điệp rất riêng tư, rất sâu sắc. Dugas với sự phân thân và nội soi thân xác, để người hành hạ rồi quay sang hành hạ người mình yêu, gắn liền những đớn đau thể xác với sự dằn vặt tinh thần. Falkenland xoáy vào nỗi cô đơn tột cùng của kẻ, vì không được hưởng tình mẫu tử, đành lang thang từ bờ này đến bến nọ để mong tìm hạnh phúc. Vệ Tuệ hiện thân là một thứ hồng-vệ-binh-đợt-sóng-mới, muốn đạp tung những rào cản gia đình, xích xiềng xã hội áp đặt lên tuổi trẻ Á châu từ 5000 năm nay để ảo tưởng hướng về một phương Tây tự do, hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa. Bên cạnh những tác giả vừa nêu, Mạch Nha cũng đã giới thiệu đến độc giả VN truyện ngắn phê phán xã hội ‘‘Paris-Alger, mạt rệp’’ qua ngòi bút trào lộng của nhà văn trẻ người Algérie: Mustapha Benfodil, và tôi đã dịch chương cuối cùng quyển hồi ký chiến tranh ‘‘Bão thép’’ của nhà văn Ðức Ernst Junger. Ðiều lạ lùng, là hình như hai bản dịch cuối lại không gây được chú ý và ít tạo tiếng vang bằng những bản dịch của Dugas, Falkenland và Vệ Tuệ, dù dịch giả giữ cùng một tinh thần làm việc và sự tôn trọng văn phong tác giả, không khí tác phẩm như nhau. Phải chăng tình yêu nam nữ – tinh thần hay xác thịt – lúc nào cũng gần gũi và mật thiết hơn những vấn đề khác của đời sống, như chiến tranh, hận thù và tệ nạn xã hội, chẳng hạn?

 

Trần Vũ: Xin cám ơn Cổ Ngư.

TV thực hiện