Menu Close

Tôi đi tìm tôi trên những dặm đường – Ngô Ngọc Linh

“Chỉ đến khi ngồi trên chuyến bay từ San Francisco đi Seoul, tôi mới trút đi phân nửa gánh nặng trong lòng. Còn lại là nỗi băn khoăn nhẹ do chưa hình dung thủ tục hải quan Hàn Quốc ra sao, có mất nhiều thì giờ không. Chuyến bay đáp xuống phi trường vào lúc 8 giờ tối, nhưng đó không phải điểm cuối cùng. Tôi mở ba lô, lấy ra tờ giấy in đọc lại lần nữa cho nhớ. “Ra khỏi phi trường, quẹo phải đến trạm xe buýt, đón xe đi thành phố Daejeon. Từ trạm xe buýt đến đấy mất khoảng ba tiếng. Xuống trạm, ghé vào bên trong gọi điện thoại số XXX sẽ có người ra đón.” Như vậy, nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, phải hơn 11 giờ đêm mới gặp được người của trung tâm ngoại ngữ Apollo, nơi tôi sẽ bắt đầu làm cô giáo dạy tiếng Anh cho đám học sinh nhỏ của xứ kim chi. Chợt nhớ tới hai cái vali to đùng nặng trĩu mà tôi phải chật vật xoay sở ở phi trường San Francisco chuyến đi Seoul, cảm thấy ngao ngán. “Không biết mình làm cách nào tha hai cái vali ra trạm xe buýt,” tôi thầm nghĩ và trách mình đã không nghe lời Ba, đem theo những thứ mà có thể mua sắm tại nơi mình đến.” [Trang 10]
Lời mở đầu của cô sinh viên Ngô Ngọc Linh vừa mới ra trường giới thiệu cuộc hành trình “Tôi Đi Tìm Tôi Trên Những Dặm Đường,” cho thấy cô đã lên đường bằng kinh nghiệm của một tâm hồn non trẻ, xem đời dễ như trở bàn tay. Để rồi sau đó tự đón nhận những tai họa cũng như những may mắn bất ngờ, trong thời gian ở Hán Thành, Nam Hàn. Cuộc đời là những chuyến đi. Ngô Ngọc Linh “Đến Nơi Xứ Xa,” cảm nhận “Đêm Đầu Hàn Quốc, Một Ngày Mới, Đó Là Daejeon…” Hay đóng vai “Cô Giáo Bất Đắc Dĩ,” và “Được Làm Cô Giáo Nhà Giàu,” để thấy bản thân vô cùng vui vẻ khi có ba điều bất ngờ trong một lần may mắn, cho dù cõi người ta thường nói “may mắn không đến ba lần.” [Trang 86]. Cô cũng tự suy nghĩ về giá trị và sự cần thiết của đồng tiền, bởi vì như người Mỹ đã nói: “Tiền chỉ là một mảnh giấy, nhưng nó có thể kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của bạn.” [Trang 87] Hay “như W. Somerset Mangham, nhà văn nổi tiếng người Pháp nói một câu rất hay: “Tiền là giác quan thứ sáu. Thiếu nó bạn không thể sử dụng năm giác quan kia.” [Trang 87]. Cho dẫu là như vậy, Ngô Ngọc Linh vẫn đặt vấn đề: “Có cần nhất thiết phải bỏ thời gian lao động cật lực để làm phồng cái túi của mình” hay không.

toi-di-tim-toi“Tôi Đi Tìm Tôi Trên Những Dặm Đường” như Nguyên Trang giới thiệu là “những cảm nhận suy nghĩ đơn giản của một cô gái bước chân ra trường không gặp thuận lợi. Nhưng cô đã vượt qua những trở ngại, bằng chính khả năng và niềm tin của mình để hoàn tất cuộc hành trình như mong muốn.” Chính Ngô Ngọc Linh cũng tự nhủ: Cô còn quá trẻ, vì thế không thể tích lũy những kinh nghiệm của quá khứ. Trong khi đó bạn hữu của cô cho rằng thời gian cô ở Nam Hàn thật “sai lầm phí phạm, trong khi những cơ hội tìm kiếm việc làm ở Mỹ không phải là không có” [Trang 205] Dù sao mặc lòng khi trở lại Hoa Kỳ, bỏ lại xứ Kim Chi, bỏ lại những lần “Đi Bụi Thái Lan [Trang 108]; Chơi Tết Đài Loan [Trang 100]. Lang Thang Chùa Tháp [Trang 115]…” Ngô Ngọc Linh khẳng định, cô thật đã “quay về điểm xuất phát, nhưng cũng là điểm trở về của người chiến thắng đơn độc, trong chặng đua vòng quanh thế giới. Đôi khi sống khác người chung quanh cũng là điều thú vị.” [Trang 206], Và cô bằng lòng trả giá khi đi tìm bản thân, đi tìm cuộc sống như ý nguyện.

Cùng với Ngô Ngọc Linh, chúng ta ngoảnh đầu nhìn lại, không phải để đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư, mà để cùng với tác giả cảm nhận một chút dư hương cay đắng ngọt bùi trong bút ký “Tôi Đi Tìm Tôi Trên Những Dặm Đường.” Quyển sách chỉ có 208 trang do Trẻ Magazine phát hành năm 2014, phản ánh cách sống, sự suy nghĩ độc lập, và khả năng giải quyết những vấn nạn của giới trẻ ngày nay.

HNP – 4:30am Chủ Nhật ngày 17 tháng 04 năm 2016