Menu Close

Tưởng vậy mà không phải vậy

Có những điều chúng ta đã học ở trường hồi còn rất nhỏ. Những điều chúng ta đọc thấy trong sách vở. Những điều chúng ta nghe và học hỏi từ người khác. Tất cả đều nằm trong “kho kiến thức”, được chúng ta cũng như nhiều người coi là những “chân lý”, ít khi thắc mắc. Thế nhưng, rồi đến một ngày, một số điều trong mớ kiến thức ấy không còn là những sự thật nữa, mà chỉ còn là những “huyền thoại”, những ngộ nhận. Chẳng hạn như:

Christopher Columbus (tiếng Việt phiên âm thành Kha Luân Bố) khám phá ra Mỹ Châu.

Trong 4 cuộc hải trình, một lần vào năm 1492 ông có đặt chân đến một số hòn đảo nay là vùng Bahamas, cũng như hòn đảo sau này được gọi là Hispaniola. Ông cũng còn thám hiểm các vùng duyên hải miền Trung và Nam Mỹ. Nhưng ông không hề đặt chân tới Bắc Mỹ, cũng không nghĩ mình đã tìm ra một lục địa mới. Dĩ nhiên vùng này lúc đó đã có những người da đỏ cư ngụ. Người ta cho rằng trước ông cả 500 năm, đã có nhà thám hiểm người Na Uy tên Leif Erikson đã tới được Canada. Trước đó nữa đã có những thủy thủ người xứ Phoenici vượt được Đại Tây Dương.

Leif Erikson

Ăn nhiều đường sẽ làm trẻ em hiếu động.

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng chỉ một lát bánh sinh nhật cũng đủ biến con em họ từ một thiên thần nhỏ dễ bảo thành đứa bé hiếu động, chạy nhảy khắp nhà và la hét om sòm. Nhưng một nghiên cứu thực hiện năm 1994 cho thấy ăn nhiều đường không ảnh hưởng đến hành vi hoặc khả năng nhận thức của trẻ em.

Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa ta nên cho trẻ em ăn mọi thức ăn ngọt nào chúng muốn, vì còn nhiều lý do để hạn chế bớt đường, mà sợ biến chúng thành đứa bé hảo ngọt chỉ là một lý do.

An-nhieu-Duong

Thời tiết lạnh làm ta bị cảm lạnh

Tại sao mùa đông được gọi là mùa cảm lạnh? Theo quan sát thông thường, người ta thấy rằng khi thời tiết bên ngoài trở lạnh, thì có nhiều người bị bệnh hơn. Nhưng điều này không ăn nhằm đến thời tiết bên ngoài gì hết, mà là do cách thức chúng ta sinh hoạt khi nhiệt độ xuống thấp. Các bác sĩ bảo: Khi thời tiết trở lạnh, chúng ta ai cũng ở trong nhà, trong không gian kín cửa cao tường. Chúng ta hít thở thứ không khí luân lưu tái đi tái lại (recycled) trong không gian tập trung nhiều virus hơn những tháng hè. Tình trạng khô, lạnh cũng làm cho virus dễ lây lan từ người này sang người khác.

Woman using tissue

Màu đỏ kích thích bò tót

Ngay từ đầu thế kỷ 18 những tay đấu bò người Tây Ban Nha đã bắt đầu sử dụng áo choàng màu đỏ (muleta). Kể từ đó, có huyền thoại cho rằng màu đỏ làm cho bò bị kích thích, nổi giận, xông vào người đấu.

Sau này người ta đã làm thử nghiệm với những hình nộm người đấu bò trong một đấu trường. Mỗi người nộm cầm một chiếc cờ khác màu nhau để xem màu nào làm cho bò chú ý nhất. Kết quả đều như nhau: bò không xông tới những người nộm cầm những lá cờ màu đỏ, màu xanh, màu trắng… khi những lá cờ này nằm im không động đậy. Nhưng phe phẩy lá cờ, bất kể màu nào, là bò xông tới.

Hóa ra bò chẳng ưa thích hoặc ghét màu nào cả, mà chúng chỉ bị kích động khi có vật nào phe phẩy, chuyển động nhất.

bull-fight

PN