Trong cuộc chiến tranh tự vệ của miền Nam Việt Nam, nhiều chiến sĩ VNCH đã nằm xuống vĩnh viễn, hầu hết đều là chiến sĩ vô danh, không được người đời biết đến. Một số tấm gương gọi là anh hùng đã được các nhạc sĩ viết thành ca khúc để vinh danh họ, không phải vì họ xuất sắc nổi trội hơn những người khác và đôi khi chỉ là những sự xúc cảm của riêng từng nghệ sĩ, qua tường thuật của truyền thông báo chí mà tình cờ họ đọc hay nghe được. Đó là trường hợp của Phạm Phú Quốc (Hùng Sử Ca một người mang tên Quốc- Phạm Duy) Trần Thế Vinh (Rừng lá thấp- Trần Thiện Thanh) Nguyễn Đình Bảo (Người ở lại Charlie- TTT) Nguyễn Văn Đương (Anh không chết đâu Anh! – TTT)
Theo con số của Tuần Báo Diều Hâu đưa ra năm 1971, trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào trận Hạ Lào, khoảng 2,000 quân nhân VNCH đã hy sinh. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã lấy cái chết của Đại uý Pháo Binh Nguyễn Văn Đương, thuộc Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mất năm 1971, viết thành ca khúc “Anh Không Chết Ðâu Anh,” trở thành bài hát quen thuộc của rất nhiều người. Ca khúc này nổi tiếng rất nhanh chóng, và cái chết của Đại Uý Pháo Binh Dù này trở thành huyền thoại, xem như là một biểu tượng của những anh hùng Hạ Lào đã hy sinh trở thành bất tử: “Anh không chết đâu Anh!”
Khi cả pháo đội của ông bị bao vây và pháo kích, đường tiếp viện bị cắt đứt, biết không thể thoát, Đại Uý Nguyễn Văn Đương, sau đó tuẫn tiết bằng khẩu súng tự bắn vào đầu.
Vài nét về Đại uý Nguyễn Văn Đương
Chúng tôi đã phỏng vấn Trung Tá Bùi Đức Lạc, sáng lập viên “Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam,” hiện ở San Jose, Bắc California, nguyên Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh Nhảy Dù (1971,) Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù (1971-1973,) một cấp chỉ huy trước đây của Đại Uý Nguyễn Văn Đương, đã cho biết một vài chi tiết về Đại Uý Đương như sau:

“Năm 1967 Pháo Đội C Nhảy Dù được thành lập, Nguyễn Văn Đương, từ Pháo Binh Dã Chiến về đáo nhậm đơn vị, anh được cử làm Sĩ Quan Liên Lạc của đơn vị cho Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù, do Trung Tá Đào Văn Hùng là Chiến Đoàn Trưởng đang hành quân tại Phú Thứ, Thừa Thiên.

Tháng 10-1968 ông Bùi Đức Lạc thành lập Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Nhảy Dù, Nguyễn Văn Đương là một trong số 17 sĩ quan đầu tiên về trình diện đơn vị.
Tháng 10 năm 1970, Nguyễn Văn Đương được bổ nhậm chức vụ Pháo Đội Trưởng Pháo Đội B3 Nhảy Dù, và được thăng cấp Đại Úy từ 1-11-1970.
Câu chuyện về hai bà quả phụ Nguyễn Văn Đương.
– Bà Nguyễn Thị Lệ.
Vào khoảng tháng 5-1971, trong khi chúng tôi đang làm việc tại Phòng Thông Tin Báo Chí, Cục Tâm Lý Chiến (cũng là Tòa soạn báo Diều Hâu) cùng trong khuôn viên với Đài Phát Thanh Quân Đội, nơi Nhạc Sĩ Trần Thiện Thanh làm việc. Nhiều hôm tôi thấy bà quả phụ Nguyễn Văn Đương, khăn tang, áo chế, dắt ba đứa con nhỏ vào đài phát thanh gặp Trần Thiện Thanh (thật ra TTT cũng chưa hề quen biết với Đại Uý Nguyễn Văn Đương) và bà quả phụ này nhiều khi ở lại đài phát thanh suốt ngày và được các nữ nhân viên của đài tiếp đón trò chuyện.

Qua sự tiếp xúc với phóng viên Phạm Huấn, bà quả phụ này tên Nguyễn Thị Lệ, (qua nhạc Trần Thiện Thanh đã tiểu thuyết hoá là “Cô nữ sinh hay buồn!” Lúc đó bà Lệ đã có hai con gái với Đại uý Đương, và hiện đang mang bầu đứa con thứ ba. Bà là một chủ tiệm may ở Saigon. Người con gái đầu tiên sinh năm 1966. Tuần báo Diều Hâu đã làm một số đặc biệt về “Chương trình Vành Khăn Sô,” trong số này có in hình ảnh của Đại Uý Đương, bà quả phụ Nguyễn Thị Lệ và ba đứa con nhỏ.
Một chương trình Đại Hội Nhạc Trẻ do Tuần báo Diều Hâu (Trung Tá Nguyễn Đạt Thịnh, Thiếu Tá Phạm Huấn và Thiếu Tá Hà Huyền Chi) khởi xướng, đã được khai diễn tại sân vận động Hoa Lư vào ngày 29 tháng 5 năm 1971, có sự tham dự của các ban và các nhạc sĩ nhạc trẻ như Jo Marcel, Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang và Kỳ Phát, để giúp các cô nhi, quả phụ Hạ Lào. Buổi đại nhạc hội có Phu nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chủ toạ. Sau Đại Nhạc Hội các bà quả phụ Hạ Lào, đã được bà Thiệu tiếp và bà đã can thiệp Toà Đô Chánh Saigon, cấp cho các bà quả phụ, mỗi người một căn trong khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật bấy giờ, nhưng tôi chỉ nhớ tên ba bà quả phụ Hạ Lào được cấp nhà là Quả Phụ Lê Huấn, Quả Phụ Hồ Trọng Tọa và bà quả phụ Nguyễn Văn Đương (nhũ danh Nguyễn Thị Lệ.)

Năm 2000, bà Nguyễn thị Lệ qua đời tại Cần thơ để lại ba cháu gái:
– Nguyễn Thị Thu Thảo, sinh năm 1969
– Nguyễn Thị Mai Trang, sinh năm 1970
– Nguyễn Thị Anh Thi, sinh năm 1971 sau khi Đại uý Đương mất ở Hạ Lào
Tất cả đều đã lập gia đình và sống ở Vĩnh Long (Thu Thảo) và Saigon.
Nhìn chung ba cháu gái con bà Nguyễn Thị Lệ đều có đời sống khó khăn, vì đều là những công nhân bình thường.
Qua cuộc nói chuyện bằng điện thoại của chúng tôi với cháu Mai Trang ở Quận 6 Saigon vào ngày 5/4/16, khi hỏi về bà Trần Thị Mai, cháu Trang xác nhận: Đó là “Má Lớn” của cháu.
Như vậy là Đại Uý Nguyễn Văn Đương có hai vợ.
Bà Trần Thị Mai là người lãnh tiền tử tuất và Bà Nguyễn Thị Lệ là người được Phu nhân Tổng Thống cấp nhà.
Theo thông tin của Trung Tá Bùi Đức Lạc bên Gia đình Mũ Đỏ VN, bắt đầu từ năm 1984, anh em có gửi quà về, nhưng chỉ có khả năng gửi quà 2 pounds cho mỗi gia đình Mũ Đỏ tại VN mà thôi. Quà này được gửi cho Bà Nguyễn Thị Lệ
Khoảng năm 2000, bà Lệ qua đời tại Cần Thơ để lại ba cháu gái, như chúng tôi đã tìm hiểu ở trên.
Cũng theo Trung Tá Bùi Đức Lạc hiện nay tại nhà cháu Thảo có bàn thờ của Ba Má cháu, cháu còn giữ giấy khai tử của Ba (Đương) cháu, giấy hôn thú, giấy khai sinh của các cháu.
– Bà Trần Thị Mai.
Ngày 18/3/16, phóng viên Việt Hùng của Người Việt ở Việt Nam đã đến thăm bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương, nhũ danh Trần Thị Mai, đang sinh sống tại Quận 11. Sài Gòn. Bà Mai đã 75 tuổi, hiện đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, bà bị mù một mắt do tai nạn nhà sập. Bà cũng nêu ý tưởng muốn đi Hạ Lào tìm xác chồng.

Bài báo này đã gây xúc động lớn trong cộng đồng người Việt ở Nam Cali, nhiều người đã tìm cách giúp đỡ cho bà Mai trực tiếp và đặc biệt, Thị trưởng thành phố Westminster, Tạ Đức Trí đã tổ chức gây quỹ cho bà Trần Thị Mai.Tính đến 12 giờ khuya tối Thứ Tư, 23 tháng 3-2016, số tiền gây quỹ cho bà quả phụ Nguyễn Văn Đương là $32,715.
Cũng qua cuộc điện đàm của người viết bài này cùng bà Trần Thị Mai trưa ngày
4/4/16, bà Mai cho biết bà kết hôn với ông Nguyễn Văn Đương lúc ông chưa vào quân đội, vào năm 1959, lúc đó ông mới 19 và bà mới 17 tuổi. Ông bà có tất cả 4 người con:
– Nguyễn Thế Sơn, sinh năm 1960 (đã mất)
– Nguyễn Thị Thu Hà, sinh năm 1962
– Nguyễn Việt Xa, sinh năm 1964
– Nguyễn Văn Sinh, sinh năm 1966 (đã mất)
Hiện nay bà Mai sống với con trai là Nguyễn Việt Xa, đang làm nghề xe ôm.
Hỏi về bà Nguyễn Thị Lệ, bà Trần Thị Mai cho biết, mãi cho đến khi Đại Uý Đương mất tích ở Hạ Lào, bà không hề biết bà Lệ là ai. Sau khi chồng mất, bà Lệ có đến thăm bà, lúc ấy đang mang thai đứa con gái út. Và sau khi cháu Anh Thi ra đời, bà Lệ có dẫn cháu về thăm Ông Bà Nội đang ở chung nhà với bà Mai.
Chuyện đi Hạ Lào tìm hài cốt của Đại uý Nguyễn Văn Đương
Theo bài báo của phóng viên Việt Hùng, bà Trần Thị Mai ngỏ ý muốn sang vùng Hạ Lào, để hỏi thăm tin tức về chồng bà: “Tôi biết là rất khó có thể tìm được xương cốt của ảnh, nhưng ít ra tôi có thể chứng kiến được vùng đất nơi anh ấy đã bỏ mạng. Từ ngày anh ấy mất cho đến giờ, tôi chưa một lần được sang vùng đất đó, vì nhiều lý do, trong đó vì không có kinh phí và người dẫn đường, cùng với những bộn bề của cuộc sống làm tôi vẫn chưa thực hiện được mong muốn của mình.”
Chính vì ý tưởng này cho nên nhiều người đã giúp đỡ bà, hy vọng để cho bà Mai có đủ kinh phí đi Hạ Lào.
Anh Nguyễn Việt Xa, hiện đang sống với mẹ, qua điện thoại đã cho tôi biết, có một người quen biết, nói rằng ông ta đã có thời gian ở bên Lào, có thể dẫn bà Mai đi tìm xác của Đại Uý Nguyễn Văn Đương (!)
Tôi đã hỏi ý kiến Trung Tá Bùi Đức Lạc, người đã tham gia cuộc hành quân Lam Sơn 719 về chuyện bà quả phụ Trần Thị Mai muốn đi Hạ Lào, câu trả lời tóm tắt của ông là: “Chuyện không tưởng!”
Nhà Văn Phan Nhật Nam, một sĩ quan Nhảy Dù cũng cho tôi biết:“Ngay đến sĩ quan tham mưu hành quân, đơn vị trưởng đơn vị tham chiến cũng không thể xác định tọa độ của các căn cứ ngày trước ở đâu chứ đừng nói một người nói là đã ở Lào (?)
Địa hình hoàn toàn thay đổi sau hơn 45 năm. Bất khả thi vì phải có một toán chuyên viên MIA mới có thể xác định tọa độ trên thực địa nơi nào có hài cốt, và phải có đủ chuyên môn kỹ thuật mới xác định xương cốt người chết là ai?
Nhà văn Phan Nhật Nam cũng giải thích thêm: “Tôi đã gặp gia đình anh Nguyễn Đình Bảo (Người ở lại Charlie,) ở Sài gòn (2007) và gia đình cũng không có ý đi kiếm hài cốt anh NĐB vì những lý do trên. Bà Mai cuối đời cần một số tài chánh để sinh sống mà thôi.
Cuối cùng giới cầm quyền CS, nhà nước Lào có cho phép không? Mỹ phải chi tốn cho Hà Nội bao nhiêu các toán MIA Mỹ mới vào Hạ Lào, VN tìm hài cốt lính Mỹ được.”
Nhân bài báo về bà quả phụ Nguyễn Văn Đương trên NB Người Việt, ý kiến của Trung Tá Bùi Đức Lạc, Gia Đình Mũ Đỏ, là ông rất hoan nghênh mọi nỗ lực giúp TPB, Cô Nhi, Quả Phụ, cũng như các gia đình khó khăn, bệnh hoạn, già yếu của những cựu quân nhân của QLVNCH. Nhân dịp này ông cũng kêu gọi xin giúp đỡ cho ba người con gái của Cố Đại uý Nguyễn Văn Đương, con bà Nguyễn Thị Lệ.
HP