“Nhìn Lại Sử Việt. Tự Chủ I: Từ Ngô Quyền Đến Thuộc Minh” là quyển thứ hai trong bộ sách “Nhìn Lại Sử Việt” gồm năm quyển sách biên khảo công phu về Lịch Sử Việt Nam của Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng. Quyển sách này viết về giai đoạn được xem là “kỷ nguyên rực rỡ của lịch sử dân tộc, vì nói đến Nhà Lý [1010-1225] và Nhà Trần [1225-1400] – hai triều đại lịch sử lớn của Việt Nam. Cho dẫu trong thời kỳ cuối Nhà Hồ bị thất bại vì cuộc xâm lược của Nhà Minh, Trung Quốc, thời gian gần 500 năm độc lập đã hun đúc cho dân ta một tinh thần đủ mạnh, để có thể sau này đánh đuổi được quân Minh về nước, dưới sự lãnh đạo bền gan và kiên trì của Lê Lợi và Nguyễn Trãi, mở đầu giai đoạn Tự Chủ II.” [Trang 7]
Tiến Sĩ Sử Học Lê Mạnh Hùng tốt nghiệp Viện Đại Học Luân Đôn, có bằng Cao Học Kỹ Sư MIT về ngành đóng tàu biển. Khi trở về Việt Nam, ông làm việc tại Bộ Kinh Tế, học chữ Hán trong thời gian bị đi học tập cải tạo. Ra hải ngoại, ông theo ngành truyền thông ở Úc, Anh Quốc, làm việc tại đài BBC, và tại Đài Á Châu Tự Do của truyền thông Hoa Kỳ. Hiện nay ông đã về hưu, dành toàn bộ thời gian vào việc viết sử.
Bằng lối văn giản dị trong sáng, Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng đã đưa ra nhiều bằng chứng khi nói về biên niên sử quốc gia, về cách xây dựng quy định pháp chế của các bậc minh vương xuất chúng như Lý Công Uẩn – người đã đưa ra quyết định dời kinh đô Việt Nam về Thăng Long, tức là Thành Phố Hà Nội bây giờ.
“Nhìn Lại Sử Việt. Tự Chủ I: Từ Ngô Quyền Đến Thuộc Minh” gồm 12 chương, bắt đầu từ Chương Một với “Nhà Ngô và Thập Nhị Sứ Quân Dương Tam Kha,” cho đến Chương 12 kết thúc bằng nhận định về “Văn Học Nghệ Thuật Thời Lý Trần, Những Bộ Sử Đầu Tiên. Sự Phát Triển Của Văn Học Chữ Nôm. Âm Nhạc-Nghệ Thuật Và Ca Kịch.” Cuối cùng là phần tài liệu tham khảo. Quyển sách dày 290 trang có 12 chương ghi lại từng bước vong thân thăng trầm trong lịch sử Việt Nam, để độc giả có thể hiểu “Nhà Ngô Và Loạn Thập Nhị Sứ Quân Dương Tam Kha” bắt đầu như thế nào.
Nhận định về sự tan rã của chính quyền trung ương, Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng viết: “Chế độ thị tộc nguyên thủy của Việt Nam dưới thời các Vua Hùng đã tàn lụi, sau cuộc chinh phục của Mã Viện. Thay vào đó là một chế độ môn phiệt, trong đó các thành phần quý tộc, hào gia bao gồm những thành phần quý tộc Lạc Việt cũ, và các quan lại hoặc những người ngụ cư Trung Quốc. Nhưng những thổ hào địa phương đó, mặc dầu có quyền thế và ảnh hưởng, không hoàn toàn phát triển được thành những thế lực phong kiến cát cứ như những lãnh địa phong kiến tại Châu Âu thời Trung Cổ, sau khi đế quốc La Mã bị sụp đổ vì họ còn bị ngăn chặn bởi chính quyền cai trị của các triều đình phương Bắc.” [Trang 21] Sự kiện này dẫn đến giai đoạn Nhà Lê suy vong, Thái Tử Long Việt cùng ba người em là Long Tích, Long Kính, Long Đĩnh tranh giành làm vua. “Thái Tử Long Việt mới lên ngôi ba ngày, bị em là Long Đĩnh cho người ám sát cướp ngôi.” [Trang 52] Từ đó mở ra trang sử kinh hoàng của triều đại Tiền Lê, vì Lê Long Đĩnh là kẻ tàn ác nhất trong số những người con của Lê Hoàn, tức là Vua Lê Đại Hành. Nhà Tiền Lê trước cuộc xâm lược của Nhà Tống và việc Lê Hoàn cướp ngôi Nhà Đinh, cho đến khi nhà Tiền Lê suy tàn là một giai đoạn đầy chinh chiến, vừa là cuộc nội chiến nồi da xáo thịt, vừa là cuộc chiến chống Chiêm Thành và mối quan hệ Việt-Tống sau khi cuộc xâm lược thất bại.
“Nhìn Lại Sử Việt. Tự Chủ I: Từ Ngô Quyền Đến Thuộc Minh,” do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ phát hành lần thứ hai vào năm 2011.
HNP – 5:15am Chủ Nhật ngày 24 tháng 04 năm 2016