Menu Close

Niềm vui, mạng ảo & tương quan xã hội

Gần đây, Tiến Sĩ John Robinson, giáo sư Xã Hội Học tại đại học Maryland, công bố kết quả của cuộc nghiên cứu do ông và các đồng nghiệp thực hiện. Bài biên khảo đăng trên tạp chí the Social Indicators Research.

Bài tường trình kết luận rằng những người (tự nhận là) vui vẻ tiêu xài rất nhiều thời giờ trong việc giao tiếp ngoài xã hội, như đi nhà thờ (chùa chiền, am miếu) và đọc sách báo. Họ hầu như không tiêu xài thời giờ vào việc xem truyền hình hay lượn sóng mạng ảo. Ngược lại những người tự nhận là “không vui vẻ” tiêu xài rất nhiều thời giờ vào việc xem truyền hình!

Hầu hết các cuộc nghiên cứu tìm hiểu về “hạnh phúc / vui vẻ” đều chú trọng đến những chi tiết như tuổi tác, giới tính và tình trạng hôn nhân, nhưng cuộc nghiên cứu của ông Robinson lại chú ý những hoạt động của những người tự nhận là vui vẻ. Cuộc nghiên cứu này dựa trên 1) các câu trả lời của 45 ngàn người Hoa Kỳ, thu góp trong thời gian 35 năm do các chuyên viên tại đại học Chicago đảm trách, và 2) sổ tay ghi chép sinh hoạt hàng ngày của những người tham gia.

niem-vui-mang-aoCác chuyên gia phân tích 8-10 hoạt động được ghi nhận nhiều nhất, và tìm kiếm xem mỗi hoạt động này có liên quan chi đến sự vui vẻ của chủ nhân không? Và ông Robinson nhận ra rằng hoạt động liên quan đến xã hội bên ngoài như đi nhà thờ, thăm viếng bạn bè liên hệ đến sự “vui vẻ”. Những người tự nhận là “không vui vẻ” tiêu xài rất ít thời giờ vào việc giao tiếp với thế giới bên ngoài. Họ dùng hầu hết mọi giây phút rảnh rang để xem truyền hình, một hoạt động được xem là “đơn lẻ”.

Tuy nhìn ra sự liên hệ kể trên, các chuyên gia cũng không thể xác định đâu là nguyên nhân đâu là kết quả: Người không vui vẻ nên họ xem TV ở nhà, không giao tiếp, hay việc xem TV khiến họ trở nên không vui vẻ? Ngược lại, những người vui vẻ nên đã dùng nhiều thời giờ giao tiếp nhiều với thế giới bên ngoài hay là giao tiếp đem lại sự vui vẻ?

Ngoài ra, việc dùng thời gian xem truyền hình là yếu tố chính để tiên lượng người ta có việc làm hay không. Những người không đi làm dùng rất nhiều thời giờ vào việc xem truyền hình.

Như thế, việc xem truyền hình dính dáng đến số thời gian rảnh rỗi? Nhiều thời giờ (không phải đi làm) thì xem TV nhiều hơn và cách tiêu xài thời giờ ảnh hưởng đến sự an vui của tâm hồn? Sự giao tiếp với thế giới bên ngoài ảnh hưởng đến sự an vui? Càng loay hoay một mình càng cô quạnh vì ta không thể chấp nhận người chung quanh hoặc vì người chung quanh không chấp nhận ta? TV là cách giải trí rẻ nhất và dễ dãi nhất trong các món giải trí? TV đã thế còn mạng ảo thì sao? Tiêu xài nhiều thời giờ trên mạng ảo có khiến ta cô quạnh như xem TV không?

Các câu hỏi kể trên dường như dính dáng đến những chi tiết trong một cuộc nghiên cứu khác. Cuộc nghiên cứu về những người trẻ tuổi năng động, tuổi mới lớn, dùng mạng ảo.

Theo cô Mizuko Ito, chuyên viên khảo cứu về truyền thông-mạng ảo (informatics) tại đại học California, Irvine, thì mạng ảo là môi trường truyền thông đắc lực của giới trẻ. Khác với người lớn, nhất là thế hệ 40+, trẻ mới lớn dùng mạng ảo để nói chuyện, gửi các thư riêng tín hiệu và chuyền tay các mẩu chuyện trong ngày. Ngoài giờ học hầu như đứa trẻ nào cũng muốn giữ liên lạc với bạn hữu qua các mẩu tin nhắn kia. Cách dùng mạng ảo của nhóm trẻ, ít ra là các phương tiện nhắn tin, gửi thư, khác xa với người lớn.

niem-vui-mang-ao1
nguồn socialmediaweek.org

Người lớn được định nghĩa là những người đã trưởng thành, 18 tuổi trở lên. Những người lớn phần đông dùng mạng ảo để đọc tin tức, tìm dữ kiện, và cả giao tiếp. Việc giao tiếp qua mạng ảo cho phép người tham dự tạo ra một hoặc nhiều hình ảnh cho riêng mình, và từ cảm giác được tấm áo (ảo) che kín nên người ta tự do hơn, nói huỵch toẹt những điều mình nghĩ, đôi khi sống sượng và trần trụi, ngay cả những điều mà thường ngày người ta không dám nói vì xấu hổ, vì sợ phản ứng không tốt đẹp từ kẻ chung quanh. Từ đó ta có những nhân vật lạ lẫm và người ảo!

Việc dùng mạng ảo để thay cho sự giao tiếp (thực) với xã hội chung quanh đưa đến một số vấn nạn khác. Trẻ em trở thành những con mồi ngon lành cho những kẻ tìm nạn nhân. Người lớn trở nên mê đắm trong thế giới ảo, đóng vai hoàng tử, công chúa, thái hậu… ngày đêm nên người ta nhập vai, thế giới ảo trở thành đời sống thật. Đây là trường hợp của những người cô đơn, không hòa nhập được với thế giới chung quanh, hoặc giả cái thế giới thật kia nhọc nhằn khổ ải quá nên sống với mộng an toàn hơn, dễ chịu hơn… Có những người bị chứng “ghiền” (addiction) mạng ảo, không có không được, và họ tiêu xài 10-12 tiếng một ngày trên mạng ảo! Tóm lại là ta có những đứa trẻ bị mẹ mìn mạng ảo dụ dỗ, ta có những người mắc bệnh hoang tưởng, và chứng ghiền. Những vấn nạn từ xã hội đến tâm thần kể trên xuất phát từ việc lạm dụng mạng ảo.

Mạng ảo là một môi trường truyền thông mới, được tận dụng bởi mọi kỹ nghệ để buôn bán, để quảng cáo, để giáo dục, để quảng bá tin tức, rao giảng… Tiện như thế và lợi như thế nên các chuyên gia về xã hội đành nhìn nhận rằng việc sử dụng mạng ảo là một điều tốt lắm, người ta có thể học hỏi, tìm tin tức, giao tiếp với thế giới bên ngoài nhanh chóng và tiện lợi, nhưng cái môi trường truyền thông kia là con dao hai lưỡi rất sắc. Việc dùng mạng ảo sẽ đem lại những vấn nạn khác nếu ta không biết cách sử dụng và để mạng ảo sử dụng ta. Sử dụng mạng ảo như thế nào là việc làm khôn ngoan? Dùng để tìm tin tức, dùng để gửi thư từ, và vô cùng cẩn thận với việc giao tiếp của mình qua mạng ảo. Đây là môi trường truyền thông, không phải là một thế giới thật, luôn giữ hai bàn chân mình đặt trên mặt đất với gia đình, thân nhân và công việc!

TLL