Menu Close

Bia rượu – chuyện phong lưu hay nỗi ô nhục

Thời trước năm 1975, tôi hành nghề báo chí, nên thường đi xuống các đơn vị quân đội, hay có khi ghé qua các xã ấp miền quê. Có một lần, một sĩ quan ở chi khu đưa tôi đến thăm sinh hoạt nghĩa quân của một xã, đang lúc các viên chức địa phương đang có một chầu nhậu lớn. Tôi được giới thiệu với mọi người trong chiếu rượu, và lẽ cố nhiên có người rót rượu ra ly mời tôi và vị sĩ quan đi cùng. Vì chưa bao giờ uống rượu, nên tôi lễ phép từ chối. Những người tại chỗ bất bình ào ào lên tiếng, la lớn: “Dzô đi!100%! Dzô đi!”

Tôi cầm ly lên nhấp một tí cho khỏi mất lòng, trong khi người bạn đi theo đã cạn hết ly cùng với những người xung quanh. Thế là, trong bọn có một người đứng lên, mặt y đã đỏ gay, tiến lại tôi sừng sộ, chụp lấy cổ áo tôi, có lẽ y có ý nghĩ là tôi khinh người, không chịu ngồi xuống nhậu với y. Nếu tôi có một phản ứng nhỏ nào trả lại, và không có người khác can gián anh chàng hung hăng, chắc chắn tôi sẽ mang đầu máu, chiếu rượu sẽ tan hàng.

Khi tôi đổi về nhận đơn vị mới, lính tráng dò la coi ông Đại Uý này có biết nhậu không. Không biết nhậu là không chịu chơi, khó chơi, cũng có nghĩa là khó tính. Ông sĩ quan tiền nhiệm, nhậu khá lắm, nhậu xong, nổi máu anh hùng, chĩa súng lên trời bắn mấy phát. Cái khó là phải chứng minh cho mọi người biết, và thay đổi quan niệm lạc hậu này, không biết nhậu, nhưng biết cư xử có tình có nghĩa, tan hàng cũng không bỏ anh em.

Người ta nói những bạn uống rượu với nhau, là bạn tri kỷ, nên sống có tình nghĩa với nhau. Tôi không hề tin chuyện đó.

Trong chiếu rượu người ta ôm vai bá cổ nhau, thề sống thề chết có nhau, gọi nhau là tri kỷ, vợ con, gia đình là đồ bỏ, “đi chỗ khác chơi.” Sáng mai lại, tỉnh rượu, nhìn nhau xem nhau như người không quen biết.

Cũng có lập luận rằng: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Trai nam nhi mà không rượu như ngọn cờ không có gió. Không biết đấng nam nhi ngày xưa, rượu chè ra sao mà tâng bốc mãnh lực của rượu lên đến thế?  Trong thơ văn cổ điển, lúc nào cũng thấy rượu, rượu thường đi với trăng, với hoa, với tuyết, nhưng đây là thứ rượu tao nhã, phong lưu: “Khi chén rượu, khi cuộc cờ, khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”.

Có chén rượu phạt, có chén rượu mừng gặp cố tri, có chén rượu chia tay, có chén rượu tiêu sầu. Không lẽ chén rượu dùng cho người bất đắc chí như Nguyễn Du, lấy rượu làm lẽ sống của cuộc đời: “Lúc sống không uống cạn bình rượu, chết rồi ai rưới rượu lên mồ cho?” (Sinh tiền bất tận tôn trung tửu- Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi?)

chuyen-phong-luu
“Văn hóa nhậu nhẹt”? – nguồn huynhthinga.com

Chén rượu cho tình bạn tri kỷ: “Mời anh cạn hết chén này, Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn. Tiếng gà đã rộn trong thôn, Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay.” (Lưu Trọng Lư).
Có đâu thứ rượu họp chợ, ồn ào như hôm nay.

Bây giờ cưới vợ cho con cũng nhậu, đám tang cha cũng nhậu, vui thì kéo nhau ra quán, buồn cũng mượn rượu làm khuây. Một mình buồn cũng nhậu, gặp anh em đông vui cũng uống.

Chuyện xưa kể rằng một con quỷ ép một chàng trai làm một trong ba điều: “Một là đốt nhà, hai là giết mẹ, ba là uống rượu.” Anh chàng thấy không thể đốt nhà mình ở một cách vô lý, giết mẹ theo đạo lý cũng bất khả thi, chỉ có điều anh cho dễ nhất là uống rượu. Men rượu làm cho anh chàng mất lý trí, hành động điên cuồng. Rượu say, bỏ bê công việc, bị mẹ la rầy, giết mẹ, rồi tức giận, cuồng trí, anh ta châm lửa đốt luôn ngôi nhà.

Đó là chuyện rượu ở Việt Nam bây giờ.

Đã có bao nhiêu vụ án mạng, giết mẹ, đâm cha xảy ra sau một chầu nhậu. Bạn nhậu  giết nhau là chuyện thường tình. Trong cơn say, cãi cọ, con rễ đâm chết cha vợ. Đang hứng nhậu với bạn bè, vợ đến chỗ gọi về nhà, mất mặt giết vợ. Vì vợ không đưa tiền đi uống rượu, gã chồng đốn mạt đã lấy búa đánh vợ đến chết. Lấy tiền đi nhậu, thấy thiếu 50,000 vì vợ giấu bớt để mua sách cho con, bị chồng đâm chết!

Khi say, nói những lời ân tình với nhau, đó là rượu nói chứ không phát xuất từ tấm lòng. Có khi tỉnh táo bất mãn nhưng không nói ra, khi rượu vào, mượn hơi rượu để chửi bới người khác.

Bây giờ không phải chỉ có rượu trắng, mà phải rượu ngâm mật rắn, mật gấu, rượu tắc kè, rượu bìm bịp, rượu cá ngựa, rượu bửa cũi, rượu nhân sâm, ngũ gia bì.. nhậu theo với thịt cầy, tiết canh chó, bào thai rắn. Càng kiếm ra các loại rượu và các món nhậu quái đản càng xứng danh với dân…chơi.

Tám ngày nghỉ Tết có bao nhiêu ngày nhậu? Chỉ từ ngày mồng Hai đến mồng Bốn Tết năm nay, cả nước đã có 13,695 trường hợp bị tai nạn giao thông phải cấp cứu tại các bệnh viện; 2,716 trường hợp đánh nhau phải nhập viện. Chỉ ở một Bệnh viện Việt Đức Hà Nội thôi, trong ba ngày Tết Bính Thân đã có hơn 200 trường hợp bị tai nạn xe cộ phải vào cấp cứu, trong đó, có tới 116 ca bị chấn thương sọ não vì va chạm hay té đầu xuống đường.

Hãng bia Heineken, Hòa Lan làm giàu ở Việt Nam. Ông Jean-Francois van Boxmeer, Tổng Giám Đốc Heineken, cho biết kết quả này vững mạnh, bất chấp thị trường tiền tệ khó khăn và bất ổn kinh tế. Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, tiêu thụ 3.4 tỉ lít bia trong năm 2015, đứng thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc và nằm trong top 25 của thế giới. Trong khi đó, dân số Việt Nam chỉ có 91 triệu, Nhật 127 triệu và Trung Quốc là 1.3 tỷ người. Quả là đẹp mặt!

Tự thú của bợm nhậu hiện nay ở Việt Nam là: quan hệ làm ăn, tiền bạc phải có từ bàn rượu. Đàn ông đến tuổi trưởng thành nên biết cách bầu bạn với rượu, có như vậy mới mở rộng được mối quan hệ, từ đó mới có tiền, có quyền. Với đàn ông, không biết uống rượu thì đừng mong tiến thân. Tất cả các mối quan hệ giữa nhân viên và thủ trưởng, công ty và đối tác làm ăn, công ty và khách hàng đều được xây dựng trên bàn nhậu. Càng biết uống, càng được lòng chủ, càng dễ thăng chức, càng được lòng đối tác, càng dễ ký hợp đồng.

Nhậu nhiều, nhậu giỏi như vậy, nhưng gần 16 lao động Việt mới có năng suất làm bằng một người Singapore. Nếu giữ tốc độ này, phải mất hơn 60 năm, Việt Nam mới đuổi kịp được Singapore. Tương tự, một người Hàn Quốc cũng có năng suất lao động bằng 7 người Việt cộng lại. Mức năng suất lao động của nước ta cũng bị Thái Lan, Philippines, Trung Quốc… bỏ xa.

Thanh niên, công chức, cán bộ, đảng viên Việt Nam buổi chiều tan sở không bao giờ đi thẳng về nhà như những con người của các quốc gia “lạc hậu” khác, mà lê la ở quán nhậu cho tới khuya mới về nhà. Không biết nhậu là “cù lần,” không ai thèm giao tiếp, nói chuyện làm ăn, một người tự cô lập, đào hố chôn mình.

Tôi không biết nhậu, tôi không phải là người của nước XHCN Việt Nam!

HP