Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối Tháng Tư là cả cái nước Việt này đều chìm đắm nặng nề. Tháng Tư của triệu người vui triệu người buồn. Bên cạnh pháo hoa là tang thương, oán thù. Bên cạnh lời phát biểu hùng hồn “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” là di ảnh, là nước mắt, là chia ly, là nỗi nhớ quê hương của người đi, là nỗi đau của người ở lại. Trái tim của những người trẻ như tôi, sống chưa đủ 41 năm kể từ Tháng Tư năm ấy, cũng hốt hoảng đập hoài những nhịp tang thương. Ông bà cha mẹ tôi, những người thuộc bên bỏ cuộc. Họ đã bỏ cuộc từ khi biết không thể trốn khỏi cái định mệnh làm người Việt Nam này.
Tháng Tư năm nay, 2016, có lẽ là Tháng Tư buồn bã đau thương nhất của 41 cái Tháng Tư đã qua, một nỗi u uất trầm lặng đè lên tất cả, triệu người vui lẫn triệu người buồn đều phải khóc. Khóc trong đớn hèn và bất lực. Khóc rồi chết trong sự mù mờ, thiếu minh bạch. Đầu Tháng Tư mọi năm là ngày nói dối, nhưng không biết từ khi nào, dân Việt Nam ngừng tin mọi lời nói từ lãnh đạo nước mình, ai đó đi khắp Việt Nam mà chưa từng nghe:
– Hơi đâu tin mấy ổng!

Miền Tây khóc nấc. Ngập mặn. Hạn hán đốt cháy ruộng đồng, sông nước. Người người bỏ ruộng về phố làm thuê. Quan bảo: bà con cứ bình tĩnh.
Tây Nguyên khóc nấc. Khô hạn rừng và nương rẫy. Bô xít là gì, dân đâu có biết! Chim chết, rừng chết. Người người bỏ rừng về phố làm thuê. Quan bảo: bà con cứ bình tĩnh.
Miền Trung khóc nấc. Cá chết. Biển chết. Formosa, bản hợp đồng 70 năm là gì, dân đâu có biết! Những con người kiên trì bám biển, bị tàu Trung Quốc đánh phá cũng kiên trì ra khơi. Rồi một ngày chính họ, con cháu họ cũng nhập viện vì ăn cá. Họ sợ hãi đứng lên thì bị chính con em quê mình đàn áp. Họ cần câu trả lời thì nhận được: “Bà con cứ bình tĩnh, cá chết chắc chắn có nguyên nhân, không thể tự nhiên mà chết!” của Phó Tổng cục, cục Môi Trường Việt Nam. Người người sẽ bỏ biển về phố làm thuê.

Hà Nội, Sài Gòn khóc nấc. Mật độ dân số tăng cao, khủng hoảng kinh tế. Việc làm chỗ ở ngày càng chen chúc. Bên cạnh đó, hàng chục tấn cá biển chết được đưa vào đây làm mắm làm thức ăn gia súc. Cái xe đông lạnh không phải là cái cần xé của chị bán trái cây, cũng chả là thùng xốp của anh bán kem, vậy mà ngày ngày hàng chục tấn cá biển nhiễm độc vẫn bị phát hiện vào Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang… Các cơ quan chức năng đã làm gì và đang ở đâu?
Không khí Hà Nội nhiễm thủy ngân, không khí Sài Gòn nhiễm chì. Con nít người già, cả những lao động bán sức khỏe rẻ mạt giữa các công trường nghìn tỷ, họ có biết báo mạng là gì đâu! Công nhân nhập viện vì ngộ độc thực phẩm, nhân dân lần lượt chết vì ung thư tai nạn. Dân tôi có biết pháo hoa đang bắn lên trời làm bằng cái gì đâu!
Một người bạn rất hiền của tôi cũng tức giận:
– Tao cho con ăn cũng áy náy lương tâm. Cứ nói, ngon lắm nè con ăn cho mau lớn, chứ có chắc đó là đồ tốt hay không đâu. Cái xã hội này, đếch biết tin ai, nghe ai hả Tũn? Đù má tội con tao, tội má tao. Họ biết gì đâu…

Lướt một dòng mạng, nước mắt tôi rớt không ngừng vì thương cho dân Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh… họ xuống đường đổ cá, hoang mang giữa trùng vây đàn áp. Họ tự lặn xuống biển tìm nguyên nhân cá chết bất chấp hiểm nguy. Họ ăn cá, họ nhập viện. Họ khóc thương cho định mệnh, họ gào:
“CHÚNG TAO SỐNG BẰNG GÌ?”
Câu hỏi trong clip ghi lại buổi biểu tình như con dao đâm vào tim tôi, tôi cũng đang tự hỏi bản thân. Mày ăn gì đây? Mày sống sao đây? Mày có sợ chết không?
Sáng, một ngày cuối Tháng Tư, tôi đi chợ, công việc của một cô gái xinh đẹp, dịu dàng, đảm đang phải làm để nuôi sống mình giữa các hàng quán không sạch sẽ hiện nay. Nhưng dường như mọi thứ đang dần đổi khác, không khí ngộp ngạt cũng bao trùm. Dân buôn ai cũng thở dài, những đôi mắt thâm quầng cáu kỉnh nhìn nhau. Những cái sạp trống trải, sạch sẽ nằm chỏng chơ, nín thở.

Xung quanh rần rần chuyện cá chết người bệnh. Không còn ai thèm quan tâm những vị khách lèo tèo, mạnh ai nấy bàn cách thay đổi kế mưu sinh. Vô công ty, làm osin, phụ hồ, về quê nuôi gà trồng cải… cũng có người rớt nước mắt âm thầm chậc lưỡi, rồi sau này, chợ để cho ai?
– Bán rau họ hỏi có thuốc không, bán thịt họ cũng hỏi có chất tạo nạc hay không, bán trứng họ cũng hỏi có tiêm thuốc hay không. Nghĩ bán cá chắc chắn không sao rồi, nay lại có tin cá nhiễm độc. Biết bán gì đây? Bán ế cũng không dám cho con cháu ăn. Nợ nần hụi hè đè chết hồi nào không hay!
Một chị hỏi tôi:
– Em có biết bây chừ nên bán gì cho thiên hạ không sợ giả, không sợ độc không em?
Tôi cũng chỉ biết chua xót hài hước:
– Hay bán thuốc trừ sâu đi chị, chắc không giả đâu!
– Sâu nào sống nổi hả em? Không khí cũng nhiễm độc cơ mà!

Chị bán cá cạnh bên ngồi “nhàn rỗi”, quay sang hỏi:
– Rứa rốt cuộc răng cá nó chết?
Chị bán rau nhanh nhảu:
– Nó chết do tắt thở chớ chi. Mi không lên Facebook à?
Nói tới Facebook, tôi nhớ một cô học trò lớp 11 chuyên văn của trường chuyên Hùng Vương- Gia Lai, quê Quảng Trị, có cái tên facebook nghe như con trai: Nguyễn Đức Hiền với những câu thơ rặt giọng quê làng, em đặt tựa là “KHÔNG TÊN”; dưng tui xin mạn phép em đặt cái tựa khác bằng chính cái câu hỏi vọng về quê nhà đầy âu lo thắc thỏm khắc khoải:
“Mệ ơi chừ ngoài miềng ăn chi mệ?”
Câu hỏi thảng thốt khi nghe tin cá biển chết ngập bờ, cá chết nhiều rứa thì mi hỏi han “chừ (bữa nay) ăn (bằng món) chi (à) mệ? “

o O o
Tháng Tư buồn cho cơn mưa đến chậm, không khí Sài Gòn ngộp ngạt xấp xỉ 40 độ. Dân đen còn bao nhiêu sức chống đỡ trước cường quyền, thiên nhiên? Báo vẫn đăng lịch và địa điểm bắn pháo hoa trong khi ngư dân bỏ biển, nông dân bỏ ruộng đồng, bà con dân tộc bỏ rừng, chim chết, cá chết, quốc tang trong lòng mỗi con người… Báo vẫn đăng khen ngợi chính phủ quyết liệt phản ứng kịp thời trước thông tin cá chết trong khi dân vẫn mập mờ, tê liệt.

Hỏi mới biết giá cá đồng hổm giờ được tăng gấp đôi gấp ba lần bình thường, món ăn dân dã nay chỉ có người giàu mới dám “rớ”. Coi lại túi tiền, tôi run run mua cho mình hai giỏ cá nục biển tươi rói như nụ cười người bán:
– Sáng giờ mới có em mở hàng đó nghen, cá này không phải cá Miền Trung vô đâu!
Cười đáp lại nhưng cũng bần thần tự hứa, nếu chết tôi sẽ xin đầu thai làm con vi rút, để được sống lâu hơn chờ một Tháng Tư cười! Đang định tự khen cái can đảm của mình thì giật mình khi nghe tiếp lời chị bán cá:
– Cá này kho cà cho chồng ăn là số dách đó nghen! Thách hắn cũng không mèo mỡ…
Ăn cá xong, vợ có thể mần một bài thơ: Con cá này ngộ quá phải không anh?!
DU