Menu Close

Mỗi năm một lần thương mẹ

Con bé em Sun ngủ say sưa ngon lành trong nôi, riêng một mình một phòng. Chiếc khăn mỏng đắp hờ lên thân người mũm mĩm ngắn ngủn, đôi má phinh phính hồng hào cử động theo cái miệng nhóp nhép. Thỉnh thoảng Hân liếc vào màn hình camera thăm chừng con, nó vẫn ngủ ngon, một giấc đến sáng, ngoan làm sao! Trong khi đó con chị đã năm tuổi nằm kế bên Hân, rấm rứt khóc. Tiếng khóc nghe như tiếng nhai đi nhai lại một lời ca nhàm chán của chiếc CD lỗi, khiến mòn mỏi sức chịu đựng người nghe. Không còn kiên nhẫn, Hân phát vào mông nó mấy cái, lập tức nó gào lên, Bin muốn bà ngoại, Bin muốn bà …ng…ọai…huhu…

Mỗi lần mẹ đi đâu bao nhiêu ngày, là bấy nhiêu ngày Hân chịu cực hình với nó. Cho nên họa hoằn lắm bà mới ra khỏi nhà một mình không đeo theo cháu. Bởi từ khi sinh Bin ra, Hân giao phó hoàn toàn cho mẹ. Chỉ có mẹ mới chịu được nó. Bin khó khăn từ nết ăn nết ngủ, đến tất cả mọi sinh hoạt bình thường của một đứa trẻ. Phần vì mới sinh đứa đầu lòng, chưa có kinh nghiệm nuôi con, phần ỷ lại vào mẹ, Hân “chuyển giao” hẳn bé Bin cho bà. Giờ nó không mảy may cần đến cô nữa. Ðến nỗi Hân ngờ rằng, nó không phải đứa con do cô sinh ra!

Ðây là lần đầu tiên Hân “cấp phép” cho mẹ du lịch một chuyến riêng với bố, nhân ngày “Morther’s Day”, coi như quà mừng lễ. Cũng bởi Hân nghĩ Bin đã năm tuổi, cô trông con một tuần chắc không có vấn đề gì. Nào ngờ nó mè nheo khóc lóc suốt ngày suốt đêm, ăn uống nôn ọe đổ tháo khắp người, cả giờ đồng hồ chưa xong một bữa!…Hân mệt mỏi với nó đến nỗi không còn sức đi làm. Nếu không phải mẹ đang đi cruise lênh đênh trên biển, Hân đã cấp bách “triệu hồi” mẹ về. Thật ra Hân miễn cưỡng để mẹ đi. Không vì ý nghĩa ngày lễ mỗi năm một lần và mẹ chỉ muốn “món quà” này mà thôi, thì cô đã không “nhận lại” con. Mà “nhờ” mẹ đeo nó cùng đi chơi luôn thể. Vài lần như vậy rồi, mẹ đi du lịch với bố lúc nào cũng phải tha lôi nó theo như con mọn của bà!…

Thắm Nguyễn
Thắm Nguyễn

Khi Hân mang thai Bin, mẹ về ở chung với vợ chồng cô để chăm sóc con gái sinh nở, đỡ đần trông cháu. Tưởng ở giúp con chừng một năm cho con cháu cứng cáp, sau đó Hân sẽ gởi con vào day care đi làm, cho bà về với ông. Nhưng tới nay Bin đã năm tuổi và có em, Hân vẫn không thể gởi nó đi day care được. Nó nhắm tịt mắt khóc từ lúc đưa vào đến lúc đón ra, không cho bảo mẫu có cơ hội “dụ” bằng những món đồ chơi hấp dẫn như những đứa trẻ khác, để quên cái “hoàn cảnh” làm nó khóc. Mẹ bảo nó làm nư thôi, mấy ngày rồi quen và nhà trẻ họ sẽ có cách. Nhưng xót con, nó khóc thế vài ngày thì còn gì là sức!? Hân không cam lòng nên chỉ muốn giữ bà ở lại trông cháu. Cô hờn dỗi nói lẫy, Hân biết mẹ không thương Hân và cháu ngoại, mẹ chỉ thương cháu nội thôi. Ðể Hân nghỉ việc ở nhà coi nó vậy, mẹ khỏi lo nữa! Mẹ thở dài, thôi để mẹ trông cháu chứ con đừng nghỉ làm, thời buổi này khó kiếm được việc tốt như thế. Nhưng chỉ tội nghiệp bố con, thui thủi một mình…

Ở với Hân mỗi tuần mẹ được “off” hai ngày. Thứ Bảy bố đến đón mẹ về “sum họp”, chiều Chủ Nhật qua. Nói là ngày nghỉ, nhưng tối Thứ Sáu chồng Hân sắp sẵn quần áo bé Bin vào túi xách cho mẹ đỡ “mất công” chuẩn bị. Nếu mẹ nhất định “trốn” không dắt Bin theo, thì hôm sau bầu đoàn thê tử Hân cũng kéo sang nhà mẹ. Và bé Bin nhất định đòi ngủ lại với bà… Thế là cái “job” này mẹ làm đủ giờ trong ngày, đủ ngày trong tuần, kể cả lúc cùng bố đi du lịch!…

Có hôm mẹ năn nỉ:

–  Tuần này để Bin ở nhà với con được không? Cho mẹ nghỉ ngơi một chút, mẹ đau nhức  hết cả mình mẩy tay chân …

Hân nhìn mẹ ngờ vực:

– Bây giờ có phải mùa đông đâu mà mẹ đau nhức? Với lại Bin lớn rồi mẹ có ẵm bồng gì đâu, mẹ chỉ trông nó cho Hân rảnh tay lo Sun thôi mà. Ở nhà nó khóc hoài làm sao Hân chống nổi?

Mẹ thở dài:

– Ðâu phải chỉ mùa đông mẹ mới đau. Mùa nào mẹ cũng đau như thế cả, từng đốt xương đau buốt nhức nhối cơ hồ sắp rụng! Bác sĩ bảo xương mẹ rỗng hệt xương của cụ già tám mươi, mỏng như một lớp băng trên mặt hồ vừa mới kết, chỉ khẽ va chạm là gãy vỡ ngay. Mẹ trông Bin cũng mệt lắm. Cho nên tiếng là mẹ về nhà nghỉ mà có được nghỉ đâu. Con thương mẹ đi!

Nghe mẹ than vãn, cô giận dỗi:

– Mẹ nói như là Hân đày mẹ lắm vậy. Thôi được rồi, để nó ở nhà với Hân.

Nói thế thôi, ở nhà Bin lè nhè khóc vài tiếng là vợ chồng con cái bồng bế nhau sang bà. Bổn cũ soạn lại!

Ðâu phải Hân không thương mẹ! Nhưng cô nghĩ đơn giản, trông coi đứa trẻ năm tuổi đâu có gì khó khăn vất vả. Bởi ở bên cạnh ngoại Bin không khóc quấy như ở nhà với cô. Hân vẫn ấm ức cho rằng mẹ không thương cô bằng anh Hai. Ngày anh đi lính về, không những mẹ trông coi ba đứa cháu nội cho anh với chị dâu đi học lại, còn giữ thêm “baby sít” mấy đứa trẻ nữa để anh chị có tiền trang trải cuộc sống. So với anh Hai, Hân đâu có nhiều “quyền lợi” gì được hưởng từ mẹ bằng anh?

Mẹ sinh được hai anh em. Từ thuở nhỏ Hân đã có “ý thức” tranh giành mẹ với anh. Khi Hân được ngồi trong lòng mẹ ấm cúng, anh Hai chỉ đứng phía sau rờ rẫm lưng bà, nhưng nếu cô biết được sẽ lập tức la khóc đuổi anh ra. Anh Hai lớn hơn chưa đầy hai tuổi đã biết nhường em, lủi thủi một góc nhìn về phía mẹ với ánh mắt khao khát thèm thuồng. Những lúc như vậy Hân đắc ý lắm, càng giữ chặt lấy mẹ…

Bây giờ bé Bin hệt tính nết Hân khi xưa. Nó giữ độc quyền bà ngoại, tuyệt đối không cho bà đụng đến em. Mỗi lần bà hôn hít nựng nịu em, nó nhanh như chớp nắm đầu giựt tóc con bé. Ngay từ khi mới sinh được vài ngày Sun đã nếm “đòn thù”, khi bà ngoại vô tư ẵm bé lên, lúc ấy cả nhà chưa ai biết nết ghen khốc liệt của Bin nên không đỡ kịp. Bây giờ mỗi lần bà muốn ẵm bồng nựng nịu em bé thì phải  thận trọng canh chừng con chị cẩn mật. Nhưng nếu Bin không đánh được em thì nó quay ra “tự xử” nó, như hóa rồ, đấm ngực bình bịch, cào cấu mặt mũi, giựt tóc giựt tai. Nó làm “tới” hơn Chí Phèo ăn vạ. Nó dùng “khổ nhục kế” độc chiếm bà ngoại!  Ngay cả Hân cũng không được đến gần mẹ. Muốn lại ôm mẹ chút, Hân phải phủ đầu nó…mẹ của mẹ mà, Bin không được giành. Ví nó như “đại Hoạn Thư” cũng không quá! Nhưng nó chỉ tuyệt đối ghen với bà, không màng cha mẹ!

May bé Sun dễ nuôi, dễ ăn dễ ngủ, lại…nhẫn nhịn chịu đựng, hệt tính anh Hai. Hai chị em Bin giống như tính cách hai anh em Hân tráo đổi vị trí cho nhau. Nhìn con như vậy, Hân nhận ra cái thói ghen tị tranh giành khó ưa vô cùng. Nhưng biết làm sao thay đổi!?

Bây giờ Hân mới biết mẹ trông con Bin vất vả cực nhọc lắm. Lúc này mẹ thêm bệnh mất ngủ, nhưng nào được yên tĩnh dỗ giấc ngủ ban đêm. Chập tối thì Bin chơi giỡn rần rần, tấm nệm trên giường nó coi như cái jump ngoài sân, nhảy tưng tưng liên hồi như trò chơi đó không thể nào ngưng. Mẹ hồi hộp lo sợ nó té ngã cũng khổ, hoặc nhào vào người mẹ thì mẹ gãy hết xương. Mãi mới dỗ dành được Bin ngủ. Lúc Bin ngủ, mẹ lại lo nó lăn lộn rớt xuống đất bởi ban ngày hiếu động, hoặc thấp thỏm đắp lại mền nó đạp ra. Chập chờn cả đêm. Cực nhọc thế khiến thần sắc bà ngày thêm sa sút!

Ðâu phải Hân không thương mẹ. Nhưng cô phải giành mẹ để người khác khỏi giành. “Người khác” đây là ông bà ngoại, mấy cậu mấy dì, anh Hai và…bố. Nhất là ông bà ngoại và anh chị em của mẹ, họ “đày” bà còn hơn cô nhiều lần.

Mẹ có cả thảy mười anh chị em. Hai gia đình hai cậu ở sát nhà ông bà ngoại. Nhưng việc lớn việc nhỏ gì ông bà cũng gọi mẹ, bởi chỉ có mẹ mới tận tâm, ân cần chu đáo. Cả hai ông bà ngoại đều khó tính trái nết. Mẹ điền giấy tờ đơn từ mãi mới xin được người đến giúp theo chương trình “home care”, nhưng ông bà nhất định không chịu cho ai vào nhà. Phần bởi tính ông nghi kỵ tất cả mọi người. Phần chỉ muốn chính tay con gái hầu hạ. Trong khi mẹ là người bị cả hai ông bà ghẻ lạnh nhất trong mười người con. Thậm chí bà ngoại còn không muốn mẹ lấy chồng để suốt đời ở nhà phục dịch gia đình. Trước khi gả mẹ cho Bố bà còn “mặc cả”, lấy chồng rồi mẹ vẫn phải ở nhà một năm trước khi theo Bố ở riêng. Những người con ông bà yêu quý nhất, chẳng ai ngó ngàng đến cha mẹ. Nếu không bận với Hân, mẹ cứ phải tất tả tới lui đường xa để dọn dẹp tắm giặt nấu nướng cho ông bà và những việc nhỏ nhặt khác, không đáng phải lặn lội đến! Các cậu dì ỷ lại vào chị vào em mình, không màng tới cha mẹ chung.

Không những ông bà ngoại, anh chị em của mẹ cũng luôn lạm dụng bà nhiều việc từ tinh thần đến vật chất!

Anh Hai đi lính được giải ngũ về, mẹ khuyến khích anh và chị dâu đi học lại mất mấy năm, tự nguyện ở trông giữ ba đứa cháu nội. Hân biết anh rất yêu quý cô, luôn nhường nhịn, bảo vệ em gái trong mọi tình huống. Như ngay trong hôm đám cưới cô, anh nói với em rể, đừng bao giờ để em tao rơi nước mắt, nếu không muốn cái này, anh giơ nắm đấm to tướng ra trước mặt chồng Hân răn đe… Biết anh thương mình là vậy, nhưng Hân vẫn ganh tị với anh! Thật ra, mẹ có trông ba đứa cháu nội và “baby sít” thêm vài đứa nữa cũng không mệt bằng trông coi một con bé Bin bây giờ. Vì con anh Hai được dạy dỗ rèn luyện bằng kỷ luật thép của nhà binh, rất ngoan ngoãn nề nếp. Mấy đứa trẻ ngoài khác cũng được mẹ khép vô kỷ luật. Và ngày ấy mẹ còn khỏe, chưa xuống sức vì nhiều bịnh tật như bây giờ.

Và người Hân ghét nhất là bố. Từ ngày còn nhỏ Hân đã hiểu được nỗi đau khổ của mẹ khi bị bố bạc đãi. Mà nào phải mẹ xấu xí hay dốt nát gì, ngược lại là khác. Mẹ đảm đang giỏi dắn từ việc kiếm tiền bên ngoài đến việc nhà, lại xinh tươi duyên dáng. Thế nên nhiều lần Hân nghe được những câu hỏi “vô duyên” của mấy cô bạn mẹ, sao anh ấy may mắn thế, lấy được chị. Còn chị nghĩ sao mà lấy anh ấy?…

Người ngoài thấy bố không xứng với mẹ, tưởng rằng bố phải rất yêu quý nâng niu vợ. Nhưng họ có biết đâu bố làm mẹ rơi nước mắt triền miên, bởi tật ham bạn bè cờ bạc, ham được nịnh nọt tâng bốc. Ai đưa bố lên mây xanh là ông rút hết ruột gan ra cho, không màng vợ con. Rồi cả ông bà nội và cô chú bên Việt Nam nữa, bố rộng tay phân phát. Trong bank của bố mẹ không bao giờ còn tiền bởi những “kẻ khó” bên nhà không ngừng kêu gọi “ hội từ thiện” làm việc mỗi định kỳ theo thông lệ, hoặc chưa tới kỳ nhưng xảy ra việc “đột xuất” cũng phải gởi tiền viện trợ. Ngày đại gia đình bên nội gần hai mươi người được bố bảo lãnh qua, có vài cô chú ở Việt Nam thời “bao cấp” mà lúc mới sang còn “ngon lành” hơn cả người “bảo trợ” xứ Mỹ. Bởi người nào siêng năng “kêu gọi” thì người nấy khá …

Có những đêm mẹ ôm Hân trong lòng khóc lặng lẽ, anh Hai đứng bên cầm khăn giấy lau những dòng nước mắt, ướt hết tấm này đến tấm khác. Cũng vì không muốn nhìn cảnh mẹ khóc hoài khiến anh mỏi tay lau, tới tuổi, anh bỏ học đăng lính!…

Không biết từ lúc nào, Hân “xí” luôn chỗ của bố, ngủ với mẹ cho đến tận ngày lấy chồng. Chỗ ngủ đó bố bỏ trống lâu bởi những đêm đi không về, nên mất “chủ quyền”.

Bây giờ, nếu không phải là ngày cuối tuần mà bố đến, Hân rất khó chịu. Cô nhấm nhẳn, Bố lại qua rủ mẹ đi hả? Hân không muốn đâu, Bố về đi. Mẹ trách, con đừng hỗn với Bố, lớn rồi, không thể muốn nói gì thì nói.

Dù Hân hay anh Hai nói nặng nói nhẹ gì, Bố cũng chỉ im lặng. Có lẽ Bố cảm thấy hối lỗi bởi thuở xưa xử tệ với vợ con, nên giờ lặng lẽ nhẫn nhịn, nhất là với hai đứa con. Cũng bởi có lời “dặn” của anh Hai, Bố đừng bao giờ làm mẹ khóc nữa, nếu thấy mẹ khóc, Bảo sẽ không lau nước mắt cho mẹ mà lau nước mắt cho Bố đấy.

Hân biết Bố đang thúc giục mẹ thu xếp việc con cháu để về nhà, vì Bố sắp hưu. Khi về hưu nếu cứ thui thủi một mình, những ngày tháng sẽ trở nên quạnh quẽ, thừa thãi. Bố còn “dụ”, sẽ đưa mẹ đi chu du đây đó, chiều theo ý mẹ tuyệt đối, bù đắp thuở xưa đã gây cho mẹ nhiều đau khổ. Thật ra mẹ chẳng bao giờ oán trách bố. Và lớn tuổi, bố đã thay đổi. Những ngày tháng sau này của mẹ có nhiều hạnh phúc, nhưng mẹ hy sinh chút hạnh phúc muộn màng cho con.

Hân lo lắng khi biết ý mẹ đã quyết. Mẹ nói, Bin lớn rồi phải đi học, Sun thì vào day care, sáng con đi làm muộn đủ thời giờ đưa hai đứa trẻ vào trường rồi đi làm. Chiều chồng con về sớm đón chúng, mọi việc rồi cũng ổn. Con phải tự sắp xếp cuộc sống, đâu thể dựa mãi vào mẹ. Mẹ hơn sáu mươi rồi, ở thời này tuổi đó chưa phải đã già nhưng mẹ nhiều bệnh tật, nếu cứ cố sức quá sẽ mau…quá cố đấy con ạ!

Mẹ nói gì thì nói, Hân vẫn khóc lóc, giận hờn, trách móc, quyết nài giữ mẹ ở lại bằng được. Phần muốn được mẹ đỡ đần. Phần sợ mẹ rảnh việc bên Hân, sẽ làm “công quả” cho bà con nội ngoại. Chẳng thà mẹ làm cho cô thì hơn.

Dùng đủ mọi chiêu trò vẫn không thuyết phục được mẹ! Cũng phải, hai anh em cô đã trưởng thành, có gia đình riêng. Mẹ còn có Bố, cô không thể cứ mãi chiếm đoạt cuộc đời riêng của mẹ…

Không được cách này Hân tính cách khác. Cô bàn với chồng lên kế hoạch bán căn nhà đang ở, chuyển qua mua gần nhà bố mẹ. Như thế Hân vẫn có thể giao con cho mẹ trông coi và nhờ bà nhiều việc khác. Cũng bởi Bin đeo dính bà ngoại quá, không có bà bên cạnh nó sẽ buồn rầu, rồi gầy gò ốm yếu, Hân sẽ mệt đừ vì nó. Hân cũng biết mẹ phải trông Bin sẽ cực nhọc lắm, lại bó chân bó tay không được hưởng thụ tuổi vàng cuối đời. Biết làm sao bây giờ? Ðâu phải Hân không thương mẹ! Nhưng nước mắt chảy xuôi, thương mẹ bao nhiêu cũng… không bằng thương con!

Thôi, thế này vậy. Mỗi năm cô sẽ “tặng” mẹ một ngày, hay một tuần, được hoàn toàn thảnh thơi thoải mái du lịch với Bố mà không phải “cõng” Bin theo. Bởi mẹ không thích bất cứ quà tặng nào khác. Chỉ món “quà” này với mẹ là đủ.

Mỗi năm tỏ lòng thương mẹ một lần, cũng đâu có tệ. Hân tự trấn an mình vậy!

HT TN – APR 2016