Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng, anh tiếc lắm thay…
(Ca dao)
Xuyến lúng túng bới lại mái tóc dài và dày mượt. Bữa nay mắc gì mà gió quá trời, khiến những sợi tóc tơ của Xuyến không thèm nằm theo khuôn phép trật tự gì hết. Chúng cứ chực xổ ra khỏi cái búi tóc lỏng lẻo có giắt hờ một cây bút chì HB màu xanh đậm in chữ vàng óng ánh. Cô xổ tóc ra để bới lại, nhưng càng cố gắng vấn gọn, thì những sợi tóc nghịch ngợm càng muốn trườn thoát những ngón tay của cô, nhảy múa trên vai trên lưng, ve vuốt gương mặt trái xoan trắng hồng dịu dàng. Xuyến không biết, động tác vuốt tóc, bới tóc của cô gợi cảm lạ lùng, nó làm người đối diện chỉ chực bước tới ôm cô vào lòng mà không muốn bỏ ra. Nhưng, người trước mặt Xuyến không dám làm gì hết, chỉ lặng nhìn cô. Cánh hoa trước mắt anh vẫn rất mong manh như cái hồi anh thấy nó chớm nở. Chỉ một động tác thô thiển nào đó, cánh hoa ấy sẽ rụng xuống và biến mất. Mà dường như cánh hoa ấy đã rụng rồi, rụng từ khi anh nhìn thấy cánh thiệp hồng báo tin lễ vu quy…
o O o
Xuyến là học trò của chị gái Hậu.
Nhà nghèo. Ba mẹ Xuyến chỉ sinh có hai anh em Xuyến, nhưng lại phải nuôi tới chín đứa con, trong đó có bảy đứa là con chú Út của Xuyến. Sinh xong đứa con út, đứa thứ bảy, thì thím Út bị sản hậu mà mất. Chú Út lăn lộn làm đủ nghề nuôi con. Đàn con gởi ở nhà ba mẹ Xuyến, nhờ ba mẹ Xuyến chăm giùm. Nhưng chỉ hai năm sau thì chú cũng mất vì đột quỵ. Mẹ Xuyến tất bật không hở tay với bầy trẻ con chín đứa. Xuyến tự dưng trở thành người phụ tá đắc lực cho mẹ. Bởi vậy, là gái út, nhưng Xuyến sớm có tố chất của một người mẹ. Tảo tần, chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Chị của Hậu, biết hoàn cảnh cô học trò nhỏ khó khăn, nhà có cái gì ăn chị cũng kêu Xuyến tới. Có cuốn sách nào hay cũng mang cho Xuyến, và luôn khuyến khích cô học trò bé nhỏ cố gắng vượt qua khó khăn. Trong những bữa cơm gia đình, chị hay nhắc tới Xuyến, không chỉ bày tỏ lòng thương cảm mà còn có ý nể phục ý chí và nghị lực của cô học trò nhà nghèo. Hậu nghe hoài, đâm tò mò. Nhiều lần thấy Xuyến tới nhà, anh lân la trò chuyện cùng cô khi thấy chị mình bận việc. Mỗi ngày biết thêm một chuyện, hiểu thêm một chút, anh thấy cảm mến, rồi đâm… thương nhớ. Biết chuyện, chị anh đe: “Để con người ta học nghe chưa cậu, bày đặt chọc nó, chết đòn à!”

Anh “tuân lệnh” bà chị khó tánh. Nhưng khi cô học trò cũ của chị mình bước qua tuổi mười tám, thỉnh thoảng tới thăm cô giáo nhân dịp này dịp nọ, thì anh… choáng. Xuyến đẹp quá. Vẻ đẹp không lộng lẫy, không son phấn, có phần già dặn hơn mấy bạn cùng lớp mà sao Hậu thấy mình bị hút hết hồn vía. Bữa nọ Xuyến qua thăm cô giáo. Trong khi chờ cô giáo đi công việc về, Xuyến ngồi đùng đưa trên xích đu ngoài sân. Hậu làm gan nói: “Xuyến à, hay là tụi mình… quen nhau đi hén! Sao anh thương Xuyến quá chừng hà…” Anh bất ngờ thấy Xuyến cười giòn giã, cái lúm đồng tiền tí xíu nơi khóe miệng sâu hút, dễ cưng chết được. Cười rồi Xuyến mới nói: “Em còn lo học hành anh ơi, chưa tính gì đâu.” “Thì anh chờ…” Hậu nói vậy. Xuyến chỉ nói có duyên sẽ gặp không thì thôi. Nhưng cũng từ đó, Hậu không rời mắt khỏi Xuyến một ngày. Hậu tự dặn lòng quyết không để cái lúm đồng tiền sâu hút ấy lọt vào tay ai, dù Xuyến không nói thêm lời nào về mối quan hệ của hai đứa, cũng không tỏ vẻ thân mật hơn hay lạnh lùng xa cách hơn.
Anh đi Sài Gòn học. Rồi đi du học ở một nước châu Âu. Công việc, học hành… cứ cuốn anh đi. Thỉnh thoảng, trong những lần về nhà, anh lại thấy cô bé mỏng manh mộc mạc như bông khoai lang sau nhà đó dường như “mỏng” hơn một chút. Anh tìm cách gửi cho cô, khi khúc vải may áo, khi món quà con gái mà anh nghĩ cô thích, cũng có khi là tiền. Thỉnh thoảng, Xuyến cũng thư từ, email cho anh. Xuyến vẫn vui vẻ lém lỉnh và “già” trong cách nghĩ. Anh cứ lái câu chuyện bè bạn về đề tài yêu đương nhưng thấy Xuyến tỏ ra không quan tâm, không hưởng ứng. Cứ đinh ninh cô học ra trường đi làm rồi mình tới nhà thưa chuyện cũng không muộn, ngờ đâu cái ngày anh về nước để tính chuyện hôn sự với cô, thì chỉ còn vài hôm nữa là đám cưới Xuyến. Chú rể là doanh nhân, làm ăn cũng đang hồi phát triển. Anh gửi cho cô một chiếc nhẫn thật đẹp, vốn được chuẩn bị sẵn, gọi là quà cưới. Xuyến tế nhị gửi trả, nói mình không dám nhận món quà đắt giá như vậy. Những người bạn truyền tai nhau, nói thằng chồng con Xuyến giàu dữ lắm. Nhờ nó mà cha mẹ Xuyến giờ chỉ ngồi chơi trồng bông tưới kiểng mà thôi.
Dù sao anh cũng ở xa… Ruộng nhất ở xa không bằng ruộng ba ở gần. Người xưa nói vậy. Nhưng chẳng lẽ Xuyến là người như vậy thật sao?
Không hiểu sao, nhìn gương mặt chồng Xuyến, anh có linh tính cuộc hôn nhân của Xuyến không hạnh phúc, mặc dù anh luôn thấy cô tỏ ra ngời ngời viên mãn, xuất hiện cùng chồng nơi nọ nơi kia. Những hình ảnh về vợ chồng cô rải rác trên các trang Facebook của bạn bè, người quen.
Hậu đi liên miên hết nơi này đến nơi kia, do yêu cầu công việc. Nhưng buông việc xuống, anh lại “bò” lên mạng để… quan sát Xuyến và những gì xảy ra quanh cô. Anh cũng không biết mình làm như vậy để làm gì, chỉ biết một vài ngày không có thông tin về Xuyến, anh thấy như mình chưa làm xong chuyện gì đó. Thằng bạn thân, làm nghề viết lách, lâu lâu gặp, cứ hễ ngồi với Hậu, tợp được hớp rượu vô miệng là ỏn ẻn nhái giọng con gái: “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay. Ba đồng một mớ trầu cay…”. Anh cũng tợp một hớp rồi cười trừ, lòng đắng nghét.
o O o
Rằm Tháng Chạp, Xuyến đã nghe Hòa nhắc, Tết này ông Hậu về đó. “Về rồi sao?” Cô bạn nhìn Xuyến: “Ai mà biết. Nhưng mà ổng có ý định gặp Xuyến đó.” “Lần nào ổng về mà không gặp tui? Lần này cũng vậy thôi…”
Xuyến trả lời bạn nghe mạnh dạn, nhưng trong lòng nghe rưng rưng.
Xuyến chỉ thấy cuộc hôn nhân của mình ổn được vài năm. Đó là Xuyến thấy thôi chứ những bạn bè thì cảm nhận có cái gì đó bất an trong cuộc sống của Xuyến. Chồng Xuyến giỏi. Biết kinh doanh. Biết lèo lái. Biết chộp đúng thời cơ. Cưng vợ số một. Nhưng chồng cưng Xuyến theo kiểu chó bông để tủ kính. Em cứ ở yên đó, không cần phải làm gì cả. Tối tối chồng về, Xuyến cứ nuột nà thơm phức, lo cơm nước cho chồng và thực hiện nghĩa vụ làm vợ. Sau đó phòng ai nấy ngủ (!) Chồng Xuyến nói thời bây giờ nên sống “theo khoa học”, vợ chồng không nên ngủ chung với nhau sẽ khó có giấc ngủ ngon, sẽ ảnh hưởng đến công việc. Chưa kể, chồng Xuyến mê phong thủy, hết lòng tin mấy ông thầy phong thủy nên thỉnh thoảng lại thay đổi, phòng chồng phải thế này, phòng vợ phải thế kia, giường ngủ của vợ chồng phải kê hướng này, màu này… Đó là những ngày chồng có ở nhà. Nhưng thường thì chồng Xuyến đi liên miên. Hỏi, chỉ nhận được một câu giống nhau: “Khi nào cần có vợ, vợ đi theo chơi thì biết. Khi nào không mang theo vợ thì đừng hỏi. Đàn ông có việc của đàn ông…”. Xuyến đắng miệng. Ba má nuôi ăn học tới chừng này, đâu phải chỉ về nhà chồng rồi hầu chồng, làm nô lệ cho chồng? Thậm chí cái phòng của chồng, Xuyến cũng không biết hết những gì trong đó, bởi năm khi mười họa Xuyến mới được vô đó mà làm cuộc vợ chồng. Xuyến cũng biết làm ra tiền, cũng biết tự lo cho mình và nhiều người khác, vậy thì tại sao phải cam tâm sống cuộc sống như vậy?
Lấy chồng được ba năm thì Xuyến ly hôn. Không con cái, nên chuyện chia tay cũng không có gì khó khăn. Chồng Xuyến nói cô bị… tâm thần mới đòi bỏ chồng, chấp nhận đi làm cô giáo dạy lương tháng không bằng tiền mua một cái thắt lưng của anh ta. Xuyến chỉ cười buồn nói mình không phải đồ chưng tủ, không giải thích gì thêm, cũng không đòi chồng phải chia tài sản. Cô nói mình có một mình, sống vậy đủ rồi.
o O o
Vậy mà bây giờ, tự nhiên Xuyến thấy lúng túng trước cái người hồi nào mình vẫn dửng dưng… Lúng túng tới mức bới hoài không xong cái đầu tóc. Anh vẫn ngồi đó, nhìn cô mà thấy lòng chợt tràn lên cảm giác yêu thương. Không biết chừng nào anh được ba má cô chấp thuận, nhưng cứ vầy là quá tốt rồi. Chuyện khác tính sau.
Có tiếng xe ngoài cửa. Cậu đưa thư vừa xịch xe vô cổng. Mé sau xe, hai giỏ cúc vàng lộng lẫy. Xuyến chưa kịp chào, thằng nhóc đã bô bô: “Trời ơi, cô Xuyến có người yêu mà giấu thiệt kỹ heng….”
CG