Dạo đến sống với chị Châu, đời Thư đã tàn lắm. Ngày xưa, Nhã Ca viết mấy câu thơ “Tôi bỏ nhà đi năm mười chín tuổi, đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông…” Thư đọc sao mà thấm thía. Làm như bà Nhã hiểu thấu tim gan Thư, lấy dao lam rọc da đầu, xát muối hột rồi vắt thêm chanh cho xót óc. Chỉ có hai câu thơ mà nghe ai oán, sầu não lạ lùng, nỗi buồn như thấm vào từng thớ thịt, ăn sâu nhức nhối âm thầm như có ngàn mũi kim châm từ cái tiếng chuông không ngớt đổ lạnh lẽo gióng từng hồi vào giữa đêm khuya sâu hun hút… Ðêm giông gió tuổi trẻ nằm đợi trước giờ vào đời.
Thư cũng bỏ nhà đi sớm, chín mười cuộc tình, mà mối tình nào cũng lươn lẹo. Tình mất tật mang. Thương thì nhiều, cho hết cả đời con gái mà lãi không bao nhiêu còn bị đàn ông sang tay như chuyền bóng. Hôm đeo cái túi Mỹ bước lên thang gác nhà chị Châu, Thư vô tình bắt gặp lại hai câu thơ của Nhã Ca, con Nhung đem chép ở đầu nằm. Chữ “chín” nó sửa thành chữ “bốn”, “Tôi bỏ nhà đi năm mười bốn tuổi…” Hóa ra con Nhung đi bụi còn sớm hơn Thư. Lúc Thư bước vô cửa, con Nhung đang nằm phơi cặp đùi con gái trắng tươi như hai cái đùi gà. Nó gác chân đong đưa vắt vẻo, vẻ bất cần nửa thách thức. Con Nhung trong mình cũng có máu tiểu thuyết, kiếm đâu ra mấy cuốn truyện thời “Ðổi mới” đang mê mẩn tu luyện. Trông thấy Thư nó không thèm chào, mà ném quyển “Thiên Sứ” xuống đất, còn khen: “Mẹ Hoài bươi chuyện hay ác! Ðọc chưa?” Thư biết con Nhung từ hồi nó còn loắt choắt, mới mấy năm mà bây giờ nó lớn bộn, trang điểm lòe loẹt, hai con mắt đánh xanh như trét mực, lại còn ăn nói bạo mồm bạo miệng giống đàn bà sẩy thai ba bốn bận, từng trải mấy đời chồng. Con Nhung không đếm xỉa gì đến Thư, ngồi dậy hướng mặt ra cửa sổ, dáng ngồi của nó không hiểu sao Thư lại thấy tiềm ẩn đầy vẻ thèm khát toát ra từ gương mặt, tỏa ra trong tia mắt dõi lung lên thành phố. Cặp mắt nó như hai ngọn đèn pha lục lọi một cái gì đó. Thư bất chợt nghĩ tới cái khung cửa trong “Thiên Sứ” con Nhung vừa nhắc “Một lỗ thủng hình chữ nhật, không hoa, không lá, mở thẳng vào tim con đường xô bồ náo nhiệt…” Mụ Hoài rành lắm, những lỗ thủng khát vọng trong đầu con gái.
Trưa nắng chói chang hắt vào khung cửa, nắng ập căn gác nhà chị Châu mà cũng ngập đắng lòng Thư. Không phải tâm hồn Thư đang ngập ánh nắng vui tươi mà ập sức nóng cay bỏng xót xa của một xứ sở miền nhiệt đới. Xứ mất Mười năm trồng cây, một trăm năm trồng người cho một lão già thiêu đốt…
Chị Châu ngó Thư lom lom dọ hỏi. Ánh mắt chị soi mói, nhưng Thư chỉ biết đứng xớ rớ câm như hến. Thư cúi mặt nhìn xuống sàn nhà, chỗ có mấy vệt ố loang lổ như đang nhìn ngắm chính những vệt ố của đời mình. Trước lúc lên đường, Thư đã định bụng kể những câu chuyện thật thương tâm, để xin chị Châu cho ở nhờ; mà cần gì bày đặt, chuyện đời Thư tự nó đã thương tâm lắm rồi. Vậy mà rốt cuộc lên đến nơi Thư lại không biết mở lời ra sao. Trời ơi, ra đời có mấy năm mà Thư tàn dại quá! Thân tàn đen đủi trong túi không có nổi một đồng bạc, gia đình không, nhà cửa không, bồ bịch cũng không… Cha mẹ nợ công, anh em ly tán, lý lịch bóng mờ, mái tôn hầm hơi, Thư nghe nhểu từng giọt mồ hôi ở trán mình lăn dài xuống cằm, từng giọt mồ hôi mặn ràn rụa như nước mắt của một đứa bé gái nhỏ khốn khổ nào đó đang vỡ òa khóc ngất trong lòng Thư.
Căn gác nhà chị Châu chứa hơi thở của ba người đàn bà bị đời “hấp diêm” nhưng vẫn còn muốn hào hển với cuộc đời. Muốn không hay chết quách đi cho rồi? Thư từng hỏi chính mình trăm bận, sống chi nữa khi ngày ngày xin cơm từ thiện đứng ngó thiên hạ chạy xe tay ga thèm thuồng rồi ước mơ bán chợ, có một sạp hàng mà không phải gánh cháo lòng bị xô đuổi cho sạch thành phố? Ði thủy lợi ba bận, thanh niên xung phong hai bận rồi về ngủ lê la trên vỉa hè đường Nơ Trang Long không có một tấc mơ hồng… “Thiên đường thật sự, là những thiên đường đánh mất.” Thư đọc đâu đó trong một quyển sách mà nhớ hoài câu văn của Proust. Tác giả “Ði tìm thời gian đánh mất” nhưng Thư có thời gian nào để mà tìm? Ừ, thì Thư cũng có đi học, mê đọc sách, cũng lãng mạn như triệu cô gái khác, nhưng là chuyện xưa tích cổ kiểu Huyền Trân công chúa gả bán cho Chế Mân trước khi “Ðổi Mới”. Giờ “Mới Ðổi” nhưng ai đã nghèo càng nghèo thêm, càng kinh khủng khi nghèo giữa những “núi tiền di động”. Giờ gì cũng di động, cả tấm màng trinh con gái cũng di động chờ “xử lý.”
Thư nhìn con Nhung với chị Châu lắng nghe Thư kể chuyện đời mình. Thư cố nuốt chi tiết vào bụng cho bớt ai oán. Mãi rồi không biết Thư nói năng cách nào mà chị Châu cũng hiểu, cũng thông cảm, thương tình cho ở nhờ, còn rủ Thư đi làm. “Dễ lắm em, không đòi bằng cấp cao, chỉ cần ráng xiu xíu…” Chị Châu chắc lưỡi. “Mỗi đêm em chịu khó cho tụi nó nắm tay nắm chưn chút đỉnh rồi có tiền xài.” Chị chép miệng. Gì chứ nắm tay nắm chưn thì Thư chịu liền, có mất gì đâu, tay chân vẫn còn nguyên mà. Nhưng Thư chưa kịp trả lời thì con Nhung nghe được đã nhảy xổ vào: “Chút đỉnh gì! Chị cứ nói trắng ra là đi bán bia tươi, vô ngồi cho tụi nó bốc hốt xào khô! Giấu chi mệt! Sao tui oải mấy người hay xài chữ nghĩa!” Con Nhung nhổ xoẹt bãi nước miếng qua cửa sổ rồi cong môi phun hơi ra chiều khinh bỉ cái cuộc đời hắc ám nó đang sống. Ánh mắt nó long lên khi chạm tấm biển ghi chữ “Tổ Văn Hóa Phòng Chống Sida” ven lề. Lối nói sống sượng bặm trợn thẳng thừng quá trớn, hận đời kiểu đàn bà đi nạo dạ con còn sót của nợ trong bụng của con Nhung làm chị Châu đâm ngượng, nhìn Thư ái ngại. Chị Châu sợ Thư bị chạm tự ái, đâm tủi phận. Nhưng Thư đâu còn là lá ngọc cành vàng, con nhà lành, tiểu thư khuê các, ái nữ của ba má chưa biết mùi đời, chưa nếm mùi đàn ông hôi nách nữa… Thư gật đầu, quả quyết nói cho chị Châu hay là mình nhận đi làm. Làm thuê, làm mướn, thứ chi Thư cũng làm, miễn không cần bằng cấp, ngày hai bữa cơm và có tiền tiêu chút đỉnh, phụ tiền trọ với chị Châu là Thư làm.
Chị Châu trợn mắt không tin. Ba lần bốn lượt bắt Thư thề thốt đủ điều, nào là sau này không được hối, cấm không được rủa chị, bởi chị không muốn ép uổng ai hết. Chị Châu nói chị sống xác phàm mà tâm Phật, ăn một hạt thóc thì nhả một bát cơm, uống một ve nước thì gánh trả một lu đầy. Chịu ơn ai sẽ để dạ nhớ đời, mai hậu đền đáp… Kiếp này loạn lạc chị tu không đặng, nhưng lúc nào cũng ăn ở hiền nhơn, đi làm gặp chuyện thì chớ có mà gieo tiếng ác cho chị. Chị Châu còn nói nhiều nữa, huyên thuyên đến nỗi Thư phải thề Thư mà trách chị điều chi, cho xe hàng mười tám bánh cán qua đầu ba má Thư, chị mới yên lòng. Nhưng chị cũng giẫy lên la: “Con quỷ! Thề chi mà dữ!” Con Nhung cười ngặt nghẽo: “Xe Sinh Café cán đủ rêm rồi! Xe máy lạnh chở Tây, cán sang hết chỗ nói!”
o O o
Bữa đó, Thư nhớ chị Châu dẫn Thư với con Nhung đi ăn thạch chè Hiển Khánh ở Ða-Kao, gọi là chiêu đãi Thư mới nhập bọn. Thư nuốt chưa trôi chén chè, con Nhung đã kêu qua ăn ở xe mấy chú ba mà nó gọi là “người Minh Hương.. đi lạc sang Giao Chỉ..” để phân biệt với Ba Tàu “cướp biển đảo.. trái phép”. Ðã cướp mà còn xin phép! Con Nhung cười mũi. Con Nhung hay hích hích mũi vì biết nó có cái mũi đẹp giống cô đào Angelina Jolie cua được anh chàng Brad Pitt điển trai. Con Nhung mê nhất phim “Hẹn với Joe Ðen”; trong phim Brad Pitt sắm vai thần chết yêu mê mẩn con gái tỷ phú Anthony Hopkins. Nó ước gì cũng được thần chết yêu say đắm rồi có búi tóc phơi cổ nhận lưỡi hái tử thần nó cũng ưng… Lâu lâu con Nhung hay bất chợt lãng mạn chết chóc mà mãi sau này Thư mới hiểu là nó rất khổ tâm. Khổ cho linh hồn và khổ cho thân xác của chính nó. Nhưng chiều đó, lúc mặt trời ngả nghiêng trước xe mì vẽ Quan Công đang rượt Lã Bố, con Nhung chẳng có vẻ gì là khốn khổ mà đầy thực tế. Nó phát ngôn là tới phiên nó đãi, một năm chỉ có một lần, không ăn chết xuống âm phủ sẽ táo bón mùi hoành thánh! Con Nhung phá lên cười khi thấy Thư tròn xoe mắt. Nó giải thích: “Không ăn làm sao rắm ra mùi hoành thánh!” Nó cười hăng hắc rũ rượi một lúc vẫn hãy còn ỏn ẻn ra chiều thích thú với câu pha trò “sắc nét” có một không hai trên cõi đời bi ai bi lụy này! Vừa nuốt cọng mì đang trôi lúng phúng trong miệng, nó vừa dặn Thư ăn nhiều nhiều vô, bởi đêm còn dài lắm. “Dài hơn đêm địa ngục không bao giờ sáng!” Nghe con Nhung đổi “đĩa”, ca cẩm “địa ngục tha nhân”, Thư hỏi nó có đọc “Ðêm dài một đời” của Lê Tất Ðiều chưa? Nên đọc cho bớt bi quan, có những người sinh ra mù lòa suốt cuộc đời không thấy màu xanh lam da trời. Nghe Thư nói, con Nhung lắc đầu, hất hàm: “Cần gì đọc! Ðang sống đó thôi!”
Về gác, chị Châu lựa quần áo đẹp cho Thư mặc. Chị lớn tuổi, thân thể đẩy đà, hông mập mạp nên Thư tròng mấy bộ áo lưới của chị đưa lỏng le. Ðồ khan hiếm vải của con Nhung thì lại chật quá! Gần tới giờ đi làm mà chưa đâu vào đâu, cả bọn đâm quýnh quáng, chị Châu phải tất bật gọi xe ôm đi thuê cho Thư cái sườn xám may bằng gấm Thượng Hải rẻ tiền. Áo sườn xám “made in Hồng Kông in bông Chợ Lớn” xẻ tới tận đùi non, có khoét lỗ tứ tung trước ngực sau lưng. Thư tròng cái sườn xám mà nhột nhạt quá chừng vì lần đầu tiên Thư bận hàng “thiếu đói” may bó giò lụa. Con Nhung đứng trước gương cứ ngó Thư cười cười, thỉnh thoảng lại nháy mắt, rồi đợi lúc chị Châu quay mặt đi mới rúc vô cổ Thư thủ thỉ: “Coi, bà cũng mát da mát thịt lắm chớ! Ðâu có thua gì con công chúa lọ lem với ba hạt dẻ!” Nó làm bộ đóng tuồng diễn viên Liên-Xô chu mỏ hát: “Nàng Vác-va-ra xinh đẹp của lòng ta… và của ông già Si-bê-ri đi chiến đấu! Hãy theo tiếng gọi của Páp-Lốp Pa-ven…” Hát chán nó chuyển sang ngâm: “Ôi Vác-va-ra! Nàng hãy từ hôn với Sô-Lô-Lốp-Kốp mà cùng ta lên vũ đài…” Ngâm rồi nó cười rả rích, lấy tay nhéo mình Thư làm Thư đau điếng. Mà Thư cũng phải công nhận là con Nhung biết chưng diện thiệt. Nó chơi váy gin có đính kim tuyến, tròng áo thun rộng cổ, hở vai, thắt lưng dây xích nhôm cuốn bốn vòng, tóc nhuộm đỏ chải rối phồng trông đẹp man rợ. Chị Châu có kể với Thư là con Nhung hái ra tiền lắm, mấy cha già dịch gốc Nghệ-An mê nó. Tháng nào cũng có mấy tay phó bí thư trốn vợ từ Thanh Hóa vô thành phố kiếm con Nhung xin nó làm vợ bé. Ban đầu con Nhung quơ tiền của mấy chả nhưng rồi sau bị hăm tạt a-xít, nó trốn biệt về tá túc nhà chị Châu.
Chị Châu ngắm nghía con Nhung với Thư hồi lâu, khen hai em của chị xinh lắm, rồi đặt tên
tiếp khách cho Thư là Nguyệt Cẩm Chướng, còn con Nhung giữ tên cũ là Dạ Cẩm Chướng. Những bông cẩm chướng dại chỉ nở về đêm, lúc trăng lên!
Trời xâm xẩm chạng vạng, chị Châu kêu xe chở cả ba xuống tiệm múa. Thấy Thư thắc mắc, con Nhung giải thích: “Múa cột chớ không có nhảy tango.” Chị Châu thấy con Nhung nói huỵch toẹt thì hơi hoảng, liếc xéo nó rồi nhắc: “Bổn phận của cưng là tiếp bia thôi, không phải múa, nhớ chưa.” Từ lúc Thư nhận lời đi làm, chị Châu gọi Thư bằng “cưng” ngọt xớt. Trước lúc đi, con Nhung bảo Thư: “Bà đừng bận áo lót chi cho mệt, vô trỏng rồi cũng bứt hết!” Chị Châu thì khuyên: “Gặp đứa táy máy thì chấn hai cùi chỏ trước ngực đỡ nghen!” Con Nhung nhiều kinh nghiệm, nhăn mũi: “Mới hôm đầu mà thủ quá, khách nó chạy mặt, bữa mơi ế độ, chủ nào dám mướn!” Thư nghe con Nhung nói cũng có lý, đành trấn an chị Châu: “Ðể em tùy cơ ứng biến.” Chị Châu nghe Thư đáp, chỉ biết lắc đầu thở dài: “Nghiệp tiếp viên đứa nào lanh thì sống, đứa nào dại thì tan nát đời hoa. Luật nhân quả lai báo lai, ác báo ác nhà Phật đó mà.” Con Nhung nghe chị Châu rên vọng cổ, cười đến chảy nước mắt. Bữa đó Thư cứ tưởng nó khóc thật. Xe taxi Mai Lĩnh chạy ra phía bến tàu, gió hắt bụi đường lúc Thư quay kính xuống, làm Thư bỗng thấy cay cay cồm cộm ở tròng mắt. Tự dưng Thư nhớ thuở nhỏ, khi còn bé xíu, ba má mình cũng hay đưa ra bến Bạch Ðằng hóng gió, đôi khi chiều chiều cả nhà ra đây dùng cơm ở hiệu Mỹ Cảnh. Tuổi nhỏ của Thư thật êm đềm. Dạo đó chiến tranh mà Thư lại thấy thanh bình, êm ả, còn giờ hòa bình rồi mà sao lòng Thư sôi bỏng ngổn ngang.
(còn tiếp)